Thursday, January 16, 2025
Trang chủBiển nóngPháp đang sát cánh với Mỹ kiềm chế TQ ở Biển Đông

Pháp đang sát cánh với Mỹ kiềm chế TQ ở Biển Đông

Trong những năm gần đây, Pháp liên tục có các tuyên bố và hành động thể hiện chủ trương, chính sách trong việc sát cánh với Mỹ đảm bảo hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, đồng thời ngăn chặn và thách thức các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.

Tàu chỉ huy và đổ bộ Tonnerre của Hải quân Pháp đã cập cảng quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, ngày 2/5/2016.

Một số tuyên bố, hoạt động cụ thể của Pháp ở Biển Đông:

Ngày 27/7, Không quân Pháp đã đưa ba máy bay chiến đấu Rafale B, một chiếc vận tải quân đội A400M và một tàu chở dầu tiếp nhiên liệu C135 tới vùng lãnh thổ phía Bắc của Australia để tham gia vào một cuộc diễn tập quân sự đa phương thường niên mang tên “Pitch Black” do Australia tổ chức.

Ngay sau cuộc tập trận “Pitch Black”, biên đội máy bay chiến đấu của Không quân Pháp lại tiếp tục thực hiện cuộc diễn tập quân sự “Sứ mệnh Pegase” cùng lực lượng không quân các quốc gia châu Á gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ vào tháng 8 này. Giới chức quân đội Pháp cho biết hoạt động tập trận trên nhằm “làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước đối tác chính của Pháp” và “duy trì hoạt động để đảm bảo lực lượng không quân có thể được triển khai ở bất cứ khu vực nào trên thế giới và thể hiện năng lực triển khai quân sự và ngành công nghiệp hàng không của Pháp”. Đội tàu này sẽ di chuyển qua vùng phía Nam Biển Đông, góp phần tạo nên cơ hội mới để Pháp khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không của mình theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Được biết, kể từ năm 2015, Pháp đã tiến hành cuộc diễn tập huấn luyện thường niên mang tên “Jeanne d’Arc” để đào tạo các sĩ quan hải quân tương lai. Tại các cuộc diễn tập này, tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral và tàu hộ vệ thường di chuyển qua khu vực Biển Đông vào mùa xuân. Ngoài ra, Pháp cũng triển khai nhiều tàu tới Biển Đông trong những năm gần đây như tàu trinh sát Vendémiaire vào các năm 2014, 2015 và 2018, tàu trinh sát Prairial vào năm 2017 và hai tàu săn ngầm lớp FREMM Provence và Auvergne lần lượt vào các năm 2016 và 2018.

Quan chức cấp cao của Pháp cũng đã đưa ra nhiều tuyên bố thể hiện sự quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, khẳng định Pháp sẽ tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (4/2018) đã đề ra mục tiêu “xây dựng trục Ấn Độ -Thái Bình Dương để các quyền tự do giao thông trên biển và trên không phải được tôn trọng” (ám chỉ ngăn ngừa mọi tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông). Trước đó, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (20/3/2017), cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố Pháp và Nhật Bản ủng hộ tự do hàng hải ở châu Á – Thái Bình Dương. Tại Đối thoại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết, mặc dù Pháp không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng việc tuần tra tự do hàng hải định kỳ như vậy cùng với “các đồng minh và bạn bè” sẽ góp phần củng cố một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế; cho rằng thông qua việc thực hiện quyền tự do hàng hải, Pháp kiên quyết phản đối bất kỳ hành động đơn phương tuyên bố chủ quyền trên các hòn đảo (ám chỉ hành động phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa); đồng thời tái khẳng định Pháp ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với sự ràng buộc pháp lý, toàn diện, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Quốc vụ khanh Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne khẳng định, Pháp quan tâm thực thi nguyên tắc tự do, an toàn, an ninh hàng hải trong khu vực với tư cách là một tác nhân quan trọng tại Thái Bình Dương – châu Đại dương; kêu gọi các bên liên quan cần thiện chí thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, tránh các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng trong khu vực; khẳng định các tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Pháp đang sát cánh với các nước bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông

Việc Pháp thường xuyên triển khai quân sự ở Biển Đông là cách để nước này chứng minh khái niệm “Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do” dưới thời chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron, trong đó nhắm mục tiêu tới việc làm hạ nhiệt căng thẳng Mỹ – Trung và đưa Ấn Độ vào liên minh các nước sẵn sàng kiếm chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh. Việc kiểm soát những nguy cơ gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc là điều Pháp cần tính đến. Trong khi Đức chọn cách đàm phán riêng và trao đổi thẳng thắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Pháp dường như đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi tiến hành các hoạt động một cách công khai.

Ngoài ra, Hải quân Pháp luôn muốn duy trì và thực thi các điều khoản được quy định theo UNCLOS là muốn gửi thông điệp tới Mỹ cung như các đồng minh khác về lập trường, quyết tâm của Pháp đối với việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như việc thực thi trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế.

Dư luận đánh giá tích cực các hoạt động của Pháp ở Biển Đông: (1) Việc Pháp tham gia liên tiếp 2 cuộc tập trận ở khu vực Biển Đông đã thể hiện được phần nào chủ trương, chính sách và cam kết của Pháp đối với khu vực. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố Pháp sẽ tiếp tục triển khai tàu chiến tới Biển Đông để thách thức hành động quân sự hóa ngày càng mạnh của Trung Quốc ở vùng biển này; nhấn mạnh Pháp sẽ thực hiện sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải và hàng không với những đồng minh then chốt khác như Anh, quốc gia mà như Pháp đã điều khí tài quân sự tới Biển Đông nhằm “thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý và hành động quân sự hóa của Bắc Kinh”. (2) Pháp tăng cường hiện diện về quân sự ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ráo riết tăng cường thực hiện quân sự hóa vùng biển này cũng là để khẳng định rằng quân đội Pháp có quyền hoạt động tại bất kỳ khu vực nào luật pháp quốc tế cho phép và Bắc Kinh không được phép cản trở. (3) Hành động của Pháp cho thấy Tổng thống Emmanuel Macron đang đưa ra những chính sách hữu hiệu, thực tế hơn so với người tiền nhiệm trước thách thức mà Trung Quốc đang đặt ra cho khu vực này. Ông Gavin Williamson cho biết, lợi ích kinh tế của Biển Đông không chỉ liên quan đến các nước trong khu vực mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Hiện Pháp, Anh, Australia và nhiều nước khác đều đang tuyên bố quyền lợi đi lại ở khu vực này. (4) Không chỉ có vậy, ngoài ý nghĩa phát đi thông điệp cứng rắn, việc triển khai các khí tài quân sự trong khu vực cũng nhằm giúp quân đội Pháp thu thập thông tin và hiểu rõ hơn về Biển Đông để có thể sẵn sàng hành động vì lợi ích của nước Pháp trên thế giới.

Trong khi đó, dư luận Trung Quốc nhìn chung đang tìm cách biện minh cho hành động của mình và chỉ trích các hoạt động của Pháp ở Biển Đông, cho rằng việc Pháp tiến hành các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là hành động “khiêu khích”, nhằm tìm đạt được một số “lợi ích” từ Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới