Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiện'Tôi không nhập hàng TQ vào Ba Lan'

‘Tôi không nhập hàng TQ vào Ba Lan’

Một doanh nhân người Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn chia sẻ với BBC nguyên tắc, kinh nghiệm làm ăn của bản thân ông, từ góc nhìn của một doanh nhân đến từ châu Á đang làm ăn ở Ba Lan.

Thế nhưng trước hết, doanh nhân này, ông Vũ Công Tô, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TDS, cho biết trước khi ông chuyển sang lĩnh vực khách sạn, ông đã có thời gian làm ăn trong lĩnh vực hàng vải ra sao và có một nguyên tắc khá đặc biệt thế nào, như ông chia sẻ.

“Trước đây tôi kinh doanh hàng vải và tôi có một nguyên tắc là chỉ có nhập hàng vải từ Việt Nam sang Ba Lan để bán, chứ không nhập hàng Trung Quốc,” cựu nghiên cứu sinh từng sinh sống ở Bulgaria trước khi tới định cư ở Ba Lan từ nhiều thập niên trước nói với BBC Tiếng Việt.

“Mặc dù tôi biết hàng Trung Quốc nhập sang để bán có thể hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn, nhưng dứt khoát tôi không nhập hàng Trung Quốc”.

Giải thích lý do, ông nói:

Bản quyền hình ảnh Golden Tulip Warsaw Airport Image caption Kinh doanh khách sạn là một trong những lĩnh vực mà cộng đồng doanh thương ở Việt Nam đang khai thác ở Ba Lan và hải ngoại

“Sau một thời gian làm hàng từ Việt Nam sang, cũng là cách để tạo công ăn, việc làm cho những người thân của tôi ở Việt Nam và chính là ở khu vực mà ngày xưa tôi đã đóng quân.

“Bây giờ tất cả anh em, bạn bè họ ra họ sống ở đấy, về phục viên rồi ra quân, thì tôi kinh doanh mặt hàng vải, một hình thức cũng để tạo công ăn, việc làm cho những người quen biết.”

Chia sẻ về bước chuyển tiếp theo của mình khi chuyển sang kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, mà trong đó Công ty TDS hiện đang làm chủ Golden Tulip Warsar Airport, một khách sạn 4 sao khá bề thế ở cửa ngõ của sân bây quốc tế Chopin tại thủ đô Ba Lan, ông Vũ Công Tô nói tiếp:

“Sau đấy, sau khi có một khoản tiền rồi, thì chúng tôi mới tập trung nhau vào đi xây khách sạn, chứ việc xây khách sạn không phải là việc tiến hành ngay từ đầu, khi chúng tôi ở lại Ba Lan, tôi ở lại Ba Lan từ năm 1991.”

Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh ở Ba Lan của bản thân, ông Vũ Công Tô cũng cho biết một vài nhận xét của ông về môi trường kinh doanh ở nước này, từ góc nhìn của một thương nhân và nhà đầu tư Việt Nam, ông nói:

“Ngoài tiền vốn mà chúng tôi có, chúng tôi có vay thêm ngân hàng của Ba Lan. Ngân hàng Ba Lan cho chúng tôi vay trên cơ sở mình trình bày phương án kinh doanh của mình.

“Họ thấy rằng lĩnh vực này là khả thi và họ thấy cái mà mình trình bày là tin được, cách làm ăn họ thấy là tin được, thì họ cho vay.”

Bản quyền hình ảnh BBC News Tiếng Việt Image caption Hệ thống xử lý trong trường hợp có cháy ở khách sạn là một hạng mục được quan tâm hàng đầu trong an toàn kinh doanh ngành nghề này theo tiêu chuẩn EU ở Ba Lan, theo ông Vũ Công Tô

‘Thông thoáng, minh bạch’

Là một người có dịp đi lại nhiều giữa Việt Nam và Ba Lan cũng như trong châu Âu và EU, khi được hỏi có so sánh gì nổi bật nhất về môi trường làm ăn, kinh doanh và quản trị kinh doanh giữa Ba Lan với Việt Nam, nhà đầu tư này nói:

“Tôi thấy việc làm ăn kinh doanh ở Ba Lan thì cạnh tranh là lành mạnh. Anh muốn vượt lên được thì anh phải đầu tư chất xám, anh phải suy nghĩ, anh phải làm thế nào đấy giảm tất cả các khoản chi phí đi.

“Nhưng khoản chi phí ấy là chi phí tiền lương, chi phí cho các khoản khác, chứ hoàn toàn không có chi phí để đút lót.

“Bộ máy của Ba Lan, bộ máy công quyền trước đây cũng có những hiện tượng là ăn hối lộ, nhưng dần dần đến bây giờ tôi khẳng định là việc ăn hối lộ gần như không còn.

“Cho nên tất cả mọi thứ theo luật, họ quy định hết rồi, anh trình giấy tờ này lên trong vòng bao nhiêu ngày thì được chấp nhận hay không được chấp nhận. Đấy là một cạnh tranh lành mạnh không phải lo cái đó.

“Cái thứ hai là doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Ba Lan hay doanh nghiệp nước khác được đối xử như nhau, không có chuyện phân biệt doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đầu tư trong nước.

“Anh là công dân Ba Lan cũng giống như người chỉ có thẻ định cư ở đây, được sống hợp pháp ở đây, anh mở doanh nghiệp, cùng một biểu thuế, cùng một cách quản lý. Thì đấy là những cái tôi thấy là nó nổi trội hơn hẳn ở Việt Nam.

Bản quyền hình ảnh van long vo Image caption Tiệm quần áo của người Việt trong khu thương mại ở Wólka Kosowska, gần Warsaw

“Một cái nữa tôi thấy là tất cả mọi thứ của người ta có thời gian hẳn hoi, người ta quy định việc này trong vòng bao nhiêu ngày họ phải giải quyết cho anh, thì dứt khoát trong vòng thời gian ấy họ phải giải quyết cho mình.

“Còn trong trường hợp họ không giải quyết, thì họ phải giải thích lý do.

“Và một cái nữa mà tôi thấy rất là thích là khi còn thiếu hồ sơ, người ta yêu cầu bổ sung, chỉ yêu cầu một lần, không có nay bổ sung một loại giấy, mai lại bổ sung thêm một loại giấy.

“Một điểm nữa là ở Ba Lan, anh không thể lấy chuyện quan hệ với chính quyền để lợi dụng quan hệ đó giải quyết việc này, việc khác, cái đấy rất khó.

“Ví dụ như chúng tôi xây khách sạn, chúng tôi bỏ tiền ra mua đất, tư nhân họ bán đất, xong chúng tôi làm thiết kế, chúng tôi xin giấy phép, không thể có ông chính quyền nào tác động được. Chính quyền người ta không đi cho đất, người ta cũng không đi đề nghị lập dự án.

“Nói tóm lại, việc thông thoáng về kinh doanh thì ở đây không nhất thiết đi đến đâu cũng phải có quan hệ, phải có quen biết thì mới giải quyết nhanh được, bởi vì ở đây tất cả đều có văn bản, có quy định,” ông Vũ Công Tô nói với BBC Tiếng Việt từ thủ đô Warsaw.

RELATED ARTICLES

Tin mới