Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKim Jong-un vật lộn với nền kinh tế, vòng kim cô Donald...

Kim Jong-un vật lộn với nền kinh tế, vòng kim cô Donald Trump phát huy sức mạnh

Donald Trump chưa gật đầu, Tập Cận Bình cũng khó dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế, bất chấp sự cải thiện quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Nikkei Asian Review ngày 2/9 đưa tin, trong 2 tháng rưỡi kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Singapore hôm 12/6, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tạm hoãn các cuộc đàm phán về hạt nhân, để tập trung vào cải thiện nền kinh tế trong bối cảnh bị trừng phạt.

Ngày 21/8, thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin, ông Kim Jong-un đã thị sát nhà máy thiết bị y tế Myohyangsan và phê phán đội ngũ quản lý đơn vị này đã “ngủ đông” quá nhiều năm.

Đây là một trong 30 địa điểm ông Kim Jong-un đi thị sát cùng với các quan chức quân sự cấp cao kể từ cuối tháng Sáu.

Truyền thông Triều Tiên đã đăng tải hình ảnh Kim Jong-un ướt đẫm dưới mưa (không có người che ô như trước), và những giọt mồ hôi nhỏ xuống trong cái nóng ngột ngạt.

Những chuyển động kinh tế

Với nguy cơ tấn công quân sự từ Hoa Kỳ giảm đi rõ rệt sau hội nghị thượng đỉnh, ông Kim Jong-un đang tập trung sức lực vào việc tăng cường nền kinh tế Triều Tiên.

Liên Hợp Quốc ước tính, tổng sản phẩm quốc nội của Triều Tiên năm 2016 đạt 16,79 tỷ USD, nhỏ hơn một chút so với Campuchia và bằng 0,1% của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, nền kinh tế Triều Tiên đã giảm tăng trưởng 3,5% trong năm ngoái với bối cảnh sản lượng khai thác và sản xuất giảm, theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc.

Nếu ông Kim Jong-un không mở cửa nền kinh tế và cải thiện mức sống người dân, nhà lãnh đạo trẻ này có thể gặp khó khăn trong việc duy trì quyền lực.

Kim Jong-un đã áp dụng nhiều chính sách kinh tế mang hơi hướng thị trường hơn kể từ khi nắm quyền năm 2012.

Lý luận quản lý kinh tế “theo phong cách của chúng tôi” được nêu ra năm 2014 đã giảm đáng kể sự kiểm soát (của nhà nước / quân đội?) với các doanh nghiệp.

Những thay đổi này đã giúp tầng lớp thượng lưu mới nổi ở Triều Tiên vay mượn các cơ sở và đất đai từ doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy sự xuất hiện đột biến của các doanh nhân.

Taxi đã sinh sôi nảy nở ở Bình Nhưỡng, từ 1.500 xe vào năm 2015 đến khoảng 2000 xe hiện nay. Một ứng dụng giao hàng thực phẩm trên điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến ở Bình Nhưỡng vào mùa hè này.

Người có tiền muốn ăn mì lạnh mà không phải ra ngoài trong cái nóng mùa hè, có thể sử dụng ứng dụng này.

Giới thượng lưu Triều Tiên đang đổ tiền vào lĩnh vực bất động sản.

Các căn hộ ở trung tâm Bình Nhưỡng có giá 50 ngàn USD năm 2005 hiện nay có giá từ 100 ngàn đến 200 ngàn USD. Giá các căn hộ cũng đang tăng ở các thành phố nhỏ hơn, như Sinuiju nằm sát biên giới với Trung Quốc.

Ông Kim Jong-un đã đến thăm một khu nghỉ dưỡng ven biển được xây dựng tại thành phố Wonsan, theo KCNA ngày 17/8. Triều Tiên đã công khai vận động Nga, Hàn Quốc hợp tác.

Hàn Quốc đang quan tâm đến việc mở lại khu kinh tế đặc biệt Rason ở miền Bắc. Một phái đoàn Văn phòng Tổng thống Moon Jae-in đã đến đây trong tháng Bảy bằng đường sắt từ Vladivostok để thảo luận về hợp tác kinh tế.

Trong bài phát biểu ngày 15/8 nhân dịp kỷ niệm bán đảo Triều Tiên thoát ách đô hộ của thực dân Nhật Bản, ông Moon Jae-in đã say sưa giới thiệu tầm nhìn của mình về một mạng lưới đường sắt nối liền Hàn Quốc – Triều Tiên – Liên bang Nga.

Giáo sư Yang Moon-soo từ Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul cho rằng, kinh tế Triều Tiên đang có nhiều đặc điểm tương đồng với những ngày đầu mở cửa cải cách ở Trung Quốc.

Giáo sư Andrei Lankov từ Đại học Kookmin, Hàn Quốc cho biết, chính phủ Triều Tiên sẽ chấp nhận sự phát triển của một nền kinh tế mang hướng thị trường, miễn là nó không đặt ra mối đe dọa;

Tuy nhiên Triều Tiên mới chỉ dừng ở thúc đẩy tăng trưởng thông qua tái đầu tư nguồn vốn trong nước.

Dấu hiệu phát triển kinh tế mới chỉ mang lại lợi ích cho giới thượng lưu ở các đô thị lớn.

Những vùng nông thôn vẫn còn tình trạng thiếu lương thực, các trang trại nông nghiệp và mạng lưới thủy lợi xuống cấp, tham nhũng phổ biến ở các địa phương.

Mùa hè này, Triều Tiên khai trương một trung tâm mua sắm ở Rason bên bờ sông Đồ Môn, cách cửa khẩu với Trung Quốc một quãng ngắn để bán các sản vật Triều Tiên cho khách du lịch Trung Quốc.

Có điều trung tâm mua sắm này chưa mang lại được nhiều tiền như mong đợi. Các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đã cấm khách du lịch mua hải sản Triều Tiên với giá ưu đãi qua biên giới. 

Bắc Kinh chỉ hà hơi thổi ngạt

Bình Nhưỡng đã nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh giúp đỡ, giảm bớt các biện pháp trừng phạt. Trung Quốc đã trả lời rằng họ sẽ làm như vậy sau khi Triều Tiên cho thấy các nỗ lực rõ ràng phi hạt nhân hóa bán đảo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với ông Kim Jong-un khi họ gặp nhau hồi tháng Sáu, rằng ông ủng hộ Triều Tiên phát triển kinh tế, nhưng không đả động gì đến việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Trung Quốc chiếm khoảng 90% kim ngạch thương mại của Triều Tiên, cho nên nền kinh tế Triều Tiên gần như phải dựa vào các chính sách của Bắc Kinh.

Trung Quốc rõ ràng đã hỗ trợ cho nước láng giềng, nhưng chỉ dừng ở “hà hơi thổi ngạt”, chứ không công khai vận động chống lại các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, trong khi Trung Quốc là nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: KCNA / Reuters.

Sở dĩ như vậy là bởi Bắc Kinh lo ngại các biện pháp trả đũa từ Hoa Kỳ, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung – Mỹ đang leo thang.

Ngoài ra, cũng có thể Bắc Kinh e dè rằng nới lỏng quá sớm các biện pháp trừng phạt sẽ khiến Bình Nhưỡng có ít động lực phi hạt nhân hóa bán đảo.

Tất nhiên, hoạt động buôn bán qua biên giới Trung – Triều bằng con đường tiểu ngạch vẫn diễn ra, nhưng hiệu quả của nó kém xa với hợp tác kinh tế thực sự.

Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy các mặt hàng nhập khẩu từ Triều Tiên trong năm qua sụt giảm 90%. Có vẻ như sự tan băng trong quan hệ Trung – Triều chưa mang lại những lợi ích kinh tế mà Bình Nhưỡng mong muốn. 

Vẫn còn nhiều thách thức nội tại

ABC News ngày 2/9 nhận định, mặc dù Triều Tiên đang thúc đẩy chiến lược phát triển kinh tế mới và quan hệ ngoại giao mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, nhưng hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn vẫn còn pha lẫn những lo ngại về biến động chính trị – xã hội tiềm tàng.

Có một nỗi sợ mơ hồ vẫn tồn tại ngay cả khi xuất hiện ngày càng nhiều hứa hẹn về tương lai khép lại con đường gian khổ của quốc gia này trong nhiều thập kỷ.

Ông Kim Jong-un đã cho phép một bộ phận thị trường và lực lượng kinh doanh phát triển ở Bình Nhưỡng. Thành phố biển Wonsan gần như thay đổi diện mạo một sự ngoạn mục.

Tuy nhiên, dường như Bình Nhưỡng chưa có ý định mở cửa cho các nhà tư bản Mỹ.

Các phương tiện truyền thông Triều Tiên hàng ngày vẫn xuất bản các bài xã luận chống chủ nghĩa tư bản, chống chủ nghĩa đế quốc, chống “ngộ độc văn hóa tư sản, đế quốc”.

Trong vài tháng qua, AP nhiều lần bị từ chối đề nghị phỏng vấn các quan chức chính phủ hoặc người dân. Truyền thông Triều Tiên chỉ đưa tin giới hạn về hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều đến người dân nước mình.

Ông Kim Jong-un đang rất háo hức hy vọng vào làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc để giúp ông xây dựng những gì mà chính ngài Donald Trump đã sẵn sàng cung cấp: cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường bộ, đường sắt và phát triển các khu du lịch.

Về đối nội, Triều Tiên tuyên truyền cho người dân nước mình về sự thay đổi trong chính sách đối ngoại là hoàn toàn nhất quán: Bình Nhưỡng đã xây dựng thành công khả năng phòng thủ hạt nhân đáng tin cậy trước nguy cơ xâm lược từ Mỹ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đang tích cực liên hệ với Hàn Quốc để thúc đẩy họ tham gia một nỗ lực chung “của dân tộc Triều Tiên”, không bị can thiệp bởi các cường quốc bên ngoài.

So Myong Il, một đạo diễn sân khấu Triều Tiên nói với AP: “Miễn là chúng tôi có sự lãnh đạo của Nguyên soái đáng kính của mình (Kim Jong-un), tương lai của chúng tôi sẽ thực sự tươi sáng.”

Nhưng nhà báo của AP cảm nhận được một sự lo sợ trong giọng nói của vị đạo diễn này.

Vòng kim cô của Donald Trump vẫn đang phát tác

Ngày 24/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hủy chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Viết trên Twitter ngày 24/8, Tổng thống Mỹ cho hay:

“Tôi đã lệnh cho Ngoại trưởng Mike Pompeo hoãn đi Triều Tiên vào thời điểm này, bởi vì tôi cảm thấy chúng tôi chưa đạt được tiến bộ cần thiết liên quan đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo.

Trong thời gian chờ đợi, tôi muốn gửi lời chào nồng nhiệt và kính trọng đến Chủ tịch Kim Jong-un. Tôi hy vọng sớm được gặp ông ấy.”

Ngày 3/9, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã kêu gọi các nỗ lực tái khởi động đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.

Trong khi đó, trước và ngay sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều, đã rộ thông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Triều Tiên trong tháng Chín này. 

Thậm chí, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng được cho là nóng lòng muốn gặp ông Kim Jong-un, các nỗ lực ngoại giao chuẩn bị cho việc này đã được thiết lập.

Tuy nhiên hãng thông tấn Nga TASS ngày 3/9 cho biết, ông Vladimir Putin không có kế hoạch thăm Triều Tiên trong tháng Chín này, theo thông báo chính thức từ Điện Kremlin.

AP ngày 3/9 cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Hai nói rằng ông sẽ tham dự một diễn đàn kinh tế khu vực tại Vladivostok của Nga vào tuần tới và có cuộc gặp song phương với Tổng thống Vladimir Putin.

Ông cũng đang sắp xếp các cuộc họp riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yon và Tổng thống Mông Cổ Khaltmaa Battulga bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông từ 11/9 đến 13/9.

Thủ tướng Shinzo Abe cũng tìm kiếm một cuộc gặp với ông Kim Jong-un nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên tham dự diễn đàn này. Nhưng chính phủ Nga cho biết, Chủ tịch Triều Tiên sẽ không tham gia.

Sau thượng đỉnh Mỹ –  Triều, cho đến nay mới chỉ có “tin đồn” ông Tập Cận Bình sẽ thăm Bình Nhưỡng trong năm nay.

Như vậy có thể thấy, vòng kim cô của ông Donald Trump đặt lên Triều Tiên vẫn đang phát tác, 2 đồng minh Trung Quốc và Nga không đủ khả năng hoặc không muốn giúp Triều Tiên lách các biện pháp trừng phạt do Mỹ khởi xướng.

Ngay cả người anh em miền Nam, dù rất hy vọng thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng lâu dài trên bán đảo để tiến tới hòa hợp, hòa giải dân tộc, cũng không dễ tự quyết mà không “ngó mặt” Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới