Dù có một số thành công về chính trị trong việc tranh thủ sự ủng hộ của một số nước đối với lập trường của mình về Phán quyết của Tòa Trọng tài và tạm thời ngăn cản Philippines yêu cầu thực phi Phán quyết, có thể nói rằng Trung Quốc đã hoàn toàn thất bại trong việc vô hiệu hóa Phán quyết về mặt pháp lý.
Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc đã chính thức công bố Phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trong đó có những nội dung quan trọng như: bác bỏ quyền lịch sử đối với tài nguyên trong đường 9 đoạn; khẳng định các cấu trúc thuộc Trường Sa không có đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý; các hoạt động của Trung Quốc ngăn cản Philippines thực hiện các quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế, kể cả vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough là vi phạm UNCLOS 1982; các hoạt động khai thác, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây hại cho môi trường biển; và tất cả những hoạt động đó của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm tranh chấp ở Biển Đông. Trong hơn hai năm qua, Trung Quốc đã tìm mọi cách vô hiệu hóa Phán quyết của Tòa Trọng tài, trong đó có việc quyết liệt triển khai một chiến dịch vận động hành lang và tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng với qui mô cực lớn nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cộng đồng quốc chống lại Phán quyết. Với những nỗ lực đó, Trung Quốc giành được sự ủng hộ của một vài nước ở Châu Á, Châu Âu và Châu Phi đối với một phần lập trường của Trung Quốc về Phán quyết của Tòa Trọng tài. Từ thực tế đó, có ý kiến cho rằng Trung Quốc đã thành công trong việc vô hiệu hóa Phán quyết. Ý kiến trên đặt ra một vấn đề cần nhận thức rõ ràng: có đúng là Trung Quốc đã vô hiệu hóa được phán quyết hay không?
Trung Quốc đã làm được gì?
Khách quan mà nói chiến dịch ngoại giao và thông tin tuyên truyền nhằm vô hiệu hóa Phán quyết của Tòa Trọng tài trong hơn hai năm qua đã mang lại cho Trung Quốc một số thành công nhất định, đó là: bằng sức ép ngoại giao và sử dụng con mồi kinh tế, Trung Quốc đã ngăn cản được Philippines thúc đẩy thực thi Phán quyết và Trung Quốc đã giành được sự ủng hộ nhất định của một số nước trên thế giới đối với một phần lập trường của Trung Quốc về Phán quyết.
Tuy vậy, những thành công trên của Trung Quốc là hết sức hạn chế. Mặc dù không đấu tranh đòi Trung Quốc thực thi ngay Phán quyết, nhưng Philippines không từ bỏ Phán quyết. Ngay sau khi Phán quyết được Tòa Trọng tài thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2016, theo Đài RFI, trong cuộc họp báo sau đó một hôm Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay đã tuyên bố Philippines tôn trọng Phán quyết của Tòa Trọng tài và Chính phủ Philippines “sẽ trình bày rõ ràng các bước tiếp theo nhằm đảm bảo rằng Phán quyết trên sẽ được thực thi một cách hòa bình”. Đồng thời, ông cũng khẳng định “Phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ được dùng như một tài liệu mang tính bản lề dẫn dắt cho các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc, nhưng cũng không làm mất thể diện của Trung Quốc để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa hai nước một cách hòa bình”. Hãng tin GMA của Philippines dẫn lời người phát ngôn Phủ Tổng thống, ông Martin Anadar nói: “Tổng thống Duterte đã nhiều lần cho biết ông sẽ không xa rời Phán quyết của Tòa Trọng tài.” Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố ông sẽ đưa vấn đề Phán quyết của Tòa Trọng tài ra vào một thời điểm nào đó.
Sự ủng hộ quốc tế đối với lập trường của Trung Quốc về Phán quyết cũng có giới hạn, không phải như hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc đã mô tả. Trong danh sách 60 nước mà Trung Quốc tuyên bố là đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc thì chỉ có 10 nước công khai ủng hộ. Đó là Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu, Lesotho, Cămpuchia và Nga. Thế nhưng, các nước này đều viện lý do kỹ thuật khi nêu quan điểm ủng hộ Trung Quốc. Đa số các nước ủng hộ Trung Quốc đưa ra luận điểm là Trung Quốc có quyền lựa chọn phương pháp riêng để giải quyết tranh chấp. Theo Sputnik News (Nga), khi tuyên bố Nga không công nhận Phán quyết tại cuộc họp báo kết kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc ngày 5 tháng 9 năm 2016, Tổng thống Putin đã nói rằng “Nga không công nhận phán quyết của Tòa án vì trong một phiên tòa cần có sự tham gia của cả hai bên, thế nhưng chỉ có một bên hiện diện. Trung Quốc không tham gia vào phiên tòa này và không thể bảo vệ lập trường của nước mình theo đúng thể thức”.
Như vậy, có thể nhận định rằng: cho đến nay Trung Quốc chưa thuyết phục được nước nào công khai bác bỏ nội dung của Phán quyết.
Trong khi đó, suốt hơn hai năm qua làn sóng ủng hộ Phán quyết của Tòa Trọng tài lan rộng trên khắp khu vực và thế giới. Mỹ, Nhật Bản và Úc là những nước đầu tiên công khai lên tiếng mạnh mẽ nhất kêu gọi Trung Quốc và Philippines phải tuân thủ Phán quyết của Tòa Trọng tài. Các thành viên của nhóm G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ trong Thông cáo chung ngày 20 tháng 4 năm 2017 của nhóm này cũng nêu rõ: “Chúng tôi coi phán quyết của PCA dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) ngày 12 tháng 7 năm 2016 là cơ sở hữu ích cho các nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình”. Tuy không nêu đích danh Trung Quốc, Singapore là một trong những nước trong khu vực có tuyên bố tương đối mạnh về Phán quyết. Ngay sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra Phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Singapore ra tuyên bố kêu gọi tất cả các bên tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, kiềm chế và tránh tiến hành bất kỳ hoạt động nào có thể gây căng thẳng trong khu vực. Vì lý do chính trị và ngoại giao, Ấn Độ, Indonesia và nhiều nước khác gián tiếp hoan nghênh Phán quyết bằng việc kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình sau khi Phán quyết được thông qua.
Thất bại của Trung Quốc
Bên cạnh một số thành công hạn chế về chính trị và ngăn cản việc tạm thời việc thực thi Phán quyết của Tòa Trọng tài, có thể khẳng định rằng Trung Quốc đã hoàn toàn thất bại trong việc vô hiệu Phán quyết về mặt pháp lý, bởi vì:
– Một là, Phán quyết được một Tòa Trọng tài được thành lập theo đúng trình tự pháp lý tại Phụ lục VII của Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc thông qua và những nội dung của Phán quyết nằm trong thẩm quyền giải quyết của Tòa Trọng tài này, vì vậy, Trung Quốc không thể vô hiệu hóa Phán quyết.
Theo Phụ lục VII, sự phản đối của Trung Quốc và việc Trung Quốc vắng mặt trong vụ kiện “không tạo nên bất kỳ rào cản nào cho tiến trình tố tụng” của Tòa Trọng tài. Nội dung Phán quyết của Tòa Trọng tài chỉ tập trung giải quyết những vấn đề giải thích và áp dụng các quy định của Công ước luật biển 1982, không giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp về phân định các vùng chồng lấn.
– Hai là, sau khi được một cơ quan tài phán quốc tế là Tòa Trọng tài được thành lập theo đúng trình tự pháp lý tại Phụ lục VII của Công ước Luật Biển 1982 thông qua, Phán quyết đã trở thành một án lệ quốc tế, tức là đã trở thành một phần của luật pháp quốc tế. Không một quốc gia nào có thể xóa bỏ một án lệ quốc tế.
– Ba là, Trung Quốc không thể chối bỏ nghĩa vụ tuân thủ Phán quyết của Tòa Trọng tài. Mặc dù không công nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài, không tham gia vào quá trình tố tụng và tuyên bố phản đối kịch liệt Phán quyết, nhưng theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc có nghĩa vụ phải tuân thủ Phán quyết vì một số lý do. Thứ nhất, Phán quyết của Tòa Trọng tài có tính chung thẩm và có tính ràng buộc pháp lý với Trung Quốc và Philippines. Thứ hai, Trung Quốc là thành viên của Công ước Luật Biển 1982, vì vậy, có nghĩa vụ tuân thủ Công ước, trong đó có quy định về giải quyết tranh chấp bắt buộc tại Tòa Trọng tài quốc tế được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển 1982. Vì lý do của mình, Trung Quốc có thể chọn con đường không tuân thủ Phán quyết, nhưng việc không thực thi Phán quyết bị coi là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước luật biển 1982 và các điều ước quốc tế khác như Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Vienna năm 1969 về luật điều ước quốc tế mà Trung Quốc là thành viên.
Tóm lại, mặc dù có một số thành công về chính trị trong việc tranh thủ sự ủng hộ của một số nước đối với lập trường của mình về Phán quyết của Tòa Trọng tài và tạm thời ngăn cản Philippines yêu cầu thực phi Phán quyết, có thể nói rằng Trung Quốc đã hoàn toàn thất bại trong việc vô hiệu hóa Phán quyết về mặt pháp lý. Chẳng những Phán quyết không bị vô hiệu hóa, trong hai năm qua càng ngày người ta càng thấy ý nghĩa quan trọng của Phán quyết đối với việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Phán quyết, với tư cách là một án lệ quốc tế, đã cung cấp những tiêu chí quan trọng để tất cả các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, xem xét và điều chỉnh lại yêu sách biển của mình cho phù hợp với Công ước Luật Biển 1982. Một số nội dung trong Phán quyết là cơ sở rất căn bản để các bên tranh chấp tham khảo trong quá trình giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trong tương lai.