Wednesday, January 8, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương : "Cứu" bằng...

12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương : “Cứu” bằng cách nào?

Liên quan đến 12 dự án “tai tiếng” của ngành Công Thương, việc tiếp tục bỏ vốn vào để “cứu” hoặc bán cho tư nhân hay cho phá sản vẫn đang là điều còn có những ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, muốn bán hay muốn cứu thì điều quan trọng là doanh nghiệp phải “nói thẳng, nói thật”…

Liên quan tới việc xử lý 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương sau gần 2 năm triển khai xử lý, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp của Bộ Tài Chính cho biết, hiện đã có 4 dự án bắt đầu khôi phục lại, đã hoạt động sản xuất lại, trong đó có 2 DN thuộc Tập đoàn Hóa chất đã có lãi.

Số doanh nghiệp còn lại được chia làm 2 nhóm: Trong 6 nhà máy hoạt động kinh doanh thua lỗ, sau khi cơ cấu lại, 2 DN đã có lãi, đó là dự án Thép Lào Cai và DAP1. 4 dự án bắt đầu giảm lỗ, nhưng vẫn còn lỗ, đó là dự án về phân đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, DAP 2 của Lào Cai, công ty đóng tàu Dung Quất. 3 dự án trước đây dừng sản xuất, đến nay bắt đầu khởi động lại, bắt đầu sản xuất thử, trong đó có dự án xơ sợi Đình Vũ. 3 dự án xây dựng dở dang đang được tính toán lại, trong đó có những dự án thực hiện theo biện pháp quyết liệt.

“Ví dụ như nhà máy giấy Phương Nam sẽ bán để thu hồi vốn, Nhà nước không hỗ trợ nữa, hay nhà máy sinh học Phú Thọ, gang thép Thái Nguyên đang rà soát lại và tìm nhà đầu tư để mua” – ông Tiến cho biết.

Theo ông Tiến, dù 12 dự án của ngành Công thương được triển khai đúng tiến độ, đúng kế hoạch, phương án mà Ban Chỉ đạo đưa ra, nhưng xử lý 12 dự án này vẫn còn rất khó khăn bởi phải cương quyết làm theo thị trường.

“Có những dự án bán không được, chúng ta phải chấp nhận phá sản; có những dự án không bán được, không khởi động được thì phải chuyển sang hình thức khác” – ông Tiến nói.

Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, hiện nay các dự án đang ở trong lộ trình xử lý nên thời gian tới, quan trọng nhất là các DN, các bộ, ngành, lãnh đạo DN phải “nói thẳng, nói thật, công khai tình hình minh bạch, hàng năm phải có báo cáo tiến độ”.

“Có như vậy các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, Quốc hội, Chính phủ mới đưa ra được giải pháp căn cơ để xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ này. Ngay vấn đề giải thể, phá sản cũng là một giải pháp tích cực nếu chúng ta duy trì không hiệu quả. Đó là những thông điệp của Chính phủ cũng như lãnh đạo các bộ, ngành đang kiên quyết như vậy” – Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp nhấn mạnh.

Với những dự án gặp những vướng mắc pháp lý rất phức tạp như đạm Ninh Bình, thép Thái Nguyên giai đoạn 2, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, có rất nhiều nhà đầu tư tư nhân quan tâm đến các dự án này.

“Những dự án này không phải là không có tiềm năng, mà quan trọng là chúng ta phải tìm được nhà đầu tư đúng, tính đúng, tính đủ chi phí bỏ ra và bán công khai, minh bạch, chúng tôi nghĩ là không nên bán theo chỉ định” – ông Tiến nêu quan điểm.

Với những dự án được đề xuất đưa thêm vốn vào để “cứu”, quan điểm của Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp là khi bỏ vốn vào, phải quản lý được rủi ro đồng vốn bỏ ra.

“Phải đánh giá được hiệu quả, sau khi bỏ thêm vốn vào mà hoạt động tốt thì chúng ta hãy bỏ vốn. Còn nếu bỏ vốn đơn thuần theo tính toán chưa cẩn thận thì không nên. Hay như với DN đóng tàu, chúng ta phải xem đầu ra có không, và khi đưa thêm vốn vào, nó hoạt động có ra lợi nhuận không, quan trọng nhất là có tạo ra cân bằng vốn không? Tất cả những cái này trách nhiệm đầu tiên là DN, thứ hai là cơ quan chủ sở hữu, thứ ba là các cơ quan bộ, ngành trong đó có Bộ Tài chính” – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp phân tích.

Ông Tiến cũng cho biết đang quyết liệt yêu cầu Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Dầu khí báo cáo thật rõ, đánh giá lại toàn bộ các dự án này xem tính hiệu quả, khả năng hòa vốn ở đâu, có thể bán được sản phẩm không vì đây là một trong những vấn đề các tập đoàn còn đang lúng túng bởi nếu tính đúng, tính đủ thì sẽ “ra” những vấn đề hiện chưa phát hiện được.

“Quan điểm của Bộ Tài chính là nếu có phương án hiệu quả và các bộ, ngành kiểm soát được hiệu quả đó thì không có lí do gì để chúng ta không đầu tư, không đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn, ngay cả báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung vốn Nhà nước để chúng ta đầu tư lại một DN có hiệu quả, khi hoạt động tốt rồi, chúng ta bán thu hồi về” – ông Tiến nói.

Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, cả 12 dự án hoạt động yếu kém của Bộ Công Thương đều được Chính phủ đã chỉ đạo rốt ráo để bảo đảm kết quả tốt nhất.

“Nhưng 12 dự án DN này không thuộc chủ trương Nhà nước phải nắm giữ vốn. Với các DN đang gặp vướng mắc pháp lý với tổng thầu EPC, Nhà nước cần phải giải quyết trước khi thực hiện các giải pháp tiếp theo, trong đó có cổ phần hóa và kể cả bán DN. Lúc này ta mới thu hút được các nhà đầu tư nhân có tiềm năng vào vực dậy các DN này” – ông Hùng cho biết.

Ông Phùng Văn Hùng

Ông Phùng Văn Hùng

Đồng ý với quan điểm là phải bán cho tư nhân, nhưng ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển lưu ý, nếu bán cho tư nhân nước ngoài thì phải tính toán tới lợi ích quốc gia, và trên hết, “bán cho ai cũng phải minh bạch”.

“Cá nhân tôi thấy tổng thể 12 dự án này đều là các dự án nhà máy cần thiết cho nền kinh tế, nên ta phải cố gắng khôi phục lại. Hiện nay tỷ suất lợi nhuận trên vốn nói chung của các doanh nghiệp là là 4,4. Nếu nâng lên được 1% thì ta có thể tăng 0,7% lợi nhuận trên vốn. Nếu tăng 0,5% lợi nhuận DN thì tăng thêm được gần 1% GDP. Như vậy, hoàn toàn có triển vọng làm việc này để xử lý cho tốt. Có những chỗ phải cải tạo lại, ví dụ thép không nhất thiết làm như cũ mà làm mới với các sản phẩm mới phù hợp với kỹ thuật mới. Tôi cũng đồng tình dùng vốn của PVN để xử lý các dự án yếu kém của Tập đoàn này, nhưng vẫn phải là công khai minh bạch. Bộ Tài chính, Chính phủ cần làm rõ với Quốc hội các vấn đề pháp lý liên quan” – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nêu ý kiến.

RELATED ARTICLES

Tin mới