Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 11/10/2018

Bản tin Biển Đông ngày 11/10/2018

Bản tin Biển Đông ngày 11/10/2018.

Sắp có một cuộc chiến Mỹ – Trung ở Biển Đông?

Ngày 10/10, TS. Mark Valencia, học giả tại Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, có bài viết đăng trên tạp chí Asia Times, nhận định mối quan hệ Mỹ – Trung đang xấu đi trên nhiều mặt, đặc biệt là quan hệ về quốc phòng. Hải quân Mỹ đang thể hiện sức mạnh ở eo biển Đài Loan, chống lại các yêu sách và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong bối cảnh hiện nay, điều này có thể dẫn đến đối đầu quân sự, thậm chí là xung đột.

TS. Mark Valencia cho rằng nguyên nhân là do những chính sách và hành động của Mỹ ngày càng hung hăng chống lại Trung Quốc ở Biển Đông, thể hiện qua một loạt ví dụ như: Nhà Trắng công bố sẽ có “hậu quả trung hạn và dài hạn” đối với việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, Lầu Năm góc rút lời mời Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La, mới đây nhất Phó Tổng thống Mỹ Michael Pence đưa ra bài phát biểu mang tính chiến tranh lạnh để chỉ trích Trung Quốc. Tác giả cho rằng, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã và đang đẩy nhanh các hoạt động quân sự trên biển, bao gồm các cuộc tập trận và hoạt động tự do hàng hải (FONOP) mà Trung Quốc coi là mang tính khiêu khích. Trung Quốc đã đáp lại một cách nhẹ nhàng mối đe dọa ngày càng tăng từ Mỹ, khẳng định các hoạt động của Trung Quốc là nhằm nâng cao năng lực của quân đội, chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến ở Biển Đông. Vấn đề cơ bản ở đây không phải về tự do hàng hải hay việc Trung Quốc quân sự hóa các cấu trúc hay đe dọa các nước khác. Cuộc chiến Mỹ – Trung nhằm giành quyền kiểm soát Biển Đông chỉ là biểu hiện của vấn đề sâu xa hơn là “sự đụng độ giữa các nền văn minh”. Cả hai quốc gia đều cảm thấy có quyền và sứ mệnh lãnh đạo và định hình trật tự thế giới phù hợp theo nhu cầu của mình. Do đó, cuộc đối đầu giữa hai quốc gia này ở Biển Đông chỉ là một cuộc cạnh tranh về hệ thống chính trị, kinh tế. Giả sử có một cuộc xung đột quân sự, câu hỏi đặt ra: tiếp theo sẽ là gì? Như Christopher Hill, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương từng nói, Mỹ có xu hướng coi các tranh chấp quốc tế là “thách thức quân sự núp bóng các vấn đề chính trị. Thực tế thường trái ngược lại, đó là lý do tại sao phần lớn các cuộc xung đột phức tạp nhất thế giới hiếm khi được giải quyết bằng con đường can thiệp quân sự”.

Tổng thống Trump chỉ trích chính quyền Obama bất lực ở Biển Đông

Ngày 10/10, The Economic Times đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích chính quyền tiền nhiệm Obama bất lực trong vấn đề Biển Đông vì đã không ngăn chặn được Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng quân sự tại khu vực. Phát biểu này được đưa ra vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo báo cáo về chuyến thăm tới Bắc Kinh vừa qua. Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc muốn gửi đến ông một thông điệp nhưng không thành công và Bắc Kinh đã đối xử với Ngoại trưởng Pompeo với một sự tôn trọng lớn. Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, Ngoại trưởng Pompeo đã có cuộc họp tốt đẹp, mang tính xây dựng với phía Trung Quốc. Bên cạnh những lợi ích chung, “hai bên cũng có những lĩnh vực bất đồng và những lĩnh vực còn gặp phải thách thức, và chúng tôi sẽ cùng nhau giải quyết. Đây rõ ràng là mối quan hệ quan trọng mà chúng ta cần cố gắng để duy trì”.

Máy bay ném bom hạt nhân tàng hình của Trung Quốc sắp sửa được đưa vào vận hành

Ngày 10/10, tờ Business Insider đưa tin, các chuyên gia quân sự của Trung Quốc cho biết máy bay ném bom hạt nhân tàng hình Hong-20 (H-20) của nước này sẽ sớm thực hiện chuyến bay đầu tiên, và đây có thể sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi ở Biển Đông. Trao đổi với Hoàn Cầu Thời báo, chuyên gia quân sự Song Zhongping cho biết việc tiết lộ tên của loại máy bay cho thấy tiến triển sản xuất máy bay này, và các bộ phận của máy bay như hệ thống điện tử, áp lực thủy lực và nguồn điện có thể đã hoàn thiện.

RELATED ARTICLES

Tin mới