Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngTNS John McCain: Gọi TQ là "kẻ bắt nạt" và di sản...

TNS John McCain: Gọi TQ là “kẻ bắt nạt” và di sản cuối đời cứng rắn đến cùng với Bắc Kinh

Lập trường cứng rắn với Trung Quốc là điều mà Bắc Kinh lo ngại những di sản của thượng nghị sĩ John McCain sẽ lưu lại trong quan hệ Mỹ-Trung.

Thượng nghị sĩ John McCain (Ảnh: Reuters)

Ông John McCain qua đời ngày 25/8 vừa qua vì căn bệnh ung thư não, hưởng thọ 81 tuổi. Ông có sự nghiệp hơn 30 năm làm nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ, hai lần tranh cử tổng thống và là một chính khách được trọng vọng tại Mỹ.

Gọi Trung Quốc là “kẻ bắt nạt”

Trong dư luận Trung Quốc, thượng nghị sĩ McCain được biết đến là người có lập trường rất cứng rắn với Bắc Kinh, đồng thời tích cực ủng hộ Mỹ phát triển quan hệ với Đài Loan. Phát biểu tại Sydney, Australia vào tháng 5/2017, ông chỉ trích hành vi của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.

“Thách thức hiện nay là trong khi Trung Quốc ngày càng giàu có và hùng mạnh thì hành vi của họ ngày càng giống một kẻ bắt nạt,” tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông McCain. Cố thượng nghị sĩ Mỹ cũng kêu gọi tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn ở biển Đông, với sự tham gia của nhiều bên.

Ông John McCain ủng hộ mạnh mẽ chủ trương hải quân Mỹ tiến hành thường xuyên các chiến dịch tuần tra bảo đảm tự do hàng hải (FONOP), đặc biệt là chiến hạm Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp, cải tạo trái phép trên biển Đông.

Ông từng chỉ trích chính phủ Mỹ khi không triển khai nhiều cuộc tuần tra biển Đông hơn, và cho rằng chính quyền cựu tổng thống Barack Obama quyết định dời lịch hành trình tuần tra vào cuối năm 2015 là “vì né tránh rủi ro [trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016] mà trì hoãn hành động hết sức cần thiết để gìn giữ trật tự châu Á-Thái Bình Dương”.

Phản đối yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông

Dù ủng hộ các chiến dịch FONOP, thượng nghị sĩ McCain phản đối gọi những hành trình dạng này ở biển Đông là “lưu thông vô hại”. Vào năm 2015, khi Mỹ bắt đầu các cuộc tuần tra ở biển Đông, ông đã viết thư gửi Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter yêu cầu công bố chi tiết chuyến tuần tra của tàu khu trục tên lửa USS Lassen.

Ông McCain quan ngại, nếu báo cáo của Mỹ mô tả việc tàu Lassen đi qua phạm vi 12 hải lý của đá Subi – thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép – là “lưu thông vô hại”, thì điều này đồng nghĩa Mỹ thừa nhận yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh tại đây.

Trong thư, ông McCain viết “ý định pháp lý của Lầu Năm Góc đối với dạng hành động này (tuần tra biển Đông), cũng như cách mô tả tính chất của bất kỳ hành động tương tự nào trong tương lai, là hết sức quan trọng”.

Ông kêu gọi các nước châu Á ủng hộ lập trường của Mỹ rằng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 về vụ kiện biển Đông – trong đó bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” do Bắc Kinh đưa ra để áp đặt chủ quyền phi pháp trên biển Đông – là có tính ràng buộc pháp lý.

Trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ông John McCain từng phát biểu tại Tokyo năm 2013, tuyên bố lập trường của Quốc hội và chính phủ Mỹ là ủng hộ Nhật Bản. Ông gọi các tàu công vụ Trung Quốc tuần tra quanh quần đảo này là “xâm phạm chủ quyền Nhật Bản”.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa cũng là người công bố lá thư do các thành viên Ủy ban đối ngoại và Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ liên danh ký, ủng hộ chính phủ Mỹ đưa Senkaku/Điếu Ngư vào nghĩa vụ bảo vệ của Mỹ đối với Nhật được quy định trong Hiệp ước bảo đảm an ninh giữa hai nước.

Đạo luật cứng rắn nhất với Bắc Kinh

Đạo luật ủy quyền quốc phòng 2019 (NDAA), mà tổng thống Donald Trump ký thông qua trong tháng này, được đặt theo tên ông John McCain như một di sản “để đời” của chính trị gia gạo cội.

Đây là một trong số văn kiện lập pháp quan trọng nhất ở Mỹ trong vài chục năm qua thông qua các quy định liên quan tới vấn đề Đài Loan.

Dưới sự dẫn dắt của ông McCain, NDAA đưa vào nhiều điều khoản về hỗ trợ Đài Loan, bao gồm thúc đẩy bán vũ khí cho Đài Loan, quân đội Mỹ tập trận với Đài Loan, hay tăng cường cho các quan chức-tướng lĩnh Mỹ và Đài Loan giao lưu, trao đổi cấp cao theo Đạo luật lữ hành Đài Loan (Taiwan Travel Act).

Để xúc tiến NDAA, thượng nghị sĩ McCain nhiều lần liên danh trong các văn kiện gửi Nhà Trắng, trong đó có lá thư vào tháng 6/2017 do 8 thượng nghị sĩ liên danh ký, thúc giục các cơ quan chính phủ có hành động định kỳ để hỗ trợ khả năng phòng vệ của Đài Loan.

Từng gặp gỡ bà Thái Anh Văn tại Washington vào tháng 6/2015, ông McCain tiếp tục thực hiện chuyến thăm Đài Loan vào tháng 6/2016 – không lâu sau khi bà Thái đắc cử – và gặp lại nhà lãnh đạo này.

Bên cạnh lĩnh vực quốc phòng, ông cho rằng nước Mỹ còn cần củng cố liên hệ về kinh tế với đảo Đài Loan và tích cực thúc đẩy chính quyền Mỹ ký hiệp định tự do thương mại với Đài Loan.

Văn phòng lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 26/8 ra thông cáo bày tỏ thương tiếc trước sự ra đi của thượng nghị sĩ John McCain, đồng thời đại diện nhân dân Đài Loan tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với ông.

Quan hệ Mỹ-Trung với di sản của thế hệ McCain

Theo tờ Hoàn Cầu, lập trường cứng rắn với Trung Quốc – mà các chính khách thế hệ ông McCain là đại diện – đã nêu ra những nhân tố ảnh hưởng quan hệ hai nước: Khác biệt về ý thức hệ, hệ thống chính trị và tầm nhìn về mô hình kinh tế Trung Quốc.

Nhóm chính khách này coi Bắc Kinh là đối thủ của Mỹ trong các lĩnh vực trên, và do đó ủng hộ Mỹ gây sức ép mạnh lên Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hoàn Cầu khẳng định sức ép này không ngăn cản được Trung Quốc trỗi dậy. Theo tờ này, tư duy Chiến tranh Lạnh của các chính trị gia thế hệ McCain đã luôn ảnh hưởng lên quan hệ Mỹ-Trung kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

“Tư thế đối đầu có thể thay đổi hay không sẽ là chìa khóa quyết định liệu Mỹ và Trung Quốc có thể cùng tồn tại hòa bình hay không, và liệu hai nước có thể xây dựng lòng tin cùng quan hệ nước lớn kiểu mới hay không,” tờ báo Trung Quốc viết.

RELATED ARTICLES

Tin mới