Bắc Kinh đang trải qua những ngày “đứng ngồi không yên” khi Mỹ và các đồng minh gia tăng áp lực nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngày 30/9, Mỹ cử tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur đi qua vùng biển ngoài khơi quần đảo Trường Sa, thực hiện chiến dịch tuần tra kéo dài 10 giờ đồng hồ ở khu vực 12 hải lý gần các bãi Đá Gaven và Đá Gạc Ma. Chiến dịch này là động thái mới nhất để chống lại điều mà Washington xem là sự ngoan cố của Bắc Kinh nhằm cản trở quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, nơi có những tuyến đường thủy quan trọng của thế giới.
Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cử một tàu hải quân áp sát tàu Mỹ ở khoảng cách 40m, một hành vi được coi là “liều lĩnh”, theo mô tả của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.
Áp lực gia tăng từ Mỹ và đồng minh
Phát biểu tại Viện Hudson hôm thứ Năm (4/10), ông Pence gửi lời cảnh báo nghiêm khắc đến Bắc Kinh rằng Washington sẽ không lùi bước trước hành động đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại trụ sở lực lượng thực thi xuất nhập cảnh và hải quan Hoa Kỳ tại Washington vào ngày 6 tháng 7 năm 2018. (Ảnh: Samira Bouaou / Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)
Theo Vox, Phó Tổng thống Mỹ đã dành phần lớn bài phát biểu của ông để mô tả chi tiết những cách thức mà Trung Quốc khiến Hoa Kỳ phẫn nộ, bao gồm:
- Hành động bành trướng ở Biển Đông
- Ăn cắp tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ
- Thuyết phục các nước, gần đây là ở châu Mỹ Latinh, từ bỏ công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền
- Đàn áp các nhóm tín ngưỡng ở Trung Quốc như Cơ Đốc nhân, các Phật tử và các tín đồ Hồi giáo
- Tạo ra hệ thống “chấm điểm” công dân Trung Quốc để khen thưởng những người trung thành với chính phủ và trừng phạt những người có ý kiến phản đối
Australia cũng mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ Hoa Kỳ, cảnh báo Trung Quốc không nên sử dụng “các chiến thuật đe dọa hoặc hành động hung hãn”, theo Business Insider.
Quân đội Mỹ được cho là đang lên kế hoạch điều động quân đội tới các vùng biển tranh chấp, từ Biển Đông tới eo biển Đài Loan vào tháng 11. Kế hoạch này là một lời cảnh báo tới Trung Quốc và nhắc nhở về năng lực ứng phó thần tốc của Mỹ trước bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn nào.
Ngoài Hoa Kỳ, nhiều nước khác cũng đang gia tăng hiện diện quân sự trên Biển Đông. Tuần trước, tàu khu trục nhỏ của Anh, HMS Argyll đã tham gia tập trận hải quân với tàu chiến Nhật Bản, tàu sân bay trực thăng Kaga và tàu khu trục Inazuma trên biển Ấn Độ Dương trước khi đi qua Biển Đông.
“Không chỉ sự hiện diện của Mỹ là đáng lưu tâm trong những ngày này. Chúng ta có thể nhận thấy rằng các cường quốc khác cũng đang đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở Biển Đông”, theo ông Collin Koh, một chuyên gia về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang tại Singapore.
Tàu khu trục USS Frank E Petersen Jr của Hoa Kỳ (Ảnh: US Navy/Twitter)
Ông Wu Shicun, giám đốc Viện Quốc gia Trung Quốc về Nghiên cứu Biển Đông, cho các động thái tuyên bố chủ quyền ngày càng trắng trợn của Trung Quốc trên Biển Đông đã tạo áp lực để Hoa Kỳ và các nước đồng minh như Nhật Bản, Anh, Australia, thực hiện các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực. Ông cho rằng Mỹ sẽ không rời khỏi Biển Đông và vẫn giữ vai trò là một nhân tố trọng yếu trong khu vực này.
Sự lựa chọn của Đông Nam Á
Trong khi đó, các nước trong khu vực Đông Nam Á đang cố gắng cân bằng mối quan hệ của họ với cả Trung Quốc và Mỹ, nghĩa là vừa tăng cường quan hệ kinh tế với Bắc Kinh nhưng vẫn duy trì cam kết về an ninh với Washington, theo ông Koh.
Adam Ni, một nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á có thể đưa các quốc gia Đông Nam Á vào tình thế phải chọn một trong hai bên.
“Đối với các nước Đông Nam Á, một tư thế hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở châu Á nhằm cân bằng tham vọng bành trướng của Trung Quốc được xem là tích cực cho sự ổn định và lợi ích của họ”, ông nói.
Tuy nhiên, việc này cũng gia tăng nguy cơ về một cuộc chiến tranh lạnh mới ở châu Á giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là một viễn cảnh không được mong đợi đối với Đông Nam Á, một khu vực phụ thuộc nhiều vào kết nối và dòng chảy tự do của hàng hóa, ý tưởng và con người, ông Ni nhận định.
Sơ đồ mô tả tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của các nước trong khu vực (Ảnh: European Parliament)
Hoa Kỳ cần hành động?
Hôm thứ Ba (2/10), tờ Washington Examiner đăng bài viết của nhà báo chính trị Tom Rogan, cho rằng Mỹ cần đáp trả sự gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Rogan đề cập đến vụ tàu Trung Quốc “hung hăng áp sát và cắt ngang mũi tàu khu trục USS Decatur (DDG 73) của Hải quân Mỹ” hôm 30/9. Ông bình luận rằng hành động này xảy ra trên vùng biển quốc tế, và là một sự vi phạm luật pháp quốc tế rất nghiêm trọng, khi quần đảo Trường Sa, nơi xảy ra vụ việc trên, cách đất liền Trung Quốc khoảng 1.126 Km.
Nhà báo Rogan cho rằng, với việc xây dựng các đảo nhân tạo, và lắp đặt ngày càng nhiều những hệ thống vũ khí hiện đại trên những hòn đảo này, Trung Quốc muốn cho các nước láng giềng và các nhà xuất khẩu quốc tế một sự lựa chọn đơn giản: Hoặc phục tùng, trung thành về chính trị đối với Bắc Kinh hoặc bị ngăn cấm không cho đi qua vùng biển quốc tế này. Rõ ràng, đó là một hành vi của chủ nghĩa đế quốc và không được phép tồn tại, ông Rogan kết luận.
Vị nhà báo ghi nhận chính quyền của Tổng thống Trump đã tăng cường những nỗ lực thách thức sự gây hấn của Trung Quốc, bằng cách điều các tàu quân sự và máy bay Mỹ đi qua Biển Đông. Ngoài ra, ông Rogan kỳ vọng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện các động thái mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời ông cũng đưa ra một số đề xuất cụ thể.
Tổng thống Donald Trump tại một cuộc mít tinh ở Wilkes-Barre, Penn., vào ngày 2 tháng 8 năm 2018. (Ảnh: Samira Bouaou / Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)
Theo nhà báo Rogan, thứ nhất, chính quyền của Tổng thống Trump phải huy động thêm sự can thiệp của các đồng minh. Mặc dù gần đây Hải quân Anh và Pháp đã đi qua Biển Đông, vùng biển này vẫn chưa thấy sự phô diễn của một lực lượng vũ trang đa quốc gia đông đảo.
Thứ hai, Mỹ cũng phải nhận thức rõ những tác động chiến lược rộng lớn hơn của việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, theo ông Rogan. Cụ thể là, bằng cách gây nguy hiểm cho các thủy thủ Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng tỏ rằng ông ấy sẵn sàng chấp nhận những rủi ro lớn, để thay thế Mỹ thành cường quốc có ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Mỹ và Trung Quốc đối đầu ở Biển Đông
“Trung Quốc nên ngừng gây nhiễu ở Biển Đông. Nó không tốt cho hòa bình. Nó không tốt cho thương mại. Và nó không tốt cho thị trường tài chính của khu vực”, theo giáo sư Panos Mourdoukoutas, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế tại đại học Long Island ở New York, Mỹ, trong một bài viết trên Forbes hôm thứ Năm (4/10).
Ông cho rằng loại phản ứng kiểu như tiến sát tàu chiến Mỹ trên Biển Đông không có lợi cho hòa bình trong khu vực, đi ngược lợi ích của các nước láng giềng như Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam. Nó cũng chống lại hải quân Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh và Australia khi những nước này tìm cách thực thi quyền tự do hàng hải trên những tuyến đường thủy thương mại rộng lớn. Ông nhận định cách phản ứng của Trung Quốc làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn với những hậu quả không thể đoán trước.
“Có lẽ cuộc chiến tranh tiếp theo sẽ được châm ngòi ở Biển Đông”, ông Panos trích ý kiến của Jean-Francois Fiorina, Phó hiệu trưởng trường kinh doanh Grenoble Ecole de Management của Pháp. Ông Fiorina cũng cho biết: “Do đó, nhiều nước lo lắng về tình hình địa chính trị [tại khu vực này] trong tương lai.”
Hôm thứ Bảy (6/10), tài khoản Twitter và Youtube của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đăng video trình diễn sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ trong trường hợp va chạm với tàu Trung Quốc ở Biển Đông, như “lời cảnh cáo tới Bắc Kinh”. Đoạn video đầy đủ, dài 10 phút, được đăng trên Youtube với tựa đề: “Điều gì sẽ xảy ra nếu Hải quân Mỹ và Tàu Trung Quốc va chạm?” (What Happens If a U.S. Navy and Chinese Vessel Collide?)
Bộ Quốc phòng Mỹ đăng video mô tả tình huống giáp mặt với tàu Trung Quốc, với lời dẫn: “Hải quân Mỹ lên kế hoạch trình diễn sức mạnh quy mô lớn ở Biển Đông như một lời cảnh cáo tới Bắc Kinh” (Ảnh chụp từ Twitter)
Theo bài phân tích của ông Collen Koh trên SCMP hôm thứ Bảy (6/10), cả Trung Quốc và Mỹ đều không sẵn sàng lùi bước ở Biển Đông.
Đối với Bắc Kinh, việc lùi bước đồng nghĩa với việc nhượng bộ về tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Điều này sẽ mang lại sự suy giảm uy tín cho Đảng Cộng sản cầm quyền và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo ông Koh.
Đối với Mỹ, việc lùi bước sẽ làm suy yếu những giá trị mà nước này theo đuổi từ bấy lâu nay, đó là quyền tự do đi lại của các tàu thuyền dân sự và quân sự. Hơn nữa, điều đó cũng khiến các nước hoài nghi về cam kết đảm bảo an ninh của Hoa Kỳ trong khu vực, ông Koh nhận định.