Việc cho phép đồng tiền của Trung Quốc là đồng nhân dân tệ được lưu hành song song với đồng tiền Việt Nam (VNĐ) trên lãnh thổ Việt Nam là ‘trái và vi phạm Hiến Pháp’ của Việt Nam, một cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói với BBC Tiếng Việt hôm 01/9/2018.
Chủ quyền kinh tế, chủ quyền tiền tệ là những cấu thành đặc biệt của chủ quyền chính trị, chủ quyền quốc gia, mất chủ quyền này là mất chủ quyền quốc gia, ý kiến khác từ một luật gia, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói với BBC cũng trong dịp này.
Trước hết, trả lời câu hỏi của liệu Trung Quốc có lợi gì hay có tính toán gì trước hay không nếu như đồng nhân dân tệ được lưu hành tại Việt Nam, mà trước mắt là tại bảy tỉnh giáp ranh với Trung Quốc, một số ý kiến từ giới quan sát, phân tích kinh tế, chính trị và xã hội tại Việt Nam cho biết các góc nhìn và quan điểm của mình:
“Đồng nhân dân tệ được lưu hành thì đã được ký kết, thỏa thuận giữa Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng đối tác của phía Trung Quốc và gần đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Thông tư 19 hướng dẫn để cho phép thương nhân và dân cư thuộc bảy tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc được sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán qua ngân hàng và cũng thanh toán sử dụng tiền mặt,” Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói.
“Đối với Trung Quốc, đây sẽ là một lợi thế rất lớn vì theo Hiến pháp của Việt Nam, trong lãnh thổ của Việt Nam chỉ được lưu hành đồng tiền của Việt Nam, nhưng quyết định chính thức của Ngân hàng Nhà nước cho phép đồng nhân dân tệ được lưu hành tại bảy tỉnh, và nếu đồng tiền này được lưu hành như thế và dùng để thanh toán thì không có cơ chế nào để ngăn chặn những đồng nhân dân tệ ấy lại sẽ có thể sử dụng ở những nơi khác ngoài bảy tỉnh đó.
“Vả lại định nghĩa thương nhân và dân cư cũng không rõ ràng, thương nhân có thể vừa là pháp nhân, công ty, doanh nghiệp, hay vừa là thể nhân và cư dân ở vùng đó thì được định nghĩa như thế nào? Rồi điều kiện nào thì được gọi là cư dân? Những người ở miền xuôi lên trên đó, rồi mua bán qua biên giới có được gọi là cư dân hay không? Đấy là những vấn đề nêu lên.
“Và trong kinh nghiệm về tiền tệ, thì đồng tiền mạnh bao giờ cũng sẽ lấn át đồng tiền yếu. Nếu như đồng nhân dân tệ với số lượng hàng hóa ở đằng sau và với việc họ phá giá đồng bạc, thì giá thành của họ rẻ đi, thì sẽ tạo ra một ưu thế rất lớn và làm cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng lên.”
Chủ quyền đồng tiền và tài chính hết sức quan trọng cho quốc gia, theo TS Lê Đăng Doanh.
Từ góc nhìn của mình, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, luật gia nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ nói với BBC: ” Đây là một bước tiếp theo, buộc Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc, lệ thuộc kinh tế tiền tệ, dùng công cụ tiền tệ khống chế Việt Nam. Tiền Trung Quốc lưu thông sẽ không thể giới hạn chỉ ở các tỉnh biên giới.”
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện chính sách độc lập IDS (đã tự giải thể) nói:
“Trung Quốc rất có lợi vì việc này góp phần giúp thực hiện chính sách lâu đời của Trung Quốc biến nhân dân tệ thành đồng tiền chính của thế giới nhằm thay thế vai trò của đồng đô-la Mỹ trong tương lai, đấy là một mục tiêu dài hạn của Trung Quốc và họ tìm mọi cách để đạt được một cách từ từ.”
Từ Marseille, Pháp, nhà biên khảo Trương Nhân Tuấn nêu nhận định với BBC:
“Theo tôi, Việt Nam lo ngại bị lôi vào vùng khủng hoảng tiền tệ, như đã và đang hoành hành ở các nước Thổ, Venezuela, Argentine… Việt Nam có ý muốn “dựa” vào đồng nhân dân tệ để “tránh bão”.
Còn từ Viện Chính sách và Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, chuyên gia về chính công, nhận xét:
“Đây là một quyết sách quan trọng, sẽ có tác động quan trọng đến kinh tế – chính trị Việt Nam, nhưng tại sao lại không được thảo luận và tính kỹ ở các cơ quan có trách nhiệm như Quốc hội?
“Ngân hàng nhà nước liệu có đủ thẩm quyền trong vấn đề này, tại sao không đưa ra các phân tích, tính toán về sự tác động của nó? Hay là chỉ thực hiện sự chỉ đạo từ cấp cao, từ Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam hay Ban Bí thư?
“Nếu là sự cụ thể hoá sự thoả thuận giữa hai Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, thì đây là nguỵ biện. Đây rõ ràng là sự tính toán của Trung Quốc, trước hết là để giảm nhẹ hậu quả, hoặc lách, né hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ- Hoa, mà Trung Quốc đang ở thế yếu và lúng túng.”
Lợi, hại với Việt Nam?
Phân tích, dự đoán về tính lợi, hại từ quyết định của Nhà nước Việt Nam xét về cả ngắn, trung và dài hạn, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói:
Bản quyền hình ảnh VCG Image caption Hiện đồng tiền Trung Quốc dùng ba mã ký hiệu trong giao dịch
“Nếu mà lợi, thì việc mua bán của một số thương nhân và doanh nhân, cư dân nào đấy của bảy tỉnh biên giới theo đúng thông tư của Ngân hàng Nhà nước sẽ được thuận lợi hơn, họ sẽ sử dụng đồng nhân dân tệ, họ sẽ mua bán, hay là họ có thể sử dụng đồng Việt Nam để họ thanh toán.
“Và điều nguy hiểm nhất, nguy cơ lớn nhất đó là ở trên lãnh thổ Việt Nam lại lưu hành song hành hai đồng tiền, đấy là sự vi phạm về chủ quyền, về tiền tệ của Việt Nam và tôi hết sức lo ngại về vi cảnh này.”
PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao phát biểu: “Số liệu không chính thức, nhập siêu biên là 30 tỷ USD, như vậy lượng tiền VND tương đương 30 tỷ sẽ nằm trong tay Trung Quốc hàng năm.
“Dùng khối lượng tiền này để lũng đoạn kinh tế – quả là tiện lợi với Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, giao dịch bằng nhân dân tệ sẽ luôn phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Trung Quốc – dẫn đến Việt Nam đương nhiên mất chủ quyền về tiền tệ.”
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A thì nói: “Với Việt Nam, có thể giúp việc xuất khẩu hàng hoá qua biên giới dễ dàng hơn trước; đó là cái lợi trước mắt. Nhưng tai hoạ nhỡn tiền là sẽ mất chủ quyền tiền tệ ở mấy tỉnh đó rồi có thể ở nhiều nơi khác; chắc chắn sẽ dẫn đến CNY hay nhân dân tệ hoá nền kinh tế Việt Nam.
“Người ta có thể biện minh rằng ta với Trung Quốc bình đẳng vì đồng tiền Việt Nam đồng có thể tiêu ở Bằng Tường, Hà Khẩu…, chắc không được ở Quảng Tây và Vân Nam đâu, nhưng đấy chỉ là nguỵ biện khi nhìn vào khả năng thực tế của hai bên; tiền VNĐ giả từ trước đến nay đều có xuất xứ Trung Quốc và bây giờ có thể hoành hành dễ dàng hơn rất nhiều.”
Từ góc nhìn của mình, ông Trương Nhân Tuấn từ Pháp nhận định:
“Lợi hay hại, về mặt kinh tế và tiền tệ, nhìn gần thì chưa biết. Nhưng nhìn xa, đồng nhân dân tệ sẽ là “mục tiêu tấn công” của ông Trump, nếu cuộc “chiến tranh” thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn tiếp diễn. Nếu đồng nhân dân tệ suy yếu, điều này hầu như chắc chắn, Việt Nam đồng sẽ thất điên bát đảo, rớt giá theo. Việt Nam có thể “phá sản” vì nợ công (hay nợ quốc dân – dette souveraine) quá lớn.
Từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS. TS. Phạm Quý Thọ nêu quan điểm: “Đây là chính sách lợi bất cập hại đối với Việt Nam. Cứ hình dung nhân dân tệ tự do lưu thông ở bảy tỉnh biên giới, buôn bán, đầu tư giữa hai nước vốn bất lợi cho Việt Nam nay sẽ tồi tệ hơn, Việt Nam sẽ bị chèn ép với sản xuất trong nước, các dự án đầu tư kém hiệu quả và chất lượng sẽ không được ngăn chặn.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Nhân dân tệ có hình Mao Trạch Đông và đô la Đài Loan có hình Tôn Trung Sơn
“Sự lây lan sẽ tới toàn bộ nền kinh tế chứ không dừng ở bảy tỉnh, nếu Trung Quốc có thể lấy Việt Nam làm nơi ẩn náu hậu quả từ Mỹ, sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ – Việt, nó sẽ theo hướng xấu đi nếu Mỹ phản ứng, vì Vi Nam xuất siêu sang Mỹ khá lớn, trong khi xuất sang EU có thể sẽ khó khăn hơn.
“Một số nhà quan sát kinh tế – chính trị Việt – Trung cho rằng về đối nội Trung Quốc sẽ quyết tâm ủng hộ chế độ cộng sản ở Việt Nam hơn và họ cho rằng Trung Quốc sẽ có thể làm thay đổi về nhân sự lãnh đạo cho Đại hội 13 của ĐCSVN. Họ cũng cho rằng cải cách theo hướng dân chủ có thể sẽ khó khăn, nói chung quyết định trên về sâu xa có thể tác động nhiều mặt tiêu cực đến sự phát triển của Việt Nam.”
Có lạm quyền, vượt quyền?
Trong dư luận ở Việt Nam có ý kiến đặt ra câu hỏi liệu có ai vượt quyền, hay lạm quyền khi ra quyết định cho phép lưu thông đồng nhân dân tệ như vậy ở Việt Nam hay không, chẳng hạn như ở trong Đảng, Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước, trả lời vấn đề này, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói:
“Đây là thỏa thuận giữa hai Bộ trưởng và sau đó Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn thực hiện và điều này là trái với Hiến pháp của Việt Nam.
“Hiến pháp của Việt Nam chỉ cho phép trên lãnh thổ của Việt Nam chỉ có đồng tiền Việt Nam [được lưu hành] mà thôi, còn ai chịu trách nhiệm, thì có lẽ sẽ là trách nhiệm của Quốc Hội, của Chính phủ xác định về việc này.”
Luật gia Hoàng Ngọc Giao nhận xét:
“Có thông tin cho rằng đây là thỏa thuận giữa hai lãnh đạo tối cao của hai Đảng Cộng sản.”
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A bình luận từ Hà Nội:
“Liên quan đến chủ quyền tiền tệ, một phần của chủ quyền quốc gia, thì dẫu có Quốc Hội do ĐCSVN cử, dân bầu mà thông qua thì cũng không có tính chính danh và vì thế phải là vô hiệu.”
Ông nhấn mạnh:
“Nhân dân Việt Nam không chấp nhận điều đó. Chắc chắn không có sự đồng ý của ban Lãnh đạo cao nhất của ĐCSVN thì chẳng có Chính phủ nào, nói chi đến Ngân hàng Nhà nước dám ra quyết định tai họa như vậy.”
Từ Marseille, nhà biên khảo Trương Nhân Tuấn nói:
“Việc cho phép sử dụng nhân dân tệ ở các tỉnh phía Bắc, theo tôi, nếu không có một hiệp ước hỗ tương, tức là phía Trung Quốc xài tiền Việt Nam, thì vấn đề có vẻ phiền phức.
“Nguyên tắc “độc lập có chủ quyền” của Việt Nam có thể bị thương tổn. Bởi vì, theo tập quán quốc tế, nền độc lập tự chủ quốc gia được đặt trên nền tảng: đất đai, dân chúng và một chính quyền.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc không ngừng tăng cường quan hệ ngoại giao ngạch đảng cộng sản thời gian qua
“Nhưng các yếu tố như đường biên giới, quốc tịch, tiền tệ… cũng là các yêu tố để đo mức độ “độc lập” của một quốc gia. Nếu Việt Nam đơn phương xài nhân dân tệ, trong khi đồng tiền này chưa được “quốc tế hóa” như đồng đô-la, thì rõ ràng nền độc lập, chủ quyền của Việt Nam bị thương tổn.
“Vụ việc này theo tôi, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam ra thì làm đâu có ai, có định chế nào trong nhà nước Việt Nam có thẩm quyền như vậy?”
Quan hệ nhạy cảm và thương chiến?
Trước câu hỏi động thái của Nhà nước Việt Nam về đồng nhân dân tệ có gợi ra điều gì cần lưu ý, quan tâm trong lúc bang giao, quan hệ Trung – Việt được cho là còn nhiều yếu tố ‘nhạy cảm’, có lúc ‘căng thẳng’ như gần đây, hay trong bối cảnh đang diễn ra cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung – điều có thể khiến Trung Quốc xoay tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh đáp:
“Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị đánh thuế, vì vậy cho nên khả năng xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ sẽ bị giảm sút và Trung Quốc rất cần một thị trường khác để xuất khẩu những hàng hóa đó. Và một thị trường như vậy rõ ràng có thể là Việt Nam.
“Và nếu như hàng hóa Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần của Việt Nam, thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có thể bán được hàng hóa và ảnh hưởng đến doanh số, ảnh hưởng đến công ăn, việc làm, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của Việt Nam, đó là những hệ quả mà chúng ta có thể nhìn thấy.”
Luật gia Hoàng Ngọc Giao nêu ý kiến:
“Quan hệ thương mại Việt – Mỹ sẽ phản ứng như thế nào trước việc Việt Nam chấp nhận sử dụng nhân dân tệ trong các giao dịch thương mại đi tử trên lãnh thổ Việ Nam – đây có thể cũng là vấn đề.”
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A thì nói:
“Tôi không nghĩ việc này liên quan đến chiến tranh thương mại vì chuyện này mới nổ ra còn ý đồ biến nhân dân tệ thành đồng tiền quốc tế thì là chính sách có từ lâu và rất nhất quán của Trung Quốc.
“Theo tôi vẫn có thể cho phép dùng nhân dân tệ (CNY) như một ngoại tệ trong thanh toán hàng hoá nhập từ Trung Quốc cũng như nhận tiền CNY cho hàng hoá xuất đi Trung Quốc (và ngược lại VNĐ đối với hàng hoá xuất sang Trung Quốc hay nhập từ Trung Quốc).”
Nhưng nhà phân tích này nhấn mạnh:
Bản quyền hình ảnh JUNG YEON-JE Image caption Các đồng tiền USD, nhân dân tệ, euro – hình minh họa
“Mọi việc thanh toán như vậy đều phải qua ngân hàng, cấm sử dụng tiền mặt và việc thanh toán bằng nhân dân tệ dù bằng tiền mặt hay qua ngân hàng cho mua bán hàng hoá và dịch vụ tại Việt Nam (tức là không phải cho xuất nhập khẩu).
“Như thế việc sửa thông tư cũng không khó, nhưng tôi e là họ ép như vậy và Việt Nam chịu thế, đấy là một cái bẫy khá tinh vi và chết người đối với nền kinh tế Việt Nam.”
Nhà biên khảo Trương Nhân Tuấn từ Pháp phát biểu:
“Không hẳn, ở trên tôi có nói, Việt Nam muốn “tránh bão” khi dựa vào đồng Nhân Dân tệ. Về phía Trung Quốc, từ lâu họ đã muốn “quốc tế hóa” đồng Nhân Dân tệ mà chưa thành công, vì có nhiều điểm yếu trong hệ thống ngân hàng nhà nước.
“Bây giờ, trước cuộc “tấn công” thương mại, và chắc chắn về tiền tệ, ta có thể xem động thái “quốc tế hóa” đồng Nhân Dân tệ là một hình thức “phản công” đối với đồng đô-la Mỹ.”
Chủ quyền kinh tế và tầm chiến lược?
Trước câu hỏi chủ quyền kinh tế có tầm quan trọng như thế nào trong tổng thể chủ quyền của một quốc gia, xét về tầm nhìn chiến lược và dài hạn, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh đáp:
“Chủ quyền về tài chính, chủ quyền về tiền tệ là một trong những nội dung hết sức quan trọng về chủ quyền kinh tế. Đấy là quyền kiểm soát về đồng tiền để thanh toán trong bất kỳ một nền kinh tế nào.
“Và mọi chính phủ, mọi nhà nước đều hết sức nghiêm ngặt trong việc thực hiện chủ quyền này. Tôi hy vọng và tha thiết đề nghị là Quốc Hội và Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét về Thông tư 19 này.”
Luật gia, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nêu quan điểm: “Chủ quyền kinh tế, chủ quyền tiền tệ – là những cấu thành đặc biệt của chủ quyền chính trị, chủ quyền quốc gia! Mất chủ quyền kinh tế là mất chủ quyền quốc gia, cũng coi như là mất nước!”
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A nói:
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Đồng nhân dân tệ đã và đang được người Việt Nam ở các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc sử dụng từ lâu nay
“Chủ quyền tiền tệ là một phần của chủ quyền quốc gia và việc mất nó còn nguy hiểm hơn đối với lãnh thổ; vì mất chủ quyền lãnh thổ dễ nhận ra hơn còn mất chủ quyền tiền tệ khó nhận ra hơn, êm hơn, ngọt hơn nhưng như thuốc độc uống từ từ và tích luỹ đến mức vượt một ngưỡng thì dẫn đến tử vong,” ông nhấn mạnh.
Từ Pháp, ông Trương Nhân Tuấn đưa ra quan điểm, góc nhìn riêng của mình:
“Theo cái nhìn của tôi thì không hề có “chủ quyền kinh tế” trong thời đại “kinh tế mở” như hiện nay. Nước này lệ thuộc vào nước kia về kinh tế. Không nước nào “độc lập” hết cả.
“Nhưng trên nguyên tắc về chủ quyền, nếu Việt Nam xài đồng Nhân Dân tệ mà không có chiều ngược lại tương xứng, thì đây là dấu hiệu yếu kém của kinh tế Việt Nam. Nói trắng ra là Việt Nam bị “lệ thuộc” vào Trung Quốc, nhiều hơn quan hệ có qua có lại như đã thấy trong quá khứ.”
Sự thể đã rồi, theo tôi bây giờ cần đặt vấn đề đối sách là gì? Các giải pháp cần nhanh và tránh hậu quả xấu nhất có thể, mà theo tôi trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, lấy ý kiến rộng rãi trong các giới chuyên gia và người dân để làm rõ thực chất vấn đềPGS. TS. Phạm Quý Thọ
Còn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS. TS Phạm Quý Thọ chia sẻ:
“Sự thể đã rồi, theo tôi bây giờ cần đặt vấn đề đối sách là gì? Các giải pháp cần nhanh và tránh hậu quả xấu nhất có thể, mà theo tôi trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, lấy ý kiến rộng rãi trong các giới chuyên gia và người dân để làm rõ thực chất vấn đề.
“Hai, cần đưa ra các kịch bản kể cả xấu nhất có thể xảy ra với Việt Nam, cả về kinh tế lẫn chính trị, vấn đề cần được tiếp tục bàn thảo thấu đáo, thậm chí yêu cầu sự giải thích của Ban lãnh đạo Đảng CSVN, Ngân hàng Nhà nước và nhấn mạnh sự chịu trách nhiệm cá nhân.
“Có nhiều chuyên gia nói với tôi rằng thực sự họ tôi không hiểu tại sao ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lại có một quyết sách như vậy? Sự phụ thuộc về kinh tế và chính trị sẽ là rõ ràng, trước mắt và lâu dài. Và họ cũng đặt dấu hỏi là tình hình như vậy mà sao không thấy có ai trong nội bộ lãnh đạo lên tiếng? Họ đặt dấu hỏi liệu không ai có đủ tâm, tầm để lãnh đạo đất nước này chăng?
“Và họ cũng mong các chuyên gia và các giới trong xã hội, nhân dân, quần chúng và cả những cán bộ có trách nhiệm trong Bộ máy của Đảng và chính quyền ở các cấp, địa phương, cũng như Trung ương sớm lên tiếng và có hành động cụ thể, hiệu quả, thành công nhằm làm rõ ý đồ và các hậu quả được cho là xấu và khôn lường của quyết sách này,” chuyên gia về chính sách công nói với BBC Ti Việt.
‘Vấn đề đã từng đặt ra’
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Ông Trần Quốc Vượng gặp ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 20/8/2018
Được biết, ít nhất vài năm về trước, cũng đã có ý kiến, kiến nghị tại Vi Nam vào thời điểm đó nêu thực trạng rằng đã có ngân hàng của Việt Nam thực hiện nghiệp vụ đổi CNY-VND (nhân dân tệ và đồng Việt Nam) nhưng theo truyền thông Việt Nam thì: “Chưa có ngân hàng Trung Quốc được thực hiện nghiệp vụ này. Nếu đồng tiền thanh toán thương mại từ đồng đô la Mỹ… được thay bằng Nhân dân tệ, đây chỉ là sự thay thế về đồng tiền thanh toán mà không ảnh hưởng gì đến tình hình xuất siêu hay nhập siêu.
Trước kiến nghị trên, ngày 05/01/2015, Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và nhỏ Việt Nam, đã ‘thẳng thắn’ nêu quan điểm: “Chúng ta chưa nên chấp thuận kiến nghị đó ở thời điểm này. Tuy nhiên, việc có đồng ý hay không là do Chính phủ quyết định,” ông Kiêm được báo mạng Infonet của Việt Nam dẫn lời nói.
“Tuy nhiên, phải giữ đúng nguyên tắc quản lý ngoại hối của chúng ta là: Ở Việt Nam chỉ tiêu tiền Việt Nam chứ không tiêu tiền nước khác”, nguyên Thống đốc nêu quan điểm. Vẫn theo nguồn này, theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì:
Chúng ta cứ đảm bảo quan hệ kinh tế bằng việc thanh toán bình thường như các nước khác, phải giữ đúng nguyên tắc quản lý ngoại hối của chúng ta là ở Việt Nam chỉ tiêu tiền Việt Nam chứ không tiêu tiền nước khácTS. Cao Sỹ Kiêm, theo Infonet
“Đồng nhân dân tệ đang có khuynh hướng quốc tế hóa và nó đã được cho phép lưu hành ở một số nước. Nhưng việc họ đề nghị như thế thì chúng ta cần phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ chứ chưa nên đồng ý ngay vì chưa thuận lợi lắm. Bởi lẽ, sức cạnh tranh của chúng ta còn chưa lớn, khả năng quản lý thị trường của chúng ta chưa được nâng lên nên dù giữa ta và Trung Quốc có mối quan hệ giao lưu hàng hóa rất rộng khi nhập siêu của Trung Quốc nhiều.
“Nếu đồng nhân dân tệ được cho phép thanh toán ở Việt Nam đồng nghĩa với việc Trung Quốc mở rộng được phạm vi thanh toán, khi đó hàng hóa của họ sẽ tràn lan ở thị trường Việt Nam. Lúc đó, nếu không quản lý được, nền kinh tế của ta sẽ gặp rất nhiều bất lợi”, ông Kiêm được dẫn lời cảnh báo.
Vấn theo báo điện tử Infonet vào thời điểm trên, nguyên Thống đốc cho rằng: “Cũng như đồng đô-la Mỹ khi tràn ngập vào nước ta cũng đã làm yếu đồng tiền Việt của chúng ta, hơn nữa, hiện ngoài USD, chúng ta chưa cho thanh toán bằng các loại đồng tiền khác ở Việt Nam.
“Do vậy, mọi thanh toán khi mua bán, trao đổi hàng hóa phải thông qua đồng ngoại tệ mạnh khác như USD chứ chưa thể thanh toán bằng Nhân dân tệ.
“Chúng ta cứ đảm bảo quan hệ kinh tế bằng việc thanh toán bình thường như các nước khác, phải giữ đúng nguyên tắc quản lý ngoại hối của chúng ta là ở Việt Nam chỉ tiêu tiền Việt Nam chứ không tiêu tiền nước khác”, ông Cao Sỹ Kiêm được Infonet dẫn lời nói từ gần bốn năm về trước.
Chuyển động trong chính sách tiền tệ liên quan quan hệ mậu dịch Việt – Trung do Nhà nước Việt Nam vừa công bố đã thu hút sự chú ý của nhiều tổ chức, cá nhân, cũng như nhiều giới trong và ngoài Việt Nam.
Được biết, trong số đó, hôm 31/8/2018, đã xuất hiện một Tuyên bố về Quy định cho phép sử dụng Nhân Dân tệ tại Việt Nam, tuyên bố ngỏ này có chữ kỹ của nhiều cá nhân, nhân sỹ, trí thức trong và ngoài nước và hội đoàn xã hội dân sự, trong đó có Diễn đàn Xã hội Dân sự Việt Nam, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Diễn đàn Bauxite Việt Nam.