Từ khi lên cầm quyền đến nay, chính sách Biển Đông của chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn còn là một ẩn số đối với cộng đồng quốc tế. Ông Duterte liên tục đưa ra những tuyên bố, phát ngôn không giống ai về vấn đề Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte
Những phát biểu để đời của ông Rodrigo Duterte:
Ngày 24/8, ông Duterte bất ngờ tuyên bố, ám chỉ đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông, cho rằng “Trung Quốc phải suy nghĩ lại vì vấn đề Biển Đông có thể trở thành ngòi nổ một ngày nào đó. Bạn không thể xây đảo. Nó là đảo nhân tạo và bạn khẳng định rằng không phận trên hòn đảo nhân tạo đó là của bạn. Điều đó là sai trái vì vùng lãnh hải đó được xem là vùng biển quốc tế”.
Ngày 22/8, phát biểu tại cuộc họp gồm các quan chức ở thành phố Cebu, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết: “Tôi đã nói với ông ấy, Chủ tịch Tập Cận Bình, rằng chúng tôi cũng có tuyên bố (trên Biển Đông). Chúng tôi có phán quyết của tòa. Nhưng tôi sẽ không khăng khăng sử dụng phán quyết này vì nó sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh và đó sẽ là thảm họa. Tôi hiểu điều đó. Nhưng làm ơn hãy nhớ rằng một ngày nào đó trong nhiệm kỳ của mình, tôi sẽ sử dụng phán quyết đó”; đồng thời cho biết ông sẽ không lãng phí thời gian để đi đáp trả những lời chỉ trích cho rằng ông dường như ngoảnh mặt làm ngơ trước các động thái quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông. Thay vào đó, ông Duterte nhấn mạnh ông không cho phép Trung Quốc khai thác tài nguyên ở vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Ông Duterte cũng khẳng định Philippines không thể đọ sức mạnh quân sự với Trung Quốc vì Lực lượng Vũ trang Philippines được trang bị yếu kém. Tuy nhiên, ông Duterte khẳng định ông sẵn sàng triển khai quân đội và cảnh sát để bảo vệ chủ quyền của Philippines ngay cả khi họ chỉ được trang bị dao.
Ngày 21/8, trong cuộc họp với các thị trưởng quần đảo Visayas tại thành phố Cebu, ông Duterte cảnh báo Trung Quốc không khai thác dầu và các tài nguyên khác ở vùng biển phía Tây Philippines và cho rằng hành động đó có thể dẫn đến chiến tranh. “Tôi nói rõ về vấn đề dầu mỏ, nếu Trung Quốc giành độc quyền thì họ sẽ gặp rắc rối… Khi đó mọi người sẽ thấy Bộ trưởng Bộ Nội vụ Eduardo Ano mang dao rựa ra chém người Trung Quốc”, ông Duterte cho hay.
Ngày 23/7, Tổng thống Philippines Duterte cho biết, “Mối quan hệ đang được cải thiện của chúng ta với Trung Quốc không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ do dự trong việc bảo vệ các lợi ích ở vùng biển Tây Philippines”; đồng thời cho biết Philippines va Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao, đồng thời khẳng định hai nước cũng tích cực hợp tác trong vấn đề chống ma túy.
Ngày 18/7, The Philippine Star đưa tin, phát biểu tại lễ khởi công xây dựng cầu Binondo-Intramuros do Trung Quốc đầu tư, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bày tỏ tin tưởng đối với “sự công bằng” của Bắc Kinh, người dân Philippines cần xem Trung Quốc “như một người láng giềng tốt” và cho rằng “chưa tới lúc để thảo luận về tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc” mà “sẽ trao đổi vào một thời điểm khác theo như cam kết với Chủ tịch Tập Cận Bình”. Bên cạnh đó, ông Duterte khẳng định sẽ không gây sức ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngày 18/6, phát biểu tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập Bộ Ngoại giao (DFA), Tổng thống tuyên bố: “Ta không thể đánh Trung Quốc. Trung Quốc không dễ bị khuất phục. Các bạn không thể khiến họ sợ hãi và thậm chí đến Mỹ còn phải e ngại đôi phần… Bạn biết nếu như phải chống lại Trung Quốc, Nga sẽ tham gia cuộc xung đột”; đồng thời cho biết “về vấn đề Biển Đông, các bạn muốn gì? Tôi phải cho thấy thái độ hung hăng như thế nào để thuyết phục Trung Quốc rời đi? Liệu tôi đã đe dọa họ hoặc đưa ra hàng nghìn khuyến nghị, chúng tôi đã làm rồi, chúng tôi chỉ là không công bố thôi. Thực sự chúng tôi đã phản đối”.
Ngày 28/5, ông Duterte đưa ra cảnh báo sẽ “không cho phép Trung Quốc xây dựng bất kỳ công trình nào ở bãi cạn Scarborough hoặc khai thác tài nguyên ở những khu vực thuộc chủ quyền của Philippines và sẵn sàng chiến tranh nếu điều này bị vi phạm”.
Ngày 19/5, phát biểu tại Cebu, Philippines, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông sẽ không khiêu khích gây chiến với Trung Quốc sau thông tin cho rằng quân đội Trung Quốc đã điều các máy bay ném bom tầm xa tới một sân bay ở Biển Đông; đồng thời ông Duterte bày tỏ lo ngại rằng “liệu Philippines sẽ phải đối mặt với những điều gì nếu một cuộc chiến tranh bùng phát ở khu vực, đồng thời cũng không lấy gì đảm bảo được rằng Mỹ sẽ đứng ra bảo vệ nước này khi xảy ra tình huống như vậy”. Mặt khác, ông Duterte cho rằng một giải pháp khả thi hơn đó là “thúc đẩy một thoả thuận hợp tác chung với Trung Quốc nhằm khai thác các tiềm năng ở Biển Đông”.
Ngày 7/5, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết “Trung Quốc nói rằng họ sẽ bảo vệ chúng ta. Trung Quốc sẽ không cho phép Philippines bị phá hủy. Họ ở ngay đây và chúng ta có thể gọi cho họ yêu cầu giúp đỡ bất cứ lúc nào”. Trong khi đó, Tổng thống Duterte chỉ trích Mỹ khi cho rằng nước này sẽ không bảo vệ Philippines vì lo sợ chiến tranh.
Ngày 15/5, trong chuyến thăm ngoài khơi tỉnh Aurora, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định “Philippines không từ bỏ các quyền chủ quyền của mình đối với các vùng biển ở Biển Đông”, cho biết Philippines “sẽ xây dựng một vài khu vực Philippine Rise (trước đây là Benham Rise) thành khu vực bảo tồn biển”.
Ngày 19/2, phát biểu tại cuộc họp mặt nhân dịp Tết Âm lịch của Câu lạc bộ doanh nhân gốc Hoa, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trấn an lo ngại trong nước về việc Trung Quốc quân sự hóa (trái phép) ở các đảo nhân tạo trên Biển Đông, cho rằng “các cơ sở (phi pháp) mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông nhằm mục đích phòng thủ chống lại Mỹ chứ không phải các nước trong khu vực; đồng thời tuyên bố ông “sẽ không hy sinh mạng sống của người Philippines một cách vô ích” và cho rằng “nếu Trung Quốc muốn, các anh có thể biến chúng tôi thành một tỉnh, giống như Phúc Kiến. Tỉnh Philippines của Trung Quốc”.
Ẩn ý đằng sau những tuyên bố hồn nhiên của ông Duterte về vấn đề Biển Đông
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được cho là một trong những người thành công trong việc thực hiện chính sách “vừa đấm, vừa xoa” đối với Trung Quốc. Việc ông Duterte đưa ra những tuyên bố chỉ trích, thậm chí là đe doạ Trung Quốc ở Biển Đông không ngoài mục đích nhắc nhở Trung Quốc phải thực hiện những cam kết, thoả thuận song phương mà hai nước đã ngầm trao đổi; đồng thời tìm cách trấn an và động viên tinh thần người dân trong nước rằng chính quyền của ông đang làm tất cả những gì có thể để bảo vệ “chủ quyền” của Philippines ở Biển Đông. Tuy nhiên, những khi ông Duterte “ca ngợi” Trung Quốc và “nguyện làm hết sức vì tinh thần đoàn kết giữa hai nước” là thông điệp muốn gửi gắm tới Mỹ, đồng minh của Philippines rằng “Mỹ cần phải tăng cường đầu tư và viện trợ hơn nữa đối với Philippines, nếu không Manila sẽ đi theo Trung Quốc”, đồng thời nó cũng là thông điệp gửi tới Trung Quốc, nhắn nhủ Bắc Kinh “cần phải tích cực hợp tác với Philippines”.
Đáng chú ý, những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Philippines Duterte được đưa ra giữa lúc chính quyền Tổng thống Philippines bị các nhóm cánh tả chỉ trích vì không nêu cao báo động công khai đối với những hành động sai trái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, như triển khai máy bay chiến đấu, radar, vũ khí điện tử, tên lửa phòng không ra đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), cũng như không yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA, tại The Hague, Hà Lan) trong vụ kiện về biển Đông của Philippines năm 2016.
Giới chính khách Philippines cho rằng, lên nắm quyền từ tháng 5/2016, Tổng thống Duterte đã tuyên bố chính sách đối ngoại không hướng nhiều về phía đồng minh thân cận Mỹ mà lại quay ra thân thiện với Bắc Kinh, tìm cách thúc đẩy thương mại, đầu tư và các quỹ cơ sở hạ tầng với nền kinh tế số 2 thế giới.
Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định, phương pháp của Tổng thống Duterte đã khuyến khích Trung Quốc ngày càng cương quyết hơn về việc kiểm soát tuyến đường thủy trên biển Đông, nơi rất giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt mà trong đó nhiều vùng nằm trong khu vực tranh chấp với các nước trong khu vực.Tổng thống Duterte “đổi giọng” với Trung Quốc giữa lúc các cuộc khảo sát cho thấy sự ủng hộ dành cho ông đang suy giảm. Trước đó, Tổng thống Duterte liên tục bị phe đối lập chỉ trích là “mềm yếu” với Trung Quốc. Theo cuộc khảo sát được tiến hành hồi cuối tháng 6 bởi tổ chức nghiên cứu xã hội Social Weather Stations (Philippines) có sự tham gia của 1.200 người, gần 90% người tham gia nói rằng họ muốn Philippines khẳng định các tuyên bố chống lại Trung Quốc trên Biển Đông.
Phản ứng trước những tuyên bố, hành động của Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông,Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tuân thủ đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Mọi hoạt động xây dựng, cải tạo tại các cấu trúc thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp; đồng thời đề nghị các nước liên quan cần tôn trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.