Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững ngờ vực về cam kết phi hạt nhân trong cuộc họp...

Những ngờ vực về cam kết phi hạt nhân trong cuộc họp Kim – Moon

Giới chuyên gia cho rằng hứa hẹn đóng cửa cơ sở hạt nhân, tên lửa của Kim Jong-un không đủ sức nặng và nghi ngờ về cam kết của ông.

Trong cuộc hội đàm hôm qua với Tổng thống Hàn Moon Jae-in, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra cam kết biến bán đảo Triều Tiên trở thành một khu vực không có vũ khí hạt nhân. Ông Moon, người muốn khôi phục những nỗ lực ngoại giao đang bị gián đoạn giữa Washington và Bình Nhưỡng, miêu tả cam kết của ông Kim như một tiến bộ quan trọng. “Ngày phi hạt nhân hóa hoàn toàn không còn xa”, ông nói.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát Triều Tiên vẫn nghi ngờ. Họ cho rằng Triều Tiên đã chuyển trọng tâm sang phóng tên lửa từ các bệ phóng di động nên không còn cần đến bệ phóng ở bãi thử Tongchang-ri – nơi ông hứa sẽ đóng cửa vĩnh viễn, theo WSJ.

Triều Tiên cũng cam kết trong thỏa thuận rằng họ sẽ xóa bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon, trong đó có một lò phản ứng và một cơ sở tái chế plutonium, nếu Mỹ thực hiện các “biện pháp tương ứng phù hợp với tinh thần” của tuyên bố mà Trump và Kim đã ký hồi tháng 6.

Nhiều chuyên gia cho rằng Triều Tiên còn có các cơ sở làm giàu hạt nhân khác. Phát ngôn viên của Tổng thống Hàn hôm qua cho biết ông không có bất kỳ thông tin nào về việc liệu Bình Nhưỡng có cơ sở nào khác ngoài Yongbyon hay không.

Trong thỏa thuận, Triều Tiên cũng không cam kết sẽ gửi bản kê khai toàn bộ kho vũ khí hạt nhân, tên lửa và các cơ sở liên quan – điều mà Mỹ mong muốn nhưng chưa đạt được.

“Tất nhiên, chúng tôi vẫn còn nhiều lo ngại”, Ahn Yinhay, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, nói. “Ưu tiên của Mỹ là nắm tất cả thông tin về kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm những gì họ có và nơi chúng được lưu trữ”.

Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều hồi tháng 6, Washington phàn nàn rằng không có tiến triển rõ rệt trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Trong khi đó, Bình Nhưỡng cáo buộc Mỹ trì hoãn ký tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953, xung đột đã kết thúc bằng hiệp ước đình chiến chứ chưa có hiệp định hòa bình.

Triều Tiên cho biết họ sẽ coi việc ký kết hiệp định hòa bình là động thái cho thấy Washington từ bỏ “chính sách thù địch” lâu năm chống lại Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá việc ký hiệp định mà chưa phi hạt nhân hóa sẽ giúp Triều Tiên củng cố vị thế là một quốc gia hạt nhân, đồng thời dẫn đến những lời kêu gọi hấp tấp về việc rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc.

Ngoài đàm phán về phi hạt nhân hóa, ông Kim và ông Moon đã nhất trí về các biện pháp xây dựng lòng tin giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Hai miền bán đảo đồng ý thành lập một ủy ban quân sự chung và không tổ chức tập trận trong phạm vi 5 km của đường ranh giới quân sự phân chia hai nước. Động thái này nằm trong kế hoạch mà ông Moon nói sẽ “loại bỏ mọi rủi ro có thể dẫn đến chiến tranh”.

Hai lãnh đạo cũng đồng ý cùng tham gia cuộc đua giành quyền đăng cai Thế vận hội Olympic 2032 và tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác vào cuối năm ở Seoul. Hai bên nhất trí mở rộng chương trình đoàn tụ các gia đình ly tán sau Chiến tranh Triều Tiên. Ông Moon gợi ý về việc nối lại các dự án kinh tế liên Triều và cho biết đang có tiến triển trong việc kết nối lại đường bộ và đường sắt giữa hai nước.

“Chúng ta đã có nhiều hội nghị thượng đỉnh nhưng thỏa thuận lần này phong phú và chi tiết hơn bất kỳ thỏa thuận nào từng được ký”, Kim Dong-yub, giáo sư nghiên cứu an ninh tại Đại học Kyungnam ở Seoul, đánh giá.

Nhưng thỏa thuận đã không giải quyết được câu hỏi trung tâm đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ: liệu ông Kim có thành thật về việc từ bỏ kho vũ khí hạt nhân hay không.

Ông Kim “đã cam kết cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, nhưng không thể hiện đủ cam kết phi hạt nhân hóa”, Moon Seong-mook, tướng Hàn Quốc về hưu từng tham gia các cuộc đàm phán quân sự liên Triều, nói.

Tổng thống Hàn Moon Jae-in (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký tuyên bố chung tại Bình Nhưỡng ngày 19/9. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Hàn Moon Jae-in (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký tuyên bố chung tại Bình Nhưỡng ngày 19/9. Ảnh: Reuters.

Garren Mulloy, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunkyo ở Nhật Bản, đánh giá: “Kim Jong-un sẽ chỉ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu chính quyền của ông ấy được đảm bảo an ninh. Vì Mỹ thay đổi tổng thống sau mỗi nhiệm kỳ 5 năm, bất kỳ lời hứa nào được đưa ra bởi một chính quyền sẽ không nhất thiết được tổng thống đời sau tuân theo”.

“Ông Kim biết điều đó. Thậm chí một sự bảo đảm được Liên Hợp Quốc hoặc Trung Quốc hậu thuẫn có lẽ cũng không đủ thuyết phục ông ấy. Đó là lý do tại sao tôi bi quan về khả năng phi hạt nhân hóa”, Mulloy nói thêm, theo DW.

Tom Countryman, người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện, cũng thận trọng về ý đồ của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông có cái nhìn lạc quan hơn.

“Nếu ông Kim thực sự chân thành. Mỹ nên cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra những bước đi cụ thể hướng tới việc ra tuyên bố hòa bình”, ông nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới