Wednesday, November 27, 2024
Trang chủBiển nóngLo "ngay ngáy" an ninh, chủ quyền: Cái giá châu Phi phải...

Lo “ngay ngáy” an ninh, chủ quyền: Cái giá châu Phi phải trả cho các khoản vay TQ

Với dãy đèn lồng đỏ treo cao, hàng cây cọ trồng xen kẽ, dễ dàng nhận thấy, thủ đô Ethiopia ngày càng biến thành đô thị Trung Quốc “kiểu mẫu” như Thâm Quyến hay ngoại ô Thượng Hải.

Dự án bất động sản đắt giá The Poli Lotus của công ty Tsehay (Trung Quốc) tại Ethiopia. Ảnh: CNN.

Ô tô lướt nhanh trên những con đường do Trung Quốc xây dựng, cần cẩu Trung Quốc vươn cao ở cuối chân trời, tiếng máy may chạy rào rào trong các nhà máy Trung Quốc, người dân đi tàu điện của Trung Quốc đến nơi làm việc.

Đi theo hình mẫu đô thị hiện đại của Trung Quốc ở châu Phi có những thách thức nhưng với khu vực phát triển ở thủ đô Addis Ababa là không thể tránh khỏi.

Nói một cách đơn giản, thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đang trở thành thành phố mà Trung Quốc xây dựng – nhưng cái giá này là bao nhiêu?

Đô thị “Made by China”

Nằm trên mực nước biển 2.355m, Addis Ababa là một trong những thành phố cao nhất trên thế giới. Thống kê năm 2007 cho biết, có khoảng 2,7 triệu cư dân sinh sống tại đây nhưng con số này chắc chắn đã lớn hơn nhiều trong thời điểm hiện tại.

Một số tòa nhà ở đây có địa chỉ, vì thế các tài xế taxi hoạt động theo địa bàn. Vì Ethiopia chưa bao giờ bị đô hộ, chỉ trừ cuộc chiến chống phát-xít Italia trong thời gian từ 1936 – 1941, thủ đô Addis thiếu kiến trúc hạ tầng châu Âu ẩn dưới các đô thị châu Phi. 

“Nó chưa bao giờ được hoạch định trở thành một thành phố”, Alexandra Thorer, một kiến trúc sư sống ở Addis từ bé, viết trong nghiên cứu về quá trình đô thị hóa của thành phố.

Bước vào thế kỷ 21, dân số Addis tăng mạnh và những con đường xập xệ cần phải nâng cấp. Cùng lúc đó, Bắc Kinh đang theo đuổi quan hệ mật thiết hơn với các quốc gia châu Phi.

Chính phủ Ethiopia nhìn thấy ở Trung Quốc một mô hình phát triển và nguồn đầu tư hạ tầng, Ian Taylor, Giáo sư kinh tế chính trị châu Phi tại Đại học St. Andrews, Scotland nói.

Trong 2 thập kỷ, Trung Quốc đã cung cấp cho Addis con đường 86 triệu USD; nút giao Gotera trị giá 12,7 triệu USD và tuyến đường sắt Ethio – Djibouti trị giá 4 tỷ USD, nối đất nước nằm trọn trong đất liền này ra biển. Tốc độ phát triển của Addis, theo Thorer, là sự phản ánh tốc độ bùng nổ đô thị ở Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Trung Quốc cũng xây dựng hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên ở Addis, đi xuyên qua trung tâm thành phố và có thể chở ít nhất 30.000 hành khách/giờ.

Một tòa nhà bằng kính 46 tầng được Tập đoàn xây dựng nhà nước Trung Quốc tiến hành sẽ hoàn thành vào năm 2020, trở thành công trình cao nhất tại quốc gia châu Phi này. Còn cao ốc chọc trời biểu tượng của thành phố, chính là trụ sở Liên minh châu Phi, món quà trị giá 200 triệu USD từ Bắc Kinh năm 2012.

“Tôi đã không nhận ra các công trình này giống Trung Quốc thế nào cho đến khi tôi đến Trung Quốc”, Janet Faith Adhiambo Ochieng, nhân viên truyền thông tại AU cho biết.

Cái giá của ngoại giao “bẫy nợ”

Châu Phi hiện nợ Trung Quốc khoảng 130 tỷ USD, theo Sáng kiến ​​Nghiên cứu Trung Quốc-Châu Phi của Tổ chức Johns Hopkins SAIS. Khoản tiền này chủ yếu được sử dụng để tài trợ cho các dự án giao thông, điện và khai thác mỏ.

Châu lục này tụt lại phía sau so với các khu vực đang phát triển khác trong hầu hết các lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Việc cho vay của Trung Quốc đối với châu Phi đã gây ra những lời chỉ trích. Cựu ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng các khoản vay của Trung Quốc khiến các quốc gia lâm vào cảnh nợ nần và cắt giảm chủ quyền của họ.

Ethiopia đã vay ít nhất 12,1 tỷ USD từ “chủ nợ” Trung Quốc kể từ năm 2000. Còn ở Djibouti, Trung Quốc nắm giữ 77% nợ quốc gia.

Lina Benebdallah, Phó Giáo sư chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Wake Forest, Bắc Carolina cảnh báo, mối quan hệ Trung Quốc – châu Phi là “bất đối xứng”. Trong năm 2016, Trung Quốc đã xuất khẩu 88 tỷ USD hàng hóa sang châu Phi, nhưng chỉ nhập khẩu lượng hàng hóa bằng một nửa từ lục địa này.

Một trong những lo ngại lớn nhất liên quan đến các khoản vay của Trung Quốc là chính sách ngoại giao “bẫy nợ”, cho phép Bắc Kinh tạo áp lực với các nước không thể trả nợ.

Chẳng hạn như Bắc Kinh đã yêu cầu các quốc gia châu Phi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, tuân theo “Chính sách Một Trung Quốc”.

Năm 2010, Bắc Kinh đầu tư 1,5 tỷ USD để xây dựng cảng Hambantota. Khi Sri Lanka không thể trả nợ, họ đã ký hợp đồng cho một công ty Trung Quốc thuê cảng trong 99 năm.

Luke Patey, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cho rằng, nếu các nước đang phát triển không chú ý nhiều hơn đến việc quản lý nợ với Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy một số lượng ngày càng lớn quyền đối với các tài sản chủ quyền bị đem ra trao đổi.

Một mối lo ngại nữa là an ninh quốc gia. Đầu năm nay, tờ báo Pháp Le Monde cáo buộc Bắc Kinh theo dõi hoạt động ở Liên minh châu Phi qua một hệ thống máy tính. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc. Nhưng thông tin này đã dấy lên những quan ngại khi Trung Quốc là nhà thầu xây dựng một loạt các trụ sở chính trị ở châu Phi.

Ngoài ra, khi Trung Quốc tài trợ các con đường, đường sắt và các đập thủy điện, các công ty Trung Quốc được phép sử dụng bê tông và thép của Trung Quốc. “Châu Phi chỉ phục vụ như là một bệ phóng cho các công ty Trung Quốc để có được kinh nghiệm ở nước ngoài”, ông Patey nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới