Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngTQ định dùng vũ lực đánh chiếm đảo Ba Bình của Việt...

TQ định dùng vũ lực đánh chiếm đảo Ba Bình của Việt Nam ở Trường Sa

Ba Bình là một đảo san hô thuộc cụm Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đảo này nằm cách đảo Sơn Ca 6.2 hải lý (11.5 km) về phía Tây và cách đảo Nam Yết khoảng 11 hải lý (20.4 km) về phía Đông Bắc. Đây là đảo có diện tích lớn nhất Trường Sa; dài 1360 m, rộng 350 m, cao 3,8 m và có diện tích là 0,4896 km2. Trên đảo Ba Bình có nước ngọt và có nhiều loại cây như chuối, đu đủ, dừa…

Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Một số hoạt động quân sự phi pháp của Đài Loan trên đảo Ba Bình

Ngay sau khi đưa quân lên đồn trú phi pháp trên đảo Ba Bình, Đài Loan đã triển khai nhiều hoạt động quân sự, biến đảo này thành một “pháo đài” kiến cố. Năm 2015, Đài Loan chi 100 triệu USD để xây dựng các công trình phi pháp trên đảo gồm đường băng cho phép máy bay vận tải C-130 Hercules lên xuống, sữa chữa và nâng cấp cầu tầu trên đảo, xây bệnh viện và công trình nước sạch. Chính quyền Đài Loan còn tăng cường binh lính đồn trú phi pháp trên đảo này.

Không những vậy, Đài Loan còn điều tàu hộ vệ có lượng giãn nước khoảng 1.800 tấn đến đảo Ba Bình; triển khai nhiều loại vũ khí như pháo cao xạ, hệ thống tên lửa đất đối không (hệ thống Sky Bow -Thiên Cung và hệ thống phòng không Antelope) và nhiều phương tiện khác nhằm củng cố năng lực tình báo, giám sát và nhận dạng xung quanh đảo Ba Bình. Ngoài ra, Đài Loan thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận hải quân, bắn đạn thật trong khu vực xung quanh đảo Ba Bình nhằm “tăng cường năng lực hải quân và ứng phó với những tình huống khẩn cấp”.

Về khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm đảo Ba Bình

Thời gian gần đây, giới chuyên gia, học giả quốc tế đưa ra nhiều nhận định, đánh giá cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị đánh chiếm đảo Ba Bình: Tống Yên Huy, một nhà nghiên cứu Viện Khoa học châu Âu – Mỹ tại Đài Bắc cho biết, Bắc Kinh xem việc phát triển của Đài Loan trên đảo Ba Bình là một tài sản chiến lược dài hạn. Nếu Đài Loan tuyên bố độc lập, có thể Trung Quốc sẽ dùng vũ lực đánh chiếm đảo Ba Bình. Trước đó, một số trang mạng của Trung Quốc cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng vũ lực để đánh chiếm đảo Ba Bình khi Đài Loan tuyên bố từ bỏ “chủ quyền” ở Biển Đông.

Một số dấu hiệu: (1) Trung Quốc liên tục tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật, tập trận đánh chiếm đảo và tuần tra, giám sát khu vực biển xung quanh đảo Ba Bình và Đài Loan. Nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong tại Macau cho biết, các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan và trên Biển Đông của Trung Quốc là “rất bất thường”. Không quân Trung Quốc đang thực hiện các cuộc tuần tra thiết thực và lên kế hoạch kỹ càng gần Đài Loan để thu thập thông tin tình báo quân sự mới nhất, cho thấy quân đội Trung Quốc (PLA) đang đẩy mạnh việc chuẩn bị cuộc chiến với Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng từng thông báo đã phát hiện PLA ngoài việc triển khai tuần tra bằng máy bay ném bom và máy bay tiêm kích, còn triển khai máy bay trinh sát Tu-154 và máy bay vận tải Yun-8 (được lắp đặt các thiết bị thu thập thông tin tình báo) thực hiện những chuyến bay dài gần Đài Loan. (2) Giới chức lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn, răn đe sẽ sử dụng tất cả các biện pháp (bao gồm việc sử dụng vũ lực) để thu hồi Đài Loan. Phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (20/3) đe dọa Đài Loan sẽ đối mặt với “đòn trừng phạt lịch sử” nếu có ý định tuyên bố độc lập; nhấn mạnh “bất cứ hành động nào nhằm chia cắt Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại, gặp phải sự lên án của mọi người cũng như sự trừng phạt của lịch sử”. (3) Trung Quốc đang sử dụng ảnh hưởng và sức mạnh (kinh tế, quân sự, ngoại giao) để cô lập Đài Loan; buộc các nước, tổ chức quốc tế không được thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan; phải ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” và gọi Đài Loan là “Đài Bắc – Trung Quốc”. Tính riêng trong năm 2018, đã có 03 nước châu Phi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan (El Salvador, Cộng hòa Dominica, Burkina Faso). Tính đến thời điểm hiện tại, Đài Loan hiện có quan hệ chính thức với 17 quốc gia, chủ yếu là các nước nhỏ, kém phát triển ở Trung Phi và Thái Bình Dương. Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo thuộc People Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, từng cho rằng Trung Quốc không cần phải “trả tiền để cướp đồng minh của Đài Loan” và “thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc là một xu hướng không thể cưỡng lại”. “Việc Đài Loan không có đồng minh chỉ còn là vấn đề thời gian”. (4) Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tích cực sử dụng các chiêu bài, thủ đoạn nhằm phá hoại ổn định nội bộ của Đài Loan và tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Đài Loan. Tờ Apple Daily (Đài Loan) mới đây đã tiết lộ bản danh sách gồm 87 sĩ quan quân đội Đài Loan được cho là tham gia đường dây làm gián điệp cho Trung Quốc. Trong số những quan chức Đài Loan làm gián điệp cho Trung Quốc có 02 quan chức cấp cao là cựu Tổng Tham mưu trưởng Hoắc Thủ Nghiệp và Tổng tham mưu trưởng sắp mãn nhiệm Lâm Trấn Di. Ngoài 02 quan chức cấp cao nói trên còn có 8 thượng tướng 3 sao, 18 trung tướng, 16 thiếu tướng, 25 thượng tá, 14 trung tá, 4 thiếu tá tham gia đường dây gián điệp của Bắc Kinh. Trước đó, Đài Loan cũng từng cho biết có ít nhất 5.000 gián điệp Trung Quốc hoạt động tại Đài Bắc, nhắm vào cả các công sở nhà nước và cơ sở kinh tế, công nghiệp.

Trung Quốc sẽ sử dụng mọi biện pháp để “thống nhất Đài Loan” và ngăn chặn Đài Loan tuyên bố độc lập:

Thứ nhất, Đài Loan có tầm quan trọng chiến lược rất lớn đối với Trung Quốc Đại lục vì nó nằm ở vị trí trung tâm trong tuyến hàng hải tới Thái Bình Dương. Theo ông Zhou Chenming, nhà bình luận quân sự tại Bắc Kinh, “Đài Loan là trở ngại chính ngăn PLA tiếp cận Tây Thái Bình Dương vì nó là một phần của ‘chuỗi đảo đầu tiên’, kiểm soát Trung Quốc Đại luc”.

Thứ hai, Trung Quốc tìm cách ngăn chặn Mỹ và các nước đồng minh tăng cường hiện diện ở Đài Loan và hỗ trợ Đài Bắc tuyên bố độc lập. Chuyên gia hải quân Lý Kiệt tại Bắc Kinh đánh giá rằng việc “Trung Quốc tăng cường tập trung vào Đài Loan có lẽ được kích hoạt từ tình huống chính trị không ổn định gần đây trên hòn đảo này và có những dấu hiệu rõ hơn về việc Mỹ, Nhật Bản sẽ ủng hộ các nỗ lực tuyên bố độc lập chính thức của Đảng Dân chủ Tiến bộ trong nghị trình làm việc của Quốc hội Đài Loan.

Thứ ba, Trung Quốc ngăn chặn Đài Loan tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực, kiềm chế Đài Bắc tăng cường ảnh hưởng và thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước. Việc Đài Loan xúc tiến tham gia sâu rộng hơn vào cộng đồng quốc tế là điều Trung Quốc không muốn và chế độ Đài Bắc tuyên bố độc lập chính thức là “lằn ranh đỏ” đối với Bắc Kinh. Do đó, Trung Quốc đang phô trương sức mạnh quân sự quanh Đài Loan để răn đe và phòng ngừa, cũng là bước chuẩn bị sẵn sàng cho việc dùng vũ lực trong trường hợp cần thiết.

Trên thực tế, đảo Ba Bình là một phần không thể tách rời của Việt Nam.

Trong quá trình lịch sử, thống đốc Nam Kỳ J. Krautheimer (21/12/1933) ký Nghị định số 4702-CP sáp nhập một số đảo chính và các đảo phụ thuộc trong quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Ba Bình, vào địa phận tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng thiết lập tại đây một trạm khí tượng mang số hiệu 48.919 do Tổ chức Khí tượng Quốc tế (tiền thân của Tổ chức Khí tượng Thế giới) cấp phát.

Trong thời kì Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật Bản chiếm đảo làm căn cứ tàu ngầm và đặt dưới sự kiểm soát của bộ chỉ huy đóng tại Cao Hùng thuộc Đài Loan (thuộc địa của Đế quốc Nhật Bản). Tuy nhiên, Nhật Bản đã ký Hiệp ước San Francisco và chấp nhận từ bỏ mọi quyền đối với quần đảo Trường Sa (và Hoàng Sa) vào năm 1951 và trao trả khu vực này lại cho Việt Nam. Đến tháng 10 năm 1946, Pháp cho tàu chiến Chevreud đến đảo Trường Sa và Ba Bình, đồng thời dựng một mốc đánh dấu bằng đá tại đây. Đến ngày 12 tháng 12 năm 1946, lợi dụng danh nghĩa giải giáp tàn quân Nhật Bản, Trung Hoa Dân Quốc cho tàu chiến Thái Bình đem quân đổ bộ lên đảo Ba Bình. Sau đó, do thất bại trong cuộc nội chiến nên Trung Hoa Dân Quốc phải tháo chạy ra đảo Đài Loan đồng thời rút quân khỏi đảo Ba Bình vào năm 1950. Đến khoảng giữa năm 1956, Đài Loan tiếp tục đưa quân ra xâm chiếm đảo Ba Bình, tuy nhiên phải đến năm 1971 Đài Loan mới thực sự triển khai quân đội đồn trú trái phép trên đảo này.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối Đài Loan diễn tập bắn đạn thật trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà (23/8) tuyên bố, việc Đài Loan tiếp tục tổ chức tập trận bắn đạn thật trên đảo Ba Bình, nơi Việt Nam có căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền, “đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, đe dọa an ninh khu vực và gây căng thẳng tình hình Biển Đông”. Bà Nguyễn Phương Trà nêu rõ: “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động này trong tương lai”.

RELATED ARTICLES

Tin mới