Monday, January 13, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ thắng thế trong cuộc đua tại châu Phi

TQ thắng thế trong cuộc đua tại châu Phi

Đô đốc Trịnh Hòa có đến châu Phi trước những người Bồ Đào Nha hay không có thể còn là điều gây tranh cãi, nhưng việc Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của châu Phi đã là một thực tế không ai nghi ngờ.

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi năm 2015. (Ảnh Xinhua)

Lịch sử ghi nhận các nước châu Âu khai phá châu Phi từ giữa thế kỷ 15. Song nhiều tài liệu cho thấy Trung Quốc (TQ) đã tiếp xúc với châu Phi từ trước đó.

Người khai phá châu Phi?

Những giao thương đầu tiên giữa TQ và châu Phi xuất phát từ đầu thế kỷ 15 qua 3 chuyến đi đến Sừng châu Phi của nhà hàng hải TQ Trịnh Hòa (1418-1433), đem theo nhiều tặng phẩm của Vua Vĩnh Lạc triều Minh.

Sử sách TQ cũng ghi lại 3 lần Nhà nước Mogadishu (Somalia ngày nay) cử sứ thần sang TQ từ 1916-1923, hình thành các bang giao đầu tiên giữa TQ và châu Phi. Sau đó, châu Phi bước vào giai đoạn bị thực dân hóa, đô hộ và chịu ảnh hưởng của các nền văn minh châu Âu, Ả-rập, Ấn Độ…, gần như không còn duy trì liên hệ trực tiếp với TQ.

Sau khi TQ giải phóng năm 1949 và các nước châu Phi giành được độc lập, quan hệ TQ-châu Phi sang trang mới, trên cơ sở ý thức hệ, tập hợp lực lượng của thế giới thứ ba chống thực dân, đế quốc, phương Tây, đoàn kết Nam-Nam (Hội nghị 3 châu lục Á-Phi-Mỹ Latinh tại Cuba 1966).

Từ những năm 1950, Đảng Cộng sản TQ bắt đầu thiết lập quan hệ, ủng hộ cả vật chất và tinh thần một số phong trào giải phóng chống thực dân ở châu Phi (Cameroon, Angola…). Quan hệ chính trị được đẩy mạnh từ sau Hội nghị Á-Phi 1955, một số nước châu Phi sớm giành được độc lập (Ai Cập, Algeria…) thiết lập quan hệ ngoại giao với TQ.

Năm 1960, Tổng thống Guinea Sekou Toure là lãnh đạo cấp cao châu Phi đầu tiên thăm chính thức TQ. Cuối 1963 đầu 1964, Thủ tướng Chu Ân Lai thăm 10 nước châu Phi mới giành độc lập nhằm tăng cường ảnh hưởng của TQ tại châu lục, đặc biệt với các lực lượng cánh tả (Algeria, Mali).

Giai đoạn này, châu Phi là một trong những địa bàn trọng tâm trong chính sách đối ngoại TQ để ngăn chặn sự công nhận Đài Loan và vận động ủng hộ CHND Trung Hoa thay thế Đài Loan đại diện cho TQ tại Liên hợp quốc (LHQ) năm 1971.

TQ hỗ trợ tài chính, cơ sở hạ tầng và quân sự cho một số nước Đông Phi gần gũi về ý thức hệ như Tanzania, Zambia… và các nước Phong trào Không liên kết như Ai Cập, với các công trình tiêu biểu: tuyến đường sắt Tazara nối Tanzania và Zambia, đập thủy điện Aswan cho Ai Cập (cùng Liên Xô)…

Từ 1978, sau khi ban hành chính sách cải cách kinh tế, TQ có xu hướng tập trung phát triển trong nước và mở cửa với phương Tây, sự quan tâm về chính trị với châu Phi trở nên hạn chế hơn.

Đầu thập niên 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ TQ-châu Phi nồng ấm trở lại, đánh dấu bằng chuyến thăm 6 nước châu Phi của Chủ tịch Giang Trạch Dân và có bài phát biểu tại Tổ chức Liên minh châu Phi OAU (tiền thân của Liên minh châu Phi AU) năm 1996 với “Đề xuất 5 điểm” để phát triển quan hệ hợp tác lâu dài, thực chất giữa TQ và châu Phi, tạo tiền đề cho sự hình thành chính sách châu Phi của TQ những năm 2000.

Chính sách going out/going global

Từ những năm 2000, cùng với sự tăng trưởng vượt bậc của kinh tế TQ, hợp tác TQ-châu Phi được đẩy mạnh về mọi mặt trên cơ sở chính sách going out/going global.

Về chính trị, TQ tăng cường củng cố vai trò dẫn dắt tại châu Phi, cạnh tranh với các nước lớn, đồng thời lôi kéo sự ủng hộ của các nước châu Phi nhằm loại trừ ảnh hưởng và cô lập Đài Loan.

Gần đây, TQ thúc đẩy thêm các khái niệm về “cộng đồng chung vận mệnh TQ-châu Phi”, “quan hệ quốc tế kiểu mới”, nhấn mạnh liên kết tự nhiên giữa TQ, nước đang phát triển lớn nhất, với châu Phi, tập hợp đông đảo nhất của các nước đang phát triển.

Để thực hiện mục tiêu, TQ duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao tới châu Phi: Chủ tịch Tập Cận Bình đã 9 lần thăm châu Phi, Ngoại trưởng TQ thăm châu Phi hàng năm dịp đầu năm mới liên tục trong 28 năm và đón hơn 100 lượt lãnh đạo cấp cao các nước châu Phi thăm TQ.

Qua đó, TQ củng cố hợp tác song phương với các nước và đến nay đã thiết lập cơ chế đối tác/đối thoại chiến lược toàn diện/chiến lược với nhiều nước châu Phi và Đối tác Đối thoại chiến lược với AU. Châu Phi cũng là nguồn ủng hộ quan trọng với các vấn đề quốc tế trong khuôn khổ của LHQ.

Từ năm 2000, TQ thiết lập và duy trì tổ chức 7 Diễn đàn TQ-châu Phi (FOCAC): 3 Hội nghị thượng đỉnh (HNTĐ) vào 2006, 2015 và 2018 và 4 Diễn đàn cấp Bộ trưởng, trở thành cơ chế bao trùm, điều phối quan hệ TQ và khu vực.

Tại HNTĐ FOCAC 2018, TQ cam kết tiếp tục hỗ trợ 60 tỷ USD cho châu Phi trong 3 năm tới, tập trung trên 8 lĩnh vực gồm phát triển công nghiệp, kết nối hạ tầng, hỗ trợ thương mại, phát triển thân thiện với môi trường, đào tạo nhân lực, y tế, giao lưu nhân dân, an ninh và hòa bình. Bên cạnh FOCAC, TQ cũng thiết lập mạng lưới chính sách, cơ chế hợp tác toàn diện với châu Phi trên tất cả các lĩnh vực.

Về kinh tế, TQ thúc đẩy toàn diện hợp tác thương mại, đầu tư, tài chính, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế trong nước, đặc biệt là nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản phục vụ sản xuất.

Hợp tác của TQ được thực hiện thông qua việc TQ dành viện trợ, vốn vay phát triển cơ sở hạ tầng thông qua các ngân hàng, quỹ tín dụng nhà nước và một số định chế tài chính mà TQ là thành viên và thường do các doanh nghiệp nhà nước, nhân công của TQ thực hiện.

Đổi lại, TQ giành được nhiều hợp đồng mua, khai thác năng lượng, khoáng sản của các nước châu Phi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước (thường được gọi là mô hình đổi hạ tầng lấy tài nguyên).

Từ 2013, TQ đề xuất Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) với nhiều dự án về cơ sở hạ tầng quy mô kết nối các lợi ích kinh tế tại châu Phi với hành lang kinh tế Á-Âu của TQ. Đến nay đã có 9 nước châu Phi tham dự và hơn 20 nước đang đàm phán.

Tại HNTĐ FOCAC 2018, TQ và các nước châu Phi nhất trí kết nối BRI với việc thực hiện Kế hoạch 2063 về phát triển của AU, Kế hoạch 2030 về phát triển bền vững của LHQ và các chiến lược phát triển quốc gia của châu Phi.

Là đối tác, là chủ nợ

Hiện TQ trở thành đối tác thương mại, đầu tư lớn của châu Phi, đồng thời là chủ nợ lớn nhất của châu lục (chiếm khoảng 14% tổng nợ của châu lục).

Trong bối cảnh chi phí sản xuất, giá bất động sản và nhân công trong nước tăng nhanh, TQ cũng dần chuyển đổi năng lực sản xuất dư thừa và phân công lại chuỗi sản xuất sang các nước kém phát triển tại châu Phi, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) tư nhân, chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, đầu tư sang châu Phi.

Cùng với sự gia tăng ảnh hưởng chính trị, kinh tế, TQ đẩy mạnh hợp tác về quân sự, an ninh với khu vực, tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, giải quyết xung đột, xây dựng cấu trúc an ninh khu vực.

Tháng 7/2018, TQ lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn An ninh và Quốc phòng TQ-châu Phi với sự tham gia của đại diện cấp cao quân đội 50 nước châu Phi. Xuất khẩu vũ khí của TQ sang châu Phi (2013-2017) tăng 55%. 2/3 nước châu Phi hiện sử dụng vũ khí, trang thiết bị quân sự của TQ. TQ cũng cam kết hỗ trợ AU thành lập Lực lượng Thường trực, tham gia tập trận, tuần tra chung…

Từ 2017, TQ đã đưa vào hoạt động căn cứ quân sự đầu tiên tại Djibouti (cạnh căn cứ của Mỹ và Pháp), chủ động đề xuất tham gia giải quyết xung đột tại Nam Sudan và căng thẳng biên giới giữa Djibouti–Eritrea (dù chưa đạt nhiều kết quả). TQ là nước cung cấp tài chính lớn thứ 2 cho ngân sách gìn giữ hòa bình của LHQ, chỉ sau Mỹ, đóng góp 2.600 quân tại 6 Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại châu Phi.

TQ cũng tăng cường truyền bá văn hóa, sức mạnh mềm để xây dựng sự gắn kết, ảnh hưởng lâu dài tại châu Phi. Số lượng sinh viên châu Phi theo học tại TQ liên tục tăng, đến nay đã vượt 200.000 người.

Ngày nay có thể bắt gặp công dân TQ tại khắp châu Phi: từ công trường xây dựng, trung tâm mua sắm, cửa hàng bán lẻ ven đường cho đến các tòa chung cư hay trụ sở cơ quan công quyền của Chính phủ hay của chính Tòa Trụ sở của Liên minh châu Phi hoành tráng tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia cũng do TQ xây tặng và giúp vận hành.

Kiều dân TQ tại châu Phi có lúc đã lên tới hàng triệu người. Thậm chí có những khu Chinatown đậm màu Trung Hoa mà bảng biển, cửa hiệu đều ghi tiếng Hoa.

Lấp ló trong các cửa hàng bán lẻ đồ thực phẩm TQ, những đứa trẻ ngồi chơi bên người lớn bán hàng và xem kênh truyền hình CCTV. Có thể nói văn hóa và con người TQ đang mở rộng ảnh hưởng mạnh mẽ hơn bao giờ hết tại châu Phi.

RELATED ARTICLES

Tin mới