Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao Triều Tiên duyệt binh 'thiếu' tên lửa đạn đạo?

Vì sao Triều Tiên duyệt binh ‘thiếu’ tên lửa đạn đạo?

Tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh vừa diễn ra hôm 9/9, Triều Tiên khiến công chúng ngạc nhiên khi không phô diễn các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Động thái bất thường này đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về ẩn ý đằng sau nó.

Theo SCMP, cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập Triều Tiên được tổ chức với quy mô hoành tráng với sự xuất hiện của nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại như xe tăng, pháo tự hành và máy bay chiến đấu.

Song, khác với mọi năm, sự kiện năm nay thiếu vắng các hệ thống ICBM và tên lửa tầm trung. Tổ hợp vũ khí lớn nhất Bình Nhưỡng đem “khoe” là tên lửa phòng không tầm xa KN-06, bản sao hệ thống S-300 của Nga.

Giới quan sát nhận định, đây có thể là động thái thiện chí của chính quyền Kim Jong Un trước Mỹ, nhằm hậu thuẫn các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.

Song Zhongping, một cựu thành viên lực lượng tên lửa của Trung Quốc bình luận: “Sự kiện thiếu vắng các tên lửa Hwasong-14, Pukguksong hay các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, có khả năng đe dọa Mỹ. Chỉ có một số vũ khí thông thường và phòng vệ. Bình Nhưỡng không muốn chọc giận Mỹ và cộng đồng quốc tế giữa bối cảnh bình yên mới trên bán đảo Triều Tiên. Chủ tịch Kim cũng muốn tạo ra ‘bầu không khí tốt’ cho cuộc gặp thứ ba của ông với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tuần tới”.

Ông Song cũng cho rằng, người đứng đầu Bình Nhưỡng có thể đang nhắm đến một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo với lãnh đạo Nhà Trắng. Theo nhà quan sát này, ông Kim dường như muốn chứng tỏ “quyết tâm và sự chân thành” của Bình Nhưỡng đối việc giải trừ hạt nhân cũng như mong muốn tiếp tục đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Zhao Tong, một nhà nghiên cứu tại Chương trình chính sách hạt nhân thuộc Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie – Thanh Hoa ở Bắc Kinh, tin rằng một mục tiêu khác của Bình Nhưỡng có thể là kinh tế.

Hồi tháng 4, nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên từng tuyên bố rằng, nước này đang chuyển hướng khỏi chính sách phát triển cả vũ khí hạt nhân và kinh tế song song cùng lúc để chỉ tập trung vào kinh tế.

“Triều Tiên có mối quan tâm chiến lược trong việc xây dựng quan hệ tích cực với Mỹ, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế đất nước… Bằng cách tránh phô diễn các tên lửa khiêu khích nhất của mình, Triều Tiên đang tìm cách duy trì động lực cải thiện quan hệ song phương với Mỹ và phá vỡ sự cô lập của quốc tế với họ”, ông Zhao nói.

Zhang Baohui, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong), cũng chia sẻ quan điểm trên. Ngoài ra, ông tin cuộc duyệt binh không tên lửa hạt nhân của Triều Tiên còn nhằm ủng hộ đồng minh Trung Quốc.

“Tổng thống Trump lâu nay vẫn cáo buộc, Trung Quốc đang phá hoại chính sách Triều Tiên của ông, bằng cách khuyến khích ông Kim không phi hạt nhân hóa… Bắc Kinh muốn làm giảm sự ngờ vực đang gia tăng giữa Trung Quốc và ông Trump, liên quan đến vấn đề Triều Tiên. Vì vậy, cuộc duyệt binh kiềm chế vừa qua sẽ khiến ông Trump ít có cớ để chỉ trích Trung Quốc thêm nữa”, ông Zhang giải thích.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cử cánh tay phải – ông Lật Chiến Thư, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tới Triều Tiên dự lễ kỷ niệm ngày quốc khánh nước này. Ông Lật Chiến Thư đã trao cho lãnh đạo nước chủ nhà một bức thư riêng của ông Tập, trong đó ông Tập yêu cầu ông Kim thực hiện cam kết về giải trừ hạt nhân đã đạt được tại cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ ở Singapore hồi tháng 6 vừa qua. Nhân dịp này, ông Lật Chiến Thư cũng tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân.

Đáp lời, ông Kim khẳng định, Triều Tiên đã xúc tiến các bước nhằm giải trừ hạt nhân và mong muốn phía Mỹ cũng có “các biện pháp tương ứng nhằm giải quyết các vấn đề bán đảo Triều Tiên theo con đường ngoại giao. Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Triều Tiên cũng bày tỏ mong muốn “học hỏi các kinh nghiệm phát triển kinh tế của Trung Quốc”.

Một số nhà phân tích cho rằng, cuộc duyệt binh không tên lửa tầm xa của Triều Tiên có thể tạo cơ hội cho một chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc đến Bình Nhưỡng trong thời gian tới. Tuy nhiên, họ nhận định động thái đó không nhất thiết đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng sẽ thực hiện việc giải trừ hạt nhân như Washington mong muốn.

“Về cơ bản, việc theo đuổi hạt nhân của Triều Tiên chịu ảnh hưởng của sự bất an cũng như hoài nghi đối với Mỹ”, giáo sư Zhang quả quyết.

RELATED ARTICLES

Tin mới