Theo Hoàn Cầu, Bắc Kinh sẽ coi việc Mỹ đưa lính thủy đánh bộ tới Đài Loan là động thái phá vỡ chính sách Một Trung Quốc, thậm chí là dấu hiệu quân đội Mỹ xâm lược Trung Quốc.
Mỹ đã quyết định tiếp tục thực hiện kế hoạch đưa lực lượng lính thủy đánh bộ tới đảm bảo an ninh cho văn phòng mới của Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) – nơi được coi là cơ sở đại diện ngoại giao không chính thức của Mỹ ở Đài Bắc. SCMP nhận định, đây là một động thái chưa từng có tiền lệ nhằm củng cố quan hệ quân sự giữa hai bên.
“Một số lượng nhỏ nhân sự Mỹ sẽ được điều động tới AIT, cùng lượng lớn nhân viên thuê tại chỗ, sẽ đảm bảo an ninh cho tòa nhà văn phòng mới”, SCMP dẫn nguồn quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Được đưa ra vào thời điểm cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc đang bế tắc và 2 nước này đều tìm cách phô trương sức mạnh hàng hải dọc eo biển Đài Loan, quyết định này là dấu hiệu mới nhất mà chính quyền Trump thể hiện, cho thấy quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Đài Loan.
Hiện vẫn chưa rõ, các lính thủy đánh bộ được cử tới Đài Loan có mặc quân phục khi làm nhiệm vụ hay không.
Khi được hỏi về khả năng Mỹ đưa lính thủy đánh bộ tới Đài Loan, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã lên tiếng hối thúc Mỹ “thận trọng”.
“Việc Mỹ tuân thủ cam kết ‘Một Trung Quốc’ và kiềm chế trước bất cứ trao đổi chính thức hoặc liên lạc quân sự nào với Đài Loan là điều kiện chính trị tiên quyết choi quan hệ Mỹ – Trung”, ông Lục nói, “Mỹ nắm rõ về lập trường của Trung Quốc và biết rằng mình nên thận trọng về vấn đề này để tránh làm tổn hại tới quan hệ song phương nói chung”.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu cũng đăng tải bài viết cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ coi việc Mỹ đưa lính thủy đánh bộ tới Đài Loan là “động thái nghiêm trọng phá vỡ chính sách một Trung Quốc hoặc thậm chí là hành động quân đội Mỹ xâm lược Trung Quốc”.
Theo thông lệ, Mỹ thường cử lính thủy đánh bộ tới đảm bảo an ninh cho các đại sứ quán, lãnh sự quán Mỹ và các tòa nhà chính phủ chính thức của nước này trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1979 – thời điểm Mỹ chuyển sang công nhận Trung Quốc – Washington áp dụng giao thức an ninh tương tự cho cơ sở ngoại giao không chính thức của mình tại Đài Bắc.
Dù vậy, quyết định này có vẻ không phải mới được đưa ra gần đây. Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Quốc tế cho hay: “Quyết định liên quan tới an ninh cho khu liên hợp AIT mới đã được đưa ra cách đây vài năm và chỉ đơn giản là được chính quyền Trump tái khẳng định”.
Quyết định này được Mỹ tái khẳng định sau khi một số nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Theo Walter Lohman, giám đốc bộ phận nghiên cứu châu Á của Quỹ Di sản, “khi một đất nước như Salvador cắt đứt quan hệ với Đài Loan thì các bên rơi vào trạng thái buộc phải tìm kiếm những cách thức mới để thể hiện sự ủng hộ”.
Lohman cho rằng, chính quyền Mỹ có nhiều phương án khác để thúc đẩy quan hệ với Đài Loan trong khi tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc” và duy trì hiện trạng ở 2 bờ eo biển Đài Loan. Ví dụ như: Cử quan chức cấp nội các tới thăm Đài Loan, đưa tàu bệnh viện ghé cảng và thương thảo thỏa thuận thương mại tự do song phương.