Trung Quốc sẽ không đủ máy bay trang bị cho các tàu sân bay khi tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này đi vào hoạt động.
Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc thuộc lớp 001A nhưng chưa được đặt tên – hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm trên biển thứ hai, sẽ tham gia hoạt động cùng tàu sân bay Liêu Ninh (Trung Quốc mua từ Ukraine và tân trang lại) trong vài tháng tới.
Tuy nhiên theo Sputnik ngày 13-9, thực tế quân đội Trung Quốc đang đối mặt với một bất cập: không có đủ máy bay chiến đấu để trang bị cho hai tàu. Tàu Liêu Ninh có khả năng chứa 40 máy bay, nhưng hiện tàu này chỉ đang được trang bị 26 tiêm kích chiến đấu J-15, còn được gọi là cá mập bay.
Khi tàu sân bay lớp 001A bắt đầu đi vào hoạt động, Trung Quốc sẽ không có đủ tiêm kích chiến đấu J-15 để trang bị. Theo PLA Daily thì Trung Quốc chỉ có 40 tiêm kích J-15. Đáng nói ngoài tàu Liêu Ninh và tàu lớp 001A, Trung Quốc còn đang sản xuất một tàu sân bay thứ ba tức là tàu sân bay nội địa thứ hai.
Ngoài thiếu về số lượng, theo Sputnik, giới hạn trong động cơ và khối lượng nặng nề của J-15 (17,5 tấn) hạn chế nghiêm trọng hiệu quả hoạt động. Máy bay chiến đấu F-18 của hải quân Mỹ nặng chỉ 14,5 tấn.
J-15 được cho là có vấn đề lớn với hệ thống kiểm soát bay và đã xảy ra nhiều vụ rơi J-15 những năm gần đây.
Đầu tháng 7, Sputnik cho biết quân đội Trung Quốc đang tính khả năng thay thế J-15. Một số nguồn tin dự đoán loại máy bay mới thay thế J-15 có thể sẽ được phát triển dựa trên chiếc JC-31 Gyrfalcon do tập đoàn máy bay Thẩm Dương (Trung Quốc) sản xuất.
“Một loại máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay, thay thế cho J-15 đang được phát triển”, Tướng Chương Thẩm Sinh – Phó Tư lệnh không quân Trung Quốc nói với South China Morning Post hồi tháng 7.
Thời điểm đó, trao đổi với Sputnik về viễn cảnh thay thế J-15, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho rằng máy bay này sẽ chưa thể có mặt sớm. Đồng nghĩa J-15 sẽ tiếp tục là lực lượng chủ lực của không quân Trung Quốc trong nhiều năm tới.
“Tôi không nghĩ chiếc JC-31 đầu tiên cho tàu sân bay sẽ có mặt sẵn sàng chiến đấu trước giữa thập niên 2020. Từ giờ đến lúc đó Trung Quốc sẽ vẫn phải khai thác J-15”- theo chuyên gia Kashin.
“Nhiều năm trước Trung Quốc đã xác định tiết kiệm tiền, và thay vì mua máy bay Su-33 từ Nga để có được giấy phép sản xuất ở Trung Quốc, họ chọn mua máy bay T-10K-3 từ Ukraine, một mô phỏng Su-33”- chuyên gia Kashin nói.
Su-33 được phát triển từ Su-27 Flanker, được sử dụng tên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của hải quân Nga – tàu chị em và có cùng hệ thống phóng với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Hệ thống cất cánh của tàu Liêu Ninh chỉ phù hợp nhất với các máy bay hay trực thăng cánh quạt. Theo Sputnik, có thông tin quân đội Trung Quốc nhiều khả năng sẽ lắp đặt một hệ thống máy phóng máy bay trên tàu sân bay tương lai.
Máy phóng giúp máy bay cất cánh nhanh, đạt được tốc độ tốt. Các tàu sân bay của Mỹ và cả Pháp đã sử dụng máy phóng máy bay từ nhiều thập niên nay.