Bản tin Biển Đông ngày 04/10/2018.
Australia lo ngại về những “thủ thuật hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 3/10, tờ The Guardian đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne đã bày tỏ lo ngại về những “thủ thuật hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi một tàu khu trục của Trung Quốc áp sát tàu chiến của Mỹ cuối tuần qua. Ông Pyne cho biết Chính phủ Australia sẽ coi bất cứ việc sử dụng hành động đe dọa nào trong khu vực đều là “bất ổn và tiềm ẩn nguy hiểm”. Ông Pyne khẳng định “Australia đã nhiều lần thể hiện lo ngại về việc quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục các bên tranh chấp kiềm chế không tiến hành các hoạt động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực”.
Mỹ sẽ cảnh báo Washington sẽ không lùi bước ở Biển Đông
Theo Reuters ngày 4/10, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ có bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu Hudson ở Washington và sẽ đưa ra cảnh báo với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không lùi bước trước sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông. Đề cập đến việc vừa qua tàu chiến Trung Quốc áp sát tàu Mỹ khi Mỹ đang thực hiện “tự do hàng hải” ở khu vực Trường Sa, ông Pence sẽ phát biểu “Bất chấp sự quấy rối liều lĩnh như vậy, Hải quân Mỹ vẫn sẽ tiếp tục bay, chạy tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép và có yêu cầu về lợi ích quốc gia của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bị đe dọa. Chúng tôi sẽ không lùi bước”.
Hải quân Mỹ lên kế hoạch phô trương sức mạnh ở Biển Đông để cảnh báo Trung Quốc
Ngày 4/10, tờ South China Morning Post đưa tin, Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch phô trương sức mạnh nhằm cảnh báo Trung Quốc rằng Mỹ sẽ thể hiện quyết tâm chống lại hoạt động quân sự của Bắc Kinh. Theo một số quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ, dự kiến Mỹ sẽ đưa các máy bay và tàu đi vào vùng phụ cận các vùng biển Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông và eo biển Đài Loan nhằm thực hiện hoạt động tự do hàng hải. Đề xuất này có nghĩa là các tàu và máy bay Mỹ sẽ hoạt động gần các lực lượng của Trung Quốc và dự kiến sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Theo Su Hao, giáo sư tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho rằng những va chạm gần đây là dấu hiệu cho thấy Biển Đông đã trở thành diễn đàn đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, không còn đơn giản là tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và các nước tranh chấp khác. Ông Su Hao cho biết “Quan hệ giữa Trung Quốc và các nước khác gần đây tương đối tĩnh lặng, nhưng xung đột ở Biển Đông đã được gia tăng với sự can dự của Mỹ. Khi hai nước lớn đối đầu với nhau, cần phải duy trì cân bằng quân sự để tránh xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát.”
Australia thấy có cơ hội hợp tác ở Biển Đông
Ngày 3/10, The Sydney Morning Herald đưa tin, Thủ tướng Australia cho biết Australia sẽ đóng vai trò là “cái đầu lạnh” khi căng thẳng gia tăng ở Biển Đông giữa một bên là Mỹ – đồng minh an ninh, và Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Trả lời phỏng vấn phát thanh ngày 3/10, ông Morrison cho biết Australia có mối quan hệ gắn bó với cả Mỹ và Trung Quốc, đồng thời, Canberra cũng hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc phòng trong khu vực. Theo ông Morrison, “những cái đầu lạnh gắn kết mọi người theo cách rất bình tĩnh và bảo đảm rằng chúng ta đang làm việc để có được kết quả chiến lược tốt nhất cho tất cả những người liên quan, nhưng quan trọng nhất, là lợi ích quốc gia của Australia”. Thứ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia Frances Adamson cho biết an ninh hàng hải, bao gồm cả tự do hàng hải, là “cần thiết để bảo đảm cho các tuyến đường thương mại mà Australia phụ thuộc vào”. Theo bà Adamson, cạnh tranh Trung – Mỹ là không thể tránh khỏi, nhưng Australia cũng thấy có cơ hội để hợp tác, bởi “quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đóng vai trò quan trọng nhất trong tương lai, và tình hình quan hệ đó sẽ tạo ra bức tranh chiến lược khu vực”.