Chiến lược kết nối mới của Liên minh châu Âu (EU) bị xem là phản ứng hơi chậm đối với sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại lục địa già.
Cảng Piraeus ở Hy Lạp đang chịu sự kiểm soát của Công ty Vận tải biển COSCO (Trung Quốc) Ảnh: REUTERS
Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông qua Chiến lược Kết nối mới liên kết châu Âu và châu Á, qua đó thách thức một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Chiến lược được công bố hôm 19-9 đưa ra một hướng tiếp cận khác đối với chiến lược mà Bắc Kinh đang theo đuổi thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Nhấn mạnh đến yếu tố bền vững, Liên minh châu Âu (EU) đề xuất rằng các khoản đầu tư nên tôn trọng quyền lao động, không tạo ra những phụ thuộc về chính trị hoặc tài chính và bảo đảm một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong 30 năm qua, EU tỏ ra hơi chậm trong việc nhìn nhận sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Nước này không chỉ là “gã khổng lồ” về thương mại mà còn đang nắm lượng dự trữ tiền tệ lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp đầu tư nước ngoài ngày càng quan trọng, trong đó có cả ở châu Âu.
Dù vậy, một số dự án phát triển liên quan đến Trung Quốc gần đây khiến các chính trị gia, nhà hoạch định chính sách châu lục này không khỏi thận trọng.
EU vẫn chưa cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc do nước này không chịu giải quyết vấn đề doanh nghiệp nhà nước nắm giữ vị thế thống trị.
Ngoài ra, việc Bắc Kinh dòm ngó công nghệ châu Âu cũng dẫn đến kế hoạch kiểm tra gắt gao hơn hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại lục địa già.
Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của Brussels đến từ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ trong khuôn khổ BRI – tâm trạng có thể được bắt gặp tại một số nước khác, như Mỹ, Ấn Độ…
Vào đầu năm nay, các đại sứ EU tại Trung Quốc đã viết một báo cáo đánh giá BRI tỏ ra không bền vững về kinh tế, môi trường, xã hội và tài chính. Báo cáo cũng chỉ trích Bắc Kinh phân biệt đối xử với doanh nghiệp nước ngoài, thiếu các quy trình đấu thầu minh bạch và hạn chế doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường nội địa.
Sự tham gia của Trung Quốc vào các dự án phát triển tại một số nước châu Âu cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo. Hồi năm 2014, chính phủ Montenegro đã ký thỏa thuận vay tiền Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để trang trải 85% chi phí dự án xây dựng một tuyến đường cao tốc.
Chi phí của dự án này ước tính tương đương gần 25% GDP của Montenegro. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) không ít lần cho rằng việc xây dựng chỉ nên tiếp tục trên cơ sở các quỹ ưu đãi. Nhiều người tin rằng vỡ nợ có thể xảy ra và điều này có thể dẫn đến việc Montenegro bàn giao cơ sở hạ tầng quan trọng cho Trung Quốc.
Đã có tiền lệ đáng lo ngại trong vấn đề vay tiền nói trên. Sri Lanka đã mất khả năng hoàn trả khoản vay từ Trung Quốc để xây dựng cảng Hambantota. Hậu quả là cảng này và các khu đất xung quanh – có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương, vịnh Bengal và biển Ả Rập – giờ đây chịu sự kiểm soát của Trung Quốc cho đến năm 2116.
Tương tự, việc Trung Quốc mua lại toàn bộ hoặc một phần các cảng tại Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý, và đáng chú ý nhất là Hy Lạp, đã không được quan tâm đúng mức. Nếu không có trở ngại đáng kể, Trung Quốc đang dần thâu tóm cơ sở hạ tầng quan trọng ở châu Âu trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu vào Trung Quốc lại đang giảm.
Bắc Kinh đã gặt hái một số lợi ích chính trị từ các khoản đầu tư này, thể hiện qua việc một số nước thành viên EU ngăn chặn các nghị quyết chỉ trích hành vi của Trung Quốc ở biển Đông.
Ngoài ra, các quan chức châu Âu đang chất vấn về tính bền vững môi trường và kinh tế của một loạt dự án kết nối liên quan đến Trung Quốc. Kế hoạch xây dựng 6 nhà máy điện chạy bằng than ở Pakistan đã bị chỉ trích vì không bền vững về môi trường.
Những ví dụ trên đã làm tăng nỗi quan ngại của EU khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở châu Á, Trung Á và châu Âu. Ảnh hưởng này không chỉ về tiền bạc và chính trị mà còn mở rộng đến các tiêu chuẩn kỹ thuật và bóp méo các dòng chảy thương mại.
Nhưng EU nhận thức rõ rằng chỉ áp lực ngang hàng thôi sẽ không thể thúc đẩy Trung Quốc xem xét lại chiến lược của mình. Để bảo đảm lợi ích chính trị và kinh tế của chính mình, EU phải đưa ra một phản ứng đầy tham vọng và toàn diện, theo đó đẩy mạnh mối liên kết giữa khối này và các nước trong lúc “quảng bá” nó như một lựa chọn thay thế đáng tin cậy và bền vững.
Văn kiện mới công bố nói trên sẽ giúp các nước châu Á và châu Âu hiểu rõ hơn EU muốn bắt tay với họ dựa trên cơ sở nào và các đối tác có thể mong đợi gì từ mối quan hệ này. Các cuộc đàm phán đang diễn ra về ngân sách EU sắp tới sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong phân bổ đủ ngân sách cho chiến lược.
Chưa hết, chiến lược cũng sẽ cần sự hỗ trợ thống nhất từ các quốc gia thành viên, một chiến lược truyền thông công cộng vững chắc và một loạt chương trình tiếp cận sâu rộng với các đối tác của EU – cả song phương lẫn đa phương.
Cuộc cạnh tranh địa chính trị ở lục địa Á – Âu dự kiến sẽ diễn ra ngày một gay gắt, với Trung Quốc, Nga, Mỹ và EU tranh nhau ảnh hưởng. Chiến lược Kết nối của EU đã phát đi tín hiệu rằng họ đang là một phần của cuộc chơi này.