Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông, sân chơi mới của Nhật Bản

Biển Đông, sân chơi mới của Nhật Bản

Có ba yếu tố cơ bản thúc đẩy Nhật trở lại Biển Đông, nay trở thành “thùng thuốc súng” tại châu Á, nơi Trung Quốc trỗi dậy muốn làm bá chủ khu vực.

2 chiến hạm Nhật Bản trong một chuyến thăm hữu nghị cảng quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: VOV.

Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả – nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Tôi viết bài này nhân kỷ niệm 45 năm lập quan hệ ngoại giao Việt-Nhật (21/9/1973 – 21/9/2018) để nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiện nay, quan hệ Việt-Nhật là quan trọng bậc nhất và cần được ưu tiên cao.

Theo đánh giá chính thức, quan hệ Việt-Nhật trải qua thăng trầm, đã tiến một bước dài và đang ở vào giai đoạn tốt đẹp nhất. Hai nước nay là đối tác chiến lược toàn diện (từ 3/2014).

Tuy bài viết này chỉ điểm lại mấy nét chính để tham khảo và nghiên cứu tiếp, nhưng đây là dịp tốt để hai bên nhìn lại quá khứ và hiện tại, để định hướng tương lai, nếu muốn thúc đẩy đối tác chiến lược toàn diện ngày càng sâu rộng và bền vững. 

Quan hệ Việt-Nhật rất quan trọng, vì:

Thứ nhất, hai nước chia sẻ nhiều giá trị kinh tế, văn hóa, an ninh và quốc phòng chung, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Thứ hai, dưới thời Trump, Tokyo và Hà Nội cùng có những lo ngại chung về vai trò của Mỹ ở Châu Á (sau khi Mỹ bỏ TPP).

Thứ ba, quan hệ Việt Nam với EU không thuận buồm xuôi gió (nhất là với Đức) nên triển vọng EVFTA còn khó khăn.

Thứ tư, tuy Nhật là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhưng Tokyo đã từng ngừng viện trợ, vì lý do tham nhũng.

Trong mấy năm qua, quan hệ hai nước đã được nâng lên một tầm cao mới, với nhiều chuyến thăm ở cấp cao nhất.

Thủ tướng Nhật Bản đã thăm chính thức Việt Nam 5 lần. Thủ tướng Việt Nam đã thăm chính thức Nhật Bản 6 lần. Tổng Bí thư (Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng) cũng như Chủ tịch nước (Trương Tấn Sang và Trần Đại Quang), đã thăm chính thức Nhật Bản.

Đặc biệt là Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu đã thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên (28/2-5/3/2017) như một mốc son trong lịch sử quan hệ hai nước.

Bối cảnh lịch sử

Biển Đông và Việt Nam không xa lạ với Nhật. Trong đại chiến thế giới II (1939-1945) quân đội Nhật đã từng chiếm đóng Việt Nam và Trường Sa. Trong lịch sử, người Nhật đã đến Việt Nam để buôn bán và sinh sống.

Trong một bài bình luận dài viết cho lớp hội thảo “Japan and the world” của Giáo sư Ezra Vogel (một chuyên gia hàng đầu về Nhật tại Harvard) tôi có đề cập đến câu chuyện này.

Vào thế kỷ 16 và 17, người Nhật đã đến Việt Nam (Hội An và Đà Nẵng) để buôn bán và một số người Nhật đã định cư tại Hội An (còn gọi là Faifo).

Vào thời đó, Faifo đã trở thành một trung tâm thương mại sầm uất, giao thương phát triển với người Nhật (cũng như Hà Lan và Bồ Đào Nha).

Nhưng đáng tiếc sau đó giao thương đã bị đứt quãng (vào năm 1635) khi chính quyền Tokugawa thi hành một chính sách bế quan tỏa cảng (seclusion).

Mãi tới năm 1868, dưới thời Minh Trị Duy Tân (Meiji Restoration) thì giao thương giữa người Nhật với Việt Nam mới được nối lại. (Japan and Việt Nam: Lessons of the past and vision for the future, Nguyen Quang Dy, Harvard, December 1992).

Chiến tranh thế giới II đã để lại những kỷ niệm đau buồn mà chủ nghĩa quân phiệt Nhật đã gây ra cho cả người Nhật và người châu Á.

Tuy bóng đen của quá khứ vẫn còn ám ảnh đến tận ngày nay, nhưng thời hậu chiến là một bước ngoặt lịch sử để người Nhật bước sang trang mới.

Nước Nhật đã trỗi dậy đầy ấn tượng như một người khổng lồ về kinh tế, nhưng vẫn là một người lùn về chính trị vì những ràng buộc hiến pháp (như điều 9).

Nhưng gần đây, Trung Quốc đã trỗi dậy như một con rồng khổng lồ, không những đã vượt qua Nhật về kinh tế (năm 2010) sau khi khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã làm kinh tế Nhật suy yếu, mà còn bắt nạt các nước láng giềng tại Biển Đông và thách thức Mỹ.

Trong gần ba thập kỷ qua, sự trỗi dậy đầy ấn tượng của Trung Quốc và cách mà Mỹ và đồng minh phương Tây ứng xử với Trung Quốc đã làm thay đổi cán cân lực lượng tại khu vực có lợi cho Trung Quốc, và từng bước biến Biển Đông thành “cái ao riêng” của họ.

Nay khi Mỹ và đồng minh tìm cách ngăn chặn Trung Quốc, thì đã quá muộn.

Con rồng Trung Quốc đã biến thành “quái vật Frankenstein” như “hệ quả không định trước” của chính sách “tham dự xây dựng” (Constructive Engagement) mà phương Tây theo đuổi một cách hồ đồ (gần như vô điều kiện).

Nay nhìn lại, đó là một sai lầm lớn như hệ quả của sự ngộ nhận.  

Với tầm nhìn Đông Á, Nhật cần đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực gồm các nền kinh tế tăng trưởng cao, trong đó Nhật cần phát huy sức mạnh kinh tế của mình, vừa là mô hình phát triển, vừa có vai trò lãnh đạo tích cực hơn.

Nếu Nhật muốn trở thành cường quốc thế giới, thì trước hết phải là cường quốc khu vực.

Nhưng thách thức của Nhật là phải thoát khỏi cái bóng của lịch sử, gồm nghi ngại của các nước láng giềng khu vực, và ràng buộc trong nước về hiến pháp, là những cản trở chính cho vai trò lớn hơn của Nhật Bản.

Vì vậy, Nhật đã từng bước thay đổi hình ảnh về chính sách đối ngoại “checkbook”, vì Nhật không thể vừa là một người khổng lồ về kinh tế, vừa là một người lùn về chính trị và quân sự.

Muốn có vai trò tích cực và lớn hơn tại khu vực, Nhật phải có vai trò lãnh đạo lớn hơn, được các nước khu vực chấp nhận.

Nếu trước đây (năm 1990), Campuchia là sân chơi để Nhật “tập dượt chính trị” với vai trò trong UNTAC (Yashushi Akashi làm đại diện), nay Biển Đông là “sân chơi mới” của Nhật trong trò chơi quyền lực mới (tại Indo-Pacific) để xây dựng một khuôn khổ an ninh khu vực rộng lớn hơn, vì hòa bình và thịnh vượng chung.

Nếu Nhật không làm được điều đó, Trung Quốc sẽ trỗi dậy giành mất vai trò cầm đầu khu vực Đông Á, không chỉ vượt qua Nhật trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà còn kiểm soát cả khu vực này.

Nhật và các nước khu vực không thể trông chờ Mỹ đóng vai trò bảo hộ an ninh khu vực mãi, vì quan tâm chiến lược của Mỹ có thể chuyển sang khu vực khác, và tầm nhìn về trật tự thế giới của Mỹ có thể thay đổi.

Lúc đó có thể quá muộn để Nhật có cơ hội xây dựng quan hệ hợp tác song phương hay khuôn khổ an ninh tập thể theo tầm nhìn mới. Tóm lại, không ai dám chắc sai lầm lịch sử sẽ không lặp lại một lần nữa.   

Trong bài bình luận viết cách đây 26 năm, tôi đã lập luận rằng tuy Việt Nam phải gia nhập ASEAN để trở thành “ASEAN lớn hơn” (hay “ASEAN-10”), Việt Nam cũng nên mở rộng tầm nhìn vượt ra khỏi khuôn khổ ASEAN.

Nói cách khác, Việt Nam cần trở thành một phần của cộng đồng Đông Á gồm Nhật, Nam Hàn, Đài Loan (và nay là tầm nhìn Indo-Pacific tự do và rộng mở).

Tầm nhìn Đông Á không chỉ nhằm tăng trưởng kinh tế nhanh hơn mà còn vì an ninh khu vực dựa trên luật pháp, phòng khi sự có mặt của Mỹ tại Đông Á có thể giảm sút, trong khi Trung Quốc trỗi dậy như con rồng hung hãn, phủ bóng đen lên khắp khu vực.

Trở về tương lai 

Đầu tháng 5/2014 Trung Quốc bất ngờ đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, có mấy chục tàu hải quân và hải giám đi theo hộ vệ (gần Trường Sa).

Dù muốn hay không, Việt Nam buộc phải đương đầu với Trung Quốc tại Biển Đông (hầu như một mình).

Mùa hè nóng bỏng đó đã đi vào lịch sử như một bước ngoặt chiến lược, không chỉ làm quan hệ Trung-Việt khủng hoảng, mà còn biến Biển Đông thành “thùng thuốc súng”, và tâm điểm tranh chấp quyền lực và lợi ích chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh.

Vụ tranh chấp quần đảo Điếu Ngư / Senkaku tại Biển Hoa Đông và vụ khủng hoảng giàn khoan ở Biển Đông là “nhân tố kép” thay đổi cuộc chơi (game changer) làm Tokyo phải điều chỉnh tư duy chiến lược.

Tuy Việt Nam vẫn giữ quan hệ tốt với Trung Quốc (cho tới lúc đó), nhưng sự kiện giàn khoan HD-981 là một bước ngoặt lớn làm Hà Nội bị sốc, buộc phải điều chỉnh tư duy chiến lược.

Trong khi Washington và Tokyo tỉnh ngộ về hiểm họa Trung Quốc tại Biển Đông, người Việt coi Trung Quốc là “nửa bạn nửa thù” (franemy).

Trong khi quan hệ Trung-Việt giảm xuống tới mức xấu nhất kể từ cuộc chiến tranh biên giới (từ 2/1979), quan hệ Mỹ-Việt và Nhật-Việt tốt lên và xích lại gần nhau hơn như một “hệ quả không định trước”.

Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy thúc đẩy Việt Nam có bước ngoặt mới về đối ngoại.

Diễn biến về vụ giàn khoan HD-981 khi tàu Trung Quốc ngang nhiên đâm và đánh chìm tàu thuyền Việt Nam đã dẫn đến những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên toàn quốc, thậm chí đốt phá các dự án của người Trung Quốc tại Việt Nam.

Bước ngoặt này đã làm cho Hà Nội và Bắc Kinh xa nhau hơn, trong khi Hà Nội mở rộng cửa hơn để Tokyo và Washington xích lại gần Việt Nam, không chỉ hợp tác kinh tế mà còn cả chiến lược.

Nói cách khác, Nhật và Mỹ đang “trở về tương lai” (back to the future) tại Biển Đông và Việt Nam. 

Theo một số chuyên gia, có ba yếu tố cơ bản thúc đẩy Nhật trở lại Biển Đông, nay trở thành “thùng thuốc súng” tại châu Á, nơi Trung Quốc trỗi dậy muốn làm bá chủ khu vực.

Thứ nhất, Nhật muốn duy trì trật tự tại Biển Đông theo luật quốc tế (bao gồm UNCLOS).

Thứ hai, vì Biển Đông bất ổn, Nhật phải theo Mỹ “xoay trục” sang châu Á để giữ nguyên trạng và ngăn chặn Trung Quốc.

Thứ ba, vì lợi ích an ninh của mình và địa chính trị Đông Á, Nhật buộc phải cạnh tranh với Trung Quốc đang trỗi dậy. (Japan’s Grand Strategy in the South China Sea, Takashi Inoguchi & Ankit Panda, in Anders Corr (ed), 2018, Great Powers, Grand Strategies: The New Game in the South China Sea, Naval Institute Press. Kindle Edition).

Trong mấy năm qua, khi nào quan hệ Trung-Việt xấu đi thì quan hệ Nhật-Việt và Mỹ-Việt tốt lên.

Có sáu lý do chính thúc đẩy Nhật phải có lập trường cứng rắn hơn:

Thứ nhất, Tokyo sợ Mỹ quá lo về Triều Tiên, nên không dám đối đầu với Trung Quốc.

Thứ hai, tuy Shinzo Abe thân mật với Trump, nhưng lập trường của Trump vẫn khó lường.

Thứ ba, Tokyo cần triển khai Izumo và Kaga tại Biển Đông để huấn luyện hải quân Nhật.

Thứ tư, Tokyo cần triển khai lực lượng ở khu vực để hỗ trợ Shinzo Abe sửa đổi hiến pháp (điều 9).

Thứ năm, Tokyo lo một số nước ASEAN ngả theo Trung Quốc vì “Vành đai và Con đường”.

Thứ sáu, Tokyo tham gia tập trận hải quân Malabar tại Ấn Độ Dương cùng hải quân Mỹ và Ấn (hy vọng sẽ thêm Úc) để tăng cường khả năng “phối hợp tác chiến” (interoperability) và đối phó với rủi ro mới trên Biển.

Theo kế hoạch, Nhật định đóng 4 tàu sân bay loại “Izumo class” (trọng tải 27.000 tấn). Izumo và Kaga là hai tàu sân bay đầu tiên, được xếp loại trung bình, tuy không lớn bằng tàu sân bay của Mỹ và Nga nhưng tương đương với các tàu sân bay của châu Âu.

Vì hiến pháp Nhật không cho sở hữu tàu sân bay, nên Tokyo phải xếp Izumo và Kaga vào loại “khu trục hạm chở trực thăng” (chủ yếu có nhiệm vụ chống tàu ngầm). Trên tàu Izumo và Kaga có 5 bãi đỗ trực thăng và chở được 28 trực thăng.

Theo thiết kế, có thể sửa Izumo thành tàu sân bay cho máy bay chiến đấu cần đường băng ngắn (VSOL) như F-35B mà Nhật định mua 42 chiếc.

Trong khi Tokyo cùng Washington muốn triển khai sức mạnh cứng (hard power) tại Biển Đông và Việt Nam (để răn đe Trung Quốc), về lâu dài họ cần triển khai cả sức mạnh mềm (soft pwer) bao gồm hợp tác kinh tế và văn hóa.

Tuy tàu sân bay USS Carle Vinson đến thăm Đà Nẵng hát “nối vòng tay lớn” và tàu ngầm Kuroshiođến Cam Ranh giao lưu bóng đá là một sáng kiến, nhưng họ phải nghĩ đến cái gì đó lâu dài hơn.

Di sản văn hóa Nhật tại Hội An là một biểu tượng “sức mạnh mềm” (soft power) không chỉ có giá trị du lịch mà còn là cầu nối văn hóa giữa hai nước.

Ý tưởng kết nghĩa giữa hai “thành phố xanh” (green city) là Yokohama và Đà Nẵng cũng là một dự án có ý nghĩa, cần được hai chính phủ ưu tiên thúc đẩy. 

Mời quý bạn đọc quan tâm đón đọc phần 2: “Nhật Bản và Biển Đông: Trở về tương lai”

RELATED ARTICLES

Tin mới