Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngChuyên gia Nga: Mỹ khôi phục Hạm đội 2 vì 'không ngờ...

Chuyên gia Nga: Mỹ khôi phục Hạm đội 2 vì ‘không ngờ Nga sẽ lớn mạnh đến thế ở Bắc Cực’

Các chuyên gia dự đoán Đại Tây Dương và Bắc Cực sắp trở thành các điểm nóng mới sau khi Mỹ khôi phục Hạm đội 2 để đối trọng Nga.

Hạm đội phương Bắc của Nga. Ảnh: Sputnik.

Vì sao Mỹ quyết định khôi phục Hạm đội 2?

Theo RT, động thái khôi phục Hạm đội 2 của Mỹ sẽ có nguy cơ gây ra xung đột với Nga trong thời gian tới. Trước tuyên bố của Mỹ, nhiều chuyên gia cho rằng Moskva sẽ không quá lo lắng về điều này, bởi năng lực quân sự của Mỹ vẫn chưa thể đuổi kịp Nga tại Đại Tây Dương và Bắc Cực.

Phía Mỹ khẳng định họ không muốn gây chiến khi tái lập một hạm đội từng có hơn 100 tàu chiến vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, mà chỉ đơn thuần thiết lập một vật cản đối với các cường quốc nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Igor Korotchenko, tổng biên tập tạp chí National Defense, lại dự đoán động thái này sẽ làm leo thang căng thẳng trong mối quan hệ của hai nước Nga-Mỹ.

“[Điều này] cho thấy [nước Mỹ] đang trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và đối đầu với đối thủ trước đây của họ trên biển. Chuyện này sẽ chẳng có gì tốt đẹp, và sắp tới chúng ta sẽ thấy Mỹ bắt đầu hành động hiếu chiến hơn, đặc biệt là xung quanh khu vực Bắc Đại Tây Dương”, ông Korotchenko nhận định.

“Khu vực này sẽ trở thành điểm nóng do căng thẳng giữa hai nước [Nga-Mỹ] tăng nhiệt”, ông Korotchenko cũng nhấn mạnh rằng hạm đội phương Bắc của Nga là đội quân hùng mạnh nhất của nước này, tính đến thời điểm hiện tại.

Còn theo ông Aleksey Leonkov của tạp chí Homeland Arsenal, đây là động thái đáp trả của Mỹ trước sự tăng cường hiện diện của quân đội Nga trong khu vực này.

Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama trước đây đã đánh giá thấp quyết tâm biến Bắc Cực thành ‘sân sau’ hay ‘hành lang’ của Nga. Không chỉ có vị trí chiến lược, Bắc Cực còn có nguồn dầu khí lớn chưa được khai thác hết.

“NATO gần như không có lực lượng trong khu vực Bắc Đại Tây Dương, bởi họ không nghĩ rằng Nga sẽ phát triển hạm đội Bắc Cực và xây dựng hệ thống phòng thủ trên bờ.

Bên cạnh ý nghĩa chiến lược, Bắc Kinh còn có tiềm năng kinh tế lớn. Nhận thức được điều này, Lầu Năm Góc đã phản ứng bằng tuyên bố khôi phục Hạm đội 2″, ông Leonkov nhận định.

Đối với ông Viktor Litovkin, một nhà quan sát quân sự của hãng tin TASS, Moskva và Washington dường như đang tái định hình một ván cờ toàn cầu, trong đó đối thủ quan trọng hơn các địa điểm xung đột.

“Mỹ không bằng lòng khi Nga hiện diện quân sự ở Syria, nơi Mỹ đặt căn cứ hải quân Tartus, nên đây là lời đáp trả trực tiếp [của Washington] cho điều đó”, ông Litovkin nói.

Nga, Trung Quốc sẽ không ‘ngồi yên’ trước Mỹ

Các chuyên gia trên đều không đồng tình với quan điểm được chỉ huy của Hạm đội 2, Phó Đô đốc Woody Lewis, đưa ra trong buổi ra mắt Hạm đội này tuần trước tại Norfolk, bang Virginia.

Ông Lewis đã nói bóng gió về “những kẻ xấu” đang cố “viết lại trật tự thế giới”, và “đe dọa đến quyền tự do thiêng liêng của chúng ta”.

Về phát biểu của Phó Đô đốc Woody Lewis, chuyên gia Leonkov cho biết: “Chính Mỹ đã phá vỡ trật tự thế giới được lập ra từ sau Thế chiến II, khi sự ảnh hưởng được phân bổ theo từng khu vực. Chí ít thì trong những năm Khối Warsaw đối đầu với NATO, trật tự thế giới đã khá cân bằng.

Nhưng kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ đã vẽ lại bản đồ thế giới theo ý họ, củng cố quyền lực quân sự của họ bằng các căn cứ trên thế giới. Do đó việc các quan chức Mỹ chỉ trích nước khác phá luật là điều không đúng đắn”.

Ông Leonkov cho rằng chiến lược giành ưu thế trong cuộc đua mới của các cường quốc mà ông Trump tuyên bố hồi tháng 1 năm nay, sẽ phải nếm mùi thất bại trước những cường quốc khác.

“Mỹ chỉ là một quốc gia. Mỹ không thể ra lệnh cho nước khác. Và không chỉ Nga, mà Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ chịu để [tham vọng của Mỹ] chi phối”, ông Leonkov nói.

Nga sẽ an toàn nếu vẫn tiếp tục duy trì vị thế ngang hàng với Mỹ

Cả 3 chuyên gia trên đều tin rằng việc đối đầu trực diện hay phô trương sức mạnh sẽ chưa thể xảy ra ngay, nhất là khi cả Moskva và Washington đều không mong muốn một cuộc tranh chấp như vậy xảy ra.

“Nga không có tham vọng chiếm lãnh thổ, cũng không có kế hoạch tấn công [Mỹ]. Moskva chỉ muốn bảo vệ chủ quyền của nước này, và chống lại bất kì động thái nào được coi là xâm phạm đến lãnh thổ Nga”, chuyên gia Litovkin nói.

Còn theo chuyên gia Leonkov, dù Hạm đội 2 có thể được khôi phục với tốc độ nhanh chóng, nhưng sẽ phải mất nhiều năm để lực lượng này đi vào hoạt động hiệu quả.

Trong khi đó, ông Korotchenko cho rằng Mỹ sẽ không dễ dàng đạt được tham vọng của mình, bởi Nga sẽ tiếp tục phát triển những loại khí tài tối tân hơn. Nga sẽ an toàn nếu vẫn tiếp tục duy trì vị thế ngang hàng với Mỹ, ông này kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới