Thủ tướng Trung Quốc khẳng định sẽ không bao giờ phá giá đồng Nhân dân tệ vì nó mang tới bất lợi.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 19/9 đã tuyên bố nước này sẽ không phá giá đồng tiền nội tệ của mình bởi đó là quyết định có hại.
“Biến động gần đây trong tỷ giá đồng Nhân dân tệ bị xem là một biện pháp có chủ đích, nhưng điều đó là không đúng.
Phá giá một chiều đồng tiền sẽ gây hại nhiều hơn là tốt cho nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không bao giờ hỗ trợ xuất khẩu bằng cách phá giá Nhân dân tệ” – Thủ tướng Trung Quốc khẳng định.
Thủ tướng Trung Quốc cũng khẳng định, những hành động thương mại đơn phương sẽ không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào.
Tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã giúp đồng nhân dân tệ phục hồi trong phiên giao dịch ngày 19/9, khi bối cảnh đồng nội tệ Trung Quốc đã mất khoảng 9% giá trị kể từ giữa tháng 4 tới nay do chịu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy, Trung Quốc chỉ nhập khẩu khoảng 130 tỷ USD từ Mỹ.
Sự “kém cạnh” của Bắc Kinh cũng thể hiện ra ở việc chỉ áp thuế 5%-10% đối với hàng hóa của Mỹ, để vẫn có thể đối phó nếu Mỹ quyết định tăng thuế suất từ 10% lên 25% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc bắt đầu từ năm sau.
Trong cuộc chiến không cân sức này, Bắc Kinh đã chịu nhiều phần thiệt.
Diễn biến mới nhất của cuộc đối đầu này là Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc vào hôm 24/9 tới và mức thuế này sẽ được nâng lên 25% vào đầu năm 2019.
Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố áp thuế đáp trả đối với hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ. Quyết định này cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 24/9 tới.
“Chúng tôi rất lấy làm tiếc; để bảo vệ quyền lợi chính đáng và trật tự mậu dịch tự do toàn cầu, phía Trung Quốc buộc phải tiến hành giáng trả đồng bộ” – vị này tuyên bố.
Sau đó ít phút, trang web của Bộ Tài chính Trung Quốc đã đăng quyết định của Ủy ban thuế quan Quốc Vụ viện về thực hiện tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu.
Chiều ngày 18/9, tại cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn bộ này đã tuyên bố Trung Quốc đáp trả quyết định tăng thuế đối với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc của phía Mỹ và nói: “Hành động này của Mỹ đã đẫn tới sự không xác định cho cuộc đàm phán mới giữa hai bên. Mong phía Mỹ hãy nhận thức được những hậu quả xấu do hành động của họ gây nên và áp dụng biện pháp sửa chữa khiến người ta tin phục”.
Giới quan sát nhận thấy, hành động này của Trung Quốc đã không còn mạnh mẽ như hồi ông Trump tuyên bố tăng thuế lần đầu tiên.
Tờ The New York Times ngày 19/9 cho rằng, sự đáp trả của Trung Quốc không thể ngăn cản được thế tấn công mậu dịch của ông Trump.
Trang tin Đa Chiều của Trung Quốc chú ý tới chi tiết đặc biệt hơn: ông Trump tuyên bố tăng thuế đúng lúc tiến trình đối thoại cấp cao Mỹ – Trung đang khởi động lại.
Tờ The Wall Strett Journal trước đó đã đưa tin: Bắc Kinh sẽ cử Phó Thủ tướng Lưu Hạc tới Mỹ gặp Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin để đàm phán về vấn đề mậu dịch, thời gian diễn ra đàm phán dự kiến trong 2 ngày 27 và 28/9.
Nhưng với quyết định của ông Trump và tuyên bố chiều 18/9 đáp trả thuế quan của Trung Quốc thì hy vọng về cuộc đàm phán này đã tắt ngấm.
Trước thực tế này, giới phân tích cho rằng, Trung Quốc có rất ít cách để phản kháng với Mỹ trong cuộc đối đầu này: phá giá đồng Nhân dân tệ hoặc gây trở ngại cho các doanh nghiệp Mỹ.
Nhưng theo cách nào, Trung Quốc cũng có bất lợi.
Ông Trump đã chọn ngày 18/9 – ngày “Quốc sỉ” của người Trung Quốc để đưa ra quyết định tăng thuế giai đoạn 2 |
Giới phân tích cho rằng, khi không còn thể đánh thuế với hàng hóa Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ gây khó cho các doanh nghiệp lớn của Mỹ làm ăn của Trung Quốc như Apple hay Boeing. Một số doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc đã bắt đầu phàn nàn về những trở ngại mà họ gặp phải do căng thẳng thương mại giữa 2 siêu cường, như vấn đề hải quan, thanh tra.
Với việc gây trở ngại cho các doanh nghiệp Mỹ, Bắc Kinh có nguy cơ khiến cho chính họ trở nên kém hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài khác.