Saturday, January 4, 2025
Trang chủBiển nóngVành đai - Con đường: Tiền của TQ có thể dè bỉu,...

Vành đai – Con đường: Tiền của TQ có thể dè bỉu, nhưng khó lòng từ chối?

Pakistan vừa có động thái ngần ngại về sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc, đầu tiên là việc suy nghĩ lại, sau đó giận dữ từ chối.

Ảnh minh họa: Economist

Một loạt nước suy nghĩ lại

Tín hiệu phức tạp từ Islamabad xuất hiện sau khi có các xôn xao về sáng kiến Vành đai – Con đường ở châu Á, dấy lên nghi ngại rằng, sau 5 năm tiến hành, chương trình hạ tầng nổi bật của Bắc Kinh đang gặp khó khăn.

Nhưng điều này là không chính xác. Với rất ít nguồn tài chính thay thế, Trung Quốc dễ dàng nhận thấy có nhiều quốc gia cần tiền của họ trong tương lai.

Nếu Pakistan “ngoảnh mặt” với Vành đai – Con đường, đây sẽ là một tin lớn. Rất khó để tìm một con số đáng tin cậy về quy mô của toàn bộ chương trình, với ước tính từ hàng trăm đến 1.000 tỷ USD.

Nhưng các nhà phân tích đều đồng ý rằng, Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan, bao gồm các dự án năng lượng và giao thông trị giá 62 tỷ USD, là thành phần lớn nhất của sáng kiến Vành đai – Con đường và cũng là trung tâm của mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa 2 quốc gia châu Á.

Vừa qua, Tạp chí Financial Times đưa tin ám chỉ việc Pakistan lên kế hoạch xem xét lại và tái đàm phán một số phần quan trọng của Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan đã khiến cả 2 nước phản đối dữ dội.

Pakistan đã vội vã mô tả mối quan hệ với Bắc Kinh là không thể lay chuyển, mặc dù thất bại trong việc bác bỏ thông tin Imran Khan, ngôi sao môn cricket vừa trở thành Thủ tướng, thực sự cũng muốn xem xét lại một số cam kết trong sáng kiến Vành đai – Con đường.

Pakistan không phải là quốc gia đầu tiên đưa ra phản ứng “không vui vẻ”. Tuần này, Malaysia xác nhận hủy 3 dự án đường ống dẫn dầu và khí gas do Trung Quốc hỗ trợ, và hoãn dự án đường sắt 20 tỷ USD.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed đã đến Bắc Kinh tháng trước và mô tả sáng kiến Vành đai – Con đường là một “hình thức mới của chủ nghĩa thuộc địa”.

Ít đáng chú ý hơn là quyết định giảm quy mô phát triển một cảng nước sâu ở Kyaukpyu, Rakhine. Được phát triển bởi tập đoàn nhà nước CITIC và trị giá 10 tỷ USD, kế hoạch Kyaukpyu ban đầu bao gồm một cảng kết nối và đặc khu kinh tế cùng đường ống dẫn dầu và khí gas từ vịnh Bengal đến Côn Minh, Trung Quốc.

Hồi tháng 8, Myanmar cho biết, khoản đầu tư cho cảng này sẽ được giảm xuống chỉ còn 1,3 tỷ USD, theo Reuters.

Có thoát được “bẫy nợ”?

Thực tế, đã có nhiều chỉ trích rằng, Trung Quốc cố ý đưa các đối tác vào “bẫy nợ”, với hy vọng có thể có quyền kiểm soát các tài sản trong sáng kiến Vành đai – Con đường, như những gì đã xảy ra với cảng Hambantota ở Sri Lanka.

Vành đai – Con đường hiện được xem là “khoản nợ khổng lồ để đổi lấy tài sản”, như ông Kori Schake – Viện phó Viện quốc tế về nghiên cứu chiến lược, London, Anh nói.

Các lý do của Bắc Kinh để tài trợ cho sáng kiến Vành đai – Con đường là rất nhiều, từ việc đảm bảo các tuyến năng lượng đến tìm việc làm cho các công ty cơ sở hạ tầng trong nước. Sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng điều này không có ý nghĩa quân sự hoặc chiến lược.

Mặc dù vậy, cũng khó có chuyện Vành đai – Con đường sẽ bị bác bỏ khi đầu tháng 9, ông Tập Cận Bình cam kết các khoản vay mới lên đến 60 tỷ USD cho các quốc gia châu Phi.

Hầu hết là các quốc gia đang phát triển có rất ít giải pháp thay thế để tài trợ nhu cầu cơ sở hạ tầng. Sáng kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ cũng chỉ đưa ra con số khiêm tốn: 113 triệu USD.

Các nguồn khác, ví dụ như các tổ chức đa phương hoặc Nhật Bản như Ngân hàng Phát triển Châu Á, hoạt động ở quy mô thường nhỏ hơn và chậm hơn nhiều so với Trung Quốc.

Nói một cách đơn giản, đối với tất cả sự phàn nàn hiện tại, việc cung cấp thêm tiền của Bắc Kinh vẫn hấp dẫn. Năm tới, Trung Quốc có thể sẽ tổ chức một Diễn đàn Vành đai – Con đường. Đây sẽ là một biện pháp có hiệu quả khiến những quốc gia không hài lòng với Vành đai – Con đường thay đổi suy nghĩ.

RELATED ARTICLES

Tin mới