Monday, January 13, 2025
Trang chủBiển nóngChủ quyền và quyền lợi hợp pháp của quốc gia không ai...

Chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của quốc gia không ai được nhân nhượng

Để tranh thủ sự ủng hộ của các nước ASEAN, Trung Quốc đã nhiều lần điều chỉnh câu chữ của ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác”, nhưng tham vọng không đổi.

LTS: Tiếp theo phần 2, Tính toán khôn ngoan của Phillipines trước bẫy gác tranh chấp, cùng khai thác,  xin mời quý bạn đọc theo dõi phần 3 bài viết của Tiến sĩ Trần Công Trục.

Thứ sáu, quá trình tiến xuống phía Nam độc chiếm Biển Đông nhằm thực hiện chiến lược vươn lên trở thành siêu cường quốc tế trong tranh chấp địa – chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc đã tính toán sử dụng nhiều biện pháp, thủ thuật, thủ đoạn khác nhau, lúc “cứng”, lúc “mềm”.

Song song với biện pháp sử dụng sức mạnh để cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào những thời điểm khác nhau của thế kỉ trước, Trung Quốc đã tính toán sử dụng các biện pháp “mềm”, rất tinh vi và nguy hiểm.

Một trong những biện pháp đó là việc họ đã đề xuất giải pháp “gác tranh chấp cùng khai thác”.

Ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” được ông Đặng Tiểu Bình nêu ra từ cuối những năm 70 của thế kỷ 20.

Trong suốt hơn 40 năm qua, “gác tranh chấp, cùng khai thác” đã trở thành một chủ trương lớn trong triển khai chiến lược biển của Trung Quốc.

Họ luôn tìm mọi cách để áp đặt ý tưởng và chủ trương này đối với các nước láng giềng.

Đối với Biển Đông, từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã lần lượt nêu ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” với Philippines, Indonesia, Singapore và Malaysia…

Sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hoá quan hệ tháng 11/1991, Trung Quốc cũng đã nhiều lần đề cập với Việt Nam về chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Tuy nhiên, ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc không được đa số các nước ASEAN hưởng ứng, do các nước đều hiểu rõ bản chất của ý tưởng này là: biến khu vực không tranh chấp thành vùng tranh chấp để thực hiện “cùng khai thác” tại vùng biển và thềm lục địa của các nước khác nằm trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò”.

Để tranh thủ sự ủng hộ của các nước ASEAN, Trung Quốc đã nhiều lần điều chỉnh câu chữ của ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Ban đầu là “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác”; sau đó, rút gọn lại là “gác tranh chấp, cùng khai thác” và gần đây là “khai thác chung” hay “cùng khai thác”.

Hơn thế nữa, Trung Quốc đang muốn đánh đồng đề xuất “gác tranh chấp, cùng khai thác” với giải pháp tạm thời “cùng phát triển (khai thác)” vùng biển chồng lấn, có ý nghĩa thực tế theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Bằng cách đánh tráo các khái niệm này, họ âm mưu áp dụng cho hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông nằm trong yêu sách “đường lưỡi bò”.

Rõ ràng, quan điểm “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc đã vượt qua mọi quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Thậm chí, ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” theo cách hiểu của Trung Quốc, hoàn toàn không có trong các án lệ của luật pháp và thực tiễn quốc tế có liên quan đến vấn đề giải quyết các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, quần đảo trên biển.

Mặc dù luôn luôn khẳng định chủ trương “cùng khai thác” không làm ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, song ý đồ sâu xa của Trung Quốc là muốn thông qua “cùng khai thác” để hợp pháp hóa các yêu sách phi lý và phi pháp của mình trong Biển Đông.

Họ còn muốn dùng vấn đề “cùng khai thác” để phân hóa, chia rẽ các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế.

Thời gian qua, Trung Quốc luôn lớn tiếng rằng “cùng khai thác” là biện pháp duy nhất để duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông.

Trung Quốc cho rằng đề xuất này thể hiện thiện chí to lớn của phía Trung Quốc, có cơ sở pháp lý, không đụng chạm đến quan điểm của mỗi bên về vấn đề chủ quyền.

Họ lập luận “gác tranh chấp, cùng khai thác” có tính xây dựng, thực tế và tính khả thi nhất, tạo điều kiện cho các bên khai thác tài nguyên phát triển kinh tế, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, cũng như góp phần giữ gìn môi trường hòa bình và ổn định trên biển…

Thực tế cho thấy, trong triển khai chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác”, Trung Quốc vừa nhằm duy trì và củng cố yêu sách mở rộng phạm vi biển theo đường “lưỡi bò” trong Biển Đông, tranh đoạt được tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng;

Đồng thời họ còn nhắm mục tiêu giữ được bộ mặt “hòa bình”, tranh thủ dư luận, tăng cường ảnh hưởng chính trị đối với khu vực, hạn chế vai trò của các cường quốc khác.

Như vậy, đề xuất “gác tranh chấp, cùng  khai thác” của Trung Quốc chỉ là một “cạm bẫy” pháp lý cực kỳ nguy hiểm.

Từ nội dung nói trên, chúng tôi cho rằng Việt Nam đã có cân nhắc, thận trọng khi thỏa thuận áp dụng giải pháp “cùng phát triển” cho 2 khu vực biển khác nhau:

Một là khu vực cửa vịnh Bắc Bộ mà 2 bên đang tiến hành đàm phán phân định ranh giới vùng chồng lấn.

Trong khi hai bên đang đàm phán để thống nhất một đường phân định cuối cùng thì có thể thỏa thuận áp dụng giải pháp tạm thời “cùng phát triển” cho vùng chồng lấn ở đây.

Đây là một thỏa thuận hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Hai là: Nhóm công tác cần tiếp tục “bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển…”. Cụm từ “trên biển” ở đây nên được hiểu như thế nào? Phải chăng cụm từ này đã phản ánh sự dung hòa quan điểm của 2 bên về phạm vi áp dụng giải pháp “cùng phát triển”?

Theo lập trường của Việt Nam, phạm vi này chỉ có thể phải là các vùng chồng lấn được hình thành dựa trên cơ sở vận dụng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 khi xác lập phạm vi vùng đặc quyền và thềm lục địa của mỗi quốc gia.

Còn Trung Quốc thì cho rằng, “trên biển” nói trong tuyên bố này bao gồm toàn bộ vùng biển nằm trong giới hạn đường “lưỡi bò”, trong đó có cả khu vực quần đảo Trường Sa mà họ gọi là “Nam Sa quần đảo”, nơi mà Trung Quốc, kể cả vùng lãnh thổ Đài Loan, cho đến nay đã cưỡng chiếm được 9 thực thể địa lý.

Nhưng lập trường của Trung Quốc về phạm vi “trên biển” lại không bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa và đã chiếm đóng trái phép hoàn toàn từ năm 1974.  

Đó là cách mà Trung Quốc vẫn thường xuyên sử dụng để áp đặt, mặc cả trong đàm phán ngoại giao.

Như vậy, có thể thấy lập trường của hai bên về phạm vi áp dụng cho giải pháp “cùng khai thác trên biển” còn cần phải được cụ thể hóa bằng các cuộc đàm phán cấp chuyên viên.

Và, chắc chắn điều này sẽ không dễ dàng thống nhất được một sớm một chiều, nếu Trung Quốc vẫn cố tình bám giữ yêu sách “lưỡi bò”.

Tuy nhiên, như mọi người đều đã biết, Việt Nam luôn luôn chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; trong đó, đàm phán ngoại giao song phương hoặc đa phương là biện pháp ưu tiên hàng đầu.

Trong quá tình đàm phán hòa bình, Việt Nam cũng đã từng chủ động đề xuất áp dụng các giải pháp tạm thời có tính thực tiễn và hợp lý để tạo môi trường thuận lợi cho quá trình đàm phán, từng bước tìm được giải pháp cơ bản, lâu dài mà các bên có thể chấp nhận được. 

Tất nhiên, cũng phải tùy theo khu vực và tính chất tranh chấp để áp dụng các giải pháp tạm thời thích hợp nhất, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Chẳng hạn, trong cuộc đàm phán từ ngày 3-5/6/1992, Việt Nam và Malaysia đã ký văn bản thỏa thuận hợp tác khai thác chung khu vực biển chồng lấn rộng 2.800 km2 trong vịnh Thái Lan (gọi tắt là MOU).

Nội dung chủ yếu của MOU là, hai bên đã xác định chính thức tọa độ khu vực chồng lấn theo đường ranh giới thềm lục địa mà phía Việt Nam và phía Malaysia đưa ra, quy định hợp tác khai thác chung vùng chồng lấn này theo nguyên tắc chia sẻ đồng đều chi phí và phân chia đồng đều lãi suất.

Thỏa thuận cũng nêu rõ, nếu như có mỏ dầu khí nằm vắt ngang khu vực chồng lấn và một phần nằm trên thềm lục địa của Việt Nam hoặc Malaysia thì hai bên sẽ thỏa thuận cùng thăm dò khai thác.

Về quản lý nhà nước đối với các hoạt động tại khu vực chồng lấn, thì hai bên cũng có thỏa thuận về quản lý hải quan, thuế, biên phòng… 

Với Indonesia, Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận hoạch định ranh giới thềm lục địa và hiện hai nước đang tiến hành đàm phán về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế.

Việt Nam cũng đã từng chủ động đề nghị áp dụng giải pháp hợp tác cùng khai thác trước khi nhất trí xác định được ranh giới cuối cùng của vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn, tuy nhiên, hai bên vẫn chưa đạt được đồng thuận.

Thứ bảy, từ những phân tích nói trên, thiết nghĩ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không được phép rời bỏ nguyên tắc tối thượng và bất di bất dịch: các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên biển là tối thượng, không ai có quyền bán rẻ hay làm suy yếu.

Tuy nhiên, muốn vận dụng nguyên tắc và thủ tục pháp lý thích hợp, theo chúng tôi, trước hết các bên cần phân loại tranh chấp đang tồn tại trong Biển Đông.

Bởi vì, không phải bất kỳ loại tranh chấp nào cũng đều có chung một nguyên tắc và theo một thủ tục pháp lý như nhau.

Đàm phán phân định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các quốc gia ven biển nằm đối diện hay liền kề, theo UNCLOS 1982, phải theo nguyên tắc “công bằng mà mỗi bên có thể chấp nhận được”.

Và, trong khi đang đàm phán, các bên chưa thống nhất được đường phân định cuối cùng thì có thể áp dụng giải pháp tạm thời, có tính thực tiễn“hợp tác cùng phát triển”(joint-development) ở “vùng chồng lấn” (overlapping area), được hình thành trên cơ sở áp dụng các tiêu chuẩn theo quy định của UNCLOS 1982.

Xin lưu ý rằng, giải pháp tạm thời này không áp dụng cho những phạm vi lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền,chẳng hạn như quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Nếu các bên liên quan đàm phán không thành công thì họ có thể cùng nhau thỏa thuận đưa tranh chấp lên cho các cơ quan tài phán quốc tế xét xử.

Chỉ có loại tranh chấp có liên quan đến việc giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982 thì các bên liên quan có thể đơn phương khởi kiện lên các cơ quan tài phán quốc tế.

Còn đàm phán giải quyết tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với các đảo, quần đảo nằm giữa Biển Đông, nguyên tắc và thủ tục pháp lý áp dụng cho giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp lại hoàn toàn khác, không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS 1982.

Đó là nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế.

Hiện nay, nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” đã được vận dụng một cách phổ biến trong quá trình đàm phán hay giải quyết thông qua cơ chế tài phán quốc tế đối với các các vùng đất vô chủ hiện đang tồn tại những tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia liên quan.

Các bên tranh chấp phải chuẩn bị kỹ hồ sơ pháp lý, bao gồm các chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý, để bảo vệ cho quan điểm của mình trong đàm phán hay trước các cơ quan tài phán quốc tế mà các bên đã thỏa thuận lựa chọn.

Tất nhiên, trong đàm phán các bên có thể có sự “nhân nhượng lẫn nhau”. Nhưng “nhân nhượng lẫn nhau” nói ở đây hoàn toàn khác với “nhượng bộ về chủ quyền”.

Chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia hợp pháp trên biển là “dĩ bất biến”, không ai được phép từ bỏ, nhân nhượng, bán rẻ.

Tài liệu tham khảo:

1. Giáo trình Luật quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản Công an Nhân dân Hà Nội 2008.

2. http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121203/giai-quyet-tranh-chap-bang-thuong-luong-va-luat-phap-quoc-te.aspx Truy cập ngày 21/02/2012

3. Nguyễn Hồng Thao, Tòa án công lý quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2000.

4. Vu Duong Ninh (ed.), Bien gioi tren dat lien Viet Nam-Trung  Quoc [China‐Vietnam Land boundary], Hanoi (Cong An Nhan Dan ed. 2011).

5. Tôn Sinh Thành, QUAN HỆ BIỆN CHỨNG GIỮA CÔNG TÁC BIÊN GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN (Nghiên cứu Biển Đông,17/03/201)

6. Nguyễn Bá Diến, ÁP DỤNG CÁC NGUYÊN TẮC VỀ THỤ ĐẮC LÃNH THỔ TRONG LUẬT QUỐC TẾ GIẢI QUYẾT HÒA BÌNH CÁC TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG ( Nghiên cứu Biển Đông, 15/03/2010 )

7. AFP, Tokyo ngày 21/4/1995. Ngày 20/4/1995, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã phát biểu chính thức tại Tokyo rằng: “Quan điểm của Việt Nam là giữ gìn hiện trạng để duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp thay vì là sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.”

8. TS Trần Công Trục: “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, năm 2012.

9. TS  Đặng Đình Quý: “Tìm kiếm giải pháp vì hòa bình và công lý ở Biển Đông”,NXB Thế giới, Hà Nội, năm 2015.

10. Hoàng Việt, PHÂN TÍCH CÁC YÊU SÁCH VỀ “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” THEO LUẬT QUỐC TẾ ( Nghiên cứu Biển Đông ,25/02/2010 )

11. Nguyễn Minh Ngọc, QUAN HỆ VIỆT NAM – CAMPUCHIA VÀ VẤN ĐỀ PHÂN ĐỊNH BIÊN GIỚI BIỂN TẠI VỊNH THÁI LAN ( Nghiên cứu Biển Đông, 21/02/2010 )

12. GS Vũ Hải Âu “Tình hình tranh chấp hiện nay ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Tạp chí lịch sử quân sự,  Hà Nội , số 6-30 1988.

13. Luật ga Lưu Văn Lợi, “Cuộc tranh chấp Việt – Trung  về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” NXB Công an Nhân dân, Hà nội, 1995.

14. M. Clagett Brice, (Bản dịch) “Những yêu sách đối kháng của Việt nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư chính và Thanh Long trong Biển Đông”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.

15. Minh Nghĩa, “Pháp luật quốc tế đối với vấn đề thiết lập chủ quyền lãnh thổ trên các lãnh thổ vô chủ”, Tạp chí Lịch sử  Quân sự, Hà Nội, số 6-30, 1988.

RELATED ARTICLES

Tin mới