Các công ty ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong đang có kế hoạch thuê thêm nhân công ở các thị trường rẻ hơn ở Châu Á trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung gia tăng khiến nhiều công ty phải dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ và Bangladesh.
Điểm đến mới
Theo công ty tuyển dụng lãnh đạo DHR International có trụ sở ở Chicago (Mỹ), việc tìm kiếm để đa dạng hoá sản xuất từ Trung Quốc là một trong những động lực chính đằng sau việc tìm kiếm tài năng. “Trung Quốc đại lục vẫn là thị trường sản xuất quan trọng đối với nhiều công ty. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao ở các nước Đông Nam Á, nhiều nhà máy đang mở rộng sản xuất bên ngoài đại lục để chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại” – tờ SCMP dẫn lời Chủ tịch DHR Christine Greybe nói.
Còn ông David Nagy, đối tác quản lý khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của DHR cho biết, các nhà sản xuất cũng đang mở rộng sang những khu vực khác vì chi phí lao động ở đại lục tăng trong những năm gần đây. Theo ông Nagy, các điểm đến ưa thích bao gồm Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.
“Kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu từ mùa hè này, chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu từ các công ty muốn biết về quy chế tuyển dụng và các vấn đề khác ở Malaysia, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, bởi họ đang xem xét chuyển một phần hoạt động từ Trung Quốc đại lục sang các nước này” – Jerry Chang, giám đốc điều hành công ty săn đầu người quốc tế Barons & Company nói. Ông cho biết, các công ty này chưa dịch chuyển ngay lập tức vì cần có thời gian để thành lập nhà máy ở thị trường Đông Nam Á, nhưng họ đang trong quá trình tiếp nhận thêm thông tin về nhu cầu tuyển dụng. Ông Chang tin tưởng xu hướng này sẽ tiếp tục, do chí phí hoạt động ngày càng gia tăng ở Trung Quốc đại lục.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào căng thẳng thương mại kể từ đầu tháng 7 đến nay, mỗi bên áp thuế 25% đối với 50 tỉ USD hàng hoá nhập khẩu của nhau. Căng thẳng có khả năng leo thang trong tuần này, khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump thông báo “trong vài ngày tới” sẽ áp dụng mức thuế mới với 200 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc.
Nguy cơ chìm xuồng đàm phán thương mại
Tờ The Wall Street Journal dẫn lời 2 quan chức Nhà Trắng cho biết, mức thuế 10% (thay vì 25% như ban đầu) sẽ áp dụng đối với hơn 1.000 sản phẩm, gồm điện thoại thông minh, tivi, đồ chơi và một loạt sản phẩm khác.
Triển vọng về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung dự kiến vào cuối tháng 9 dường như lu mờ trước động thái mới nhất này. Tờ The Wall Street đưa tin, Bắc Kinh có thể sẽ từ chối đề nghị mới của Washington tiến hành đàm phán thương mại, mặc dù không từ bỏ hoàn toàn. “Trung Quốc chưa bao giờ nói không muốn đàm phán với Mỹ” – ông Yang Weimin, cựu cố vấn chính sách kinh tế và ngoại giao của Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu hôm 16.9. “Tuy nhiên, Washington trước tiên nên thể hiện sự chân thành trong mong muốn giải quyết tranh chấp thương mại. Bắc Kinh không muốn đàm phán trong bối cảnh Washington gây sức ép”.
Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đáp trả nếu Mỹ áp đặt thêm thuế. Hiện có thông tin rằng Bắc Kinh có thể hạn chế bán nguyên vật liệu, thiết bị và phụ tùng cho các công ty Mỹ như một cách trả đũa. “Trung Quốc có thể áp đặt hạn chế xuất khẩu ngoài việc đánh thuế” – cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vỹ cho biết tại một hội nghị của các học giả và giám đốc điều hành Mỹ – Trung. Những hạn chế này có thể đặc biệt ảnh hưởng đến Apple Inc, tập đoàn đặt dây chuyền lắp ráp iPhone tại Trung Quốc.
Giới chức Mỹ và Trung Quốc đã có các cuộc đàm phán thương mại căng thẳng hồi cuối tháng 8 trong một nỗ lực nhằm giải quyết những khác biệt đang tồn tại. Tuy nhiên, cuộc đàm phán đó không mang lại kết quả nào. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sau đó đã đề nghị Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tiếp tục đàm phán vào cuối tháng này.