Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngKhông quân hải quân TQ: Sức mạnh của TQ trên Biển Đông

Không quân hải quân TQ: Sức mạnh của TQ trên Biển Đông

Trong những năm gần đây, cùng với việc phát triển lực lượng tàu chiến, tàu ngầm và tàu sân bay, Trung Quốc cũng tích cực đầu tư, nghiên cứu và chế tạo các loại hình máy bay chiến đấu trang bị cho hải quân, nhằm nâng cao khả năng răn đe chiến lược trên Biển Đông. Lực lượng không quân hải quân Trung Quốc đã trở thành một trong những con bài chiến lược của Trung Quốc thực hiện âm mưu thôn tính Biển Đông.

Máy bay tiêm kích J-15 tập hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh

Một số nét cơ bản về không quân hải quân Trung Quốc:

Không quân Hải quân Trung Quốc làm nhiệm vụ chính là cung cấp khả năng phòng không cho hạm đội tàu mặt nước, tuần tra chống ngầm, tuần tra bảo vệ vùng lãnh hải, tuần tra bảo vệ bờ biển và tác chiến chống tàu mặt nước. Lực lượng này trang bị đủ loại máy bay gồm: tiêm kích, cường kích, tiếp dầu, trinh sát, tác chiến điện tử, tuần tra biển, vận tải, huấn luyện, trực thăng. Với quy mô 25.000 quân và hàng trăm máy bay, đây là lực lượng không quân hải quân lớn nhất khu vực châu Á.

Trang bị khí tài của lực lương không quân hải quân Trung Quốc: Không quân Hải quân Trung Quốc hiện có trong trang bị 14 máy bay ném bom chiến lược lớn nhất nước này Tây An H-6. Máy bay có khả năng mang được tên lửa hành trình chống tàu mặt nước tốc độ cận âm; 35 chiếc tiêm kích – bom JH-7A được thiết kế làm nhiệm vụ thực hiện các cuộc tấn công tàu mặt nước với tên lửa chống tàu siêu thanh tầm xa YJ-91; 8 chiếc máy bay cảnh báo sớm KJ-200 thiết kế trên khung gầm cơ sở máy bay vận tải Y-8; 3 chiếc máy bay tuần tra chống ngầm tầm xa Y-8MPA trang bị các hệ thống radar trinh sát mặt nước, hệ thống định vị thủy âm tìm kiếm tàu ngầm, Y-8MPA có khả năng đạt tầm bay xa đến 5.600km, thời gian hoạt động liên tục trên không 10,5 giờ; 5 chiếc máy bay trinh sát Y-8 ELINT được trang bị các khí tài trinh sát điện tử; 12 chiếc máy bay vận tải hạng trung Y-8 có thể chở 96 lính thường hoặc 82 lính dù hoặc 20 tấn hàng hóa; 20 chiếc tiêm kích đa năng J-10, 23 chiếc tiêm kích đa năng Su-30MK2 hiện đại do Nga sản xuất, đây cũng là loại tiêm kích mạnh nhất, hiện đại nhất Không quân Hải quân Trung Quốc; tiêm kích hạm J-15 đang hoạt động trên tàu sân bay Liêu Ninh; 24 chiếc J-11BH, đây là biến thể của tiêm kích J-11B mà Trung Quốc sao chép công nghệ Su-27SK của Nga; 48 chiếc J-8II do Trung Quốc phát triển dựa trên loại J-7; 35 chiếc tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ J-7D/E phát triển dựa trên loại MiG-21 của Nga; 30 chiếc cường kích Q-5 ra đời từ những năm 1970, là loại máy bay chủ yếu làm nhiệm vụ yểm trợ tầm gần, tải trọng vũ khí chỉ có 2 tấn; 4 chiếc thủy phi cơ cỡ lớn SH-5 làm nhiệm vụ tuần tra và tìm kiếm cứu nạn trên biển; 12 chiếc Hồng Du JL-8 làm nhiệm vụ bay huấn luyện; 9 chiếc máy bay vận tải đa dụng Y-7; 9trực thăng Ka-31 (Nga chế tạo) làm nhiệm vụ cảnh báo sớm đường không; 26 chiếc trực thăng vận tải Z-8 kiêm nhiệm vụ tuần tra biển do Trung Quốc chế tạo dựa trên loại SA 321 Super Frelon của Pháp; 17 chiếc trực thăng săn ngầm Kamov Ka-28 nhập khẩu từ Nga; 8 chiếc trực thăng vận tải hạng trung Mi-8 nhập khẩu từ Nga; 25 chiếc trực thăng săn ngầm Z-9C do Trung Quốc tự sản xuất dựa theo công nghệ loại Eurocopter AS.565 Panther.

Kết cấu những loại máy bay hiện đại của không quân hải quân Trung Quốc:

Về máy bay chiến đấu: Máy bay tiêm kích J-7 là một trong những loại máy đời đầu của không quân hải quân Trung Quốc, được chế tạo dựa trên nguyên mẫu Mig-21 của Liên Xô. Tuy nhiên, hiện đa số các máy bay J-7 đời đầu đều đã bị thải loại, Trung Quốc hiện chỉ còn 500 chiếc J-7 thuộc các phiên bản cải tiến và trang bị cho lực lượng dự bị, trực ban sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện. Về cấu tạo, J-7 là loại máy bay 1 chỗ ngồi, dài 15,7m, sải cánh 7,1m, cao 4,1m; trọng lượng không tải 5,3 tấn, có khả năng mang 500kg vũ khí. J-7 có thể bay cao 20km, hành trình tối đa 1.400km và vận tốc tối đa có thể đạt Mach 2.0 (2.120km/h). Đáng chú ý, trong những phiên bản nâng cấp của J-7, máy bay JH-7 được trang bị tên lửa không đối không chống bức xạ tầm trung có khả năng phát hiện và bắn hạ những máy bay tàng hình như F-22 của Mỹ; máy bay tiêm kích J-8 có kích thước, vận tốc bay và khả năng mang vũ khí vượt trội so với J-7, tuy nhiên khả năng chiến đấu của J-8 không được đánh giá cao như kỳ vọng ban đầu của Trung Quốc.

Máy bay tiêm kích J-11 là máy bay thế hệ thứ 4 của Trung Quốc, nó được sản xuất dựa trên mẫu Su-27SK của Nga. J-11 hiện được coi là vũ khí đóng vai trò chủ lực trong không quân Trung Quốc; có 4 phiên bản J-11 đó là J-11A, J-11B, J-11BS và J-11C. Về cấu tạo, J-11 dài 22m, sải cánh rộng 12,7m, cao 6m; trọng lượng không tải 16 tấn, trọng lượng cất cánh 23 tấn, có khả năng mang 10 tấn vũ khí. Tốc độ tối đa của J-11 là Mach 2,35 (2.500km/h), có khả năng bay cao 19km và tầm bay đạt 3.720km. J-11 được cải tiến và trang bị radar có khả năng theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã nhiều lần triển khai máy bay J-11 phi pháp ra đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Máy bay tiêm kích J-15 là biến thể Trung Quốc làm nhái Su-33 của Nga. Về kết cấu, J-15 có trọng lượng có tải 27 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 33 tấn; tầm bay 1.500 km (932 hải lý), tốc độ tối đa Mach 1,98 (2.100 km/h); trang bị radar mạng pha chủ động. J-15 được trang bị vũ khí gồm 1 pháo 30mm GSh-30-1, 12 giá treo bên ngoài để lắp tên lửa, bom đạn gồm: các tên lửa không-đối-không tầm ngắn PL-8, tầm xa PL-12 (tầm bắn 200 km), tên lửa hành trình chống hạm YJ-83K, bom có điều khiển chính xác cao, các thùng treo tác chiến điện tử. Hiện J-15 là mẫu tiêm kích được trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Máy bay tiêm kích J-16 là loại máy bay chiến đấu mới được trang bị cho không quân Trung Quốc trong năm 2015, được biên chế cho Lữ đoàn 172, 176 đóng tại Trung tâm bay thử và huấn luyện bay ở Cangzhou, tỉnh Hà Bắc và lữ đoàn 98 đóng tại Trùng Khánh. J-16 là máy bay hai chỗ ngồi giống với Su-30MKK của Nga trên nhiều phương diện. J-16 có 12 giá treo bên ngoài để lắp tất cả các loại tên lửa không-đối-không, chống hạm, tên lửa hành trình, bom không điều khiển và đạn dược có điều khiển chính xác do Trung Quốc sản xuất. Về kết cấu, J-16 có trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 35 tấn, tầm bay khoảng 3.900 km; J-16 có khả năng ngắm bắn các mục tiêu tầm xa trên không, mặt đất và trên biển thông qua việc kết nối mạng dữ liệu với các máy bay khác.

