Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chuẩn bị khai hỏa cuộc tập trận lớn nhất của liên minh trong 20 năm trở lại đây. Điều đáng chú ý là Mỹ đưa cả tàu sân bay khổng lồ USS Harry S. Truman đến tham gia các cuộc “dương oai diễu võ” ở ngay cạnh Nga này, giới chức NATO cho biết.
Phát biểu tại trụ sở của NATO ở thủ đô Brussels ngày hôm qua (9/10), Đô đốc James G. Foggo thông báo, “tàu sân bay USS Harry S. Truman và nhóm tàu tấn công của nó gồm các tàu chiến và máy bay, sẽ tham gia vào cuộc tập trận Trident Juncture.” Ông Foggo là một chỉ huy trong Lực lượng Hải quân Mỹ và là người đứng đầu lực lượng hải quân của NATO.
Cuộc tập trận Trident Juncture sẽ có sự tham dự của tất cả 29 nước thành viên NATO và còn bao gồm hai nước khác là Thụy Điển và Phần Lan. Theo ông Foggo, cuộc tập trận tập trung vào ba mục tiêu chính với tên gọi 3D. Đó là mục tiêu “tăng cường năng lực phòng thủ của NATO, thể hiện năng lực đáng tin cậy của NATO và cùng phối hợp ngăn chặn những kẻ thù tiềm năng”.
Theo thông báo chính thức của NATO, cuộc tập trận sắp tới sẽ diễn ra ở Na-uy từ ngày 25/10 đến 7/11. Có tất cả khoảng 50.000 binh sĩ, 150 máy bay, 60 tàu chiến và 10.0000 phương tiện dự kiến sẽ tham gia khoe sức mạnh vào các cuộc diễn tập quân sự trong khuôn khổ cuộc tập trận Trident.
Khi được hỏi về việc cuộc tập trận rầm rộ sắp tới của NATO diễn ra gần sát các đường biên giới của Nga, Trung tướng Rune Jakobsen của Na-uy đã nói: “Khu vực tập trận cốt lõi nhằm cách xa biên giới Nga đến hơn 1.000km và các chiến dịch trên không có thể diễn ra ở khu vực cách biên giới Nga đến 500km, vì thế không có lý do gì để Nga phải lo sợ hoặc xem đó như một điều gì khác ngoài bản chất là một cuộc tập trận phòng thủ.”
Tàu sân bay USS Truman trước đây đóng tại phía đông Biển Địa Trung Hải và thường được dùng cho các chiến dịch chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay còn gọi là Daesh.
USS Truman là tàu sân bay thứ 8 thuộc lớp siêu hàng không mẫu hạm Nimitz. Tàu được đặt theo tên tổng thống thứ 33 của Mỹ. Các hàng không mẫu hạm hiện đại, chủ lực của Hải quân Mỹ hiện giờ chủ yếu là tàu sân bay thuộc lớp Nitmitz. Các tàu sân bay lớp Nimitz được đánh giá là những chiếc tàu chiến lớn nhất thế giới hiện nay và cũng là tàu sân bay tiên tiến nhất thế giới với lượng choán nước gần hoặc vượt 100.000 tấn. Loại tàu sân bay lớp này có thể mang theo tối đa gần 100 máy bay, trong điều kiện bình thường mang theo 60-70 máy bay và trực thăng.
Cuộc tập trận Trident Juncture diễn ra sau khi Nga vừa kết thúc cuộc tập trận cực kỳ hoành tráng Vostok 2018 với Trung Quốc hồi tháng trước. Được tổ chức ở Siberia, phía đông nước Nga, cuộc tập trận Vostok 2018 có sự tham dự của đến gần 300.000 quân – con số tương đương với 1/3 tổng quân số trong quân đội Nga.
Cuộc tập trận của NATO rõ ràng là một thông điệp răn đe được gửi đến Nga. Đô đốc Foggo thẳng thừng tuyên bố, cuộc tập trận Trident Juncture “sẽ có ảnh hưởng răn đe đối với bất kỳ lực lượng nào đang có ý muốn vượt qua những đường biên giới đó (các đường biên giới của NATO) nhưng không nhằm trực tiếp vào một quốc gia cụ thể nào. Sẽ có ích cho họ (Nga) khi đến tham dự và chứng kiến những gì chúng tôi thể hiện. Và họ sẽ học được nhiều điều. Tôi muốn họ (Nga) ở đó để có thể chứng kiến chúng tôi phối hợp với nhau nhuần nhuyễn như thế nào”.
Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cả hai bên đều có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.
Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.