Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngNhìn lại “lợi ích cốt lõi” của TQ ở Biển Đông

Nhìn lại “lợi ích cốt lõi” của TQ ở Biển Đông

Năm 2015, Trung Quốc chính thức thông qua Luật An ninh Quốc gia, trong đó xác định và giới hạn rõ nội hàm vấn đề “lợi ích cốt lõi”, bao gồm: Chủ quyền quốc gia; an ninh quốc gia; toàn vẹn lãnh thổ; thống nhất quốc gia; chế độ chính trị và cục diện ổn định xã hội mà Hiến pháp Trung Quốc đã quy định; những đảm bảo cơ bản cho phát triển bền vững kinh tế xã hội.

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc tấn công phi pháp tàu chấp pháp Việt Nam

Khởi nguồn quan điểm “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở Biển Đông

Từ những năm 2004, các quan chức, học giả và báo chí Trung Quốc đã sử dụng thuật ngữ “lợi ích cốt lõi” để ám chỉ vấn đề Đài Loan, sau đó thêm Tây Tạng và Tân Cương. Đến đầu năm 2010, khái niệm “lợi ích cốt lõi” được một số quan chức Trung Quốc đưa ra trong cuộc gặp kín với quan chức Mỹ. Ngày 17/7/2010, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đưa ra tuyên bố “chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích phát triển quốc gia đều thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” (tức là những vấn đề đặt lên hàng đầu, không thể nhượng bộ, phải tập trung giải quyết, thậm chí có thể sử dụng vũ lực để thực hiện). Tháng 9/2010, trong cuộc trả lời phỏng vấn thường kỳ, Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Jiang Yu đã được yêu cầu xác nhận tính xác thực của các báo cáo về ý  định của Trung Quốc trong việc xem Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”. Bà đã đưa ra một câu trả lời mang tính nước đôi: “Tất cả các quốc gia đều có  những lợi ích cốt lõi. Những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, và những lợi ích phát triển cơ bản đều hết sức quan trong đối với mỗi quốc gia. Trung Quốc tin rằng vấn đề Biển Đông chỉ liên quan đến các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và lợi ích kinh tế giữa những quốc gia liên quan. Nó vừa không phải là vấn đề giữa TrungQuốc và ASEAN, cũng không phải là một vấn đề quốc tế hay khu vực. Do đó,tranh chấp phải được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán hữu nghị giữacác quốc gia liên quan và thông qua các biện  pháp hoà bình”. Tháng 11/2010, trong bài phỏng vấn với Tạp chí “The Australian”, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc đã đề cập vấn đề Biển Đông và bất kể vấn đề nào liên quan đến lãnh thổ, kể cả tranh chấp biên giới với Ấn Độ hoặc quần đảo Senkak/Điếu Ngư với Nhật trên biển Hoa Đông trở thành “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh. Tháng 12/2010, ông Đới Bỉnh Quốc có bài viết tựa đề “Kiên trì đi con đường phát triển hòa bình”, trong đó lần đầu tiên trình bày một cách có hệ thống về khái niệm lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Theo ông Đới Bỉnh Quốc, “lợi ích cốt lõi” được hiểu là: (i) Một là thể chế chính trị và ổn định chính trị quốc gia, tức là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc; (ii) Hai là an ninh chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước; (iii) Ba là những đảm bảo cơ bản cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế xã hội. Đây là những vấn đề lợi ích không được phép xâm phạm hay phá hoại.

Trung Quốc (6/9/2011) công bố “Sách trắng về Phát triển hòa bình Trung Quốc năm 2011”. Ngoài các nội dung trình bày về việc Trung Quốc kiên trì đi con đường phát triển hòa bình; kiên trì chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập, tự chủ; kiên trì chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự; không xưng bá, không tranh bá… “Sách trắng” lần đầu tiên làm rõ nội hàm khái niệm “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Trong chương về “Chính sách đối ngoại”, “Sách trắng” nêu rõ 6 vấn đề lợi ích cốt lõi bao gồm: Chủ quyền quốc gia; an ninh quốc gia; toàn vẹn lãnh thổ; thống nhất quốc gia; chế độ chính trị và cục diện ổn định xã hội mà Hiến pháp Trung Quốc đã quy định; những đảm bảo cơ bản cho phát triển bền vững kinh tế xã hội. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc chính thức ra một văn kiện trong đó xác định và giới hạn rõ nội hàm vấn đề “lợi ích cốt lõi”.

So với phát biểu trên của Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc, “Sách trắng” 2011 đã trình bày một cách hoàn thiện và quy phạm hơn về vấn đề lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Cơ bản có thể phân thành 3 phạm trù: (1) Một là chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước. Tức là chủ quyền lãnh thổ quốc gia không thể bị xâm phạm, xâm lược hay đe dọa; sự nghiệp thống nhất đất nước tất yếu phải hoàn thành; không cho phép các hành động chia cắt đất nước, cụ thể là trong vấn đề Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng. (2) Hai là an ninh quốc gia, chế độ chính trị và cục diện ổn định xã hội theo Hiến pháp Trung Quốc đã quy định. Tức là không cho phép bên ngoài đe dọa hoặc xâm phạm tới chế độ chính trị mà Trung Quốc đã lựa chọn phù hợp với tình hình Trung Quốc. (3) Ba là những đảm bảo cơ bản cho sự phát triển bền vững của kinh tế xã hội, an ninh tiền tệ, ổn định kinh tế…

Năm 2015, Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật An ninh Quốc gia, trong đó mở rộng khai niệm và phạm vi “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Theo đó, tại Điều 2 của Luật này đã quy định và đề “chủ quyền, thống nhất và tính toàn vẹn lãnh thổ… và những lợi ích trọng đại khác”. Theo định nghĩa mới, khái niệm này bao gồm cả Biển Đông và những vấn đề chủ quyền quan trọng khác đối với Trung Quốc.

Dư luận liên quan việc Trung Quốc đưa vấn đề Biển Đông trở thành “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh

Giáo sư Chu Phong, Viện Quan hệ quốc tế Đại học Bắc Kinh bày tỏ, “lợi ích cốt lõi” trong ngôn ngữ ngoại giao của Trung Quốc có một hàm nghĩa đặc thù. Vấn đề mà Trung Quốc xem là “lợi ích cốt lõi”, nhấn mạnh Trung Quốc có quyền bảo lưu toàn bộ quyền lựa chọn chính sách, bao gồm cả việc lựa chọn biện pháp vũ lực để giải quyết vấn đề. Việc Trung Quốc tuyên bố và nhấn mạnh những vấn đề “lợi ích cốt lõi” trong chính sách ngoại giao, là đặc chỉ những phạm vi trong quan hệ đối ngoại mà trong đó Trung Quốc tuyệt đối sẽ không nhượng bộ, không cho phép tranh cãi, không cho phép can thiệp, ví dụ như vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương. Tuy nhiên, ông Chu Phong cũng nhấn mạnh, không thể mang nguyên tắc cơ bản về “lợi ích cốt lõi” quốc gia gom chung với “lợi ích cốt lõi” trong thực tiễn quan hệ đối ngoại, càng không thể mang những vấn đề tranh chấp trong quan hệ quốc tế của Trung Quốc mở rộng thành “lợi ích cốt lõi”. “Quan niệm về lợi ích cốt lõi” là nguyên tắc cơ bản chỉ đạo việc nhận thức và định nghĩa lợi ích quốc gia; còn “cách nói về lợi ích cốt lõi” là phản ứng đặc định trong chính sách ngoại giao đối với những vấn đề cụ thể và xác định, là thực tiễn của “quan niệm về lợi ích cốt lõi” trong chính sách ngoại giao. Nếu như trùm chiếc mũ “lợi ích cốt lõi” lên tất cả những vấn đề trong chính sách đối ngoại thì chỉ làm cho khái niệm “lợi ích cốt lõi” bị suy yếu.

Một số chuyên gia Trung Quốc bày tỏ quan ngại trước việc Chính phủ đưa Biển Đông thành “lợi ích cốt lõi”. Giáo sư Hàn Húc Đông, Đại học Quốc phòng Trung Quốc không ủng hộ ý kiến đưa Biển Đông vào nhóm “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Ông Hàn Húc Đông chỉ ra các giới hạn về khả năng quân sự của Trung Quốc, cho rằng việc công bố rộng rãi danh sách “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc là quá sớm và phản tác dụng. Da Wei, một nhà nghiên cứu Mỹ tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), đề nghị Trung Quốc nên duy trì một “định nghĩa hẹp” về lợi ích cốt lõi. Ông chỉ ra rằng “khi giải quyết tranh chấp lãnh thổ, nhiều quốc gia chấp nhận các thoả hiệp như là trao đổi lãnh thổ (đang tranh chấp) hay là công nhận nguyên trạng.” Ông lập luận rằng “các cường quốc lớn thường có thể “bỏ qua”một số vùng tranh chấp. Điều này không có nghĩa là những nước đó đã chối bỏ những lợi ích cốt lõi của đất nước họ’.

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng Trung Quốc chưa bao giờ coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Các chuyên gia ở Viện nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương tại CASS cũng lưu ý rằng luận điểm “lợi ích cốt lõi” đã bị tin một cách mù quáng và tuyên truyền rộng rãi. Họ cho rằng những nhận định này không có nguồn lẫn bằng chứng chính thức.Xue Li, một chuyên gia về chiến lược quốc tế của Trung Quốc tại CASS, cũng cho rằng lợi ích của Trung Quốc đối với Biển Đông không phải là “lợi ích cốt lõi”, nhưng là “lợi ích quốc gia quan trọng” của Trung Quốc. Xue còn cho rằng lợi ích ở Biển Đông không phải là lợi ích chung chung, cũng không phải lợi ích thứ yếu, nhưng chúng cũng không tác động đến sự sống còn của quốc gia. Bên cạnh đó, một vài chuyên gia Trung Quốc cho rằng sự hiểu nhầm của giới truyền thông trong việc xếp những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở Biển Đông ngang hàng với vấn đề Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương đã làm gia tăng sự quan ngại của Mỹ và các nước trong khu vực. Họ tin rằng việc Mỹ coi Biển Đông là “lợi ích quốc gia” là sự phản hồi trực tiếp đối với phát ngôn của Trung Quốc về “lợi ích cốt lõi”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Scobell trong một cuộc điều trần đã giải thích rằng sở dĩ Trung Quốc đã nâng cao tầm quan trọng của Biển Đông thành “lợi ích cốt lõi” trong những năm gần đây, đó là do nhu cầu năng lượng đang phát triển của đất nước này. Bắc Kinh tin là Biển Đông chứa đựng những khối lượng lớn dầu và khí đốt chưa được khai thác, có thể giúp quốc gia này đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao. Ngoài ra, phần lớn dầu và khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc đều đi qua Biển Đông, khiến nước này quyết tâm độc chiếm vùng biển này. Tờ New York Times dẫn lại lời các tác giả là nghiên cứu viên của Ủy ban Đánh giá An ninh và kinh tế Mỹ – Trung trong một báo cáo đệ trình lên Quốc hội Mỹ, cho rằng Trung Quốc “tuyên bố nhiều về lợi ích cốt lõi giúp cho giới hoạch định chính sách Trung Quốc có sự linh hoạt để nhấn mạnh các vấn đề đặc biệt xảy ra chứ không chỉ giới hạn ở vấn đề Đài Loan, Tây Tạng hay Tân Cương”.

RELATED ARTICLES

Tin mới