Máy bay tiêm kích tàng hình J-20 là máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc, có thiết kế tương đối giống máy bay tàng hình MiG 1.44 của Nga. J-20 hiện sử dụng hai động cơ AL-31 của Nga, nhưng hiện loại động cơ này đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển và gặp phải rắc rối nghiêm trọng khi vận hành. J-20 được thiết kế đặc biệt dành cho các nhiệm vụ đánh vào khả năng triển khai sức mạnh của không quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương cũng như thực hiện hỗ trợ tiếp nhiên liệu, chỉ huy trên không, tình báo giám sát, thậm chí là mang theo tên lửa hành trình tầm xa để tấn công tàu sân bay Mỹ.

Ngoài những loại hình máy bay tiêm kích trên, không quân Trung Quốc còn sở hữu một số máy bay chiến đấu mua của Nga như Su-27, Su-30. Tuy nhiên, những loại máy bay này số lượng không nhiều và được biên chế rải rác cho nhiều đơn vị.

Về máy bay cảnh báo sớm: Máy bay cảnh báo sớm KJ-200 được chế tạo dựa trên máy bay vận tải cỡ lớn An-12 của Nga. KJ-200 được đánh giá là một trong những loại máy bay cảnh báo sớm tốt nhất trên thế giới. Trung Quốc hiện có 5 máy bay KJ-200 biên chế trong lực lượng không quân. Về cấu tạo, KJ-200 dài 34m, sải cánh 38m, cao 11,1m; tốc độ tối đa của KJ-200 là 662km/h, có khả năng hoạt động trong phạm vi 5.600km.

Máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 là máy bay cảnh báo sớm và dẫn đường hiện đại nhất của Trung Quốc. KJ-2000 được trang bị radar mạng pha điện tử, có khả năng theo dõi đồng thời 60-100 mục tiêu ở cự ly tối đa 400km. KJ-2000 có khả năng hoạt động trong phạm vi 5.000km. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc cũng mới trang bị 5 máy bay KJ-2000 cho không quân. Ngoài ra, không quân Trung Quốc còn đang sở hữu máy bay cảnh báo sơm KJ-500, đây là phiên bản nâng cấp từ máy bay vận tải Y-9. KJ-500 có khả năng bám theo, dò tìm hàng trăm mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên biển. KJ-500 nặng khoảng 77 tấn, tốc độ bay khoảng 550km/h và khả năng hoạt động trong phạm vi 5.700km.

Về máy bay trinh sát: Máy bay trinh sát điện tử Y-8 là loại máy bay vận tải tầm trung, được sản xuất dựa trên phiên bản máy bay vận tải quân sự An-12 của Nga. Y-8 có nhiều phiên bản cải tiến như máy bay tuần tra Y-8G, máy bay trinh sát Y-8X. Máy bay trinh sát điện tử Y-8X dài 34m, sải cánh 38m, cao 11,1m; vận tốc bay tối đa 660km/h, có khả năng bay cao 10km, hoạt động trong phạm vi 5.600km; Y-8X được trang bị hệ thống radar hiện đại, có thể xác định vị trí và theo dõi các tàu chiến, máy bay trong phạm vi bán kính 1.600km. Hiện không quân Trung Quốc mới có 4 chiếc Y-8X.

Máy bay tuần tra, trinh sát săn ngầm SH-5 chuyên thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, trinh sát chống ngầm. SH-5 dài 39m, sải cánh 36m, cao 9,8m; trọng lượng rỗng 26,5 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 45 tấn; SH-5 có vận tốc tối đa 550km/h, có khả năng hoạt động trong phạm vi 4.700km và mang được 6 tấn vũ khí. Ngoài ra, không quân Trung Quốc còn có máy bay tuần tra săn ngầm Cao Tân GX-6 trang bị cho Hạm đội Bắc Hải.

Máy bay ném bom tầm trung chiến lược H-6 được sản xuất dựa trên máy bay Tu-16 của Liên Xô, hiện Trung Quốc có 120 chiếc H-6. Máy bay ném bom H-6 có một số phiên bản như máy bay ném bom hạt nhân H-6A, máy bay trinh sát H-6B, máy bay ném bom quy ước H-6C, máy bay ném hạt nhân H-6E, máy bay trang bị tên lửa chống tàu H-6D, máy bay ném bom – tên lửa H-6H, H-6K, máy bay tiếp dầu trên không H-6U, H-6UD, máy bay mang tên lửa chiến lược H-6M. Về cấu tạo, H-6 có chiều dài 34,8m, sải cánh 33m, cao 10,3m; trọng lượng rỗng 37 tấn, trọng lượng cất cánh 76 tấn; vận tốc bay lớn nhất 1.050km/h, có khả năng hoạt động trong phạm vi 6.000km và có khả năng mang 9 tấn vũ khí.

Máy bay vận tải của không quân Trung Quốc bao gồm Thiểm Tây Y-9, máy bay vận tải đa dụng Y-12 và máy bay vận tải quân sự IL-76. Trong số các máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc, Y-9 có khả năng cất hạ cánh ở Biển Đông dễ dàng , do cấu tạo của Y-9 hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của sân bay Trung Quốc mới xây dựng phi pháp trên Biển Đông. Đa phần các máy bay vận tải của không quân Trung Quốc tham gia thực hiện vận chuyển hàng hóa, binh lính. Tính đến thời điểm hiện tại, cả Y-9, Y-12 và IL-76 đều tham gia các kế hoạch tuần tra, tập trận phi pháp ở Biển Đông.

Trung Quốc đặc biệt chú trọng phát triển, hiện đại hóa không quân hải quân

Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã tập trung tài chính, nhân sự để phát triển và nâng cao khả năng tác chiến cho lực lượng hải quân và không quân. Trong đó, việc nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng mới cho các loại hình máy bay trang bị cho hải quân cũng được ưu tiên lớn. Không quân hài quân Trung Quốc đang tích cực được ứng dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả tác chiến, đồng thời tăng cường nhập khẩu một số loại vũ khí công nghệ cao, tấn công chính xác. Trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng ngăn chặn, phong tỏa và tấn công đường không, cũng như khả năng tác chiến binh chủng hợp thành. Các cố gắng đổi mới của lực lương không quân hải quân nhằm nâng cao khả năng tác chiến tầm xa với hệ thống kiểm soát hỏa lực hiện đại, tên lửa không đối không phản ứng nhanh, tác chiến điện tử, chống nhiễu điện tử và tấn công không đối đất. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng quan tâm đến hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm đường không (AWACS), tiếp dầu trên không, phòng thủ chống tên lửa và chỉ huy, kiểm soát tự động.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, không quân hải quân Trung Quốc vẫn tồn tại một số vấn đề liên quan đến việc huấn luyện phi công cho các máy bay hiện đại, công nghệ động cơ tuốc-bin khí, lập cầu hàng không chiến lược cho chuyển quân, phân bố các nguồn lực và tập trung nhiều vào các biện pháp phòng không. Căn cứ các tính toán về tiêu thụ nhiên liệu của các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay vận tải tham gia tác chiến (tiêu thụ hơn 10.000 tấn dầu/ngày) và toàn bộ lực lượng tiêu thụ hơn 1 triệu tấn dầu/năm, điều này cho thấy rằng dự trữ dầu hiện nay cho mục đích tác chiến của Trung Quốc không thể kéo dài hơn 15 ngày trong một cuộc xung đột cường độ cao ở Eo biển Đài Loan. Hơn nữa, hiện nay không quân hải quân Trung Quốc còn cần nhiều thời gian cho chương trình hiện đại hóa và huấn luyện các kỹ năng tác chiến để có thể giành ưu thế trên không, tấn công chớp nhoáng vào sâu trong lãnh thổ đối phương và tác chiến liên hợp. Đến thời điểm hiện nay, không quân hải quân Trung Quốc chưa có khả năng thực hiện được các nhiệm vụ chiến lược đặt ra trong học thuyết quân sự hải quân. không quân hải quân Trung Quốc chỉ đủ tác chiến ở vùng nước có cự ly cách đảo Hải Nam và ven bờ khoảng vài trăm km. Chính vì vậy, Bắc Kinh sẵn sàng bỏ ra nhiều chục tỷ USD, hoàn thiện trung tâm chỉ huy và điều hành tác chiến trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã xâm chiếm, bồi đắp các rạn san hô và đảo chìm, xây dựng lên các căn cứ hậu cần kỹ thuật, sân bay quân sự dài đến 3000m nhằm đảm bảo khả năng cất hạ cánh của các máy bay chiến dịch chiến thuật cũng như tổ chức các cụm phòng không chiến dịch nhằm tạo bàn đạp tiền đồn cho những hoạt động bành trướng quân sự sau này.

Khi các cụm căn cứ không – hải quân trên các đảo nhân tạo và tàu sân bay Liêu Ninh đã sẵn sàng chiến đấu, tầm hoạt động của không quân hải quân Trung Quốc có thể vươn tới quần đảo Trường Sa và các khu vực tranh chấp cận kề Philiphines, các cụm máy bay không quân hải quân Trung Quốc có thể uy hiếp đến tận eo biển Malacca, điểm yếu nhất của hệ thống phòng thủ Mỹ và đồng minh.

Để đạt mục đích, Trung Quốc tăng cường lực lượng cho không quân hải quân, đặt trọng tâm vào phát triển máy bay trên tàu sân bay; tập trung định hướng các máy bay tiêm kích đa năng không quân hải quân và trực thăng có khả năng thực hiện nhiệm vụ tấn công chủ lực hoặc tăng cường khi sử dụng các chiến hạm không hoàn toàn thuận lợi.

Nhìn tổng thể, trong hơn hai mươi năm qua, không quân hải quân Trung Quốc đã đạt những tiến bộ quan trọng trên một số lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu chiến tranh trong tương lai. Việc nâng cao khả năng cơ động tầm xa, tiếp dầu trên không và trinh sát đường không có thể tăng cường khả năng tấn công của không quân hải quân Trung Quốc, đưa tầm tác chiến của máy bay chiến đấu Trung Quốc bao trọn toàn bộ khu vực Biển Đông. Trong những năm tới, không quân hải quân Trung Quốc sẽ được trang bị nhiều máy bay chiến đấu và máy bay hỗ trợ hơn, góp phần đưa lực lương không quân hải quân Trung Quốc trở thành một trong những thành phần chủ chốt của quân đội Trung Quốc, có năng lực tác chiến tương đương với Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới