Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad được cho là chắc chắn sẽ hủy bỏ các dự án hàng tỷ USD với Trung Quốc, nhưng vẫn tuyên bố “tạm hoãn” trước truyền thông để giữ thể diện cho Bắc Kinh.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Thủ tướng Mohamad hơn ai hết là người nắm rõ nhất số phận của dự án đường sắt ven biển phía Đông trị giá 20 tỷ USD và 2 đường ống dẫn khí đốt trị giá hơn 2,3 tỷ USD có vốn đầu tư từ Trung Quốc. Nhưng khi phát biểu trước truyền thông, ông vẫn khá mập mờ khi nói về tương lai của các dự án này.
Một số nguồn tin trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán về tương lai các dự án hàng tỷ USD với Trung Quốc khẳng định nhà lãnh đạo 93 tuổi chắc chắn sẽ hủy bỏ vĩnh viễn các dự án trên mặc dù trong nhiều tuyên bố đưa ra gần đây ông chỉ dùng từ “tạm hoãn”.
Trong khi đó, dự án đường sắt cao tốc nối Kuala Lumpur với Singapore sẽ bị trì hoãn trong 2 năm thay vì bị hủy bỏ như ông Mahathir đã tuyên bố.
“Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Azmin Ali hôm 29/8 đã tới Singapore để ký kết thỏa thuận hoãn lại dự án này”, nguồn tin trên nói với SCMP, đồng thời khẳng định Kuala Lumpur sẽ phải bồi thường một khoản khổng lồ nếu chấm dứt thỏa thuận với người hàng xóm.
Các dự án khác như Rừng Thành phố trị giá 100 tỷ USD và Malacca Gateway trải rộng 246 ha trên ba đảo của Malacca trị giá 10,5 tỷ USD sẽ vẫn được tiếp tục triển khai vì chúng liên quan tới các quỹ tư nhân chứ phải là các dự án liên chính phủ như đường sắt và đường ống dẫn khí.
Theo nguồn tin của SCMP, ông Mahathir dù đã quyết định hủy bỏ một số thỏa thuận với Trung Quốc nhưng không thẳng thừng công bố, một phần là để giữ thể diện cho Bắc Kinh trong bối cảnh nền kinh tế thứ 2 trên thế giới đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích liên quan tới sáng kiến “Vành đai và con đường” vốn bị cáo buộc dựa trên chính sách ”ngoại giao bẫy nợ”.
Theo SCMP, Bắc Kinh sẵn sàng cho các quốc gia khắp châu Á và Thái Bình Dương vay ưu đãi để triển khai một số dự án đòi hỏi kinh phí khổng lồ và khi các khoản nợ vượt quá mức chi trả, Bắc Kinh sẽ dùng chính những khoản nợ này để đổi lấy các tài sản chiến lược hoặc ảnh hưởng chính trị từ các “con nợ”.
Giới quan sát nhận định nhà lãnh đạo lớn tuổi nhất châu Á cũng cực kỳ khôn khéo khi khẳng định cuộc khủng hoảng xuất phát từ bê bối 1MDB mà người tiền nhiệm Najib Razak để lại không liên quan tới Bắc Kinh dù có thông tin cho biết chính quyền của ông Mahathir đã tìm thấy sự liên hệ giữa các công ty Trung Quốc và vụ bê bối đẩy Malaysia tới bờ bực phá sản này.
“Như chúng ta đều biết, người Trung Quốc rất coi trọng thể diện, nhưng cả hai bên đã đi tới thỏa thuận hủy bỏ các dự án này vì tình hình tài chính hiện tại của Malaysia”, nguồn tin trực tiếp ngồi vào bàn thương thuyết với các nhà đàm phán Trung Quốc cho biết. Nguồn tin này cũng khẳng định các công nhân Trung Quốc đã cũng rút về nước sau khi dự án đường sắt ven biển phía Đông bị hủy bỏ.
“Người Trung Quốc hết sức quan tâm tới điều này bởi nếu các dự án bị hủy bỏ, cả thế giới sẽ biết. Và sẽ không ai còn muốn làm ăn với họ. Đã có những trường hợp tương tự xảy ra ở Sri Lanka, Pakistan, và ở châu Phi…”, nguồn tin phân tích.
Theo quan chức trong chính quyền của ông Mahathir, phần lớn các khoản vay cho các dự án tỷ USD với Trung Quốc đã được rút ra khi mà chỉ một phần của các dự án này được hoàn thành. Đây cũng là một trong các vấn đề được lưu tâm trong các cuộc đàm phán giữa 2 bên khi mà Kuala Lumpur và Bắc Kinh sẽ thảo luận về các chi phí cho các phần dự án đã hoàn thiện.