Thursday, November 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTổng thống Duterte hết bất cần, tìm hướng cân bằng quan hệ...

Tổng thống Duterte hết bất cần, tìm hướng cân bằng quan hệ Trung – Mỹ

Những áp lực sau hơn 2 năm giữ cương vị tổng thống Philippines đã khiến ông Rodrigo Duterte từ bỏ thái độ đối ngoại bất cần ban đầu và tìm sự cân bằng trong quan hệ với cường quốc.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters. 

Tổng thống Rodrigo Duterte đã thay đổi rõ rệt trong tháng qua, theo nhận định của chuyên gia Philippines Richard Heydarian trên South China Morning Post. Nhà lãnh đạo nổi tiếng nóng tính đã giảm cách hành xử gây tranh cãi và những lời lẽ cực đoan chống Mỹ, vốn là hình ảnh đặc trưng cho cá tính của ông trước công chúng. Ông còn công khai xin lỗi vì từng gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama là “con hoang”.

Vẻ mệt mỏi dần rõ trên gương mặt của nhà lãnh đạo Philippines. Nhiệm kỳ tổng thống với vô số áp lực đã bào mòn sự máu lửa và tính cố chấp của người đàn ông 73 tuổi.

Trong tháng 8, Tổng thống Duterte lại một lần nữa đề cập khả năng từ chức. Người phát ngôn Phủ tổng thống Philippines cũng bóng gió khả năng ông sẽ có một kỳ nghỉ để thư giãn và hồi sức. Đó sẽ là một động thái chưa từng có tiền lệ trong các đời tổng thống Philippines.

Giai đoạn “trăng mật” cùng những hưng phấn đầu nhiệm kỳ đã kết thúc đối với vị tổng thống cá tính của Philippines. Sự máu lửa và bất cần trong những quyết sách của ông được thay thế bằng một thái độ cẩn trọng hơn.
Cứng rắn chỉ trích Trung Quốc về Biển Đông

Tổng thống Duterte ưu tiên cách tiếp cận tỉnh táo trong quan hệ đối ngoại. Ông muốn tìm một lối đi cân bằng hơn giữa những cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Sau gần 2 năm nhượng bộ Trung Quốc rõ rệt, những lời công kích cứng rắn giờ đây xuất hiện thường xuyên hơn trong các bài phát biểu của tổng thống về vấn đề Biển Đông. Ông không ngần ngại chỉ trích hoạt động cải tạo và quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc tại hàng loạt thực thể trên vùng biển khu vực.

Cột mốc đánh dấu sự thay đổi về thái độ của ông Duterte là vụ rò rỉ báo cáo của Lực lượng Vũ trang Philippines đầu tháng 8.

Văn bản này cho biết Trung Quốc liên tục quấy rối hoạt động bay tuần tra và giám sát của Philippines trên quần đảo Trường Sa. Ngay lập tức, Tham mưu trưởng Carlito Galvez công khai cáo buộc Trung Quốc đe dọa máy bay của Philippines gần như mỗi ngày .

Các phát ngôn của giới lãnh đạo quân đội có sức nặng đáng kể đối với Tổng thống Duterte. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông thường xuyên dành những lời lẽ tốt đẹp cho quân đội Philippines đồng thời ưu ái tăng ngân sách quốc phòng và cải thiện các phúc lợi dành cho quân nhân.

Tháng trước, trong bài phát biểu tại thị trấn Davao quê nhà nhân dịp con gái ông, Veronica Duterte, công bố thành lập đảng chính trị mới, tổng thống Philippines nhấn mạnh Trung Quốc không thể “tự xây đảo rồi nhận vơ toàn bộ vùng biển làm của riêng”.

Dù nhấn mạnh Manila “không sẵn sàng cho chiến tranh” và cũng không muốn gây sự với Bắc Kinh, ông Duterte vẫn bày tỏ sự không hài lòng khi lính Trung Quốc “dùng những lời lẽ bẩn thỉu” để nói chuyện với các quân nhân Philippines tuần tra trên vùng biển tranh chấp chủ quyền.

Trước đó vài ngày, tại một diễn đàn tiếp xúc doanh nghiệp tại Dinh Malacanang, ông Duterte cũng kêu gọi Trung Quốc ứng xử có chừng mực hơn. Ông đồng thời cam kết sẽ trực tiếp đặt vấn đề với Bắc Kinh, yêu cầu chấm dứt các hành động quấy rối nhắm vào máy bay Philippines.
Cân bằng hơn với Mỹ

Song song việc cứng rắn hơn với Trung Quốc, ông Duterte đang dần cải thiện quan hệ với đồng minh Mỹ.

Giữa tháng 8, Lầu Năm Góc đã đặc phái Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Randall Schriver, chuyên trách các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương, đến Manila.

Thay vì những cam kết mơ hồ như các chính phủ tiền nhiệm, ông Schriver nhấn mạnh chính phủ của Tổng thống Donald Trump là “một đồng minh tốt” và sẵn sàng giúp Philippines “đáp trả tương xứng” mọi mối đe dọa nhắm vào tuyên bố chủ quyền của nước này trên Biển Đông.

Đó là một lời cam kết rõ ràng hơn về khả năng Mỹ hỗ trợ quân sự cho Philippines trong trường hợp tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông leo thang thành xung đột trực tiếp giữa Manila và Bắc Kinh.

Chính phủ của Tổng thống Trump cũng nhượng bộ khi ông Duterte yêu cầu Mỹ trả lại những quả chuông của nhà thờ lịch sử Balangiga. Những cổ vật này biểu trưng cho chế độ thuộc địa tàn khốc mà Mỹ từng áp đặt lên Philippines vào đầu thế kỷ 20.

Liên tiếp nhiều quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ sang Philippines. Sau ông Schriver, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Walter Douglas cũng đến Manila và thông báo khoản tăng gần 60 triệu USD hỗ trợ tài chính quốc phòng trong tương lai. Cùng với đó, ông Douglas hứa hẹn 2 nước sẽ phối hợp thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong khuôn khổ quỹ đầu tư mới trị giá 60 tỷ USD.

Không chỉ hứa hẹn viện trợ ngân sách, Washington cũng năng nổ chào bán máy bay chiến đấu đa nhiệm F-16 và trực thăng chiến đấu cho Manila hiện đại hóa lực lượng quân sự.

Giữa lúc sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực ngày càng lớn, Douglas cùng nhiều quan chức từ Washington liên tục phát đi thông điệp: Mỹ sẵn sàng tái tiếp cận một cách toàn diện với những đồng minh then chốt, mà điển hình là Philippines

Tuy nhiên, Tổng thống Duterte cũng khẳng định việc tái thiết quan hệ với Mỹ sẽ không trả giá bằng mối quan hệ đang dần nồng ấm giữa Philippines và các cường quốc khác như Nga, Trung Quốc.

Khi Lầu Năm Góc cảnh báo Philippines mua tàu ngầm và quân trang từ Nga là một bước đi “vô ích” và “đắt giá” đối với quan hệ đồng minh, ông Duterte không ngần ngại phản pháo bằng những lời lẽ gai góc.

“Các ông muốn chúng tôi dính mãi với các ông sao? Các ông nghĩ mình là ai mà dám cảnh cáo chúng tôi”, ông phản pháo.

Trong khi đó, Tổng thống Duterte cũng nhấn mạnh rằng Philippines và Trung Quốc sẽ tiếp tục xúc tiến những kế hoạch hợp tác thăm dò dầu khí trên một số vùng biển chồng lấn tuyên bố chủ quyền.

Có thể thấy, Tổng thống Duterte đang dần “trưởng thành” theo từng năm nhiệm kỳ của mình. Ông đã hạ tông khi đối đầu với Mỹ, đồng thời cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp trên biển. Tuy nhiên, mục tiêu đa dạng hóa các mối quan hệ chiến lược của vị tổng thống 73 tuổi vẫn không thay đổi, hướng đến tối đa hóa những đòn bẩy và lợi ích chiến lược cho đất nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới