Bản tin Biển Đông ngày 24/09/2018.
Pháp sẽ thảo luận về vấn đề Biển Đông
Ngày 24/9, trang Tin tức của Australia đưa tin cho biết, theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Chính phủ Pháp sẽ thảo luận với Australia về cách phối hợp triển khai hoạt động ở Biển Đông nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải ở khu vực được giữ vững. Phát biểu tại một cuộc tọa đàm về quốc phòng tại Adelaide, Australia, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Pháp sẽ không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông nhưng sẽ tiếp tục qua lại tại vùng biển này. Bà Parly khẳng định “quan điểm của Pháp rất rõ ràng, Trung Quốc phải tuân thủ các quy định quốc tế, song Pháp luôn sẵn sàng đối thoại”.
Tướng Mỹ cảnh báo chỉ chiến tranh mới có thể ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 21/9, báo Express của Anh đăng bình luận của Đô đốc Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng chỉ có chiến tranh mới có thể ngăn Trung Quốc kiểm soát Biển Đông. Phát biểu trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, Đô đốc Davidson cho rằng hiện nay, “Trung Quốc đã có đủ khả năng để kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống, chỉ thiếu mỗi tình huống chiến tranh với Mỹ”. Trước đó, người tiền nhiệm của ông Davidson, Đô đốc Harry Harris, đã từng nói trước Quốc hội “Hoạt động xây dựng quân sự đáng chú ý của Trung Quốc sẽ sớm thách thức Mỹ trên hầu như tất cả các mặt trận”. Trong khi đó, cựu Chuẩn đô đốc Michael McDevitt, nghiên cứu viên tại Trung tâm Phân tích Hải quân, cho rằng “Khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc tăng lên tương đương với Mỹ, và điều này sẽ xảy ra, sẽ có các vấn đề nổi lên liên quan đến khả năng Mỹ ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hiện còn đang tồn tại.”
An toàn ở Biển Đông không phụ thuộc vào sự ban phát của Mỹ hay mặc cả Mỹ – Trung
Ngày 22/9, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đăng bài viết của Jonathan G. Odom, giáo sư luật quân sự, Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye và Collin Koh, nghiên cứu viên thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho rằng an toàn ở Biển Đông phụ thuộc vào các bộ quy tắc trên biển, không phụ thuộc vào việc Mỹ ban phát những gì hay bất cứ mặc cả lớn nào giữa Mỹ và Trung Quốc. Bài viết phản bác lại bài viết trước đó của Mark Valencia được đăng trên chính tờ báo này ngày 6/9 về phủ nhận nỗ lực của các nước trong khu vực trong việc quản lý an toàn hàng hải, trong đó có việc ký kết Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES).
Theo đó, bài viết của hai tác giả Jonathan G. Odom và Collin Koh khẳng định các nỗ lực đa phương về an ninh của nhiều quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã giúp cải thiện tình hình thông qua sự kết hợp giữa các dàn xếp chính trị (“luật mềm”) và các điều ước quốc tế (“luật cứng”). Bộ Quy tắc CUES cũng không phải là về quan hệ Mỹ – Trung như Mark Valencia lập luận. Thực tế, đó là đề xuất của Australia trên cơ sở Công ước quốc tế về phòng chống va chạm trên biển và được 21 quốc gia bao gồm các nước có tranh chấp ở Biển Đông và nhiều nước có hoạt động hải quân tại vùng biển này thông qua. Trong các năm từ 2016-2018, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và các nước ASEAN đã triển khai nhiều hoạt động theo Bộ quy tắc CUES, chứng tỏ đây là một công cụ có giá trị, góp phần bảo đảm an toàn hàng hải. Bài viết khẳng định quan điểm cho rằng giải pháp cho vấn đề Biển Đông chỉ đạt được bằng cách hoặc là Mỹ phải từ bỏ chính sách lâu nay về tự do hàng hải, hoặc là thông qua mặc cả lớn nào đó giữa Mỹ – Trung về cạnh tranh tầm nhìn các vấn đề toàn cầu chỉ là quan điểm cá nhân của Mark Valencia. Thay vào đó, việc tuân thủ các điều ước quốc tế về an toàn có tính chất ràng buộc, thông qua các dàn xếp không ràng buộc và các quốc gia triển khai chúng ở cấp độ quốc gia, chính là cách khả thi để giải quyết các thách thức về an toàn hàng hải quốc tế.
Areas in which South China Sea claimants should have provisional rights to license hydrocarbon exploration and production, pending a final delimitation of claims.