Theo AsiaTimes, Mỹ và Trung Quốc đang có sự leo thang căng thẳng chưa từng có. Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đang cố để can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra tại Mỹ với một chiến dịch có hệ thống để hủy hoại uy tín của chính quyền trong những khu vực cử tri then chốt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hồi đầu năm. Ông đang đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế lên các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mỹ đang siết chặt nền kinh tế Trung Quốc thông qua việc leo thang chiến tranh thương mại và đồng thời đẩy mạnh những nỗ lực quân sự để thách thức chiến lược tham vọng của Trung Quốc trên những khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông.
Những lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng trên những mặt trận kinh tế và chiến lược đã khởi đầu cho những gì các nhà phân tích coi là một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới mà Mỹ thực hiện để chống lại Trung Quốc – Một cuộc cạnh tranh có thể leo thang nguy hiểm thành xung đột vũ trang trên biển.
Ông Donald Trump mới đưa cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh lên một nấc thang mới khi áp thuế lên 200 tỷ USD sản phẩm hàng hóa Trung Quốc. Trước đó vào hồi đầu năm Mỹ đã áp thuế lên 50 tỷ USD các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ cũng đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế lên khoản hàng Trung Quốc nhập khẩu trị giá 267 tỷ USD nếu Bắc Kinh không giải quyết được những e ngại xung quanh vấn đề mà chính quyền Mỹ coi là sự lợi dụng và thực hiện những chính sách thương mại không công bằng của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng lập tức trả đũa bằng cách áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ, trong khi dừng vô thời hạn những đàm phán thương mại nhằm giải quyết tranh chấp.
Có vẻ Trung Quốc coi mối quan hệ căng thẳng với Mỹ là một cuộc tranh chấp đã tồn tại từ trước, với cuộc chiến thương mại đang tiến hành là chiến lược ngăn chặn rộng hơn của Washington, đang trở nên dữ dội hơn qua các hoạt động quân sự trên Biển Đông.
Vào ngày 30.9, một tàu khu trục của quân đội Trung Quốc đã áp sát tàu chiến Mỹ đang thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải FONOP gần Đá Ga Ven và Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hải quân Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã tiếp cận theo một cách “hành động không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”. Tàu Trung Quốc đã tiến vào trong khoảng cách 40m so với mũi tàu USS Decatur và gần như đã gây nên xung đột hải quân nguy hiểm ở vùng biển này. Một quan chức Mỹ thông tin với Reuters rằng tàu khu trục đang đi trong phạm vi 12 hải lý cách các đá Ga Ven và Gạc Ma.
Đáp trả, Trung Quốc cáo buộc Mỹ vi phạm cái gọi là “chủ quyền và an ninh” và tố cáo việc Mỹ liên tục triển khai các tàu quân sự gần các đảo Trung Quốc [tuyên bố chủ quyền phi pháp] mà không có sự cho phép gây “tổn hại nghiêm trọng” tới quan hệ Mỹ – Trung.
Thời gian gần đây, Bắc Kinh đã quân sự hóa trái phép rất nhiều thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông, làm dấy lên mối quan ngại Trung Quốc đang nhắm tới việc lập nên vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trái phép trên tuyến đường hàng hải cốt yếu của thế giới.
Trên bầu trời, Mỹ cũng chống lại những tuyên bố phi lý của Trung Quốc thông qua việc gần đây đã điều các máy bay ném bom chiến lược B-52 tiến hành “sự hiện diện máy bay ném bom không ngừng” trên Biển Đông – một chính sách bị Trung Quốc đánh giá là “khiêu khích”.
Cùng lúc, Washington đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các đối tác trong khu vực bao gồm Nhật, Úc, Anh quốc. Hàn Quốc cũng có thể tham gia liên minh này. Vào giữa tháng 9, tàu khu trục Munmu the Great đã áp sát quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam [mà Trung Quốc đã chiếm đóng phi pháp từ những năm 1970] để tránh cơn bão Mangkhut. Bắc Kinh đã ngay lập tức khiển trách về mặt ngoại giao, nói rằng sự hiện diện của con tàu đã vi phạm luật Trung Quốc.
Chính quyền của tổng thống Trump cũng đã thông qua hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 1,3 tỷ USD với Đài Loan. Việc tăng sự hỗ trợ về quốc phòng với Đài Bắc là thách thức trực tiếp với những nỗ lực đang tăng lên của Bắc Kinh nhằm ép buộc Đài Loan phải “tái thống nhất”.
Gần đây, trong chuyến viếng thăm Manila, Đô đốc Hải quân Philip Davidson – tư lệnh của Bộ Chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới với Philippines. Trong đó, về cơ bản sẽ tăng cường các cuộc tập trận chung, bao gồm cả lĩnh vực an ninh hàng hải, hai bên đang đưa các số lượng các cuộc tập trận thường niên từ 261 lên 281.
Các quan chức không cung cấp thông tin chi tiết về 20 cuộc tập trận được tăng thêm nhưng chúng được hy vọng sẽ tập trung vào hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố cũng như các chiến dịch an ninh hàng hải. Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines, tướng Galvez hoan nghênh sự hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực an ninh: “Chúng tôi sẽ đã thực hiện điều này qua nhiều năm và vẫn còn rất nhiều điều phải học hỏi”.
Mối quan hệ song phương về quốc phòng đang được tăng cường dù tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị xem là có khuynh hướng ngoại giao nghiêng về phía Trung Quốc và thường chỉ trích Mỹ và các đồng minh phương Tây truyền thống.
Điều này phản ánh ảnh hưởng lâu dài của Washington tại Philippines, đặc biệt trong hàng ngũ tướng lĩnh quân sự có quyền lực lớn vẫn đang duy trì sự độc lập so với chính sách được ưu tiên của tổng thống Philippines. Hơn nữa, việc âm thầm khôi phục quan hệ hợp tác quốc phòng song phương cho thấy Manila đã tăng sự quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc tại những vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Trong trạng thái hoàn toàn đối lập, các mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang bước vào giai đoạn đương đầu nguy hiểm, với các kênh ngoại giao song phương rạn nứt và xung đột. Cuộc họp dự kiến vào tháng 10 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cùng người đồng cấp Trung Quốc là tướng Ngụy Phượng Hòa đã bị hủy bỏ giữa những căng thẳng đang gia tăng.
Trước đó, Trung Quốc đã hủy bỏ cuộc họp giữa Phó Đô đốc Hải quân Trần Kim Long và người đồng cấp Mỹ tại Newport, Rhode Island. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa dự kiến có lịch trình tới thăm Mỹ vào cuối năm nay nhưng Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuần trước đã thông tin chuyến viếng thăm có thể sẽ bị hủy bỏ.
Những căng thẳng song phương đã thâm nhập sâu vào trái tim của nền chính trị Mỹ khi ông Trump cáo buộc Trung Quốc trực tiếp can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra tại Mỹ. Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong cuộc họp gần đây, ông Trump đã cáo buộc Bắc Kinh “cố can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi và chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra”.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thẳng thừng phủ nhận những cáo buộc của ông Trump, lặp lại rằng Trung Quốc “sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ nước nào”, và “phủ nhận mọi cáo buộc vô lý chống lại Trung Quốc”.
Trong một bài bình luận cá nhân ngắn đăng trên báo Des Moines Register của bang Iowa, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad đã chỉ trích Bắc Kinh “đặt cược vào việc hăm dọa [cử tri Mỹ] bằng cách chạy những quảng cáo tuyên truyền trên báo chí tự do của chúng ta”.
Bình luận mang tính phê phán của ông đến sau một vụ om sòm được tạo ra bởi quảng cáo do chính phủ Trung Quốc trả tiền xuất hiện trên cùng tờ báo – cảnh báo nông dân Iowa về hậu quả của những cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Washington cáo buộc Trung Quốc thực hiện một chiến dịch có hệ thống để gây mất uy tín cho chính quyền của ông Trump trong những khu vực cử tri then chốt. Đặc biệt là các cộng đồng nông dân ở nông thôn nơi đang chịu thiệt hại vì sụt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra.
Nếu không được kiềm chế, những căng thẳng leo thang giữa hai siêu cường sẽ phá hủy mạnh mẽ liên kết thương mại khu vực trong khi làm gia tăng rủi ro xung đột vũ trang trên Biển Đông và có thể là tại cả các khu vực khác, AsiaTimes cảnh báo.