Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNATO-Trung Đông: Liên minh chiến lược hay gánh nặng của Mỹ?

NATO-Trung Đông: Liên minh chiến lược hay gánh nặng của Mỹ?

Sáng kiến lập một liên minh chiến lược NATO-Trung Đông liệu có khiến Mỹ đạt được lợi ích mong muốn hay chỉ tăng thêm những gánh nặng cho Washington?

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tổ chức một cuộc họp với các Bộ trưởng Ngoại giao của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Jordan và Ai Cập. Ảnh: AP

Liên minh chiến lược giúp Mỹ tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông…

Tại hội nghị thường niên của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hồi tháng 9/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tổ chức một cuộc gặp với các bộ trưởng ngoại giao của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Jordan và Ai Cập.

Tại đây, ông Pompeo đã thảo luận về đề xuất thành lập Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA) của chính quyền Tổng thống Trump – một nhóm gồm 8 nước Arab và Mỹ hợp tác chặt chẽ với nhau trong cuộc chiến chống khủng bố, tấn công mạng và ngăn chặn ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Nhiều nhà quan sát đã ví MESA như một “NATO” phiên bản Arab.

Về lý thuyết, “NATO” phiên bản Arab có thể đem lại lợi ích an ninh cho Trung Đông. Tuy nhiên, với Mỹ thì khác, khi những sai lầm của Washington trong chiến tranh Iraq và sự can thiệp vào Libya khiến Washington chịu nhiều tổn thất và đi chệch hướng khỏi những vấn đề về chính sách ngoại giao có liên hệ trực tiếp tới an ninh và thịnh vượng của mình.

Trung Đông là một “gánh nặng” của Mỹ khi tiêu tốn của Washington 5,6 nghìn tỷ USD và khiến hàng nghìn binh lính Mỹ bỏ mạng trong 17 năm qua.

Các nước Arab có những lợi ích lớn hơn trong liên minh này bởi Trung Đông là “sân sau” của Arab và với sự giàu có của mình (GDP của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) là 1,4 nghìn tỷ USD), các nhà phân tích của Mỹ cho rằng Arab nên có trách nhiệm về an ninh quốc phòng với các nước láng giềng của họ.

Vai trò của Mỹ ở đây chỉ là khuyến khích và giúp các nước Arab có thể tự giải quyết các vấn đề trong khu vực của họ.

Chẳng những không san sẻ được trách nhiệm cho các nước trong khu vực, sự tham gia của Mỹ vào MESA còn khiến Washington có thêm một gánh nặng an ninh không cần thiết khi phải giải quyết những cuộc xung đột giữa các phe phái mà phần lớn trong số đó là những cuộc chiến ủy nhiệm không liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ.

Thực tế thì những lợi ích quan trọng của Mỹ ở Trung Đông khá hẹp khi chỉ nhằm bảo vệ Mỹ khỏi các nhóm khủng bố xuyên quốc gia trong khu vực này, ngăn cản bất kỳ quốc gia nào thống trị khu vực và đảm bảo thị trường dầu mỏ quốc tế không bị gián đoạn ở những nơi có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu.

Việc Mỹ tham gia vào một liên minh NATO Trung Đông sẽ khiến cho những mục tiêu quan trọng của Mỹ khó thực hiện hơn khi nhập nhằng giữa lợi ích của Mỹ với lợi ích của các quốc gia Arab.

Các quan chức Mỹ cần nhận ra rằng chính sách của Mỹ ở Trung Đông không nhắm vào quốc gia riêng lẻ bất kỳ nào. Thay vào đó, Mỹ cần đảm bảo không có quốc gia nào từ Iran, Saudi Arabia, Ai Cập hay UAE có thể thống trị một khu vực an ninh nào tại khu vực.

Ở một mức độ nào đó, MESA được thành lập như một liên minh chống Iran hơn là một diễn đàn hợp tác khu vực – nơi mà các chính phủ có thể hợp tác với nhau về các mối đe dọa an ninh chung. Điều này có thể tạo nên một nguy cơ phá vỡ sự cân bằng ổn định giữa các nước Trung Đông.

… hay chỉ tăng thêm những gánh nặng chất chồng cho Mỹ?

Mỹ không nên lựa chọn một bên nào trong các cuộc xung đột lâu dài giữa các phe phái ở Trung Đông. Giúp Saudi Arabia thực hiện kế hoạch ở Trung Đông vừa không phải là một lựa chọn thông minh, vừa là một hành động không cần thiết với Washington bởi điều này sẽ chỉ khiến Saudi Arabia tăng cường và lấn át ảnh hưởng của Mỹ.

Do vậy, theo đuổi chiến lược cân bằng quyền lực ở Trung Đông sẽ giúp Mỹ tự do hơn trong việc thiết lập và thúc đẩy các mối quan hệ mang tính xây dựng với chính phủ các nước ở đây.

Ủng hộ nước này hơn nước kia sẽ hạn chế tính linh động trong chính sách ngoại giao của Mỹ và làm giảm khả năng xử lý những thay đổi bất ngờ ngày càng gia tăng tại môi trường địa chính trị ở Trung Đông trong tương lai.

Các quốc gia chống Saudi Arabia không có nghĩa là họ sẽ chống lại Mỹ. Tuy nhiên, nếu Mỹ thiên về ủng hộ Riyadh và đồng nhất lợi ích của mình với Saudi, Washington sẽ hạn chế khả năng thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác của mình và khả năng lựa chọn các chính sách có lợi cho Mỹ.

Việc chính quyền Tổng thống Trump lựa chọn kẻ thắng và người thua trong các vấn đề căng thẳng trong khu vực là đi ngược với nghệ thuật xử lý vấn đề dựa trên thực tế – một chính sách đối ngoại chừa lại “đường lùi” để một quốc gia có thể hợp tác làm ăn với cả bạn và thù.

Theo Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng Quốc gia của chính quyền Tổng thống Trump, việc tham gia vào MESA cũng khiến Washington sa lầy thêm ở Trung Đông trong khi lẽ ra Mỹ nên xoay trục để ngăn cản cuộc xung đột giữa các cường quốc.

Như với Yemen, Washington đã rơi vào rắc rối vì những cuộc phiêu lưu quân sự mà các đồng minh của mình tham gia khi sa lầy vào những cuộc xung đột vốn không liên quan gì đến an ninh quốc gia của Mỹ.

Với mô hình hiện tại, MESA giống như một “cái bẫy” với Washington hơn là một mối quan hệ đối tác. Washington không cần phải có nghĩa vụ đảm bảo an ninh lâu dài ở Trung Đông mà cần tự tìm đường thoát khỏi những rắc rối trong khu vực và để các quốc gia ở đây tự giải quyết những vấn đề của mình.

Chính quyền Tổng thống Trump nên chào đón một Trung Đông muốn hợp tác sâu sắc hơn về quân sự và tình báo cũng như có nhiều trách nhiệm hơn trong việc đảm bảo an ninh của mình.

An ninh khu vực Trung Đông chỉ có thể được giải quyết bởi chính những quốc gia trong khu vực này và Nhà Trắng nên dừng việc “tự lừa dối bản thân” bằng cách nhận ra rằng trách nhiệm của Mỹ không phải là đi giải quyết các vấn đề cho các quốc gia khác.

Nếu vẫn tiếp tục sa lầy ở Trung Đông, Mỹ sẽ chỉ tiếp tục tiêu hao các nguồn lực của mình vốn được minh chứng trong hơn 1 thập kỷ trước. Đã đến lúc Washington tập trung hơn vào các vấn đề của tầng lớp trung lưu Mỹ thay vì những rắc rối ở Trung Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới