Saturday, June 29, 2024
Trang chủBiển nóngThấy gì qua việc Hải quân Hoàng gia Anh triển khai tàu...

Thấy gì qua việc Hải quân Hoàng gia Anh triển khai tàu chiến tới thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông

Cuối tháng 8 vừa qua,Hải quân Hoàng gia Anh đã tiếp tục triển khai tàu đổ bộ HMS Albion tới thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông trước khi có chuyến thăm hữu nghị tớiCảng Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam hôm 3/9.Hành động này một lần nữa gửi đi những thông điệp của các nước lên án mạnh mẽ các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hoạt động đảm bảo tự do hàng hải và ngăn chặn các hành động quân sự hóa ở Biển Đông của Hải quân Hoàng gia Anh. Nguồn: BBC/CNN

Các nước tiếp tục duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông bất chấp hoạt động quân sự hóa và những tuyên bố ngang ngược về chủ quyền của TQ

Tàu đổ bộ HMS Albion thuộc Hải quân Hoàng gia Anh (31/8) đã di chuyển qua quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép)nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và phản bác các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Các nguồn tin cho biết Trung Quốc đã điều một tàu khu trục và hai trực thăng để thách thức hành động của tàu HMS Albion nhưng hai bên vẫn bình tĩnh trong cuộc chạm trán này. Mặc dù tàu chiến của Anh không đi vào vùng 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa, song hành động của họ thể hiện rằng Anh không công nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực.

Trước đây, Chính phủ cũng như Bộ Quốc phòng Anh đã nhiều lần công khai các kế hoạch thực thi đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, tăng cường hợp tác với các nước trong việc ngăn chặn các hành động quân sự hóa ở khu vực này. Hôm 21/7, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố sẽ triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông để tham gia một cuộc tuần tra tự do hàng hải, nhằm đối phó với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Dự kiến hoạt động này sẽ được thực hiện trong vài năm tới, khi tàu HMS Queen Elizabeth được trang bị đầy đủ vũ khí, cũng như được thử nghiệm xong. Tàu sân bay lớn nhất, mạnh mẽ nhất do Anh chế tạo, có tải trọng lên đến 65.000 tấn, dài 280 m và vận tốc tối đa khoảng 46,3 km/giờ, có khả năng triển khai nhiều máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và cả trực thăng săn ngầm. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết thêm Anh và Australia sẽ hợp tác để triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Thái Bình Dương và sẽ có những cuộc tuần tra chung với các tàu chiến của Australia. Trước đó (3/2018), tàu khu trục HMS Sutherland và Type 23 của Hải quân Hoàng gia Anh cũng đã tiến hành tuần qua hàng hải ở Biển Đông, sau khi tham gia huấn luyện với Hải quân Australia. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson lúc đó cho biết Mỹ, Anh, Australia và các nước khác đang tăng cường “khẳng định giá trị của mình” ở Biển Đông. Việc Anh điều tàu đến Biển Đông để góp phần duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và cho thấy sự ủng hộ của họ đối với quy tắc dựa trên luật pháp quốc tế. Hôm 1/7, Bộ Quốc phòng Anh thông báo sau khi Anh rút ra khỏi EU (Brexit), Quân đội Anh cần bảo vệ các tuyến đường thương mại trên biển chủ yếu, đặc biệt là lo ngại sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông.

TQ tiếp tục dùng các lập luận vô căn cứ để phản đối hoạt động của Hải quân Hoàng gia Anh

Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, sau đó thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã liên tục tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, đối với hoạt động của các nước, Trung Quốc lại thường xuyên đưa ra các tuyên bố đe nạt, vu cáo như “xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”, “vi phạm luật quốc tế”… Đối với động thái của Hải quân Hoàng gia Anh, Trung Quốc cũng hành động tương tự. Bộ Ngoại giao Trung Quốc rêu rao rằng tàu Hải quân Anh đã tiến vào vùng lãnh hải của Trung Quốc hôm 31/8 mà không được sự cho phép và đã nhận cảnh báo từ Hải quân Trung Quốc phải rời đi. “Các hành động của tàu đổ bộ Anh đã vi phạm luật pháp Trung Quốc, luật pháp quốc tế liên quan và xâm phạm chủ quyền Trung Quốc. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ hành động này và đã gửi tới phía Anh sự không hài lòng mạnh mẽ, yêu cầu Anh ngay lập tức chấm dứt các hành động khiêu khích này”, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Trong khi phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Anh khẳng định “tàu HMS Albion thực hiện quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế, tuân thủ đầy đủ các luật và thông lệ quốc tế”.

Dư luận quốc tế ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và phản đối hành động quân sự hóa ở Biển Đông

Giới chuyên gia cho rằng việc tàu chiến Anh đi gần quần đảo Hoàng Sa diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gần đây ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo trái phép và tăng cường hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông. Đây không phải là hành động gây bất ngờ. Đi kèm với thông điệp này, tàu HMS Sutherland của Hải quân Hoàng gia Anh đã lên đường tới Châu Á – Thái Bình Dương, với 220 thành viên thủy thủ đoàn hồi đầu năm 2018. Tháng 6 vừa qua, HMS Sutherland cũng đã cập cảng tại Singapore. Bộ trưởng Williamson khẳng định, một phần sứ mệnh của đội tàu này là đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động quân sự hóa khiến cộng đồng quốc tế không khỏi quan ngại. Thực tế, cùng với Mỹ và nhiều nước, Anh đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về đảm bảo quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, tuyến vận tải thương mại trị giá 3.000 tỷ USD mỗi năm. Từ đầu năm 2018 đến nay, Mỹ và các nước đã tăng cường các cuộc tập trận chung, tuần tra hàng hải ở Biển Đông để ngăn chặn các hành động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Hải quân Mỹ đã 08 lần điều tàu chiến đến Biển Đông và triển khai 02 máy bay ném bom chiến lược B-52 bay trên vùng trời Biển Đông.Anh, Australia, Pháp, Nhật Bản và Australiacũng đều đã cử tàu chiến đến vùng biển này để khẳng định tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế, cũng như để đối phó với những hoạt động quân sự hóa phục vụ ý đồ kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc. Tháng 4/2018, 3 tàu chiến hải quân Australia đi qua Biển Đông, tiến hành thăm hữu nghị Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác song phương và khẳng định các cam kết về tự do hàng hải, hàng không theo luật pháp quốc tế. Tháng 5/2018, 01 tàu hộ vệ và 01 tàu tấn công của Pháp đã đi qua khu vực đảo, đá ngầm do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Nhật Bản dự kiến điều tàu sân bay trực thăng lớp Izumo đi qua Biển Đông trong tháng 9 tới như năm 2017. Hôm 27/6, Mỹ và 25 quốc gia, bao gồm các nước xung quanh Biển Đông như Brunei, Malaysia, Philippines… với khoảng 25.000 binh sĩ, hàng chục tàu chiến đã tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018, cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới do Mỹ tổ chức ở vùng biển ngoài khơi Hawaii và miền Nam bang California (Mỹ). Trung Quốc vốn được Mỹ mời tham dự cuộc tập trận này, xong đã bị Mỹ rút lại do các hành động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Gần đây nhất, hôm 31/8, tàu khu trục mang theo trực thăng Kaga của Nhật Bản vừa có một cuộc diễn tập với nhóm tàu tấn công bao gồm hàng không mẫu hạm Ronald Reagan của Hải Quân Mỹ trong khu vực Biển Đông. Cuộc tập trận giữa Mỹ và Nhật Bản lần này nằm trong khuôn khổ chuyến đi kéo dài 1 tháng ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương của 3 tàu khu trục Nhật Bản bắt đầu từ ngày 26/8 vừa qua và kéo dài đến tận tháng 10. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trong chuyến đi này, các tàu khu trục của Nhật Bản cũng sẽ có các cuộc diễn tập với hải quân các nước khác là những nước các tàu này sẽ ghé thăm, bao gồm Ấn độ, Sri Lanka, Singapore, Indonesia và Philippines.

Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam cũng tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới