Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNhững nghi ngại về việc Ấn Độ có thể thay đổi cán...

Những nghi ngại về việc Ấn Độ có thể thay đổi cán cân quyền lực châu Á

Có nhiều nhân tố cho thấy Ấn Độ còn chần chừ thể hiện vai trò cường quốc, như kỳ vọng của các nước trong khu vực.

“Ấn Độ được đánh giá là đóng vai trò quan trọng ở khu vực do sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á và Thái Bình Dương, trong khi Trung Quốc trỗi dậy ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Sự gia tăng sức mạnh kinh tế và quân sự của Ấn Độ mở ra khả năng nước này có thể lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại”, Tiến sĩ Sinderpal Singh, Trường nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, đánh giá về vị thế của Ấn Độ. 

Ông Singh phát biểu trong hội thảo “Sự trỗi dậy của Ấn Độ và tác động đến kiến trúc an ninh khu vực” sáng nay tại Hà Nội. Tuy nhiên ông thể hiện sự nghi ngờ về việc Ấn Độ có thể đáp ứng trông đợi của các nước cùng có lợi ích trong khu vực, khi phân tích sự khác biệt về chiến lược của Ấn Độ và Mỹ.

Thứ nhất, trong khi Washington coi Ấn Độ, Đông Á và Thái Bình Dương tạo nên trụ cột chính trong chiến lược, New Delhi lại có cái nhìn rộng hơn, cho rằng trụ cột chính gồm cả Ấn Độ Dương và châu Phi. Điều đó dẫn tới quan điểm không đồng nhất của hai nước này. Chẳng hạn như Ấn Độ cho rằng Iran đóng vai trò quan trọng với an ninh của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nhưng Mỹ không đồng tình. 

Thứ hai, Mỹ ủng hộ Ấn Độ mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực, nhưng New Delhi đánh giá Đông Á không quan trọng bằng Nam Á về mặt chiến lược. Vì thế Đông Á chỉ có vị trí thứ hai. 

Thứ ba là sự khác nhau về lập trường ở Biển Đông. Ấn Độ từ chối tham gia tuần tra bảo vệ tự do hàng hải một phần do luật của nước này không phù hợp với Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Ấn Độ cũng không muốn bị lôi kéo vào tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số thành viên ASEAN khi Bắc Kinh tuyên bố có lợi ích cốt lõi ở Biển Đông. Trong khi Trung Quốc thừa nhận lợi ích của Ấn Độ ở vịnh Bagal, Bắc Kinh cũng mong New Delhi làm điều tương tự ở Biển Đông.

Chuyên gia của Trường nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam lưu ý Ấn Độ luôn muốn có một trật tự khu vực bao trùm, có liên quan đến nhiều bên. Trong khi đó, định hình an ninh khu vực chưa rõ vì có nhiều thiết chế chồng lấn nhau, bao gồm các cơ chế trong khuôn khổ của ASEAN là Cấp cao Đông Á, Diễn đàn an ninh khu vực, Hội nghị bộ trưởng quốc phòng + 1. New Delhi không chủ trương đẩy Bắc Kinh ra quá xa, có tương tác thay vì biến Trung Quốc thành kẻ thù. 

“Nếu các nước mở ra các thiết chế mới thì có vấp phải vấn đề chia nhóm không? sẽ là Bộ tứ hay Bộ tam, có bao gồm Trung Quốc trong đó hay không?”, ông đặt nghi vấn. 

Đồng tình rằng khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương giúp Ấn Độ có diện mạo tốt hơn và chủ động hơn trong việc thể hiện vai trò, nhưng Giáo sư Gundre Jayachandra Reddy, Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Đại học Sri Venkateswara, Tirupati, Ấn Độ, gợi ý New Delhi cần phải là cường quốc ở Nam Á, trước khi trở thành cường quốc trên thế giới.

Trên thực tế, Ấn Độ đang phải đối diện với một loạt vấn đề nội tại. Ấn Độ không khác nhiều so với các nước đang phát triển khác, dân số đông, thu nhập bình quân thấp. Dù tăng trưởng kinh tế nhưng chỉ số phát triển con người, y tế, giáo dục của Ấn Độ vẫn thuộc nhóm phát triển thấp. Nước này cũng không vượt trội về công nghệ thông tin trong khu vực Nam Á. 

Về đầu tư, tình hình hiện nay cho thấy nước nào đầu tư nhiều hơn vào các nước có quy mô nhỏ hơn sẽ thể hiện được vai trò “anh lớn”. So với Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ không có nhiều quyền lực như chính phủ Trung Quốc, nhất là với chính sách đối ngoại do hệ thống chính trị khác nhau. 

“Vai trò của Ấn Độ chưa nổi bật trên trường quốc tế vì các vấn đề như vậy. Do đó Ấn Độ cần phải chuẩn bị nhiều hơn nữa để thể hiện vai trò của mình”, ông Reddy nói.

Nhà nghiên cứu này lưu ý thế giới đang có sự dịch chuyển từ địa chính trị sang địa kinh tế. Nếu như trước đây các nước lớn thể hiện quyền lực bằng cách có thể tuyên bố chiến tranh với nước nào có những hành động trái ngược với mình, thì hiện nay nước nào có đầu tư nhiều hơn mới được coi là cường quốc. 

Tự do hàng hải

Giáo sư Reddy đánh giá trên chặng đường phát triển của mình, Ấn Độ kiên quyết bảo vệ tự do hàng hải, thể hiện nghiêm túc mong muốn thúc đẩy an ninh và hòa bình ở khu vực và thế giới. Ấn Độ cũng không chủ trương thúc đẩy hình ảnh mình là nước trỗi dậy.

“Ấn Độ không phải là bên đưa ra chủ trương về sự trỗi dậy, cố gắng thúc đẩy an ninh trên thế giới”, ông nói. 

Ông Kumar, Phó tổng giám đốc, Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ (ICWA), nêu rõ lực lượng hải quân của Ấn Độ sẽ đóng vai trò lớn hơn trong hợp tác với các nước, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trên biển.

Từ phía chính phủ Ấn Độ, ông Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, khẳng định nước này rất coi trọng lợi ích hàng hải vì có 7.500 km đường bờ biển, 1.200 hòn đảo và vùng đặc quyền kinh tế rộng 2,4 triệu km2. 

“Quan điểm của Ấn Độ là tất cả các nước đều bình đẳng trong sử dụng không gian chung trên biển hoặc trên không. Ấn Độ đề cao tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết tranh chấp hòa bình theo luật pháp quốc tế”, ông Harish nói. 

Đại sứ cho hay Ấn Độ không coi khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là một chiến lược, hay một nhóm giới hạn số lượng thành viên, không coi đó là một nhóm các nước tìm cách đàn áp hay chống lại bất kỳ quốc gia nào. ASEAN vẫn sẽ là trung tâm của khu vực trong tương lai trong khi các nước tìm kiếm cơ hội hợp tác tạo dựng một kiến trúc hòa bình và an ninh trong khu vực. Ông nêu rõ các sáng kiến kết nối ở khu vực, ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng, còn cần xây dựng lòng tin, phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thương thảo, quản lý tốt, minh bạch, tính khả thi và sự bền vững. 

“Sự kết nối ấy phải thúc đẩy thương mại, không phải cạnh tranh chiến lược, phải giúp các quốc gia mạnh lên, không phải khiến họ thêm gánh nợ không trả nổi”, ông nói.

Đánh giá về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực, ông Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết Bắc Kinh rất mạnh về kinh tế và quân sự. Do đó các nước ở châu Á – Thái Bình Dương cần thận trọng trong nhìn nhận quan hệ Mỹ – Trung, tránh dẫn đến tính toán sai lầm. “Nếu Chiến tranh Lạnh quay trở lại thì sẽ là thảm họa”, ông Lợi nói.

Tiến sĩ Võ Đại Lược, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, thể hiện băn khoăn về chính sách của Ấn Độ nói riêng và cơ chế hoạt động chung của Bộ tứ gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia.

“Ấn Độ có ý định trở thành cường quốc trong khu vực hay không? Nếu có thì chiến lược cụ thể là gì? Đến nay tôi vẫn chưa thấy rõ”, ông Lược bày tỏ.

RELATED ARTICLES

Tin mới