Sunday, January 5, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiThủy phi cơ AG600: Vũ khí mới của TQ ở Biển Đông

Thủy phi cơ AG600: Vũ khí mới của TQ ở Biển Đông

AG600 được thiết kế cho các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn nhưng các nhà quan sát quân sự nhận định nó cũng có thể được sử dụng để vận chuyển binh sĩ, vật tư, thậm chí là thực hiện nhiệm vụ giám sát tại các tiền đồn Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông.

Thủy phi cơ AG600 của Trung Quốc

Hãng hàng không Trung Quốc China Aviation (9/2018) cho biết, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công thủy phi cơ AG600, một trong những loại thủy phi cơ lớn nhât trên thế giới tại một hồ nước ở tỉnh Hồ Bắc. AG600 đã được kiểm tra khả năng hoạt động ở tầm cao thấp và mọi hệ thống trên máy bay đều vận hành tốt. Dự kiến, AG600 sẽ được sản xuất hàng loạt và giao được đưa vào sử dụng vào năm 2025. Hiện Chính phủ Trung Quốc đã đặt mua 17 máy bay này.

Theo thiết kế, AG600 có kích thước tương đương với một chiếc Boeing 737, dài gần 37m, sải cánh gần 39m, trọng lượng cất cánh 53 tấn. Máy bay có tầm hoạt động 4.500km và cất cánh được ở nơi có sóng cao 2m; trang bị 4 động cơ cánh quạt, đạt tốc độ tối đa 560 km/giờ. Nó có thể chở theo 50 người trong các nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ hoặc 12 tấn nước trong nhiệm vụ cứu hỏa. Tính đến thời điểm hiện tại, AG600 có thiết kế lớn nhất thế giới, lớn hơn so với thủy phi cơ ShinMaywa US-2 của Nhật Bản và Beriev Be-200 của Nga về kích thước và độ chịu tải.

Dư luận liên quan:

Máy bay được thiết kế cho các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn nhưng các nhà quan sát quân sự nhận định nó cũng có thể được sử dụng để vận chuyển binh sĩ, vật tư, thậm chí là thực hiện nhiệm vụ giám sát tại các tiền đồn Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Giới truyền thông và chuyên gia Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh có thể sử dụng thủy phi cơ AG600 để vận chuyển binh lính, củng cố lực lược kiểm sóat Biển Đông. Chế tạo thủy phi cơ lớn thế giới nằm trong chính sách canh tân quân đội của Trung Quốc và trong bối cảnh Bắc Kinh chọn thái độ lên gân ở Biển Đông cũng như ở các khu vực khác trên thế giới. Cụ thể: (1) Collagen Koh, một chuyên gia tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhận định, AG600 phù hợp dùng vận chuyển nhanh binh sĩ, trang thiết bị cho các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Sự xuất hiện của AG600 có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể sử dụng AG600 ở Biển Đông dưới danh nghĩa phục vụ lợi ích chung, ví dụ như hỗ trợ cho tàu nước ngoài trong khu vực và tìm kiếm cứu nạn để tránh sự chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế. (2) Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình của Trung Quốc cho rằng, AG600 có thể là chìa khóa để Trung Quốc liên kết các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở Biển Đông và đóng vai trò lớn trong tham vọng kiểm soát “càng nhiều càng tốt” các vùng biển đang tồn tại tranh chấp. (3) Một số chuyên gia cho rằng việc phát triển AG600 là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội và cũng là một cách tiếp cận nhằm hỗ trợ cho các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Bằng chứng là, hình ảnh AG600 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái từ sân bay Chu Hải, một cửa ngõ ra Biển Đông, được phát trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. (4) Trong khi đó, có ý kiến cho rằng với việc nghiên cứu, chế tạo thành công AG600 sẽ giúp Trung Quốc gặt hái thành công mới trong việc xuất khẩu vũ khí. Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới (với thị phần 6,2% trong năm 2016), sau Mỹ và Nga.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang duy trì nhiều trang thiết bị quân sự ở Biển Đông, nhất là tại 7 đảo nhân tạo đang chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa, như: Duy trì trái phép tàu cứu hộ và cứu nạn Nan Hai Jiu 115 đóng quân lâu dài tại khu vực quần đảo Trường Sa; Trung Quốc cũng đã ngang nhiên thực hiện cất, hạ cánh máy bay ném bom chiến lược H-6K trên đảo Phú Lâm; điều máy bay vận tải Y-8 tới đảo đá Subi, bố trí tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa tầm xa đất đối không HQ-9B một cách phi pháp ở đá Chữ thập, Vành khăn và Subi.

Nếu Trung Quốc triển khai AG600 ở Biển Đông không chỉ xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam mà còn vi phạm luật pháp quốc tế

Nếu Trung Quốc triển khai AG600 ở Biển Đông sẽ đi ngược lại các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN với Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đe dọa hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, hàng không và môi trường biển trong khu vực. Đồng thời, hành động trên của Trung Quốc cũng vi phạm Điều 37 khoản 1, Luật Biển Việt Nam 2012, quy định “các hành vi đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam là những hành vi bị nghiêm cấm”. Không những vậy, nó còn vi phạm Hiến chương LHQ. Là một thành viên tham gia ký kết Hiến chương LHQ và là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiến chương LHQ. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp (vào năm 1988 và năm 1995, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực tấn công, chiếm đóng 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), tiến hành xây dựng, cải tạo và triển khai tên vũ khí tại một số thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương LHQ, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cụ thể: Vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến chương LHQ khi Trung Quốc dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, để tiến hành hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của các nước khác. Vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương LHQ. Vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương LHQ, cụ thể quy định “các quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài) trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các mục đích của LHQ”. Vi phạm Điều 33 Hiến chương LHQ, trong đó quy định: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”, tuy nhiên việc quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại quy định này. Ngoài ra, nếu triển khai thủy phi cơ AG600 ở Biển Đông cũng là vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không. Cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, an ninh hàng hải và hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, quyền tự do hàng hải và quyền đi qua không gây hại của các quốc gia khác cũng như quyền tự do hàng không bị thu hẹp và phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức.

Kế hoạch của Trung Quốc cũng sẽ vi phạm các thỏa thuận song phương, đa phương mà Trung Quốc đã ký kết. Việc Trung Quốc triển khai AG600 ở Biển Đông sẽ vi phạm DOC, cản trở tiến trình xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), cụ thể: Vi phạm Điều 2 (Trung Quốc đã phá vỡ lòng tin và tín nhiệm với các nước ASEAN), Điều 4 (Việc triển khai tên lửa trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa hoàn toàn đồng nghĩa với việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực để răn đe, cảnh cáo các nước liên quan khi tìm cách giải quyết tranh chấp), Điều 5 (Hành động triển khai tên lửa của Trung Quốc gây phức tạp, leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định trong khu vực). Không những vậy, nó cũng đi ngược lại “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” ký tháng 10/2011 và mới nhất là Thông cáo chung giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đưa ra nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc tháng 5/2017, trong đó nêu rõ hai nước tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, bất kỳ hành vi đơn phương nào của phía Trung Quốc đều không chỉ xâm phạm đến các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam như đã nói ở trên mà còn gây ra căng thẳng, nguy cơ bất ổn và xung đột và ngăn cản việc thực thi các quyền tự do hàng hải, hàng không của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Nhìn chung, nếu Trung Quốc triển khai thủy phi cơ AG600 ở Biển Đông sẽ không chỉ là hành động vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ, UNCLOS, Vi phạm các nguyên tắc trong tập quán quốc tế, mà còn đi ngược lại các thỏa thuận song phương, đa phương và cam kết của chính Trung Quốc như DOC, Thỏa thuận song phương Trung Quốc – Việt Nam… Những hành động trên của Trung Quốc không chỉ phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở châu Á-Thái Bình Dương, mà còn đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và hoạt động tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, gây ảnh hưởng xấu đến chính hình tượng nước lớn có trách nhiệm mà Trung Quốc đang tự xây dựng, gây mất lòng tin chính trị giữa Trung Quốc với các nước và tạo tiền lệ xấu cho cộng đồng quốc tế khi chỉ muốn dựa vào sức mạnh (quân sự, kinh tế) để áp đặt, xâm chiếm chủ quyền của nước khác.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới