Nhiều quốc gia đang cố gắng tránh cái bẫy công trình đường sắt Trung Quốc nhưng Nga lại đi ngược với lời cảnh báo.
Nga đang kêu gọi hợp tác từ nước ngoài cho vùng Viễn Đông xa xôi và Trung Quốc là một trong những lựa chọn mà Moscow hướng tới đầu tiên.
RT hôm 17/9 đưa tin, Tập đoàn đường sắt Trung Quốc China Railway đã xác định khu vực Viễn Đông của Nga hiện là một trong những thị trường ưu tiên để mở rộng các hoạt động cốt lõi của mình.
Đây sẽ là nơi đặt hàng loạt các dự án trọng điểm, là một phần trong sáng kiến Vành đai- Con đường của Bắc Kinh.
Giám đốc điều hành của China Railway – ông Zhang Zongyan cho biết, khu vực Viễn Đông đòi hỏi một mạng lưới đường sắt và đường cao tốc, các cây cầu và các cơ sở hạ tầng giao thông khác. Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào các dự án này.
“Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đang coi Viễn Đông là một trong những thị trường đích quan trọng nhất để mở rộng hoạt động” – ông Zhang Zongyan nói với Tân Hoa xã.
TASS dẫn lại lời của vị CEO nhấn mạnh rằng: “Các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng triển khai công nghệ, thiết bị và kỹ thuật tiên tiến riêng của mình để tham gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng ở Viễn Đông. Điều này sẽ góp phần thực hiện dự án “Vành đai- Con đường” nhằm phát triển hợp tác giữa vùng Đông Bắc Trung Quốc và vùng Viễn Đông của Nga”.
Theo ông Zhang Zongyan, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đã đàm phán với Bộ Giao thông Vận tải Nga và Bộ Phát triển Viễn Đông bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ tư.
Đường sắt Trung Quốc được cho là có kế hoạch tham gia vào việc tái thiết các hành lang giao thông quốc tế của vùng Primorye-1 và Primorye-2 ở Viễn Đông kết nối các tỉnh của Trung Quốc là Hắc Long Giang và Cát Lâm.
Cùng với phát triển các cơ sở hạ tầng ở Viễn Đông, Bắc Kinh còn dự định phát triển các tour du lịch tới vùng Bắc Cực.
Cơ quan Du lịch Liên bang Nga cho biết, khách du lịch Trung Quốc đang bị thu hút bởi môi trường tự nhiên độc đáo ở Viễn Đông.
“Trung Quốc không có vùng lãnh thổ Bắc Cực, và do đó loại hình du lịch này là mối quan tâm đặc biệt đối với Trung Quốc” – một lãnh đạo của Cơ quan này cho biết.
Ông cũng cho biết thêm, các nhà khai thác du lịch Trung Quốc đã đến thăm khu vực Arkhangelsk, nơi họ nghiên cứu thị trường địa phương để xem cách họ có thể tổ chức các chuyến đi cho du khách Trung Quốc.
“Các đại diện Trung Quốc nói với chúng tôi rằng họ nhận thấy rằng vùng Bắc Cực có một hệ sinh thái phức tạp và độc đáo. Họ hiểu rằng tổ chức các chuyến đi sẽ có liên quan đến việc duy trì khu vực tự nhiên độc đáo đó, và do đó người Trung Quốc sẵn sàng triển khai công nghệ du lịch, giải quyết các vấn đề kiểm soát khách du lịch của họ ở đó” – vị này nói.
Bắc Kinh đã công bố kế hoạch hồi tháng 1/2018 về việc mở rộng tham vọng sáng kiến Vành đai – Con đường đến Bắc Cực bằng cách phát triển các tuyến vận chuyển hàng hải.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc công bố Sách Trắng về Bắc Cực hồi cuối tháng 1/2018. |
Điều đáng chú ý là các dự án đường sắt của Trung Quốc cũng như việc phát triển các hình thức du lịch của Trung Quốc và khách du lịch Trung Quốc đang trở thành một vấn đề toàn cầu nhưng ở hướng tiêu cực.
Hàng loạt quốc gia từ Đông Nam Á, Trung Á, châu Phi đang phải vật lộn với chiêu thức đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đi kèm với các khoản vay khổng lồ và điều kiện cho vay rất dễ dãi.
Nhiều quốc gia đã phải chấp nhận mất đi một số ưu thế chiến lược để trả số nợ cho Trung Quốc.
Trước làn sóng “tẩy chay” các dự án Trung Quốc từ châu Mỹ sang châu Âu và châu Á, sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc về hệ thống cơ sở hạ tầng mang tới nhiều rủi ro.
Liệu Moscow có con bài nào để quản lý, khắc chế các đặc điểm tiêu cực của đầu tư Trung Quốc?