Các nhà lập pháp Đài Loan lo ngại, quy định hiện hành đang tạo ra lỗ hổng cho các công ty Trung Quốc Đại lục thâm nhập vào các doanh nghiệp Đài Loan.
Kaohsiung là cảng đông đúc nhất của Đài Loan. (Ảnh: Nikkei Asian Review)
Bị phong tỏa ở Mỹ bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump, Cosco đang giành được kiểm soát gián tiếp ở cảng Kaohsiung.
Khi công ty vận tải biển nhà nước Trung Quốc Cosco shipping holdings tiết lộ thỏa thuận 6,3 tỷ USD mua lại đối thủ nhỏ hơn Orient Overseas (OOCL) năm ngoái, việc công ty này sở hữu các cảng của Orient Overseas ở Mỹ và Đài Loan dường như là một trở ngại.
Việc công ty nhà nước Trung Quốc sở hữu cảng trở thành một chủ đề ngày càng nhạy cảm khi sáng kiến Vành đai và Con đường gây lo ngại rằng liệu sự kiểm soát của Trung Quốc có nhằm tác động vào mục đích an ninh.
Vì những va chạm ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh với cả Washington và Đài Loan về một loạt các vấn đề, có vẻ đáng ngờ rằng Cosco sẽ được cho phép kiểm soát tài sản ở Cao Hùng, Đài Loan và Long Beach, California, Mỹ thuộc OOCL.
Vào ngày 27/7, Cosco tuyên bố hoàn thành việc tiếp quản cảng Long Beach, không đề cập đến Cao Hùng.
Theo Nikkei, trong khi không có tuyên bố công khai, rõ ràng là OOCL vẫn giữ quyền kiểm soát nhà ga tại Cao Hùng, cảng đông đúc nhất của Đài Loan. Tên của OOCL vẫn còn trên bảng chỉ dẫn ở đó và một nhân viên tại cảng này cho biết không có gì thay đổi.
Một phát ngôn viên tại trụ sở chính của OOCL tại Hồng Kông khẳng định không bán quyền lợi tại cảng Cao Hùng.
Lãnh đạo Cosco cho biết họ sẽ vẫn giữ nhận diện của OOCL và niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.
“Cả 2 công ty sẽ duy trì hoạt động độc lập”, Chủ tịch Cosco cho hay.
Việc chính quyền bà Thái Anh Văn sẽ cho phép OOCL, dưới sự sở hữu của Cosco, được tiếp tục điều hành cảng là bất ngờ khi chính quyền của bà có quan điểm cứng rắn với các khoản đầu tư từ Trung Quốc hơn người tiền nhiệm là ông Mã Anh Cửu.
Tháng trước, Cosco đã giảm lượng cổ phiếu sở hữu ở OOCL từ 88,5% xuống 75% để đáp ứng yêu cầu giữ nguyên niêm yết trên thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên, việc này không giảm sự kiểm soát của Bắc Kinh với OOCL khi 18,4% cổ phiếu còn lại được nắm giữ bởi 3 công ty nhà nước Trung Quốc.
Vào ngày 3/8, Cosco đã thay đổi ban giám đốc của OOCL, giữ lại 3 trong số 9 giám đốc và bổ nhiệm 11 giám đốc mới. Tân chủ tịch Xu Lirong cũng là chủ tịch công ty mẹ của Cosco.
Emile Chang, thư ký điều hành của ủy ban thương mại Đài Loan cho biết, OOCL Đài Loan đã được bán vào tháng 7 cho một công ty đăng ký độc lập dưới tên Bermuda.
“Hoạt động của OOCL Đài Loan sẽ được điều hành bởi công ty Đài Loan này và sẽ không liên quan đến việc quản lý hoặc vốn của Cosco. Đây là một phần của các điều kiện để chúng tôi chấp thuận thỏa thuận này”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, hồ sơ của cơ quan Thương mại Đài Loan cho thấy các thành viên hội đồng quản trị của OOCL Đài Loan đã được thay thế vào cuối tháng 7.
Chủ tịch mới là Hsu Ting-hsin, người đã là chủ tịch của Cosco Shipping Co., Ltd. Trung Quốc. Một trong những giám đốc mới tại OOCL Đài Loan cũng là thành viên của Cosco Đài Loan.
Các giám đốc của OOCL Đài Loan đều được liệt kê là đại diện của một công ty có tên Trung Quốc là Bermuda Orient Overseas.
Nhà lập pháp Huang Kuo-chang, lãnh đạo đảng Sức mạnh Thời đại (New Power Party) Đài Loan lo ngại, chính quyền đã không đánh giá kỹ càng với thỏa thuận giữa Cosco – OOCL.
“Làm thế nào để chúng ta biết được liệu vốn của công ty Bermuda có phải là từ một công ty Trung Quốc không?”, ông nói. “Các quy định hiện hành tạo ra lỗ hổng cho các công ty Trung Quốc thâm nhập vào các doanh nghiệp Đài Loan.”
“Đài Loan nên thận trọng hơn về vấn đề này”, nhà lập pháp Gao Jyh-peng cảnh báo.
Comments are closed.