Chính phủ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang cảnh giác với khả năng Bắc Kinh “lấn lướt” trong các mâu thuẫn về vấn đề Biển Đông.
Tàu Gregorio de Pilar của Philippines (Ảnh: Nikkei)
Philippines đã từ chối sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc cứu hộ một tàu chiến hoạt động ở Biển Đông.
Hôm thứ Hai (3/9), Hải quân Philippines đã giải cứu tàu Gregorio de Pilar, mắc cạn từ ngày 29/8 ở bãi Trăng Khuyết, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ quốc phòng Philippines ông Edgard Arevalo cho biết, tàu hộ vệ BRP Gregorio del Pilar “đã được hai tàu thương mại kéo ra khỏi Bãi Trăng Khuyết vào 23h54 ngày 3/9”. Cuộc giải cứu đã được tiến hành một cách cẩn trọng để tránh làm tổn hại bãi cạn này.
Hồi cuối tuần trước, Trung Quốc đề nghị cử một tàu hải giám để hỗ trợ cứu hộ nhưng phía Philippines đã từ chối, theo truyền thông địa phương.
Giới chức Philippines lo ngại rằng, việc để Trung Quốc dẫn dắt và thực hiện nhiệm vụ cứu hộ sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh “lấn lướt” Manila trong các mâu thuẫn liên quan đến Biển Đông.
Quyết định từ chối đề nghị này là động thái cứng rắn mới nhất mà chính quyền ông Duterte đưa ra với Trung Quốc trong vài tuần gần đây.
Ngày 14/8, Tổng thống Duterte phản đối việc Bắc Kinh cảnh cáo máy bay chiến đấu Philippines hoạt động ở Biển Đông. Ông Duterte cho rằng, việc Trung Quốc áp đặt chủ quyền với không phận phía trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép là “sai trái”.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Duterte đã tránh bình luận về vấn đề Biển Đông, tập trung vào việc đảm bảo viện trợ kinh tế từ Bắc Kinh. Khi tiếp xúc với phía Trung Quốc, ông không bao giờ nhắc đến phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách chủ quyền “Đường 9 đoạn” phi lý mà Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông.
Chính sách xích lại gần Trung Quốc của chính phủ Philippines kéo theo nhiều ký kiến trái chiều trong nước. Tuy nhiên, Điện Malacanang vẫn đang tiếp tục đặt nền tảng phát triển quan hệ với Bắc Kinh trên cơ sở chính sách thực dụng.
Theo Nikkei, hai nước đang đặt nền móng cho chuyến thăm Philippines vào tháng 11 tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bộ trưởng Ngân sách Philippines Benjamin Diokno cho biết, ông Tập có thể đồng ý tài trợ nhiều hơn, chẳng hạn như một khu công nghiệp phục vụ cho các doanh nghiệp Trung Quốc hay một hiệp ước về hoạt động thăm dò chung các nguồn tài nguyên dưới đáy biển cũng được xem xét.