Trong những năm gần đây, các nước liên quan trực tiếp tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cũng như nhiều nước có lợi ích trong khu vực đang tích cực đầu tư hiện đại hóa lực lực hải quân, trong đó đặc biệt chú trọng sản xuất, mua sắm tàu ngầm. Trung Quốc đang áp đảo các nước trong khu vực về cả số lượng, chất lượng cũng như quy mô đầu tư, nghiên cứu, chế tạo tàu ngầm.
Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc hoạt động phi pháp ở Biển Đông
Tương quan lực lượng tàu ngầm giữa các nước
Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, trong quá khứ các nước Đông Nam Á không hề e ngại sức mạnh hải quân Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng tàu chiến của Trung Quốc khá mỏng, hải quân không được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, trong một thập kỷ qua Bắc Kinh đã đổ hàng chục tỉ USD vào xây dựng hạm đội tàu chiến. Tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực nay đã thay đổi. Hải quân Trung Quốc hiện có hơn 60 tàu chiến, từ tàu khu trục lớn đến tàu tấn công tốc độ cao, hoạt động trên Biển Đông. Trong khi đó Malaysia chỉ có tám tàu khu trục nhỏ, Indonesia có 11 tàu, Singapore 6 tàu, Thái Lan 10 tàu và Philippines 1 tàu.
Theo số liệu thống kê không chính thức, Trung Quốc hiện đứng thứ ba trên thế giới về số lượng tàu ngầm với 69 tàu, trong đó có 10-13 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Số tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tuy không được thiết kế và tính năng ưu việt như tàu ngầm Nga hoặc Mỹ, nhưng tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược của Trung Quốc vẫn có thể bắn những tên lửa hạt nhân tầm xa. Các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc mang 12 tên lửa đạn đạo chiến lược, chiếm 1,1% số tên lửa này của Trung Quốc. Các tàu ngầm khác mang 146 tên lửa chống hạm (chiếm 9,9%), 1.182 ngư lôi (chiếm 82,4%) và 2.608 thủy lôi (31,5%). Ngoài 12 tàu ngầm lớp Kilo được mua từ Nga, các lớp tàu ngầm còn lại đều được Trung Quốc tự phát triển trên cơ sở sao chép công nghệ nước ngoài. Các tàu ngầm này có thể áp dụng chiến thuật bầy sói, tức là nhiều tàu tấn công cùng lúc một mục tiêu. Hiện Trung Quốc có kế hoạch bổ sung thêm 30 tàu ngầm để đạt tổng số 86 chiếc vào năm 2020.
Indonesia đã sở hữu 02 tàu ngầm Type-109 do Đức sản xuất từ 30 năm qua và 03 tàu ngầm chạy động cơ dầu diesel – điện do Hàn Quốc sản xuất. Hiện Indonesia đang có kế hoạch mua thêm 5 tàu ngầm nữa, nâng tổng số tàu ngầm của nước này lên đến 10 tàu vào năm 2024. Thái Lan đang có kế hoạch chi 257 triệu USD để mua 06 tàu ngầm Type-206 đã qua sử dụng, do Đức sản xuất và mua 03 tàu ngầm điện chạy bằng diesel của Trung Quốc. Philippines cũng đang có kế hoạch mua tàu ngầm Kilo do Nga chế tạo. Singapore đã mua 04 tàu ngầm lớp Challenger của Thụy Điển, 02 tàu ngầm lớp Archer của Na Uy và mới đưa vào sử dụng thêm 01 tàu ngầm tìm kiếm và hỗ trợ. Theo tạp chí The Diplomat, Singapore đang xem xét mua thêm bốn tàu ngầm nữa để thay thế các tàu Thụy Điển đã cũ. Malaysia đã mua 02 tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp với giá 1,5 tỉ USD. Trong khi đó, Việt Nam đang sở hữu 6 tàu ngầm lớp Kilo diesel do Nga sản xuất.
Trong khi đó, Mỹ có 4 loại tàu ngầm cùng hoạt động. Trong đó có 3 loại tàu ngầm tấn công bao gồm các lớp Los Angeles, Seawolf và Virginia cùng một lớp tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo là Ohio. Trong biên chế của Hải quân Mỹ có khoảng hơn 60 tàu ngầm đang hoạt động. Trong đó cso 36 tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles. Nga hiện đang có 64 tàu ngầm các loại, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng sức mạnh của tàu ngầm Nga hiện nay đã không còn được như thời Liên Xô và không phải toàn bộ hơn 60 tàu ngầm của lực lượng này đều đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Nhật Bản đang tìm kiếm vũ khí của nước ngoài để trang bị cho các tàu ngầm lớp Soryu, đồng thời dự định tăng hạm đội từ 18 lên 22 tàu ngầm chạy diesel vào năm 2018. Australia đã hoàn thành hợp đồng trị giá 25 tỷ USD để mua nhiều tàu khu trục chống tàu ngầm từ công ty BAE Systems của Anh. Bên cạnh đó, Australia cũng ký hợp đồng trị giá 38 tỷ USD với nhà thầu DCNS để chế tạo tàu ngầm hiện đại Shortfin Carracuda cho hải quân nước này. Dựa trên thiết kế mẫu tàu ngầm hạt nhân mới lớp Scorpene của Pháp, tàu ngầm này được thay thế lò phản ứng hạt nhân bằng động cơ diesel – điện, trang bị hệ thống điều khiển chiến đấu của Mỹ, giúp Australia có thể phát huy sức mạnh ra xa trên vùng biển phía Bắc. Chính phủ Ấn Độ mới đây công bố kế hoạch đầy tham vọng chế tạo 24 tàu ngầm trong vòng 30 năm tiếp theo, nhằm cạnh tranh sức mạnh trên biển với Trung Quốc.
Tàu ngầm có vai trò chiến lược, mang tính quyết định sống còn ở Biển Đông
Tàu ngầm được sử dụng để phá vỡ những tuyến đường thương mại, bí mật triển khai quân, né tránh các đường biên của đối thủ để tạo nên yếu tố bất ngờ. Là một công cụ thiết yếu trong chiến tranh giữa các nước. Với những tranh chấp trên Biển Đông, tàu ngầm được sử dụng để thu thập thông tin tình báo, tổng hợp dữ liệu về các hạm đội của đối phương, thậm chí có thể giám sát những gì đang diễn ra trên đất liền và ngăn chặn những cuộc giao tranh chớp nhoáng. Trong trường hợp chiến tranh xảy ra, tàu ngầm hoạt động trong khu vực sẽ tạo ra kết quả khác biệt trong xung đột, nó được trang bị tên lửa hành trình có thể tấn công những mục tiêu trên đất liền.
Xu hướng phát triển đội tàu ngầm thành lực lượng chủ lực nói trên càng rõ nét ở trong khu vực Biển Đông, bởi vì các nước trong khu vực phải đối phó với khả năng quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện có nhiều phương tiện phòng thủ trên biển và nhiều loại máy bay chiến đấu tối tân để ngăn chặn các tàu của đối phương tiến gần bờ biển của họ.
Tính đến thời điểm hiện tại, trong các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông chỉ có Trung Quốc sở hữu tàu ngầm hạt nhân (10-13 tàu). Đây là một trong những ưu thế vượt trội so với các nước khác, tạo mối uy hiếp lớn đến cục diện tranh chấp trong khu vực. Theo giới chuyên gia, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) cũng như tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSN) đều có khả năng chiến đấu cao, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào. SSN thường được trang bị nhiều loại tên lửa hành trình khác nhau, dùng để tấn công các mục tiêu trên biển hoặc trên đất liền ở tầm gần. Trong khi đó, SSBN mang được vũ khí hạt nhân, có thể ẩn nấp dưới biển và phóng tên lửa đạn đạo mang đầu hạt nhân đủ sức tiến hành tấn công phủ đầu hay tấn công đáp trả với mục tiêu ở bất cứ nơi nào. Giới phân tích đánh giá SSBN sẽ có vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của các cường quốc trên thế giới. Giáo sư James R. Holmes, từ Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ (Naval War College) cho biết, theo kế hoạch xây dựng của hải quân Mỹ, gần một nửa số ngân sách 106,4 tỉ USD chi cho đóng tàu giai đoạn 2019 – 2023 sẽ được dành cho SSBN cùng SSN. Cụ thể sẽ có 32,9 tỉ USD được chi cho công tác đóng 10 chiếc SSN và 16,7 tỉ USD cho 1 chiếc SSBN. Phía Nga cũng dự kiến đến năm 2025 đóng được 4 tàu ngầm lớp Borei-II, và Trung Quốc sẽ bắt đầu đóng các tàu Type 096 trong vài năm tới. Cả Borei-II lẫn Type 096 được cho sẽ có khả năng di chuyển với tốc độ hơn 30 hải lý, nhanh hơn SSBN lớp Columbia 10 hải lý.
Đáng chú ý, Bộ Chỉ huy Chiến lược và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ tiết lộ tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tuần tra chiến đấu từ năm ngoái, nhưng Bắc Kinh không đưa ra thông báo chính thức về các lần tuần tra này. Bắc Kinh hồi năm 2014 lần đầu tiên điều các tàu ngầm tấn công đến Ấn Độ Dương với mục đích bề ngoài là hỗ trợ hoạt động chống cướp biển, nhưng thực chất là nhằm thu thập thông tin và phô diễn năng lực tàu ngầm.
Dư luận về cuộc chạy đua tàu ngầm ở Biển Đông:
Cuộc chạy đua mua sắm tàu ngầm tỏ ra quyết liệt hơn ở châu Á xuất phát từ lo ngại Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự nhanh chóng. Trung Quốc đã thiết lập chuỗi năng lực phòng thủ trên biển và hệ thống phòng không tinh vi, đồng thời nỗ lực xây dựng hạm đội tàu ngầm tấn công. Tổ chức Tình báo Phòng vệ Sách lược, còn gọi tắt là DSI, có trụ sở ở London cho biết châu Á dẫn đầu thế giới về mức tăng chi quốc phòng và mức chi của các nước dành cho tàu ngầm đứng đầu danh sách. Các chuyên gia phân tích của DSI nói thị trường tàu ngầm Á Châu đang trị giá trên 11 tỷ đô la.
Đô đốc Scott Swift, sĩ quan cấp cao thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, Mỹ, từng khẳng định, tàu ngầm là một “tài sản cực kỳ giá trị”. Khi căng thẳng ở Biển Đông liên tục gia tăng gần đây, nhiều nước đã tăng cường triển khai các loại tên lửa phòng không cùng những khí tài hiện đại khác nhằm phô trương sức mạnh, răn đe đối thủ cũng như củng cố năng lực phòng vệ. Tuy nhiên, các loại vũ khí trên lại không thể gây ảnh hưởng cho tàu ngầm. Chính vì thế, hàng loạt quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia hay Australia, đang ráo riết tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang dưới đáy biển. Nếu căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, tiếp tục leo thang, viễn cảnh bùng phát một cuộc chiến tranh bằng tàu ngầm không còn là điều quá xa vời, chuyên gia nhận định.
Chuyên gia Sravan Kumar Gorantala của DSI nói Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc là những nước chính mua tàu ngầm giữa những lo ngại về những đe dọa và xung đột hàng hải có thể xảy ra ở Biển Đông, cũng như ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ông Gorantala nói sự kiện Trung Quốc ngày càng hung hăng trong những vụ tranh chấp về Biển Đông cùng với việc hiện đại hóa đội tàu ngầm của Trung Quóc đã dẫn đến nhu cầu về tàu ngầm của Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Australia và Việt Nam cũng tăng theo. Theo giáo sư Trương Bảo Huy, Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong, có một “cuộc chạy đua tàu ngầm trong khu vực” đánh dấu “một phản ứng bất cân xứng đối với tình trạng thiếu quân bình lực lượng để các nước nhỏ, từ Việt Nam cho đến Australia, sẽ tiếp tục cải tiến các khả năng tàu ngầm của họ chống lại một nước Trung Quốc đang trỗi dậy.”
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, mặc dù có lực lượng mạnh song hải quân Trung Quốc vẫn thiếu kỹ năng và kiến thức so với các đối thủ hùng mạnh như Mỹ, Nhật Bản. Đặc biệt hải quân Trung Quốc hiện rất yếu trong khả năng tác chiến chống tàu ngầm. Một số nguồn tin quân sự tiết lộ tàu ngầm chiến đấu Mỹ vẫn thỉnh thoảng hoạt động chỉ cách bờ biển Trung Quốc vài kilômet, song vẫn không hề bị lực lượng tàu chiến Trung Quốc phát hiện.