Vòng áp thuế mới nhằm vào 200 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc đang cho thấy quyết tâm của Mỹ trong cuộc xung đột thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Thị trường đang bắt đầu hiểu rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thực hiện tất cả những cảnh báo thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, và tôi nghĩ rằng Trung Quốc phải chuẩn bị trước về điều này”, Victor Chu, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Eastern Investment Group có trụ sở tại Hồng Kông, nói với CNBC.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17.9 đã công bố vòng thuế quan mới 10% lên 200 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời cảnh báo “nếu Trung Quốc có bất cứ hành động trả đũa nào chống lại nông dân hoặc các ngành công nghiệp khác của chúng tôi, chúng tôi sẽ ngay lập tức tiến hành vòng đánh thuế thứ ba nhắm vào 267 tỉ USD giá trị hàng hóa”.
Theo ông Chu, thị trường sẽ tiếp tục lo lắng và giới đầu tư sẽ muốn lui về nơi trú ẩn an toàn. Họ cũng rất dễ dàng thanh lý phần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà đầu tư đều phản ứng ngay lập tức. Những người có tầm nhìn dài hạn có xu hướng sẽ chờ đợi và xem xét.
“Họ sẽ chờ xem tình hình sẽ diễn ra như thế nào, đặc biệt là sau cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào tháng 11. Họ sẽ xem liệu xung đột thương mại có thực sự kéo dài hơn trong trung hạn và trở thành cuộc chiến thương mại toàn diện hay không, hoặc liệu sẽ có một thỏa thuận chính trị nào đó nào xuất hiện sau khoảng thời gian giữa tháng 11.2018 hay không”, ông Chu cho hay.
Bên cạnh xung đột thương mại Mỹ – Trung, hiện vẫn còn “những vấn đề thực sự” khác mà nền kinh tế toàn cầu đang phải vật lộn, bao gồm cuộc khủng hoảng các thị trường mới nổi, cũng như nguy cơ khủng hoảng tài chính có thể xảy ra sớm.
Vài tuần qua, khó khăn kinh tế đã gây tổn thương đến Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, dẫn đến tình trạng bán tháo trong thị trường các đồng tiền mới nổi. Một số đồng tiền châu Á cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể, đồng rupiah của Indonesia đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm và đồng rupee Ấn Độ đang phải chịu sức ép không hề nhỏ.