Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếBiển Đông và các bãi san hô ngầm dưới triều đại nhà...

Biển Đông và các bãi san hô ngầm dưới triều đại nhà Minh và nhà Thanh: Trình độ hiểu biết địa dư và sự kiểm soát chính trị (Kỳ 2)

Dưới đây là bản dịch một bài viết hiếm hoi và quan trọng bằng Anh ngữ của một tác giả ngoại quốc khảo sát vấn đề chủ quyền các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua việc nghiên cứu chính các tác phẩm bằng chữ Hán mà phía Trung Quốc vẫn hay dẫn chứng làm bằng cớ lịch sử của họ.

Tác giả, Giáo Sư người Mexico, Ulises Granados, thuộc Đại học Tokyo, Nhật Bản khi viết bài nghiên cứu này, đã đưa ra các nhận định quan trọng như sau:

….Trong thực tế, phán đoán theo các nguồn tài liệu tiêu biểu thời nhà Minh, xem ra rất khó để tin rằng các nhà cầm quyền Trung Hoa đã sáp nhập bất kỳ một trong bốn quần đảo vào đế quốc của họ. 

… Các hòn đảo và các bãi san hô của khu vực này còn lâu mới thuộc sự kiểm soát chính thức của Trung Hoa….

… Trọn thời gian từ nhà Minh đến cuối nhà Thanh, các hoạt động mà chính quyền tại các quần đảo quy định đã vắng bóng trong các nguồn tài liệu Trung Hoa, tượng trưng cho một sự im lặng tương ứng trong sử ký nước này…

… Trong thời nhà Thanh, hai quần đảo chính tại Biển Nam Trung Hoa cũng được đánh dấu trên vài bản đồ. Ngay đến tên của các nhóm đảo này cũng không hoàn toàn đồng nhất, nhóm Paracels (quần đảo Hoàng Sa) vẫn được xác định là Vạn Lý Trường Sa trong phần lớn bản đồ thế kỷ thứ mười tám, trong khi nhóm Spratlys (quần đảo Trường Sa) được gọi hoặc là Thiên Lý Thạch Đường hay đơn giản là Thạch Đường. Tuy nhiên, khi khảo sát nhiều bản đồ, rõ ràng là địa điểm đích xác của cả hai quần đảo thường xuyên bị thay đổi, và rằng sự mô tả các hòn đảo và san hô thì trừu tượng một cách đáng ngạc nhiên. Thí dụ, trong bản đồ thế giới của quyển Hải Lục, cả hai nhóm Paracels và Spratlys đều được mô tả là thẳng góc với bờ biển Trung Hoa. Tuy nhiên, bản đồ trong các tác phẩm khác, chẳng hạn như quyển  Hải Quốc Văn Kiến Lục, Dương Hoàn Chí Lược và Hải Quốc Đồ Chí, cho thấy các hòn đảo song song với đất liền….

… Các tài liệu địa dư Trung Hoa từ thời nhà Minh và nhà Thanh, và các bản đồ Âu Châu (đặc biệt được lập bởi các thủy thủ Bồ Đào Nha và Anh Quốc),71 cho thấy Quần Đảo Paracels (Hoàng Sa), Pratas, Macclesfield Bank và Spratlys (Trường Sa) chỉ là các dấu chấm hay các nét vạch. Như đã ghi nhận ở trên, dường như đã có sự thiếu sót kiến thức chi tiết về địa dư của các hòn đảo và bãi đá ngầm này, bởi chúng không hề được coi trọng …

… Tác giả này tin tưởng rằng để khởi sự gỡ rối cuộc xung đột các hòn đảo Biển Nam Trung Hoa, giờ đây đã liên hệ đến Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, cũng như Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, cuộc thảo luận phải xét đến những diễn biến xảy ra từ cuối thế kỷ thứ mười chín hay đầu thế kỷ thứ hai mươi. Việc khảo sát các biến cố xa xưa vốn có thể thuộc về huyền thoại – đặc biệt bởi các nguồn tài liệu Trung Hoa được đặc trưng bởi vô số lỗ hổng và sự im lặng – nơi sự tự thuật tinh vi có thể kết tinh thành chính sử một cáchkhông khoan nhượng…

… Chính vì thế, các chuyên gia luật quốc tế có một bổn phận phải khảo sát tài liệu lịch sử với cung cách cẩn trọng, nhằm mang lại các câu trả lời và giải pháp khả dĩ cho sự rắc rối lãnh thổ khó phân xử này.

Tác giả có nhắc tới một cách vắn tắt sự đối chọi trực tiếp của Việt Nam đối với các luận điểm về bằng chứng lịch sử của Trung Quốc và Đài Loan trong cuộc tranh chấp chủ quyền các quần đảo ở Biển Đông. Nhìn chung, công luận thế giới và luật quốc tế dễ dàng nhìn thấy các điểm phi lý của phía Trung Quốc và Đài Loan khi xem xét vụ việc được khởi kiện tại tòa án quốc tế.

Trên cùng đề tài này, độc giả có thể tìm đọc một công trình thâm cứu của cố Giáo Sư Lãng Hồ Nguyễn Khắc Kham, nhan đề Hoàng Sa và Trường Sa, Lãnh Thổ Việt Nam, được đăng tải trong tập san Sử Địa, số 29, Tháng 1-Tháng 3, 1975. /-

***

Những trình độ kiến thức về “Biển Nam Hải: Southern Sea”

Để phân tích các nguồn tài liệu và đánh giá các lập luận liên quan đến lịch sử của Biển Nam Trung Hoa, sẽ là hữu dụng khi định hình khái niệm về khu vực hàng hải này bằng nhiều cách khác nhau. Như đối với các đại dương, biển mở ngỏ hay biển nửa khép kín khác, Biển Nam Trung Hoa trước tiên phải được xem như một khu vực phần nào chịu sự quản trị nhà nước, cũng như một không gian cho phát triển kinh tế, tương tác giữa con người, và trao đổi hàng hóa. Tới thế kỷ mười bốn, phần lớn các bộ phận của biển này được qua lại thường xuyên không chỉ bởi các thuyền buồm Trung Hoa, mà còn bởi các nhà mậu dịch Hồi Giáo và Đông Nam Á  buôn bán đồ gia vị Đông-Tây, hay các sản phẩm khác giữa các nước Châu Á. Trong thời nhà Minh và nhà Thanh, Biển Nam Trung Hoa, vốn có nhiều điểm tương đồng về kinh tế và địa chính trị với các biển khác, có thể được nhìn nhận đồng thời là:

  1. một không gian hàng hải nối kết các biển khác được đánh dấu bởi Samudra-Pasai, Lambri và Shepo;
  2. một khu vực nối kết các quốc gia triều cống duyên hải với lục địa Trung Hoa, và sau này là các thuộc địa của Châu Âu thông qua các tuyến mậu dịch đông-tây truyền thống bao quanh Biển Nam Trung Hoa,65
  3. một khu vực nơi sự tương tác kinh tế đã diễn ta dọc theo các thành phố duyên hải được liên kết vào một mạng lưới, như tại tuyến mậu dịch giữa Philippines, bắc Borneo và Malacca, trong thế kỷ mười lăm và mười sáu.66

Dựa trên cách tiếp cận đa tầng này đối với đề tài,67 chúng ta nên phân tích vấn đề “biết về khu vực – cai quản khu vực” đối với các hòn đảo Biển Nam Trung Hoa như thế nào? Chúng ta nên đánh giá các tuyên nhận chủ quyền của Trung Hoa đối với quần đảo Paracels (Hoàng Sa), Spratlys (Trường Sa), Bãi Macclesfield và quần đảo Pratas trong khi nhìn nhận lịch sử của giai đoạn từ thời sơ Minh đến Cuộc Chiến Tranh Nha Phiến Lần Thứ Nhất như thế nào? Đâu là sự liên kết giữa kiến thức địa dư mà những nhà hàng hải Trung Hoa có được về không gian hàng hải khổng lồ này và giả định “Biển Nam Hải” như một phần của đế quốc? Nói cách khác, qua việc phân tích các nguồn văn bản và bản đồ, làm thế nào để kiểm nghiệm các tuyên nhận lịch sử có tính chất trung tâm trong sự biện giải của Trung Hoa đối với xung đột ở Biển Nam Trung Hoa?

Chắc chắn, việc giải thích các tài liệu và bản đồ hiện còn lưu giữ được phải xét đến bối cảnh xã hội và chính trị đặc biệt tại thời điểm chúng được soạn thảo. Hơn nữa, bất kỳ sự chắc chắn nào trong tài liệu địa dư liên quan đến các hòn đảo và phạm vi của biển đều đã phản ảnh kinh nghiệm hàng hải phong phú của các thủy thủ. Tuy nhiên, cũng đúng là trong hầu hết các trường hợp, những khắc họa kiểu này bị giới hạn vào kiến thức địa dư cụ thể (real) về các thực thể đó, cũng như vào các thực hành phổ biến của những nhà vẽ địa đồ – tác giả của những miêu tả này. Điều này đặc biệt quan trọng trong thuật vẽ bản đồ của Trung Hoa, bởi nhiều tác giả [vẽ bản đồ] trước thế kỷ hai mươi không phải là các kỹ thuật gia chuyên nghiệp, hay các nhà vẽ bản đồ được đào tạo, mà là các học giả cũng dành sự quan tâm tương tự đến khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, lịch sử, v.v… Trong thực tế, nhiều bản đồ tỏ ra vô dụng đối với việc hải hành cụ thể, bởi chúng được vẽ để minh họa hay truyền đạt các thông điệp hay ý thức hệ khác, chẳng hạn về vị trí trung tâm của Trung Hoa trên thế giới.

Chính vào thời gian Trịnh Hòa thực hiện các chuyến du hành từ năm 1405 đến năm 1433 mà “Biển Nam Hải”, như một phần của sự phân chia giữa khu vực “Trung Hoa” và “phi Trung Hoa” trong các hoạt động hải hành thường xuyên, đã chứng kiến quyền lực của một Trung Hoa hùng mạnh trong khuôn khổ quan hệ triều cống với các nhà cai trị từ Đông Nam Á, tiểu lục địa Ấn Độ, và bờ biển phía đông Châu Phi. Chính vì thế, đối với Trung Hoa, Biển Nam Trung Hoa đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của một trật tự địa chính trị nới rộng, một loại Điều kiện Hòa Bình do Trung Hoa đặt ra (Pax Sinica) được cưỡng hành bằng vũ lực khi cần thiết. Điều này được minh chứng bởi trường hợp Quốc Vương Alagonakkara của Ceylon (Tích Lan), bị bắt làm tù nhân và giải đến Nam Kinh vào năm 1409.

Trong khuôn khổ lịch sử này, một trong các giá trị chính yếu của Biển Nam Trung Hoa chắc chắn là ý nghĩa địa chính trị của nó như một không gian hàng hải kết nối các biển khác. Điều này được hiểu và mô tả rõ ràng trong các quyển Doanh Nhai Thắng Lãm, Tinh Sai Thắng Lãm và Vũ Bị Chí. Tuy nhiên, bốn quần đảo tại Biển Nam Trung Hoa đã không được đề cập trong các tác phẩm của Mã Hoan và Phí Tín – không như các vùng duyên hải của Đông Nam Á và của một vài nước chư hầu.68 Trong quyển Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ của Mao Nguyên Nghị, các quần đảo Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa) chỉ được mô tả như các dấu chấm hay các ngọn núi tọa lạc bên ngoài hải trình của Trịnh Hòa sang Ấn Độ Dương. Do đó, có thể giả định rằng các nhà cầm quyền thời nhà Minh đã xem các đảo này là thuộc vào một khu vực có tầm quan trọng thứ yếu. Trong thực tế, phán đoán dựa trên các nguồn tài liệu tiêu biểu thời nhà Minh , xem ra rất khó để tin rằng các nhà cầm quyền Trung Hoa đã sáp nhập bất kỳ quần đảo nào trong số bốn quần đảo vào đế quốc.

Từ thời Trịnh Hòa thực hiện các chuyến hải hành cho đến xung quanh Cuộc Chiến Tranh Nha Phiến Lần Thứ Nhất (vài năm trước khi quyển Hải Quốc Đồ Chí của Ngụy Nguyên được xuất bản vào năm 1847), Biển Nam Trung Hoa không chỉ quan trọng vì các lý do quân sự hay địa chính trị. Đúng hơn, nó vẫn quan trọng vì là diễn trường trung gian trong các hoạt động mậu dịch giữa các hải cảng ở miền nam Trung Hoa và Đông Nam Á, và giữa các hải cảng của Đông Nam Á. Nó là một khu vực cho các thuyền buồm qua lại và các hoạt động di dân hải ngoại giữa các mạng lưới kinh tế và xã hội. Kiến thức địa dư về các hải cảng mậu dịch, không chỉ tại Biển Nam Trung Hoa, mà còn của các nước chư hầu và các lãnh thổ nằm dọc vùng Nanyang của Trung Hoa, đã có tầm quan trọng tối cao đối với cả các hoạt động triều cống chính thức lẫn các hoạt động mậu dịch tư nhân. Vì thế, đã xuất hiện một nhu cầu về các nguồn tài liệu, bản đồ và các tuyến đường lái thuyền.

Khi đó, tại sao trong các tài liệu thời nhà Minh, như quyển Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ, hay trong các tác phẩm thời sơ Thanh như Thuận Phong Tống Hộ, Chỉ Nam Chính Pháp, hay các tác phẩm cuối nhà Thanh như Doanh Hoàn Chí Lược và quyển Hải Quốc Đồ Chí, các miêu tả về những quần đảo tại Biển Nam Trung Hoa lại cụt lủn và thiếu chính xác đến thế? Ngoài ra, tại sao việc gọi tên các hòn đảo và quần đảo lại quá bất thường đến vậy? Các sử gia Trung Hoa chắc chắn đã nhận thấy tính chất đặc biệt này ở các nguồn tài liệu lịch sử về Biển Nam Trung Hoa trong một vài nghiên cứu.69

Hải hành ngoài khơi đã, và hiện vẫn là, một nỗ lực nguy hiểm tại các hải phận này, vốn là nơi mà những hải cảng và những thành phố miền Nam Trung Hoa được nối kết với các hải cảng Đông Nam Á ngang qua một khu vực liên kết các quốc gia chư hầu duyên hải, các thuộc địa Châu Âu và lục địa Trung Hoa. Hơn nữa, từ đầu thế kỷ mười sáu, các cường quốc Châu Âu đã duy trì mối liên kết giữa các trung tâm Châu Âu với thuộc địa của họ, cũng như với các hải cảng miền nam Trung Hoa trong khu vực này. Trong cả hai trường hợp, Biển Nam Trung Hoa vẫn là một khu vực diễn ra các hoạt động duyên hải. Hải hành trong vùng này, trước tiên do người Châu Á và Ả Rập thực hiện, và sau này là các thủy thủ Châu Âu, được coi là hải hành cận duyên (cabotage), tương tự những tuyến hàng hải chạy vòng quanh các tuyến đường Địa Trung Hải trong suốt thế kỷ mười sáu theo nghiên cứu của tác giả Fernand Braudel.70 Người Ả Rập, những người thống lĩnh mậu dịch đồ gia vị, là những tay đi biển lão luyện và có thể lái thuyền trên các biển mở ngỏ (open seas) nhờ trình độ kiến thức thiên văn uyên thâm. Tuy nhiên, việc lái thuyền cận duyên luôn luôn an toàn hơn và có lẽ sinh lợi nhiều hơn đối với các đội thuyền nhỏ.

Tuy nhiên, việc lái thuyền buồm giữa những hải cảng Trung Hoa và các tàu Châu Âu trên các tuyến đường qua lại Nam Á và Đông Nam Á, dường như đã không sử dụng đến phần giữa của Biển Nam Trung Hoa, đặc biệt nơi Quần Đảo Spratlys (Trường Sa) tọa lạc. Nhiều phần vì băng ngang qua biển được cho là không an toàn, khi so sánh với hải hành cận duyên từ hải cảng này đến hải cảng khác. Một số kẻ mạo hiểm tiến vào các khu vực san hô nông đã bị đắm tàu bởi toàn bộ khu vực này rải rác những bãi đá ngầm nguy hiểm và các đảo đá trơ trọi. Phần lớn khu vực này còn không được vẽ chính xác trên bản đồ cho đến khi người Anh biên tập các bản đồ hải hành trên biển đầu tiên của họ. Có thể hiểu rằng, các thương thuyền Châu Âu, Ả Rập, Trung Hoa, và Đông Nam Á đều né tránh khu vực này. Hậu quả là thông tin về phạm vi, địa dư và vị trí chính xác của các vùng lái thuyền nguy hiểm này, đặc biệt quanh quần đảo Spratlys (Trường Sa), vẫn còn mù mờ. Chính vì thế, các tài liệu địa dư Trung Hoa từ thời nhà Minh và nhà Thanh, và các bản đồ Châu Âu (đặc biệt được vẽ bởi thủy thủ Bồ Đào Nha và Anh Quốc),71 cho thấy Quần Đảo Paracels (Hoàng Sa), Pratas, Bãi Macclesfield và Spratlys (Trường Sa) chỉ là các dấu chấm hay các nét vạch. Như đã ghi nhận ở trên, dường như đã có sự thiếu sót kiến thức chi tiết về địa dư về các hòn đảo và bãi đá ngầm này, bởi chúng không hề được coi trọng.

Ở điểm này, chúng ta phải nhìn nhận rằng dân địa phương đã có hiểu biết tốt hơn về các hòn đảo, mặc dù điều này đã không nhận được sự coi trọng thích đáng trong các cuộc nghiên cứu phi Trung Hoa gần đây về Biển Nam Trung Hoa. Ngoài mậu dịch triều cống, mậu dịch tư nhân và các phong trào di dân đã phát triển hưng thịnh tại Biển Nam Trung Hoa, các hoạt động đánh cá ngoài khơi và cận duyên hẳn phải có tầm quan trọng đối với các cộng đồng địa phương. Các ngư phủ Philippines và Mã Lai nhiều khả năng đã mở rộng các hoạt động cận duyên của họ đến việc đánh cá ngoài biển. Tuy nhiên, phán đoán từ các nguồn tài liệu hiện có (hay sự thiếu sót các nguồn tài liệu từ các nước tuyên nhận khác), có thể nói những kẻ lái thuyền vào các khu vực nguy hiểm của các đảo ở Biển Nam Trung Hoa chủ yếu, nếu không phải toàn bộ, là các ngư phủ Trung Hoa [sic].

Người ta biết rằng người Ả Rập thì thông thạo các tuyến đường biển của Biển Nam Trung Hoa và Ấn Độ Dương, và một số tập chỉ nam lái thuyền của họ hiện vẫn còn được lưu giữ, đặc biệt các tập chỉ dẫn của Shihab al-Din Ahmad ibn Majid và Sulaiman b. Ahmad al-Mahri từ thế kỷ mười lăm và mười sáu. Vào thế kỷ mười chín, các tập chỉ nam lái thuyền của Việt Nam cũng xuất hiện, mặc dù xem ra chúng đã tự giới hạn vào các khu cận duyên của Việt Nam kéo dài tới bờ biển phía tây của Bán Đảo Mã Lai.72 Song, đến nay những nghiên cứu chi tiết nhất về các tuyến đường biển dọc theo các hòn đảo ở Biển Nam Trung Hoa đến từ chính các ngư phủ Trung Hoa.

Các tập chỉ dẫn hải hành Trung Hoa về các đảo ở Biển Nam Trung Hoa được truyền khẩu giữa các ngư phủ đảo Hải Nam từ giữa thời nhà Thanh, nhưng có thể chúng đã phát sinh từ một thời kỳ sớm hơn nhiều, thậm chí từ giữa thời Minh.73 Các chỉ nam lái thuyền Trung Hoa, như đã ghi nhận ở trên, cũng có thể chịu ảnh hưởng đáng kể từ các truyền thống Ả Rập, bởi người ta biết rằng tới giữa thế kỷ mười lăm, một số bản đồ và sách hải hành Ả Rập đã sẵn được sử dụng cho Ấn Độ Dương và Biển Nam Trung Hoa.74

Trong những năm đầu tiên của thế kỷ thứ hai mươi, “truyền thống nhỏ bé” này của Trung Hoa đã công khai xuất hiện dưới hình thức một bộ mười một cuốn hướng dẫn hải hành ngày nay được gọi là Các Bản Đồ Chỉ Đường (Genglu bu 更路簿 Canh Lộ Bạ (hay Bộ) hay Shuilu bu水路簿 Thủy Lộ Bạ (hay Bộ).75 Tác giả của các tập hướng dẫn này thì chưa rõ, mặc dù nhan đề một số tập hướng dẫn có kèm theo sau tên người biên soạn, hoặc tên của cá nhân sở hữu bản viết tay vào thời điểm cuộc nghiên cứu chính về đề tài này được thực hiện tại Trung Hoa hồi giữa thập niên 1970

Người dân địa phương thường kiếm sống bằng nghề đánh cá và bắt rùa tại Biển Sulu, Eo Biển Kalimantan và hải phận Natunas, cũng như ở đường viền phía nam và tây nam Biển Nam Trung Hoa. Các ngư phủ từ phần phía bắc của biển này – Đảo Hải Nam và bờ biển đất liền Quảng Đông – đã sử dụng kiến thức hải hành chủ yếu được truyền khẩu của họ cho những cuộc xâm nhập thường niên vào các Quần đảo Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa).76 Những kẻ đã dám mạo hiểm du hành vào các vùng nguy hiểm này có thể tìm thấy thông tin tương đối chi tiết về các mùa tốt nhất để lái thuyền, vị trí của mỗi hòn đảo, các luồng nước lái thuyền và thủy triều trong tập Các Bản Đồ Chỉ Đường. Những tập hướng dẫn này dường như cũng phản ảnh rằng các ngư phủ Trung Hoa, chủ yếu đến từ Hải Nam, đã kết hợp các phân khu khổng lồ của Biển Đông và các quần đảo của nó thành một vùng khai thác kinh tế bền vững một cách thường xuyên.

Hiển nhiên, những nguồn tài liệu này (mà vẫn chưa biết tên tác giả soạn thảo) không chứa đựng thông tin về vai trò của giới chức thẩm quyền Quảng Đông hay Hải Nam đối với các hoạt động đánh cá của Trung Hoa. Vì thế, giá trị của chúng như là những đóng góp vào việc phân tích lịch sử liên quan đến vấn đề chủ quyền các hòn đảo hiện đang tranh cãi phải được giữ ở mức tối thiểu. Mặc dù chúng gợi ý rằng các hoạt động của Trung Hoa đã xảy ra trong khu vực này, chúng không đủ để hợp thức hóa quyền sở hữu, như thường được nêu ra trong các quyển lịch sử chính thức và hàn lâm hiện nay về cuộc xung đột. Tuy nhiên, những nguồn tài liệu này mở cánh cửa tiến tới việc thảo luận về “sự hiểu biết về khu vực” ở một cấp độ sâu hơn, qua việc hậu thuẫn cho luận điểm rằng các thế hệ ngư phủ Trung Hoa đã mạo hiểm tiến vào những vùng biển nguy hiểm này, thậm chí còn biến các hòn đảo đó thành nơi an nghỉ cuối cùng của họ.

Những nhận định chung cuộc

Trong lĩnh vực luật quốc tế, các lập luận lịch sử của Trung Quốc (và Đài Loan) ngày nay về chủ quyền trên các đảo ở Biển Nam Trung Hoa đối chọi một cách trực tiếp với các lập luận của Việt Nam. Hà Nội tuyên xác rằng biển này (Biển Đông) [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], Paracels (Hoàng Sa) [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], và Spratlys (Trường Sa) [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] đã thuộc về Việt Nam từ thế kỷ mười bẩy.77 Các bản đồ đánh dấu Paracels (khi đó gọi là Bãi Cát Vàng [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch]) được viện dẫn trở lùi đến thế kỷ mười lăm.78 Sự tuyên xác của Hà Nội về chủ quyền trên Paracels và Spratlys cho thấy những điểm tương đồng với lời tuyên xác của Trung Quốc và của Đài Loan, đặc biệt từ đầu thế kỷ mười chín khi, chính quyền trung ương Việt Nam được cho là đã phê chuẩn các hoạt động của ngư phủ và các toán khảo sát tại các hòn đảo.79

Tác giả tin tưởng rằng để khởi sự gỡ rối cuộc xung đột về các hòn đảo ở Biển Nam Trung Hoa, giờ đây đã liên quan đến cả Philippines, Malaysia, Brunei, cũng như Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, cuộc thảo luận phải xét đến những diễn biến xảy ra từ cuối thế kỷ mười chín hay đầu thế kỷ hai mươi. Việc khảo sát các biến cố xa xưa có nguy cơ rơi vào địa hạt của huyền thoại – đặc biệt bởi các nguồn tài liệu Trung Hoa được đặc trưng bởi vô số lỗ hổng và sự im lặng – nơi sự tự thuật tinh vi có thể kết tinh thành chính sử một cách không khoan nhượng. Với Trung Hoa, sự hình hành một căn cước đại dương được tô vẽ lại, có liên hệ trực tiếp đến cuộc xung đột này bằng các hành động được thực hiện bởi nhà nước Trung Hoa, có thể được truy tìm trở về giai đoạn đầu của thế kỷ trước, như tác giả đã thảo luận ở một bài nghiên cứu khác.80

Biển Nam Trung Hoa, cho đến Cuộc Chiến Tranh Nha Phiến Lần Thứ Nhất, đã là một khu vực có tầm quan trọng tối cao, là nơi người Châu Á và Châu Âu tham gia vào mậu dịch triều cống và tư nhân, và cũng là nơi diễn ra việc đánh cá và di dân. Tuy nhiên, như đã trình bày ở đây, các hòn đảo và bãi san hô của khu vực này còn xa mới thuộc vào sự kiểm soát chính thức của Trung Hoa. Tại một khu vực hàng hải nơi mà các hoạt động kinh tế phát triển hưng thịnh, các hòn đảo ở Biển Nam Trung Hoa chỉ trở thành các điểm tham chiếu, cách xa các tuyến đường hải hành thường xuyên do quan ngại về mức độ an toàn. Những hòn đảo này dường như cũng nằm ngoài sự quản trị cụ thể, hữu hiệu của giới chức thẩm quyền Trung Hoa: chúng là những nơi chốn xa xôi và nguy hiểm, bị các tàu lớn và các thuyền buồm mậu dịch (các dương thuyền) né tránh. Tuy nhiên, chúng tiếp tục là những vùng đánh cá cho các thế hệ dân chúng địa phương kiếm sống ở đó. Mãi cho đến khi áp lực thực dân lên tới mức đỉnh điểm trong khu vực với sự hiện diện của người Anh, người Pháp và người Nhật vào cuối thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi, Biển Nam Trung Hoa mới tái xuất hiện như một khu vực có tầm quan trọng về mặt địa chiến lược.81 Chỉ từ khi đó, các giới thẩm quyền Trung Hoa mới biểu lộ sự chú ý thực sự đến các hòn đảo, và chỉ từ khi có phiên tuần tra hải quân đầu tiên của Trung Hoa đến Paracels và Pratas năm 1909, tình trạng lưỡng phân “hiểu biết khu vực – cai quản khu vực” mới dần dần mờ nhạt. Về sau, dĩ nhiên, sự mập mờ này đã phục vụ cho mục đích chính trị cao hơn vì quyền lợi quốc gia của Trung Hoa. Chính vì thế, các chuyên gia luật quốc tế có bổn phận phải khảo sát tài liệu lịch sử một cách cẩn trọng, nhằm mang lại câu trả lời và giải pháp khả dĩ cho sự rắc rối lãnh thổ khó phân xử này.

RELATED ARTICLES

Tin mới