Monday, December 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ thành lập Trung tâm Nghiên cứu Hải dương số 4 thuộc...

TQ thành lập Trung tâm Nghiên cứu Hải dương số 4 thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên TQ

Trung Quốc gần đây đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về Biển Đông, thành lập thêm nhiều Viện, Trung tâm, Cơ sở nghiên cứu dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm tăng cường giao lưu học thuật quốc tế và tìm cách thay đổi thông tin về Biển Đông để từng bước tuyên truyền yêu sách “chủ quyền”, khẳng định Bắc Kinh có “bằng chứng lịch sử” ở Biển Đông.

Trụ sở Trung tâm Nghiên cứu Hải dương số 4 thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc

Thành lập Trung tâm nghiên cứu Hải dương mới

Trang mạng Nhân dân Trung Quốc (11/9) cho biết, Trung Quốc đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Hải dương số 4 thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc. Trung tâm trên có trụ sở ở thành phố Bắc Hải, thuộc Khu tự trị Quảng Tây. Theo Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc, đây là Trung tâm nghiên cứu khoa học tổng hợp về biển cấp quốc gia đầu tiên được thành lập tại Quảng Tây. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong việc mở rộng giao lưu hợp tác biển giữa Trung Quốc và ASEAN; góp phần thúc đẩy xây dựng sinh thái Vịnh Bắc Bộ; đẩy mạnh “bảo vệ quyền và lợi ích biển của Trung Quốc ở Biển Đông”; thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững, chất lượng cao và góp phần xây dựng “Vành đai và con đường”. Ông Lý Vĩnh Kiệt, Trưởng cơ quan quy hoạch Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc cho biết việc thành lập Trung tâm trên sẽ nâng cao sức mạnh khoa học biển của Quảng Tây, với phương châm “vừa xây dựng, vừa triển khai công việc”, nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học đã được thúc đẩy và đạt tiến triển tốt. Trong khi đó, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Tây Nghiêm Trực Thuyền tuyên bố Quảng Tây sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng và phát triển Trung tâm Nghiên cứu Hải dương số 4, đẩy nhanh xây dựng địa phương mạnh về biển dựa trên ưu thế mới về khoa học công nghệ.

Một số nét về hoạt động nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc đặc biệt chú trọng đầu tư tài chính, nhân lực đối với công tác nghiên cứu khoa học về Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã thực thi một loạt chính sách lớn nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học ở Biển Đông như có chính sách đãi ngộ tốt đối với giới chuyên gia, nhà nghiên cứu của TQ trong vấn đề Biển Đông, mở thêm nhiều đơn vị nghiên cứu mới bằng nhiều hình thức và cấp độ khác nhau.

Phương thức hoạt động của các viện, trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất và trải rộng trên tất cả các lĩnh vực như: Luật Biển Đông và quan hệ quốc tế; Lịch sử và văn hóa Biển Đông; Kinh tế chính trị xã hội các nước ven Biển Đông; Tài nguyên môi trường Biển Đông; Hợp tác an ninh và tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông; Chiến lược và quyết sách trong vấn đề Biển Đông; Luật quốc tế và tranh chấp Biển Đông, Chính sách Biển Đông của các các nước; Nghiên cứu đối sách giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông; Bảo vệ môi trường và khai thác phát triển tài nguyên Biển Đông; Chiến lược và cơ chế phát triển kinh tế hải dương; “Con đường tơ lụa trên Biển” thế kỷ 21… Ngoài ra, các đơn vị nghiên cứu của Trung Quốc tiến hành hợp tác nghiên cứu, trao đổi nghiên cứu học thuật với hơn 20 nước như Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Malaysia, Philippnes, Indonesia, Đài Loan… và có liên kết với gần 100 Viện, Trung tâm nghiên cứu trên thế giới và nhiều tổ chức Chính phủ, phi chính phủ của khu vực và quốc tế.

Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, số lượng chuyên gia, học giả Trung Quốc nghiên cứu về Biển Đông ngày một tăng; các đề tài, bài nghiên cứu về Biển Đông ngày càng nhiều.Trước đây, số chuyên gia, học giả Trung Quốc nhiên cứu về Biển Đông chỉ có một nhóm nhỏ, nằm rải rác ở một số Viện, Trung tâm, đại học lớn của Trung Quốc, như Viện Nghiên cứu Nam Hải, Đại học Phúc Đán, Đại học Bắc Kinh… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng các chuyên gia, học giả và các Viện, Trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc “nhiều như nấm”, hầu hết các tỉnh, thành và đại học của Trung Quốc đều có các Viện, Trung tâm nghiên cứu riêng. Đáng chú ý, Trung Quốc đang trẻ hóa đội hình chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, đa phần số chuyên gia của Trung Quốc có độ tuổi từ 30-45 và số lượng các bài viết, đề tài nghiên cứu về Biển Đông của Trung Quốc tăng đột biến trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, nội dung các bài nghiên cứu của Trung Quốc còn mang nặng tính bao biện cho lập trường và yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đổ lỗi cho các nước khác làm phức tạp tình hình và “xâm chiếm” biển đảo của Trung Quốc; ít có các bài viết phân tích từ khía cạnh luật pháp quốc tế một cách công bằng.

Đáng chú ý, Trung Quốc có một lực lượng chuyên gia, học giả được đánh giá là theo trường phái “diều hâu”, trong đó chủ yếu là những sỹ quan quân đội Trung Quốc, nhiều người trong số họ mang hàm Thiếu tướng như Doãn Trác, Trương Thiệu Trung… thường có những bài viết, phát biểu mang tính hiếu chiến, đe dọa các nước liên quan. Trong bất cứ vụ việc gì ở Biển Đông, bất kể là hành động khiêu khích của Trung Quốc hay những hành đông vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, số chuyên gia này đều sử dụng chiêu bài “cả vũ lấp miệng em”, kêu gọi Chính phủ Trung Quốc dùng vũ lực giải quyết hoặc lên án các nước “xâm phạm chủ quyền” của Trung Quốc.

Các kết quả nghiên cứu đã góp phần tham mưu cho Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhiều quyết sách quan trọng trong vấn đề Biển Đông. Một số viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc như Viện nghiên cứu Nam Hải, Trung tâm hợp tác sáng tạo Nam Hải Trung Quốc được đưa vào danh sách các Viện nghiên cứu trọng điểm quốc gia, góp phần quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối quốc gia. Những thành quả nghiên cứu của một số viện trên như “Nguyên nhân và phát triển tranh chấp ở Biển Đông”, “Báo cáo đánh giá tình hình khu vực Biển Đông hàng năm”… được đánh giá cao và có ảnh hưởng lớn đến nhiều cơ quan, ban ngành của Trung Quốc; được nhiều chuyên gia, học giả Trung Quốc và quốc tế sử dụng các dữ liệu trong các công trình nghiên cứu.

RELATED ARTICLES

Tin mới