Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngVai trò của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và cuộc họp các...

Vai trò của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và cuộc họp các quan chức cấp cao ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông

Trong nhưng năm qua, các nước đã đưa ra nhiều sáng kiến, thông qua các cơ chế đa phương nhằm góp phần đảm bảo an ninh và ổn định ở Biển Đông. Trong số đó, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) và cuộc họp các quan chức cấp cao ASEAN (ASEAN SOM) đã có những đóng góp nhất định.

Hội nghị AMM lần thứ 51 tại Singapore (01-04/8/2018). Nguồn: AFP/TTXVN

AMM và ASEAN SOM là một trong các cơ chế quan trọng nhất trong khuôn khổ hợp tác ASEAN

Theo Tuyên bố Băng Cốc năm 1967, AMM là hội nghị hàng năm của các Ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN có trách nhiệm đề ra và phối hợp các hoạt động của ASEAN, có thể họp không chính thức khi cần thiết.Tại AMM và ASEAN SOM, nhiều vấn đề liên quan đến an ninh biển và hợp tác trên biển đã được đưa ra thảo luận. Tại cuộc họp AMM tổ chức ở Hà Nộivào Tháng 10/2010, ASEAN đã ra Tuyên bố hợp tác tìm kiếm, cứu nạn đối với tàu thuyền và người đi biển gặp nạn. Sau khi ra Tuyên bố này, các nước đã tổ chức Hội thảo về tìm kiếm, cứu nạn trên Biển Đông vào Tháng 6/2013. Các cuộc họp AMM và ASEAN SOM cũng trực tiếp chỉ đạo hoạt động của các nhóm làm việc chung giữa Trung Quốc và ASEAN trong việc triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới đàm phán ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Đây là cơ chế hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc, góp phần giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực. Tháng 5/2017, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc đã đạt được Kế hoạch làm việc cho giai đoạn 2016 -2018, tập hợp các dự án và hoạt động giữa Trung Quốc và ASEAN hỗ trợ cho việc triển khai DOC.

Cũng tại AMM và ASEAN SOM với đối tác Trung Quốc nhiều thỏa thuận đạt được về biển đã được thông qua như việc thiết lập đường dây nóng giữa các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các nước để ứng phó với các tình huống khẩn cấp trên biển, Tuyên bố chung về việc áp dụng bộ quy tắc ứng xử đối với tàu thuyền ở Biển Đông trong trường hợp đối đầu bất ngờ. Trung Quốc và các nước ASEAN cũng đang thảo luận về khả năng thành lập đường dây nóng giữa lực lượng cảnh sát biển các bên và cơ chế chia sẻ dữ liệu về hoạt động của cảnh sát biển các nước. Tại cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần thứ 20, các bên cũng thông qua Tuyên bố về Thập kỷ bảo vệ môi trường biển và bờ biển ở Biển Đông (2007 – 2017). Qua các cơ chế AMM và ASEAN SOM, các bên đang tích cực đàm phán, tiến tới ký kết một COC.

Hội nghị AMM lần thứ 51 chia sẻ quan ngại trước hoạt động quân sự hóa làm xói mòn lòng tin, gây phương hại tới hoà bình và an ninh khu vực

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 đã diễn ra tại Singapore (01 -04/8/2018) với 3 phiên họp gồm phiên khai mạc, phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất trí nhiều vấn đề mang tính định hướng phát triển ổn định cho tầm nhìn dài hạn của ASEAN đến 2025. Hội nghị đã thông qua Thông cáo chung AMM 51, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; chia sẻ quan ngại trước hoạt động quân sự hóa làm xói mòn lòng tin, gây phương hại tới hoà bình và an ninh khu vực. Theo đó, các Ngoại trưởng ASEAN kêu gọi các bên kiềm chế không có các biện pháp làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC. Về đàm phán COC, các ngoại trưởng ghi nhận một số tiến triển vừa qua trong thương lượng, trong đó có việc thống nhất Văn bản dự thảo thương lượng duy nhất làm cơ sở đàm phán, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình thương lượng COC. Trước những diễn biến tình hình phức tạp trên thực địa, các ngoại trưởng ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hoá và kiềm chế, thực hiện đầy đủ cá nghĩa vụ liên quan, trong đó có các nghĩa vụ ghi ở DOC.

Diễn ra bên lề AMM 51, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc (02/8), ASEAN – Trung Quốc đã nhất trí về một văn bản làm cơ sở tiếp tục đàm phán COC. Ngoài ra, các bên còn đạt được đồng thuận về những phương thức chính trong các vòng đàm phán tiếp theo. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nhấn mạnh văn bản làm cơ sở là một “tài liệu sống”, sẽ được chỉnh sửa và cập nhật liên tục. Ngoại trưởng Singapore xem đây là một cột mốc mới của tiến trình đạt được COC. Tuy nhiên, ông cũng nhắc nhở nhất trí về một văn kiện đơn lẻ không có nghĩa đàm phán đã kết thúc, hay các tranh chấp trên Biển Đông đã được giải quyết, vì bộ quy tắc ứng xử “không mang ý nghĩa giải quyết tranh chấp lãnh thổ”.

Trong khuôn khổ hợp tác của ASEAN nói chung và AMM, ASEAN SOM nói riêng, về vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn nỗ lực nêu cao tinh thần đoàn kết, đề cao lập trường và tiếng nói chung trong ASEAN, tránh để những quan điểm khác biệt ảnh hưởng đến không khí hợp tác cũng như kết quả của hội nghị, đồng thời kiên định bảo vệ lợi ích của Việt Nam. Cùng với nhiều nước, Việt Nam tích cực nêu quan ngại về tình hình trên thực địa, bao gồm các hoạt động tôn tạo, xây dựng và quân sự hoá; đề nghị duy trì các nguyên tắc và lập trường đã có về vấn đề Biển Đông trong các văn kiện của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác, nhất là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, các tiến trình ngoại giao và pháp lý; kêu gọi các nước đối tác và cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và thúc đẩy sớm đàm phán thực chất để xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả và ràng buộc pháp lý. Tại các cuộc tiếp xúc trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam nhấn mạnh chủ trương đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, các đối tác trên cơ sở công bằng, cùng có lợi, chú trọng phục vụ lợi ích của người dân, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới; nhất trí duy trì trao đổi tiếp xúc, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, phối hợp chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao sắp tới. Nhìn tổng thể, những đóng góp của Việt Nam tại AMM, ASEAN SOM đã thể hiện sự chủ động, tích cực, trách nhiệm cũng như sự trưởng thành của ta trong hội nhập khu vực, nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong ASEAN và với các đối tác.

RELATED ARTICLES

Tin mới