Trong vài ngày qua có một sự kiện thu hút sự quan tâm của báo chí quốc tế đó là màn “vờn nhau” của hai khu trục hạm Trung Quốc và Mỹ.
Vụ vờn nhau vừa mới diễn ra giữa hai khu trục hạm Type 052C với lượng giãn nước đầy tải 7.000 tấn của Hải quân Trung Quốc và chiến hạm Aegis lớp Arleigh Burke 9.200 tấn của Hải quân Mỹ có thể xem như khá “đồng cân đồng lạng”.
Mặc dù lượng giãn nước lớn hơn nhiều nhưng so về kích thước cơ bản bao gồm chiều dài, chiều rộng, mớn nước… thì Type 052C và Arleigh Burke tỏ ra khá tương đồng, sự chênh lệch là không đáng kể.
Trong “màn chào hỏi” vừa rồi, chiến hạm Trung Quốc đã áp sát khu trục hạm Mỹ với khoảng cách chỉ 41 m, nếu bị đâm va trong trường hợp này thì cả hai sẽ cùng chịu thiệt hại nặng nề, do vậy tàu Mỹ đã chủ động né vì họ ở xa căn cứ hơn, sẽ chịu nhiều rắc rối hơn nếu bị hư hỏng.
Nhìn lại quá khứ thì rất dễ nhận ra rằng Trung Quốc là bên rất hăng trong những tình huống tương tự, không chỉ chủ tâm đối đầu với các chiến hạm ngang cơ hay nhỏ bé hơn mà họ còn sẵn sàng thử sức với đối thủ mạnh gấp bội.
Vào thời điểm thập niên 1980, khi đó Liên Xô và Trung Quốc vẫn coi nhau là kẻ địch thì việc để xảy ra một sự kiện tương tự cũng là điều không có gì khó hiểu, chỉ khác là thực lực của Bắc Kinh lúc bấy giờ chưa mạnh như hiện nay mà thôi.
Tháng 8/1985, biên đội tàu chiến Liên Xô do tuần dương hạm hạt nhân Frunze lớp Kirov dẫn đầu trên đường về căn cứ ở Vladivostok đã đi qua khu vực biển Đông và chạm trán với chiến hạm Trung Quốc là chiếc Trùng Khánh số hiệu 133 thuộc Type 051D ở cự ly rất gần.
Khu trục hạm Trùng Khánh thuộc Type 051D của Trung Quốc cản tuần dương hạm hạt nhân Frunze lớp Kirov tại biển Đông |
So sánh giữa hai con tàu thì ưu thế nghiêng hẳn về chiếc Frunze khi nó có lượng giãn nước đầy tải lên tới 28.000 tấn, chiều dài 252 m, trong khi lượng giãn nước của tàu Trùng Khánh chỉ là 3.600 tấn với chiều dài 132 m.
Tuy vậy thật đáng ngạc nhiên vì mặc dù ở thế bất lợi hoàn toàn nhưng khu trục hạm Trung Quốc lại chủ động áp sát và thực hiện một vài động tác khiêu khích ở mức nguy hiểm đối với tuần dương hạm Liên Xô.
Nhưng chắc là nhận ra kết cục sẽ chẳng tốt đẹp gì khi đâm húc vào một “con khủng long” như tàu Frunze, cho nên chiến hạm Trung Quốc không dám lại quá gần như khi gặp khu trục hạm Mỹ.
Về phần chiếc Frunze, có lẽ nó cũng tự ý thức được rằng không cần phải quan tâm đến con tàu Trung Quốc bởi vì đặt cạnh Kirov thì Type 051D chỉ như chiếc lá tre, cho nên tuần dương hạm hạt nhân Liên Xô vẫn tiếp tục hải trình và “ngó lơ” luôn “màn chào hỏi” chẳng mấy thân thiện này của Bắc Kinh.