Nhiều nhà máy Trung Quốc đang mất những đơn hàng xuất khẩu và phải sa thải công nhân trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung gia tăng sức ép đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vốn đã giảm tốc từ đầu năm.
Trang CNN dẫn kết quả một khảo sát công bố ngày 3/9 cho biết tăng trưởng sản lượng trong ngành chế biến chế tạo có quy mô khổng lồ của Trung Quốc trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua.
Theo cuộc khảo sát do công ty truyền thông Caixin phối hợp với công ty nghiên cứu thị trường Markit thực hiện, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm còn 50,6 điểm trong tháng 8 từ mức 50,8 điểm của tháng 7.
Điểm số trên 50 cho thấy ngành sản xuất của Trung Quốc vẫn tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng này hiện ở mức thấp nhất trong vòng 14 tháng qua.
Lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm trong 5 tháng liên tiếp. (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng đã bắt đầu giảm tốc từ đầu năm nay và các dấu hiệu của sự xuống dốc vẫn đang lan rộng.
“Kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với áp lực giảm tốc tương đối rõ ràng”, chuyên gia phân tích Zhengsheng Zhong tại công ty nghiên cứu CEBM Group nhận xét.
Theo số liệu được công bố, đơn hàng xuất khẩu của nhiều nhà máy Trung Quốc nhận được trong tháng 8 tiếp tục giảm. Đây là tháng thứ 5 trong chu kỳ giảm kể từ tháng 4. Lượng đơn hàng giảm diễn ra song song với đà leo thang của cuộc chiến thương mại bùng nổ hồi cuối tháng 3.
Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế nhập khẩu đối với hơn 50 tỷ USD hàng hóa của nhau và đang đe dọa sẽ đánh thuế nhiều hơn nữa.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể tiếp tục đánh thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ trung Quốc vào trong tháng 9 một khi giai đoạn tham vấn ý kiến người dân kết thúc. Trung Quốc cam kết sẽ trả đũa bằng gói thuế mới trị giá 60 tỷ USD lên hàng của Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc đang đứng trước nhiều thách thức trong việc giải quyết bài toán này. Theo giới phân tích, lĩnh vực sản xuất của nước này đang bị chèn ép bởi hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng trưởng tín dụng giảm.
Các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã thắt chặt hầu bao kể từ khi Bắc Kinh mở chiến dịch giảm đòn bẩy tài chính vì có nhiều cảnh báo về mức nợ chồng chất của các doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán của Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ gần đây sụt giảm liên tục do giới đầu tư lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế nước này.
Chính quyền Bắc Kinh đã tìm cách hỗ trợ tăng trưởng bằng cách cắt giảm thuế, tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng chính sách tiền tệ. Giới chuyên gia cho rằng các biện pháp này có thể có thể hạn chế đà suy giảm tăng trưởng, nhưng một đợt phục hồi tăng trưởng rõ rệt trong thời gian sớm là điều khó có thể xảy ra.
“Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có lẽ sẽ tiếp tục đi xuống khi bước sang năm 2019”, chuyên gia kinh tế Julian Evans-Pritchard thuộc công ty nghiên cứu Capital Economics viết trong một báo cáo mới đây.