Toàn cầu hóa đã đem lại những lợi ích khổng lồ cho nền kinh tế Việt Nam.
Toàn cầu hóa đang trải qua một thời kỳ khó khăn. Việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), sự lên ngôi của chủ nghĩa bảo hộ ở một số nước hay những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang cản trở quá trình hướng tới một nền kinh tế toàn cầu nhiều kết nối. Tỷ trọng thương mại quốc tế đã giảm từ 60% GDP toàn cầu vào năm 2011 xuống 56% năm 2016 khi toàn cầu hóa đang vấp phải nhiều trở ngại.
Tuy nhiên, hãy nhìn vào nền kinh tế Việt Nam nếu cần một tấm gương khẳng định những lợi ích mà toàn cầu hóa đem lại. Trong năm 2017, thương mại của Việt Nam trong tỷ trọng GDP đạt hơn 200%. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), con số 200% là tỷ lệ cao nhất với một quốc gia có từ 50 triệu dân trở lên kể từ năm 1960 tới nay.
Trong số 20 nước đông dân nhất thế giới, tỷ trọng thương mại/GDP của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức 122% của Thái Lan.
Tỷ trọng đóng góp của thương mại vào GDP. (Ảnh: WB)
Con số trên được tính bằng cách cộng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu sau đó chia cho số liệu GDP.
Các nền kinh tế có kết quả cao thường giàu và nhỏ. Hồng Kông, Singapore và Luxembourg đều có tỷ lệ trên 300%. Các doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế này chủ yếu sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu vì thị trường trong nước quá nhỏ, khó có thể tiêu thụ hết sản lượng.
Nền kinh tế toàn cầu hóa đặc biệt của Việt Nam là kết quả của việc đặt trọng tâm vào việc dùng xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giống như Trung Quốc vài thập niên trước, Việt Nam mở ra thị trường lao động giá rẻ, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và trở thành trung tâm sản xuất với giá thành thấp. Hiện tại, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là điện thoại và hàng dệt may. Mỹ và Trung Quốc là hai điểm đến chính cho hàng hóa của Việt Nam.
Việt Nam vẫn là “người hâm mộ” số 1 của toàn cầu hóa. (Ảnh: WB)
Toàn cầu hóa đem lại những giá trị tích cực cho kinh tế Việt Nam. Bình quân GDP/đầu người đã tăng từ 1.500 USD trong năm 1990 lên 6.500 USD hiện nay.
Không giống như ở một số nền kinh tế phát triển nhanh, sự thịnh vượng của Việt Nam được san đều hơn cho toàn dân. Tỷ lệ người nghèo giảm mạnh từ 70% vào đầu những năm 1990 xuống còn khoảng 10% vào năm 2016. WB nhận định rằng ngành xuất khẩu Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ trong việc tạo ra bước nhảy vọt về xóa đói giảm nghèo.
Người Việt Nam cũng nhận thức rõ những lợi ích của toàn cầu hóa. Trong một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Pew vào năm 2014, 95% người Việt Nam tin rằng “giao thương là tốt”.
Mặc dù toàn cầu hóa đem lại những lợi ích rõ ràng cho nền kinh tế Việt Nam nhưng cũng sẽ xuất hiện một số rủi ro nhất định. Nếu Trung Quốc hoặc Mỹ chọn cách đóng cửa nền kinh tế của họ, Việt Nam sẽ “đứng ngồi không yên”. Một số quốc gia đang phát triển như Nigeria và Philippines, họ tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa thay vì theo đuổi thương mại với các quốc gia khác. Hành động này giúp họ có thể tự bảo vệ mình nếu có xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại.