Friday, January 3, 2025
Trang chủBiển nóngNhìn lại quá trình TQ triển khai ý đồ độc chiếm Biển...

Nhìn lại quá trình TQ triển khai ý đồ độc chiếm Biển Đông và phản ứng của cộng đồng quốc tế hiện nay

Bất chấp sự phản đối của cộng đồng khu vực và quốc tế, Trung Quốc đã từ chỗtìm cách bao biện, che giấu đến ngang nhiên công khai ý đồ độc chiếm Biển Đông. Điều này đang vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Trung Quốc đang gia tăng phạm vi, mức độ quân sự hóa ở Biển Đông. Nguồn: Reuters/BBC

TQ từ bao biện, che giấu đến công khai ý đồ độc chiếm Biển Đông

Vào năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố sẽ không quân sự hóa các bãi đá ở quần đảo Trường Sa mà nước này cải tạo phi pháp thành các đảo nhân tạo và xây dựng các công trình trái phép trên đó. Dù chỉ là những bãi đá nửa nổi nửa chìm ở phía Đông Biển Đông, các bãi đá này lại nằm gần những tuyến liên lạc, vận tải hàng hải và các khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và khí đốt. Chính vì thế, để củng cố vững chắc tham vọng độc chiếm khu vực này vì nhiều lợi ích khác nhau, Trung Quốc đã không ngần ngại xây dựng các cầu cảng và đường băng trên các đảo nhân tạo nói trên. Đáng chú ý, vào thời điểm các công trình này được xây dựng, Trung Quốc tuyên bố sẽ chỉ sử dụng vào mục đích dân sự và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chuyên gia quân sự khẳng định, các công trình trên hoàn toàn đủ khả năng tiếp nhận máy bay chiến đấu và tàu chiến các loại.

Chỉ sau một thời gian ngắn, chính Trung Quốc đã công khai ý đồ độc chiếm Biển Đông, trái ngược hoàn toàn so với các tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và quan cức Trung Quốc trước đó. Từ cuối năm 2016 khi nước này quyết định đưa súng phòng không cùng các khí tài mà nước này gọi là “các hệ thống vũ khí cận chiến” (CIWS) hiện diện thường trực trên các đảo nhân tạo nói trên. CIWS trên thực tế là súng máy được kết nối với các loại cảm biến giúp chúng có thể tự động hoạt động chống lại máy bay chiến đấu của các nước trong khu vực qua lại quanh các đảo nhân tạo nói trên. Để hoàn thiện khả năng kiểm soát toàn khu vực quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã triển khai cả tên lửa hành trình đối hạm và tên lửa đất đối không lên ít nhất 3 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa là đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Subi. Trong đó, tên lửa đất đối không HQ-9B có tầm hoạt động hơn 200km và tên lửa hành trình đối hạm YJ-12B có tầm hoạt động lên tới gần 300km bao trùm hầu khắp khu vực phía Đông Biển Đông và đe dọa tới hạm đội Hải quân của một số nước khác.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La vào tháng 6/2018 ở Singapore, tướng Hà Lôi, Viện phó Viện Khoa học quân sự của quân đội Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố rằng Bắc Kinh đang triển khai binh lính và vũ khí tới các đảo đá ở Biển Đông. Đây được xem là một sự leo thang của Trung Quốc khi lần đầu tiên công khai tuyên bố triển khai quân đội và vũ khí trên Biển Đông. Phát biểu với cương vị trưởng đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La, tướng Hà Lôi không chỉ xem thường mong muốn đối thoại, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông khi hùng hổ tuyên bố Trung Quốc đang triển khai quân đội và vũ khí tới các đảo đá ở vùng biển này mà còn ngang ngược cho rằng điều đó là thuộc “quyền” và “chủ quyền của Trung Quốc”. Thậm chí viên tướng Trung Quốc này còn trắng trợn so sánh việc xây dựng các tiền đồn quân sự trái phép ở Biển Đông hiện nay với quyết định cử một đơn vị binh lính của quân đội Trung Quốc tới Hồng Kông sau khi tiếp quản đặc khu hành chính này năm 1997. Đáng nói nữa là tuyên bố của tướng Hà Lôi, một quan chức cấp thấp hơn nhiều những quan chức đứng đầu về quốc phòng và an ninh của nhiều quốc gia tham dự Đối thoại Shangri-La được cho nhằm đáp trả chỉ trích mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về việc tiến hành quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, hành động đi ngược lại tinh thần xây dựng an ninh hòa bình, ổn định trong khu vực. Bởi thế, việc đưa quan chức cấp thấp như Hà Lôi tham dự Đối thoại Shangri-La cũng như đáp trả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng phần nào cho thấy sự trịch thượng và xem thường của Trung Quốc. Việc tướng Hà Lôi thừa nhận triển khai binh lính và vũ khí trên các đảo đá ở Biển Đông tại Shangri-La được xem nằm trong toan tính của Trung Quốc nhằm “chính thức hóa” điều mà nước này vẫn chối bỏ lâu nay.

Nhằm đạt được ý đồ trên, TQ đang dùng nhiều thủ đoạn nguy hiểm

Các hoạt động quân sự hóa tương tự cũng diễn ra ở khu vực phía Tây Biển Đông. Trung Quốc đã liên tục mở rộng và hiện đại hóa phi pháp các căn cứ trên đảo Phú Lâm, một trong những hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Cụ thể, Trung Quốc đã kéo dài đường băng trên hòn đảo này lên 2.700m, đủ để các chiến đấu cơ nước này dễ dàng cất và hạ cánh. Trên thực tế, tiêm kích J-11B từng bị phát hiện có mặt trên đảo Phú Lâm hồi năm 2016. Cùng thời điểm đó, Trung Quốc đã nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển trên đảo và triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 đến đây.

Trung Quốc cũng đã xây dựng các trạm radar trên các đảo nhân tạo và cả đảo Phú Lâm đồng thời tăng cường các hoạt động của Không quân và Hải quân trong khu vực. Cùng với các hệ thống tên lửa, các tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung Quốc có nhiệm vụ đảm bảo rằng, toàn bộ Biển Đông nằm trong tầm kiểm soát của quân đội nước này. Các chuyên gia quân sự tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng những nỗ lực quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông  trong khu vực là nhằm tạo ra cái gọi là “eo biển chiến lược” trong khu vực. Nói cách khác, thông qua việc hiện diện quân sự thường xuyên trên toàn Biển Đông, bao gồm đảo Hải Nam và Phú Lâm ở phía Tây và các đảo nhân tạo ở phía Đông, Trung Quốc đang tìm cách biến một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất trên thế giới thành “của riêng” và cũng là tiền đồn chiến lược về quân sự. Nhờ ưu thế quân sự mà Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vào năm 2012 từ Philippines. Vào năm 1988, Trung Quốc bắt đầu tham vọng độc chiếm Biển Đông bằng cách đồn trú trên Đá Chữ Thập, một năm sau lời đề nghị xây trạm khí tượng của UNESCO. Đây là kế hoạch tính toán trước của Bắc Kinh, bởi sau đó, Trung Quốc hèn hạ thảm sát 64 lính hải quân Việt Nam trên Gạc Ma khi muốn mở rộng vùng xâm lấn sang các nơi khác.

Theo các chuyên gia, việc cùng lúc triển khai nhiều lực lượng quân sự ở Biển Đông đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã sẵn sàng chuyển sang một giai đoạn hoàn toàn mới là hình thành Khu vực Chống tiếp cận/Chống xâm nhập (A2/D2) bằng các sử dụng vũ lực xua đuổi lực lượng Hải quân các nước trong khu vực ra khỏi cả những vùng biển mà họ hoàn toàn được phép tự do đi lại theo luật quốc tế. Hệ lụy từ việc biến Biển Đông thành “vùng biển bị Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát” là rất đáng quan ngại. Một mặt, tự do hàng hải và hàng không qua một trong những tuyến đường nhộn nhịp nhất thế giới bị cản trở, mặt khác, Trung Quốc được quyền tự do vơ vét mọi tài nguyên khoáng sản tại đây. Ngoài ra, Hải quân các nước trong khu vực sẽ “bị bịt kín lối đi” đến Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hơn thế nữa, an ninh hàng hải của một số quốc gia ven biển láng giềng với Trung Quốc sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Không phải đến bây giờ Trung Quốc mới có tham vọng độc chiếm Biển Đông, nhưng chỉ đến những năm gần đây, tham vọng này mới được bộc lộ rõ và trở nên công khai.

Cộng đồng quốc tế lên án âm mưu, ý đồ và các hành động của TQ

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ D.Trump khi thăm Mỹ hôm 21/2, Thủ tướng Australia Turnbull khẳng định Australia luôn ủng hộ việc đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không trên thế giới và không loại trừ khả năng hải quân Australia sẽ tham gia các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông. Ngày 2/4, Đại diện về chính sách an ninh Liên minh châu Âu (EU) Francois Rivasseau cho biết EU bày tỏ quan ngại đối với tình hình căng thẳng ở Biển Đông do đây là khu vực có ảnh hưởng quan trọng về kinh tế và cho biết không loại trừ khả năng hải quân EU sẽ tiến hành tuần tra để khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngày 16/5, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương Patrick Murphy cho biết những thông tin gần đây về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông cho thấy Trung Quốc đã vi phạm các cam kết trước đây, trong đó có cam kết riêng giữa Trung Quốc với Mỹ, cho rằng việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông đã gây ra mối quan ngại lớn đối với Mỹ. Mỹ kêu gọi các bên liên quan tranh chấp theo đuổi các biện pháp đối thoại hòa bình, tránh các hoạt động làm leo thang căng thẳng, dẫn tới xung đột. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne (21/5) lên án hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, nhấn mạnh Chính phủ Australia quan ngại sâu sắc về tình trạng quân sự hóa tiếp tục diễn ra trên các thực thể có tranh chấp ở Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế các hành động có thể gây bất ổn, bao gồm cả việc triển khai các khí tài quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Ondera hôm 22/5 cho rằng việc Trung Quốc bồi đắp quy mô lớn, đẩy nhanh xây dựng các căn cứ quân sự và gia tăng các hoạt động diễn tập quân sự ở Biển Đông gần đây là những bước đi đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biến mọi việc thành “sự đã rồi”, kêu gọi quốc tế hợp tác để duy trì và củng cố trật tự trên biển một cách tự do, rộng mở dựa trên luật pháp. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 17 (SLD 17), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis (2/6) đã chỉ trích Trung Quốc đang vi phạm chính cam kết “không quân sự hóa Biển Đông” mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng đưa ra khi thăm Mỹ hồi năm 2015, cho rằng việc gia tăng hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Biển Đông của Trung Quốc là nhằm “đe dọa, cưỡng ép” các nước láng giềng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh Mỹ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, trao đổi thương mại “tự do và công bằng”, tuân thủ các luật lệ và chuẩn mực quốc tế; cam kết xây dựng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách châu Á – Thái Bình Dương Randy Schriver (17/7) cho biết Mỹ đang cân nhắc tăng cường các biện pháp phản ứng trước các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi Australia hợp tác chống ý đồ kiểm soát các tuyến hàng hải ở Biển Đông cũngnhư gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Nam Thái Bình Dương của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới