Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã tiến hành xâm chiếm, cải tạo phi pháp nhiều đảo đá, bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã tiến hành bồi lấp trái phép 7 thực thể trên quần đảo Trường Sa (Đá Tư Nghĩa, Đá Chữ Thập, Đá Vành khăn, Đá Gạc Ma, Đá Ga Ven, Đá Châu Viên, Đá Én Đất) nhằm biến những rạn san hô thành đảo nhân tạo khổng lồ. Một số đảo nhân tạo đã được xây dựng đường băng, lắp đặt radar và các hệ thống vũ khí. Dưới sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, hoạt động bồi lấp trái phép của Trung Quốc đã tạm dừng vào cuối năm 2016. Hành động này của Trung Quốc không nằm ngoài âm mưu biến khu vực này thành những tiền đồn quân sự phục vụ ý đồ độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Trung Quốc xây đảo phi pháp tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Quy định về đảo trong luật quốc tế
Quy chế pháp lý của đảo được quy định tại Điều 121 của Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS) như sau:(1) Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. (2) Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác. (3) Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.
Về nguyên tắc, UNCLOS thừa nhận đảo có địa vị pháp lý ngang bằng với đất liền khi tính tới hiệu lực của các vùng biển bao quanh nó. Tuy nhiên, do sự đa dạng của đảo về diện tích cũng như vị trí của đảo so với đất liền, Điều 121 đã dự liệu địa vị ngang bằng của đảo với đất liền chỉ có được khi đảo có khả năng cho việc cư trú của con người hoặc có đời sống kinh tế riêng. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng các quy định của Điều 121, đặc biệt là khoản 3 Điều 121 không dễ dàng bởi sự mập mờ của quy định này. Đối với điều kiện thứ nhất của khoản 3 Điều 121, người ta có thể lập luận rằng khả năng cho việc cư trú của con người có thể áp dụng cho hiện tại, quá khứ hay tương lai. Con người ở đây cũng không được quy định rõ là dân thường, hay lực lượng quân đội hoặc các nhân viên kỹ thuật cũng được chấp nhận. Cư trú ở đây là việc sinh sống lâu dài hoặc chỉ là cư trú tạm thời cũng được công nhận. Đối với điều kiện thứ hai, đời sống kinh tế riêng cũng có thể được lập luận là đời sống kinh tế của chính các đảo hoặc của cả các vùng nước bao quanh. Những quy định mập mờ như trên để ngỏ cho nhiều khả năng giải thích linh hoạt Điều 121. Mặc dù Điều 121 là nhằm hạn chế bớt hiệu lực tạo ra các vùng biển từ các đảo so với đất liền nhưng trên thực tế với những quy định mập mờ Điều 121 thường được các quốc gia sử dụng để tăng thêm các vùng biển cho các quốc gia có chủ quyền với đảo.
Đảo nhân tạo trong luật pháp quốc tế
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có văn bản luật quốc tế nào định nghĩa về đảo nhân tạo, kể cả UNCLOS hay Công ước Thềm lục địa 1958. Định nghĩa phổ biến nhất và được giới học giả ngành luật pháp quốc tế chấp nhận rộng rãi nhất cho đến này là định nghĩa trong Bách khoa toàn thư Công pháp quốc tế, quy định: “Đảo nhân tạo là một nền tảng cố định vĩnh viễn hoặc tạm thời do con người tạo nên bằng cách đặt, đổ lên các vật chất tự nhiên như sỏi, cát và đá, bao quanh là nước và nổi trên mặt nước khi thủy triều lên”. Trong khi đó, theo Soons, “Đảo nhân tạo là những cấu trúc được tạo ra bằng cách đặt/đổ lên các vật chất tự nhiên như sỏi, cát và đá; trong khi đó các công trình lắp đặt nhân tạo lại là những cấu trúc bê tông cố định gắn với đáy biển bằng ống dẫn và các cọc”. Việc xây dựng đảo nhân tạo trên thế giới thường là để tránh lấy đất nông nghiệp thiết yếu cho các mục đích khác nhau, bao gồm phát triển đô thị, thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên, giao thông vận tải và thông tin liên lạc, nghiên cứu khoa học, dự báo thời tiết, giải trí và căn cứ quân sự.
Một số dạng đảo nhân tạo: (1) Thành phố trên biển (cố định hoặc nổi), (2) Đảo nhân tạo phục vụ phát triển kinh tế, chẳng hạn như đối với việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên, đảo nhân tạo công nghiệp, đảo nhân tạo phục vụ đánh bắt cá, các công trình xây lắp nhân tạo để phát triển các nguồn lực phi tự nhiên như cứu hộ hoặc khảo cổ học, nhà máy điện; (3) Các công trình nhân tạo phục vụ giao thông vận tải, chẳng hạn như bến tàu nổi, nhà kho, sân bay nổi; (4) Các công trình phục vụ nghiên cứu khoa học và dự báo thời tiết; (5) Các công trình phục vụ giải trí; (6) Các căn cứ quân sự. Nếu nhìn vào từng phân loại một, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng tình trạng pháp lý của chúng khác nhau. Đây là một trong những lý do tại sao không có một định nghĩa nào về đảo nhân tạo trong UNCLOS và UNCLOS đã đơn giản là né tránh những phức tạp nảy sinh từ vấn đề định nghĩa đảo nhân tạo. Nhưng mặt khác, những kẽ hở còn lại trong Công ước Luật Biển vẫn làm phức tạp vấn đề liên quan đến quy chế pháp lý của đảo nhân tạo.
Mặc dù không định nghĩa về đảo nhân tạo, nhưng UNCLOS có nhiều quy định liên quan đảo nhân tạo, cụ thể:
Điều 11 cho rằng: “Để ấn định ranh giới lãnh hải, các công trình thiết bị thường xuyên là bộ phận hữu cơ của một hệ thống cảng, nhô ra ngoài khơi xa nhất, được coi là thành phần của bờ biển. Các công trình thiết bị ở ngoài khơi xa bờ biển và các đảo nhân tạo không được coi là những công trình thiết bị cảng thường xuyên”.
Điều 56 về các quyền, quyền tài phán và các nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền về kinh tế, trong đó quy định: (1) Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có: a) Các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. b) Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc: Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; Nghiên cứu khoa học về biển; Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; Các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quy định. (2) Trong vùng đặc quyền về kinh tế, khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình theo Công ước, quốc gia ven biển phải tính đến các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác và hành động phù hợp với Công ước. (3) Các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nêu trong điều này được thực hiện theo đúng phần VI.
Điều 60 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền về kinh tế, trong đó ghi rõ: (1) Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng: Các đảo nhân tạo; Các thiết bị và công trình dùng vào các mục đích được trù định ở Điều 56 hoặc các mục đích kinh tế khác; Các thiết bị và công trình có thể gây trở ngại cho việc thực hiện các quyền của quốc gia ven biển trong vùng. (2) Quốc gia ven biển có quyền tài phán đặc biệt đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình đó, kể cả về mặt các luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế, an ninh và nhập cư. (3) Việc xây dựng các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình đó phải được thông báo theo đúng thủ tục, và việc duy trì các phương tiện thường trực để báo hiệu sự có mặt của các đảo, thiết bị và công trình nói trên cần được bảo đảm. Các thiết bị hay công trình đã bỏ hoặc không dùng đến nữa cần được tháo dỡ để đảm bảo an toàn hàng hải, có tính đến những quy phạm quốc tế đã được chấp nhận chung do tổ chức quốc tế có thẩm quyền đặt ra về mặt đó. Khi tháo dỡ phải tính đến việc đánh bắt hải sản, bảo vệ môi trường biển, các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia khác. Cần thông báo thích đáng về vị trí, kích thước và độ sâu của những phần còn lại của một thiết bị hoặc công trình chưa được tháo dỡ hoàn toàn. (4) Quốc gia ven biển, nếu cần, có thể lập ra xung quanh các đảo nhân tạo, các thiết bị hoặc công trình đó những khu vực an toàn với kích thước hợp lý; trong các khu vực đó, quốc gia ven biển có thể áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo đảm an toàn hàng hải, cũng như an toàn của các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình đó. (5) Quốc gia ven biển ấn định chiều rộng của những khu vực an toàn có tính đến các quy phạm quốc tế có thể áp dụng được. Các khu vực an toàn này được xác định sao cho đáp ứng một cách hợp lý với tính chất và chức năng của các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trinh, và không thể mở rộng ra một khoảng cách quá 500m xung quanh các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình, tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của các đảo nhân tạo, thiết bị và các công trình dó, trừ ngoại lệ do các vi phạm của quốc tế đã được thừa nhận chung cho phép hoặc tổ chức quốc tế có thẩm quyền kiến nghị. Phạm vi của khu vực an toàn được thông báo theo đúng thủ tục. (6) Tất cả các tàu thuyền phải tôn trọng các khu vực an toàn đó và tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận chung liên quan đến hàng hải trong khu vực của các đảo nhân tạo, các thiết bị, các công trình và các khu vực an toàn. (7) Không được xây dựng những đảo nhân tạo, thiết bị hoặc công trình, không được thiết lập các khu vực an toàn xung quanh các đảo, thiết bị, công trình đó khi việc đó có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế. (8) Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa.
Điều 87 quy định về tự do trên biển cả, trong đó: (1) Biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển. Quyền tự do trên biển cả được thực hiện trong những điều kiện do các quy định của Công ước hay và những quy tắc khác của pháp luật quốc tế trù định. Đối với các quốc gia dù có biển hay không có biển, quyền tự do này đặc biệt bao gồm: Tự do hàng hải; Tự do hàng không; Tự do đặt các dây cáp hoặc ống dẫn ngầm với điều kiện tuân thủ Phần VI; Tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác được pháp luật quốc tế cho phép, với điều kiện tuân thủ phần VI; Tự do đánh bắt hải sản trong các điều đã được nêu ở Mục 2; Tự do nghiên cứu khoa học với các điều kiện tuân thủ các Phần VI và VIII. (2) Mỗi quốc gia khi thực hiện các quyền tự do này phải tính đến lợi ích của việc thực hiện tự do trên biển cả của các quốc gia khác, cũng như đến các quyền được Công ước thừa nhận liên quân đến các hoạt động trong Vùng.
Điều 208 quy định về ô nhiễm do các hoạt động liên quan đến đáy biển thuộc quyền tài phán quốc gia gây ra đã quy định: Các quốc gia ven biển thông qua các luật và quy định để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm đối với môi trường biển trực tiếp hay gián tiếp do các hoạt động liên quan đến đáy biển thuộc quyền tài phán quốc gia gây ra, hay xuất phát từ các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình thuộc quyền tài phán của mình theo các Điều 60 và 80. Các quốc gia thi hành mọi biện pháp khác có thể cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự sự ô nhiễm này. Các luật, quy định và biện pháp này không được kém hiệu quả hơn các quy tắc và quy phạm quốc tế hay các tập quán và thủ tục đã được kiến nghị có tính chất quốc tế. Các quốc gia cố gắng điều hòa các chính sách của mình về mặt này ở mức độ khu vực thích hợp. Đặc biệt khi hành động qua trung gian của các tổ chức quốc tế có thẩm quyền hay qua một hội nghị ngoại giao, các quốc gia thông qua các quy tắc và quy phạm cũng như tập quán và thủ tục được kiến nghị, trên phạm vi thế giới và khu vực, để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự nạn ô nhiễm môi trường biển nói ở khoản 1. Các quy tắc và quy phạm cũng như tập quán và thủ tục được kiến nghị này, tùy theo sự cần thiết mà qua từng thời kỳ được xem xét lại.
Ngoài ra còn một số Điều trong UNCLOS cũng những quy định liên quan “đảo nhân tạo” như Điều 79, Điều 80, Điều 214 và Điều 246. Nhìn chung, UNCLOS đã quy định về “đảo nhân tạo” như sau: Thứ nhất, UNCLOS cho phép các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ven biển, được quyền xây dựng đảo nhân tạo và quyền tài phán đối với các đảo này. Rõ ràng các quốc gia ven biển có quyền xây dựng các đảo và các thiết lập nhân tạo trong vùng lãnh hải của mình. Thứ hai, UNCLOS ở một chừng mực nào đó đã xác định tình trạng pháp lý của đảo nhân tạo. Thứ ba, việc xây dựng đảo nhân tạo có một số tác động đối với việc phân định biên giới biển. Đối với việc phân định lãnh hải, “công trình cảng bền vững ở xa nhất mà tạo nên một phần không thể tách rời của hệ thống cảng biển được coi như là một phần cấu thành bờ biển”, nhưng những thiết lập xa bờ và các đảo nhân tạo không nên được coi là “công trình cảng bền vững”.
Như vậy, quốc gia ven biển không thể “nhờ” đảo nhân tạo mà “nới” thêm chủ quyền được. Họ chỉ có thể ấn định chiều rộng của những khu vực an toàn có tính đến các quy phạm quốc tế. Các khu vực an toàn này được xác định sao cho đáp ứng một cách hợp lý với tính chất và chức năng của các đảo nhân tạo và không thể mở rộng ra một khoảng cách quá 500m xung quanh các đảo nhân tạo, tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của các đảo nhân tạo, trừ ngoại lệ do các vi phạm của quốc tế đã được thừa nhận chung cho phép hoặc tổ chức quốc tế có thẩm quyền kiến nghị. Phạm vi của khu vực an toàn được thông báo theo đúng thủ tục khu vực.
Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế:
Thứ nhất, các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa là của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm đóng bằng vũ lực. Trung Quốc luôn tự cho là có chủ quyền đối với khu vực quần đảo Trường Sa nói riêng và với hơn 80% diện tích Biển Đông nói chung, nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã dùng vũ lực quân sự để xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào các năm 1956, 1974, 1988, 1995… Những hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế này sẽ không đem lại chủ quyền cho Trung Quốc ở Biển Đông.
Không những vậy, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA) ra phán quyết chung cuộc vụ Philippines kiện Trung Quốc về “Đường Chín Đoạn”, hay còn gọi là “Đường Lưỡi Bò” trên Biển Đông. Trong đó, phán quyết của Tòa đã nêu rõ: “Tòa kết luận không có căn cứ pháp lý để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”. Ngoài ra, về vấn đề pháp lý của “các hòn đảo” mà Trung Quốc đã cơi nới mở rộng nhân tạo dựa trên các bãi cạn, đá ngầm, cùng vùng biển xung quanh, Toà kết luận “không có thực thể nào ở Quần đảo Trường Sa đáp ứng được các điều kiện để làm căn cứ tính những vùng biển nới rộng”. Toà cũng lưu ý về việc có sự hiện diện của con người trên một số điểm, nhưng xác định việc đó không làm thay đổi bản chất “không thể là nơi con người có thể sinh sống hoặc tự nó có giá trị kinh tế” của các thực thể này, bởi sự tồn tại của con người tại đó hoàn toàn “phụ thuộc vào sự hỗ trợ bên ngoài chứ không phải dựa vào khả năng tự có”.
Thứ hai, các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép là trên các loại đá tự nhiên và các rạn san hô vĩnh cửu còn vi phạm các quy định của UNCLOS, Hiến chương Liên hợp quốc, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hoạt động tự do hàng hải, hàng không và môi trường sinh thái ở Biển Đông.
Thứ ba, Trung Quốc đã vi phạm các quy định Điều 87 UNCLOS, liên quan việc “tôn trọng hợp lý”.Việc hưởng quyền xây dựng đảo nhân tạo của một số quốc gia không nên ảnh hưởng bất hợp lý đến quyền và lợi ích của các quốc gia khác cũng như cả cộng đồng quốc tế. Nguyên tắc này được thể hiện rõ trong các điều khoản liên quan của UNCLOS, nó chỉ ra rằng khi một quốc gia ven biển thiết lập vùng an toàn xung quanh đảo nhân tạo, cần đảm bảo rằng khu vực này liên quan một cách hợp lý đến bản chất và chức năng của hòn đảo nhân tạo ấy, và cũng cần phải đưa ra thông báo về phạm vi của vùng an toàn. Hơn nữa, “đảo, các thiết lập và cấu trúc nhân tạo cùng với các vùng an toàn bao quanh chúng có thể không được thiết lập nếu chúng ảnh hưởng đến việc sử dụng các tuyến đường biển đã được công nhận thiết yếu đối với đường biển quốc tế”.
Thứ tư, Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản, thỏa thuận song phương, đa phương về nghĩa vụ phải thông báo và tham vấn về việc xây dựng đảo nhân tạo và các thiết lập ở Biển Đông; vi phạm các quy định của Tuyên bố về Cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002 và cam kết không tiến hành quân sự hóa, làm phức tạp hóa tình hình Biển Đông.
Trung Quốc đã có nhiều bước chuẩn bị công phu khi tiến hành cải tạo đảo nhân tạo ở Biển Đông:
Financial Times nhận định. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền vào ngành công nghiệp nạo vét trong thập kỷ qua, với khoảng 200 tàu được chế tạo từ năm 2006, đưa Bắc Kinh trở thành một trong những nước sản xuất tàu xây đảo lớn nhất thế giới. Gần đây, Trung Quốc đã chế tạo thành công tàu Tiankun chuyên nạo vét, xây đảo lớn và tiên tiến nhất khu vực. Tàu Tiankun có chiều dài 140 m, lượng choán nước 17.000 tấn. Tàu có công suất hút tới 6.000 m3 đất, cát mỗi giờ từ độ sâu 35 m, như vậy cứ mỗi giờ con tàu có thể đào khối lượng tương đương 3 hồ bơi tiêu chuẩn. Theo Viện Nghiên cứu và Thiết kế Hàng hải ở Thượng Hải, Tiankun là tàu xây đảo hiện đại nhất châu Á, có thể sử dụng cho mục đích nạo vét bờ biển và các hoạt động bồi lấp đất ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu. Alex Neill, thành viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết ý nghĩa thực sự của việc công bố tàu xây đảo khổng lồ là nó có thể được triển khai để khôi phục các hoạt động bồi lấp ở Biển Đông.
Nhìn chung, việc Trung Quốc bất chấp công luận và luật pháp quốc tế cải tạo, xây dựng 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm mục đích gây sự đã rồi, khống chế toàn bộ khu vực, hay nhiễu loạn hiện trạng, đe dọa vị trí pháp lý của các bên tranh chấp… cũng không đem lại cho nước này chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán được luật pháp quốc tế công nhận ở Biển Đông.