Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLý do Nga quyết định chưa can dự nhiều vào vấn đề...

Lý do Nga quyết định chưa can dự nhiều vào vấn đề Biển Đông

Nga không phải nước có tranh chấp chủ quyền trực tiếp đối với Trung Quốc và các nước ASEAN ở Biển Đông. Mặc dù xét về tổng thể thì Đông Nam Á có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Nga, song những năm qua, trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Nga lại chưa có sự can dự đáng kể nào gây ấn tượng trong vấn đề này, ngoại trừ những dấu hiệu cho thấy xu hướng thắt chặt quan hệ với Trung Quốc.

Nga coi trọng quan hệ với Trung Quốc và việc kiềm chế Mỹ hơn là hỗ trợ các nước giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông. Nguồn: Xinhua/Reuters

          Trong tháng 4/2016, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết lập trường của Nga về vấn đề Biển Đông, trong đó phản đối sự can dự của bên thứ ba và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, kể cả trong khuôn khổ các diễn đàn như ARF, EAS, ASEM. Tháng 9/2016, khi được hỏi về quyết định của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc (7/2016) bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc), Tổng thống Nga V.Putin khẳng định “Chúng tôi đoàn kết và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc không công nhận phán quyết của Tòa… Đây không phải là lập trường chính trị mà chỉ đơn thuần về pháp lý”. Ông cho biết thêm sự can thiệp từ bên ngoài không giúp giải quyết vấn đề mà chỉ khiến tình hình thêm căng thẳng. Có nhiều nguyên nhân khiến Nga chưa có nhiều can dự vào vấn đề Biển Đông, như bao gồm sự ưu tiên về chiến lược, lịch sử mối quan hệ của Nga đối với các nước và mối quan hệ với Trung Quốc. Cụ thể:

          Thứ nhất, địa bàn ưu tiên chiến lược của Nga vẫn là châu Âu, khu vực Trung Á và các nước SNG. Trên thực tế từ trước đến nay Đông Nam Á chưa bao giờ là địa bàn ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Chính sách đối với châu Á của Nga phần lớn tập trung vào Trung Quốc và phần lớn tập trung vào Trung Quốc và một phần quan hệ truyền thống với Việt Nam. Thực tế thì Nga chưa đủ nguồn lực và sự chú trọng để đẩy mạnh quan hệ với Đông Nam Á và xa hơn là đối với các vấn đề an ninh nóng bỏng của các nước khu vực này. Năm 2010, Nga chính thức công bố chính sách hướng Đông nhằm mục đích giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào các nước phương Tây, đồng thời tận dụng tiềm năng to lớn từ các nền kinh tế đang lớn mạnh của châu Á, trong đó phải kể đến các nước thuộc khu vực ASEAN.

          Thứ hai, quan hệ Nga với các nước ASEAN được tạo dựng trên cơ sở kinh tế và chính trị không đủ mạnh, không phải nói là yếu ớt. Những năm qua, kể từ Hội nghị thượng đỉnh Nga – ASEAN lần thứ nhất (2005), kim ngạch trao đổi thương mại hai bên đã kim ngạch thương mại của Nga đối với khu vực này mới đạt 21,4 tỷ USD (2014), hiện Nga chỉ đứng thứ 14 trong tổng số các đối tác thương mại lớn của ASEAN, chiếm chưa đến 1% tổng số kim ngạch thương mại của các nước ASEAN. Năm 2015, kim ngạch thương mại của Nga đối với ASEAN còn giảm xuống còn 13 tỷ USD, so với 345 tỷ USD kim ngạch thương mại của Trung Quốc đối với ASEAN. Đầu tư của Nga vào ASEAN rất thấp, chỉ khoảng 700 triệu USD (2014), tương đương 0,2% FDI của Nga ra nước ngoài. Như vậy chúng ta thấy rõ sự quan tâm và mức độ ưu tiên của Nga đối với ASEAN dừng ở mức nào. Về mặt chính trị, Nga cũng chưa cho thấy những dấu hiệu về quan tâm và dành ưu tiên cho khu vực này. Tại Hội nghị Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN – Nga do Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn quan chức cao cấp (SOM) Lào Thongphane Savanphet và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov đồng chủ trì tháng 5/2018 vừa qua, hai bên cũng chỉ tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ ASEAN – Nga, nhất trí tăng cường nỗ lực hướng tới nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược và tích cực triển khai các thoả thuận tại Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 20 năm quan hệ ASEAN – Nga (2016). Phía Nga cho biết ASEAN và Nga sẽ triển khai một số hoạt động cụ thể như tổ chức Đối thoại doanh nghiệp và Diễn đàn Giáo dục ASEAN – Nga dịp Diễn đàn kinh tế phương Đông tại Vladivostok tháng 9/2018, đoàn doanh nghiệp Nga tới tìm hiểu thị trường các nước ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên ASEAN – Nga tại Philippines trong năm 2018, các khoá đào tạo tại Nga về xây dựng năng lực trong phòng chống khủng bố, buôn bán ma tuý, tội phạm mạng… cho cán bộ an ninh các nước ASEAN. Nói chung, tất cả sự tham gia của Nga mới chỉ là những bước đi còn yếu ớt so với sân chơi chính trị vốn rất sôi động ở khu vực này.

          Thứ ba, do mối quan hệ chiến lược không thể bỏ qua của Nga đối với Trung Quốc – nước gây ra tranh chấp chủ quyền chủ yếu với các nước ASEAN ở Biển Đông. Nga và Trung Quốc hiện là đối tác đối thoại chủ chốt của ASEAN và muốn cùng ASEAN xây dựng chương trình nghị sự cũng như định hình cấu trúc an ninh tương lai tại khu vực. Đây được coi là thay đổi đáng mừng đối với sự phát triển kinh tế và an ninh tại khu vực. Nga và Trung Quốc đang tham gia sâu hơn vào châu Á, nơi chiến lược tái cân bằng của Mỹ đã có động lực với sự ủng hộ quan điểm chung của ASEAN về Biển Đông. Sau khi Washington tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á năm 2009, tiếng nói và vị thế của Mỹ tại khu vực cũng nhận được sự quan tâm chú ý nhiều hơn. Tại Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Brunei trong tháng 10/2013, Nga và Trung Quốc dự kiến sẽ hợp tác cùng nhau và đưa ra kế hoạch chung để củng cố vị thế và hy vọng nhận được sự ủng hộ của ASEAN. Cả hai nước đều ủng hộ vai trò lãnh đạo của ASEAN trong chương trình nghị sự của với 6 lĩnh vực ưu tiên chính là môi trường và năng lượng, giáo dục, tài chính, các vấn đề sức khỏe toàn cầu và bệnh dịch, giảm thiểu thiên tai và kết nối ASEAN. Điều khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau chính là mục tiêu chung trong giảm thiểu cái mà cả hai nước nhận thức một nước Mỹ bá quyền. Hai bên đều muốn bảo đảm rằng các đồng minh an ninh của Mỹ và chiến lược tái cân bằng không làm suy yếu sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung – Nga tại châu Á. Xét tới căng thẳng hiện nay về tranh chấp biển tại Hoa Đông và Biển Đông, Nga và Trung Quốc đã nhận thức được nhu cầu tăng cường hợp tác an ninh biển. Những cuộc diễn tập hải quân Nga và Trung Quốc gần đây đã diễn ra dọc bờ biển Trung Quốc và truyền thông Trung Quốc đã ca ngợi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai nước láng giềng này. “Việc tái khẳng định liên kết quân sự Nga – Trung trong bối cảnh Biển Đông như hiện nay chính là cách để giới tinh hoa chính trị ở Bắc Kinh và Moscow thúc đẩy, thắt chặt trở lại mối quan hệ song phương”, Andrew O’Neil, giáo sư từ Đại học Griffith, Australia, nhận xét.     

          Thứ tư, do sự xa cách về mặt địa lý và lịch sử quan hệ giữa Nga với Đông Nam Á, Nga còn quá xa lạ với ASEAN so với các nước khác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Anh, Ấn Độ. Đối với ASEAN, Nga chỉ là một nước thường xuyên bán vũ khí và phương tiện quân sự hoặc là đối tác hợp tác năng lượng với một số nước. Năm 2012, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử nhà nước Rosatom thuộc sở hữu nhà nước của Nga đã giành được hợp đồng cung cấp cho Việt Nam hai nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên của nước này dự kiến được hoàn thành vào năm 2023 – 2024. Trong hội nghị về hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Nga diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 9/2015, nhiều tập đoàn lớn của Nga tỏ ra rất quan tâm đến việc đầu tư vào những lĩnh vực như điện hạt nhân. Nga nỗ lực mở rộng xuất khẩu các loại vũ khí, thiết bị quân sự và các hoạt động bảo dưỡng, đa dạng hóa nguồn cung các sản phẩm quốc phòng. Thậm chí, để kết nối với ASEAN, Nga còn tổ chức một diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế, có tên là “Army 2015” vào tháng 6/2015.

          Kết luận: Từ góc độ kinh tế đến chính trị thì với Nga Biển Đông không quá quan trọng như đối với các lợi ích cốt lõi. Các lợi ích sống còn của Nga hiện đang nằm ở khu vực châu Âu, khu vực Trung Á và các nước SNG. Vì vậy, sự quan tâm của Nga đối với vấn đề này chỉ dừng lại ở mức hạn chế để nhường chỗ cho những lợi ích khi thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, chính điều nay đang khiến Nga mất dần lợi thế và hình ảnh đối với các nước khu vực, nhất là việc hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đi ngược lại với xu thế phát triển và nguyện vọng của các nước trong khu vực.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới